Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Vòng hai bầu cử tổng thống Pháp : tả hữu phân tranh

Đăng ngày:

Tại Pháp, bầu cử tổng thống bước vào vòng chung kết. Ứng cử viên cánh tả François Hollande về đầu ở vòng loại và được xem là có nhiểu triển vọng đắc cử. Tổng thống Nicolas Sarkozy phải về nhì vì không ngăn chận được một phần cử tri cánh hữu truyền thống bỏ phiếu cho lãnh đạo đảng cực hữu. Mục tiêu của phe này là làm cho tổng thống mãn nhiệm thất cử để giành vị trí đối lập chủ yếu.

Hai ứng cử viên tổng thông Pháp 2012 : François Hollande (trái) và Nicolas Sarkozy (phải)
Hai ứng cử viên tổng thông Pháp 2012 : François Hollande (trái) và Nicolas Sarkozy (phải) REUTERS/Montage RFI
Quảng cáo

Theo kết quả vòng một bầu cử tổng thống Pháp hôm 22/04/2012 vừa qua thì tổng thống mãn nhiệm, lãnh đạo cánh hữu truyền thống đã bị thất bại nặng nề. Trước hết, tuy vào vòng chung kết ngày 06/05/2012 tới đây, nhưng ông Nicolas Sarkozy thua đối thủ Xã Hội François Hollande 1,5 điểm theo kết quả chính thức. Thứ đến, vị tổng thống bị xem là nguyên thủ quốc gia bị dân chúng bất mãn nhất trong Đệ Ngũ Cộng Hòa chỉ được 27, 18% phiếu thua xa tỷ lệ 31,18% mà ông đạt được ở vòng 1 cách nay 5 năm.

Mặc dù ông sử dụng những lập luận gần gũi với phe dân tộc chủ nghĩa Mặt Trận Quốc Gia như chỉ trích công đoàn, đòi thiết lập lại biện pháp kiểm soát biên giới quốc gia, tổng thống mãn nhiệm không chinh phục được cử tri của phe cực hữu này mà còn bị mĩa mai. Kết quả chủ nhật tuần trước là phe cực hữu về hạng ba với hơn 6,4 triệu phiếu, tương đương với 17,90%, một tỷ lệ kỷ lục.

Nếu tổng kết chung hai phe tả hữu thì phe tả được dân chúng ủng hộ nhiều hơn với 43,75% , thêm gần 9 điểm so với tỷ lệ 34,87% trong đợt bầu cử 5 năm về trước. Trong khi đó, cánh hữu mọi xu hướng cộng lại là 46,87% tăng thêm 1,87 điểm trong cùng thời gian. Trong cái nhìn thuần túy toán học này thì nước Pháp năm 2012 vừa thiên hữu hơn mà cũng vừa thiên tả nhiều hơn so với năm năm trước.

Nếu Mặt Trận Quốc Gia của bà Marine Le Pen biến lời đe dọa thành hành động làm sụp đổ cánh hữu truyền thống để chiếm lĩnh không gian đối lập làm bàn đạp cho 2017 thì Tổng thống Sarkozy sẽ không thể hội đủ số phiếu của toàn bộ phe hữu để tái đắc cử. Ý thức được điều này và do bản tính quyền biến cả hai ứng cử viên tả và hữu sẽ tập trung chinh phục cảm tình của cử tri bỏ phiếu cho phe cực hữu mà phần đông là thành phần nghèo và sống ở nông thôn xa xôi.

Nhưng bên cạnh nhu cầu chiến thuật này, hai ứng cử viên vòng chung kết, mỗi người có một nhãn quan khác nhau về chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh khủng hoảng. Cánh hữu chủ trương bảo vệ nâng đỡ những thành phần năng động trong khi phe Xã Hội muốn tạo một đất nước hài hòa, kẻ giàu chia sẻ cho người nghèo.

Cả hai sách lược này đều mang giá trị, ưu điểm lẫn nhược điểm của nó. Có hai tuần suy nghĩ, người dân Pháp sẽ tự định đoạt tương lai của mình bằng lá phiếu vào ngày chủ nhật 06/05/2012 tới.

Câu hỏi đặt ra là cử tri sẽ chọn nhân vật nào, thuộc cánh hữu hay cánh tả để ủy nhiệm tương lai quốc gia trong năm năm tới trong tình hình kinh tế thế giới bấp bênh ? Do đâu mà có nhiều cử tri bỏ phiếu cho phe cực hữu và trong vòng chung kết phong trào này sẽ có thái độ ra sao ?

Mời quý thính giả theo dõi phần phân tích của nhà Xã Hội Học Trịnh Văn Thảo, nguyên là giáo sư đại học Aix-en-Provence, Pháp. 

« Cuộc bầu cử tổng thống Pháp quan trọng vì nó nằm trong một giai đoạn chuyển tiến của xã hội nước Pháp nói riêng và xã hội Tây phương nói chung. Nói cách khác, chúng ta đi vào một giai đoạn khủng hoảng rất là trầm trọng thành thử ra hai nhân vật này dù muốn dù không họ tiêu biểu cho hai đường lối chính trị khác nhau. Ông Sarkozy tìm cách chứng minh là ông có lý. Bầu cho ông Sarkozy là chấp nhận đường lối hết sức tự do dựa vào thành công đứng về mặt kinh tế và quốc tế, nhưng mà xem thường những giá trị khác như sự quân bình giữa các thành phần trong xã hội, vấn đề giáo dục, vấn đề văn hóa và bình đẳng xã hội. Một đằng (Nicolas Sarkozy)bảo vệ quyền lợi những người đã có quyền lợi, một đằng (François Hollande) là muốn chia sớt phần nào sự giàu sang của xã hội để cho những người bị bạc đãi có phương tiện tiến tới... »

Giáo sư Trịnh Văn Thảo


Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.