Vào nội dung chính
PHÁP - BẦU CỬ

Báo chí Pháp bình luận về bầu cử tổng thống vòng một

Chủ đề cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 chiếm tất cả trang nhất các nhật báo Pháp số ra hôm nay. Như chúng ta biết, hai người về đầu là ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande và Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy, trong đó ông Hollande dẫn trước với khoảng cách chừng 1,5 điểm. Tuy nhiên một trong những điều được coi là gây bất ngờ nhất là tỉ lệ phiếu bầu cao vượt xa dự kiến của ứng cử viên cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen với 18%, bên cạnh tỉ lệ cử tri đi bầu cũng cao hơn nhiều so với các dự đoán.

Tờ báo địa phương Nice Matin loan báo kết quả vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2012.
Tờ báo địa phương Nice Matin loan báo kết quả vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2012. REUTERS/Eric Gaillard
Quảng cáo

Tờ báo cánh hữu Le Figaro nhấn mạnh : « Cú đột phá của Marine Le Pen khởi động vòng hai ». Tờ báo thiên tả Libération chạy tựa : « Hollande người dẫn đầu, Le Pen kẻ phá đám ».

Báo Công giáo Le Croix thì mô tả « Trận giáp đấu ở vòng hai » với hình ảnh hai ứng cử viên mặt đối mặt. Tờ báo kinh tế Les Echos chạy hàng tựa : « Ông Hollande về đầu, bài toán khó đối với ông Sarkozy ». « Sarkozy. Sự chối bỏ » là tít chính của tờ báo cánh tả L’Humanité, với lời kêu gọi của Mặt trận cánh tả bỏ phiếu cho ông Hollande để đánh bại ông Sarkozy. Ứng cử viên Mặt trận cánh tả Jean-Luc Mélenchon, mặc dù chỉ đạt được hơn 11% phiếu bầu, tức là thấp hơn nhiều so với các cuộc điều tra dư luận, nhưng theo ghi nhận của L’Humanité, ông Mélenchon cũng đã thu hút được gần gấp ba lần số người ủng hộ, so với khi mới bắt đầu khởi sự tranh cử.

Bài xã luận mang tựa đề « Những chiếc chìa khóa của ngày 6/5 » trên Le Figaro nhận xét, ứng cử viên Nicolas Sarkozy đứng trước một thách thức ghê gớm. Cục diện hiện nay là cánh tả mặc dù không chiếm đa số, nhưng đủ để đưa ông Hollande vào ghế tổng thống trong cuộc bỏ phiếu vòng hai. Theo Le Figaro, trong việc này, trách nhiệm của thủ lĩnh đảng Mặt trận Quốc gia (FN) là hết sức lớn, khi bà Marine Le Pen từ chối lựa chọn giữa hai ứng cử viên về đầu. Tờ báo khẳng định, các cử tri của FN cần chọn ông Sarkozy để tránh việc ứng cử viên cánh tả vào được điện Elysée.

Xã luận của tờ Libération thì ghi nhận, chiến thắng rõ rệt của François Hollande cho thấy khát vọng thay đổi chính trị tại Pháp. Bên cạnh đó, chiến dịch tranh cử khó hiểu của ông Sarkozy không cho phép ứng cử viên này che lấp được thất bại của nhiệm kỳ vừa qua. Tờ báo cũng khẳng định chưa bao giờ đảng cực hữu FN lại mạnh đến như vậy ở Pháp. Theo Libération, đối mặt với tình thế mới, các cử tri Pháp cần lựa chọn các giải pháp cho tương lai của đất nước, « thoát ra các khủng hoảng xã hội, kinh tế và đạo đức bằng con đường hướng thượng », thay vì dựng lên huyền thoại là nước Pháp có thể sống sót bằng cách tự khép mình lại với lịch sử, với quá khứ, đóng cửa với bên ngoài.

Marine Le Pen, nhân vật về thứ ba trong cuộc bỏ phiếu vòng một cũng là mối quan tâm đặc biệt của Les Echos. « Marine Le Pen không có mặt ở vòng hai », nhưng « chính ứng cử viên này đã buộc cánh hữu phải đối mặt với những hoài nghi về ý thức hệ và những lo lắng của mình trong việc chinh phục cử tri » và « không cho phép cánh tả thụ hưởng trọn vẹn đà chiến thắng ». Tờ báo kết luận : « Hiểu được một cách chuẩn xác hơn những tình cảm thực tế của người Pháp là một trong các bài học của vòng một ».

Về « Giai đoạn giữa hai vòng », La Croix đặc biệt chú ý đến thái độ của hai ứng cử viên lọt vào vòng hai, với nỗi lo ngại rằng các chiến thuật quyến rũ cử tri có thể đưa hai đấu thủ tranh chức tổng thống đến chỗ « đua nhau đưa ra những lời hứa hẹn cao xa và xây dựng những liên minh đi vào bế tắc », thay vì hướng đến một dự án chung cho toàn nước Pháp, để giải quyết các vấn đề thực tế như nạn thất nghiệp, cân bằng ngân sách, tìm động lực cho tăng trưởng...

Các gian hàng Trung Quốc chiếm 1/10 Hội chợ công nghiệp Hanovre (Đức)

Vẫn tại Châu Âu, nhìn sang nước Đức, ngày hôm nay bắt đầu tuần lễ Hội chợ công nghệ toàn cầu thường niên lần thứ 65 tại Hanovre. Theo Les Echos, với 475 gian hàng Trung Quốc chiếm 1/10 tổng số gần 5.000 gian hàng của 70 quốc gia tại hội chợ công nghiệp lớn nhất hành tinh. Tờ báo nhận xét, Hội chợ Hanovre đánh dấu « tuần trăng mật giữa Đức và Trung Quốc », hai quốc gia công nghiệp đang lên trong thời điểm này.

Các chủ đề chính của năm nay là tự động hóa trong công nghiệp và tin học và đặc biệt là công nghệ năng lượng và môi trường… « Trí tuệ Xanh » là tên gọi chính thức của Hội chợ Hanovre. Berlin và Bắc Kinh cam kết phát triển « đối tác chiến lược » trong công nghệ xanh, như là động lực chủ yếu của các quan hệ thương mại song phương.

Theo phụ trương kinh tế của Le Figaro, hiện tại, Pháp vẫn giữ vị trí đối tác thương mại thứ nhất của Đức, với khoảng hơn 90 tỷ euro. Tuy nhiên, với tốc độ hiện nay, Trung Quốc có khả năng vượt lên Pháp trong hai, ba năm tới để trở thành đối tác số một của Đức. Hiện tại hàng hóa của Trung Quốc vào Đức chiếm 30% lượng hàng vào Châu Âu.

Các doanh nghiệp Đức bán cho Trung Quốc các máy công cụ để sản xuất các hàng hóa tiêu thụ thông thường, cũng như các ô tô sang trọng, ngược lại Trung Quốc xuất khẩu đồ điện tử và quần áo sang Đức.

Cuộc chơi mạo hiểm của bà Aung San Suu Kyi

Về thời sự Châu Á, tờ Le Figaro có bài : « Món cá cược đầy mạo hiểm của ‘‘Bà’’ ở Rangoon » với nhận định, trong khi bà Aung San Suu Kyi chuẩn bị tham gia Quốc hội Miến Điện, thì một số người cộng sự lo ngại rằng bà có thể mất đi một phần ảnh hưởng.

Aung San Suu Kyi không còn là một nhà ly khai, khiến phương Tây xúc động, vì một mình đương đầu với tập đoàn quân sự đầy uy lực, nhưng cũng chưa thực sự trở thành một nghị sĩ. Câu hỏi đặt ra là, liệu nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng về nỗ lực theo đuổi một lý tưởng cao cả, có thể thích ứng được với các thỏa hiệp, mặc cả và mưu mô trong đời sống chính trị Miến Điện ?

Khác với hai nữ lãnh đạo nổi tiếng người Ấn Độ và Pakistan, Indira Gandhi và Benazir Bhutto, bà Aung San Suu Kyi không được lớn lên bên cạnh cha. Mười lăm năm bị quản chế không cho phép bà có được một đội ngũ cố vấn giỏi. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ thì ở trong tình trạng thảm thương. Bản thân dự án chính trị của Aung San Suu Kyi cũng vẫn còn mỏng manh.

Đại tá Saw Khin Soe, một con người đầy quyền lực trong chính quyền Miến Điện, nói thẳng: « Tôi không biết gì nhiều về người đàn bà này, ngoại trừ việc chồng bà ta là người Anh ». Thái độ này cho thấy bà Aung San Suu Kyi sẽ gặp phải nhiều trở lực trong Quốc hội Miến Điện, nơi mà đa số tuyệt đối nằm trong tay đảng Đoàn kết và Phát triển, trên thực tế do tập đoàn quân sự dựng lên.

Một nhà ly khai Miến Điện, hiện lưu vong ở Thái Lan nhận xét, một khi các trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ, ảnh hưởng của Aung San Suu Kyi đối với phương Tây sẽ giảm đi, còn trong Quốc hội Miến Điện thì bà ở trong tình trạng đơn độc. Một thành viên của phong trào Thế hệ 88, gồm các sinh viên đã tham gia vào cuộc nổi dậy dân chủ 1988, thì bình luận, dù bà có trở thành bộ trưởng một bộ nhỏ, thì khả năng hành động của bà cũng sẽ rất hẹp, nếu Aung San Suu Kyi chỉ là một nhà đối lập không được hậu thuẫn. Ko Ko Gyi, một cựu tù nhân chính trị, thì bình luận thẳng thừng : « Aung San Suu Kyi sẽ làm thất vọng. Đây là điều không tránh khỏi. Bà ấy không phải là nhà ảo thuật ».

Hiện tại các nghị sĩ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ quyết định chưa tham gia kỳ họp Quốc hội ngày hôm nay 23/4, vì bất đồng về ngôn từ trong lời tuyên thệ nhậm chức. Theo Le Figaro, một khi « mớ bòng bong » về ngôn từ này được tháo gỡ, một giai đoạn đầy bất trắc sẽ mở ra với bà Aung San Suu Kyi.

Dải Sahel – sự bừng tỉnh đột ngột của một khu vực bị quên lãng

Trong khi các nước Bắc Phi, nơi diễn ra Mùa Xuân Ả Rập, tình hình đang trên đường bình ổn, thì nhiều bất ổn lại xuất hiện tại khu vực phía nam sa mạc Sahara. Phụ trương địa chính trị của Le Monde có một hồ sơ mô tả kỹ những biến động diễn ra ở đây. Hồ sơ mang tựa đề : « Sahel – sự tỉnh giấc đột ngột của một khu vực bị quên lãng ».

Từ chỗ là một khu vực bị bỏ qua, vùng miền bắc Mali, từ vài tháng trở lại đây, đã trở thành điểm nóng. Theo dự đoán của ngoại trưởng Pháp Alain Juppé, Al-Qaida cùng phong trào Hồi giáo Bắc Phi có thể biến toàn bộ Mali trở thành một nước Cộng hòa Hồi giáo. Không dừng lại tại quốc gia Tây Phi này, chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng dây chuyền, với sự tham gia của các cựu binh đánh thuê từ Libya và các phong trào Hồi giáo và phong trào nổi dậy tại chỗ, tại một khu vực rộng lớn ở Châu Phi phía nam sa mạc Sahara, từ bờ tây Đại Tây Dương đến bờ đông biển Đỏ.

Để hiểu được các biến cố tại khu vực nam Sahara, Le Monde chia toàn bộ quá trình nổi dậy ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là sự trở về của các nhóm chiến binh người Mali, Niger, Soudan từ Libya. Giai đoạn thứ hai là các phong trào Hồi giáo và sắc tộc tại chỗ. Chưa kể cuộc chiến giữa Soudan và Nam Soudan (quốc gia mới giành độc lập vào hồi mùa hè năm ngoái), hai quốc gia bên bờ đông của dải Sahel.

Le Monde điểm lại biến cố kích phát cuộc bạo loạn tại Mali, nổ ra đầu năm nay với sự trở về của Touareg, quân lính đánh thuê tại Libya, mang theo nhiều vũ khí, vào lúc chế độ Kadhafi trên bờ sụp đổ. Nhóm binh lính đánh thuê cũ hợp với một nhóm khác tại chỗ để lập nên Phong trào Dân tộc giải phóng Azawad, là lực lượng nổi dậy hiện nắm quyền kiểm soát khu vực miền bắc Mali. Ngay tại Mali, một cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra, khiến Tổng thống được bầu lên hợp pháp phải từ chức. Cuộc bạo loạn giành quyền độc lập ở bắc Mali kể trên đem lại cảm hứng cho nhiều phong trào vũ trang tại nhiều quốc gia láng giềng Tây Phi và gây lo ngại cho chính phủ các nước này. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.