Vào nội dung chính
PHÁP - ĐỨC

Pháp-Đức đồng thuận giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro

Ngày hôm qua, 15/05/2012, vài giờ sau khi nhậm chức tổng thống Pháp, ông François Hollande đã bay sang Berlin để gặp thủ tướng Đức, bà Angela Merkel. Cuộc gặp đầu tiên giữa tân tổng thống Pháp và thủ tướng Đức rất được giới quan sát chú ý theo dõi.

Tổng thống Pháp François Hollande (P) và thủ tướng Đức Angela Merkel sau cuộc họp báo chung, Berlin, 15/05/2012
Tổng thống Pháp François Hollande (P) và thủ tướng Đức Angela Merkel sau cuộc họp báo chung, Berlin, 15/05/2012 REUTERS
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo chung vào tối hôm qua, lãnh đạo hai nước cùng biểu thị thái độ đoàn kết để giúp đỡ Hy Lạp, nhưng đồng thời, cũng không hề che dấu những bất đồng trong chính sách tạo tăng trưởng ở châu Âu.

Sau khi thủ tướng Đức Merkel tuyên bố : « Chúng tôi muốn là Hy Lạp ở lại trong khu vực đồng euro », tổng thống Pháp Hollande nhấn mạnh : « Cũng như bà Merkel, tôi mong muốn Hy Lạp ở lại trong khu vực đồng euro ».

Bế tắc chính trị và nguy cơ Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đồng euro đã là một trong những chủ đề chính của cuộc gặp đầu tiên giữa ông Hollande và bà Merkel. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 06/05 vừa qua, một số chính đảng cực tả và cực hữu chủ trương chống chính sách thắt lưng buộc bụng giành được tỷ lệ phiếu ủng hộ cao. Các nỗ lực thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc đã thất bại.

Trong bối cảnh đó, thủ tướng Đức khẳng định Berlin và Paris « ý thức được trách nhiệm của mình » đối với châu Âu và hai nước có trách nhiệm phải làm việc cùng với nhau.

Đồng thuận để giúp đỡ Hy Lạp, nhưng Pháp và Đức lại bất đồng về phương pháp tạo tăng trưởng ở châu Âu và lãnh đạo hai nước nhấn mạnh đến quyết tâm cùng đàm phán để vượt qua những khác biệt này.

Quan điểm của tân tổng thống Pháp là phải ưu tiên cho tăng trưởng tại châu Âu, tìm kiếm các nguồn tài chính cho các dự án lớn. Còn thủ tướng Đức nhấn mạnh đến kỷ cương về ngân sách và chủ trương tạo tăng trưởng qua các thay đổi cơ cấu kinh tế, cải cách thị trường lao động, nâng cao sức cạnh tranh…

Trong cuộc họp báo, ông Hollande nói Paris sẵn sàng nêu ra tất cả những bất đồng trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào ngày 23/05, kể cả việc phát hành công trái châu Âu, một chủ đề « kiêng kỵ » đối với Đức.

Tổng thống Pháp cũng nhắc lại mong muốn đàm phán lại Hiệp định về kỷ luật ngân sách, để có thể bổ sung vào đó vấn đề tăng trưởng. Theo ông Hollande, hai bên trình bầy tất cả những suy nghĩ, đưa ra các đề nghị, sau đó, cùng nhau tìm kiếm các giải pháp pháp lý, cho phép thực hiện những đề xuất này.

Cuối chiều ngày hôm qua, tân tổng thống Pháp François Hollande đã tới Berlin và được đón tiếp với nghi lễ trọng thị. Sau đó, ông đã hội đàm với thủ tướng Đức Angela Merkel trong vòng gần một tiếng đồng hồ. Lãnh đạo hai nước tươi cười bắt tay nhau, thái độ lịch sự, hữu nghị, xưng hô với nhau theo chức danh.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Pháp, ông François Hollande đã nhiều lần tuyên bố, nếu trúng cử, ông mong muốn đàm phán lại Hiệp định về kỷ luật ngân sách, đã được 25 trong tổng số 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu ký kết hồi tháng Ba và nghị viện của một số quốc gia đã phê chuẩn. Ông Hollande cho rằng cần phải bổ sung vào văn bản này các biện pháp tạo tăng trưởng ở châu Âu. Thủ tướng Đức phản đối khả năng này.

Bà Merkel đã từng công khai tuyên bố ủng hộ ứng viên – tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy, cùng phe cánh hữu bảo thủ như bà và từ chối tiếp ứng viên cánh tả François Hollande khi ông qua Đức. Về phần mình, ứng viên Hollande cũng đã mong muốn có thay đổi chính trị tại Đức.

Một sự cố đã xẩy ra ngay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Hollande : Sau vài phút cất cánh, máy bay của tổng thống Pháp bị sét đánh và buộc phải quay lại Paris. Tân tổng thống Pháp phải dùng một chuyên cơ khác, do vậy, ông đã tới Berlin chậm gần một giờ so với chương trình dự kiến ban đầu. Về sự cố này, thủ tướng Merkel đã vui đùa nói rằng có thể đó là một điềm báo hiệu tốt lành cho quan hệ hợp tác Pháp- Đức.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.