Vào nội dung chính
PHÁP - HẠT NHÂN

Greenpeace lại xâm nhập vào nhà máy điện hạt nhân tại Pháp

Hôm nay 02/05/2012, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace thông báo họ đã xâm nhập được vào bên trong nhà máy điện hạt nhân Bugey, gần thành phố Lyon của nước Pháp để đặt một quả lựu đạn khói bên cạnh một trong các lò phản ứng. Hành động cảnh báo của Greenpeace này đã gây thêm lo ngại cho vấn đề an toàncủa các trung tâm điện nguyên tử ở Pháp.

Thành viên Greenpeace bay trên nhà máy điện hạt nhân Bugey (Saint-Vulbas), gần thành phố Lyon, ngày 02/05/2012.  Ảnh do Greenpeace cung cấp.
Thành viên Greenpeace bay trên nhà máy điện hạt nhân Bugey (Saint-Vulbas), gần thành phố Lyon, ngày 02/05/2012. Ảnh do Greenpeace cung cấp. REUTERS/Lagazeta / Greenpeace/Handout
Quảng cáo

Trong bản thông cáo, tổ chức bảo vệ sinh thái nổi tiếng là quyết liệt này cho biết, một nhà họat động của họ đã dùng dù có động cơ để bay trên không phận bị cấm của trung tâm điện hạt nhân, rồi sau đó hạ xuống lò phản ứng và đặt một quả lựu đạn khói.

Hành động này chỉ nhằm mang tính chất cảnh báo của tổ chức Greenpeace về độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp. Thông cáo của tổ chức viết : « Chuyến bay này cho thấy các cơ sở hạt nhân của Pháp không được bảo vệ tốt trước các đe dọa tấn công từ trên không ».

Tổ chức bảo vệ sinh thái này cũng công bố trên mạng của mình một nghiên cứu liên quan đến mức độ thiếu an toàn của 58 lò phản ứng hạt nhân của Pháp trong trường hợp có máy bay dân dụng rơi xuống khu vực nhà máy. Theo Greepeace thì đây là khả năng mà các nhà quản lý trung tâm hạt nhân ở Pháp không chú ý tới.

Đây không phải lần đầu tiên, hồi tháng 12 năm ngoái, nhiều thành viên của Greepeace đã xâm nhập thành công vào trung tâm hạt nhân Nogent sur Seine và vào đến tận lò phản ứng để giương biểu ngữ « Hạt nhân an toàn không tồn tại ».

58 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc, sản xuất ra 75% lượng điện của cả nước Pháp. Sau tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011, nhiều cường quốc điện hạt nhân như Đức, Bỉ và Thụy Sĩ đã tính đến chuyện từ bỏ nguồn năng lượng, giờ bị cho là nguy hiểm tiềm tàng này.

Riêng ở Pháp vấn đề điện hạt nhân cũng là một chủ đề gây tranh luận sôi nổi trong chiến dịch tranh cử tổng thống sẽ kết thúc vào ngày 6/5 tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.