Vào nội dung chính
PHÁP - ALGERI

Nửa thế kỷ quan hệ « đầy cảm xúc » giữa Pháp và Algeri

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Algeri độc lập, Le Monde có loạt bài về Algeri, đặc biệt về quan hệ giữa Paris và Alger. Quan hệ này được tờ báo tóm lại trong hàng tựa « Nửa thế kỷ ‘‘đầy cảm xúc’’ giữa Pháp và Algeri », điểm lại những thời điểm thăng trầm trong quan hệ song phương này.

Pháo bông rực sáng trên bầu trởi thủ đô Alger hôm 05/07/2012, mừng kỷ niệm 50 năm ngày Algeri giành lại độc lập từ tay Pháp.
Pháo bông rực sáng trên bầu trởi thủ đô Alger hôm 05/07/2012, mừng kỷ niệm 50 năm ngày Algeri giành lại độc lập từ tay Pháp. REUTERS/Louafi Larbi
Quảng cáo

Trong nửa thế kỷ qua, quan hệ giữa Pháp – cựu cường quốc thực dân – và nước Angeri độc lập đã trải qua nhiều thăng trầm, khi khủng hoảng, lúc nồng thắm. Mối quan hệ này được cả hai quốc gia bên bờ Địa Trung Hải mô tả là « đầy cảm xúc ». Vừa có tin ông François Hollande đắc cử tổng thống đắc cử 06/05/2012, tổng thống Algeri Abdelazis-Bouteflika đã gọi điện chúc mừng. Tuy nhiên, để có một chuyến công du chính thức tới Alger, giống như người tiền nhiệm, tân tổng thống Pháp cũng phải chờ đợi. Algeri không chấp nhận đề nghị của tổng thống Pháp, có mặt trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày độc lập, hôm nay 05/07/2012. Như vậy, Pháp không có mặt trong danh sách 9 khách mời của Algeri, là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Nhật, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Indonesia và Ba Lan, các quốc gia đã giúp đỡ hay ủng hộ Algeri trong cuộc chiến giành độc lập.

Tuy nhiên, ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sẽ tới Alger vào giữa tháng 7, để chuẩn bị cho chuyến công du chính thức của tổng thống Pháp. Tại Alger, tổng thống Hollande được nhiều ủng hộ : các kiều dân Pháp tại Algeri bầu cho ông nhiều hơn, chiến thắng của ông Hollande được dân chúng thủ đô Alger chào mừng với các tràng còi xe hơi…

Le Monde điểm lại những thời điểm thăng trầm trong quan hệ song phương này. Dưới thời của tổng thống Chirac, quan hệ Pháp-Algeri nồng thắm nhất. Một hiệp định hữu nghị, với một chương quy định về vấn đề « rất nhạy cảm » xuất nhập cảnh đã được chuẩn bị vào năm 2003. Chuyến công du của tổng thống Pháp được chuẩn bị rất kỹ lưỡng đã hết sức thành công. Trước đó một năm, Jacques Chirac đã tìm cách để tổng thống Algeri có mặt tại hội nghị thượng định Pháp ngữ tại Beyrouth. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Algeri tham dự vào hoạt động này. Tuy nhiên, khá nhanh chóng sau đó sự nồng thắm giữa Pháp – Algeri biến mất. Theo Le Monde, trận động đất kinh khủng tại Bourmedes ngày 21/03/2003, dường như đã làm thay đổi hoàn toàn con người tổng thống Bouteflika. Theo nhiều người Pháp phụ trách liên lạc với ông Bouteflika, tổng thống Algeri ngày càng xa rời thái độ duy lý. Một người Pháp cho biết, « ông ấy thường xuyên nói đến Đấng Tối cao ».

Tuy nhiên biến cố khiến quan hệ song phương trở nên tồi tệ hơn hết là việc Quốc hội Pháp, do đảng cánh hữu UMP kiểm soát, đã thông qua luật ngày 23/02/2005, liên quan đến các công dân Pháp hồi hương, trong đó có điều 4 nhấn mạnh « vai trò tích cực » của Pháp ở hải ngoại và đặc biệt là ở Bắc Phi thời thực dân.

Mặc dù, điều 4 gây tranh cãi đã bị xóa bỏ sau đó, vào năm 2006, nhưng quá trình cải thiện quan hệ Pháp – Algeri bị ngưng lại, dự án Hiệp ước hữu nghị hoàn toàn bị chôn vùi. Sau đó, chính phủ Pháp có động thái sửa chữa, với việc thừa nhận cuộc thảm sát Sétif chống quân nổi dậy Algeri năm 1945, nhưng tình hình không khả quan hơn. Nhiều người Algeri muốn cải thiện quan hệ với Pháp cảm thấy văn bản luật tháng 2/2005 như một sự lăng nhục. Nhiều tiếng nói cất lên yêu cầu chính phủ Pháp xin lỗi.

Đến năm 2010, xung đột lại nổi lên với việc các nghị sĩ Algeri đưa ra một dự luật, chủ trương xét xử các tội phạm thời thực dân. Cuộc kháng chiến chống thực dân ngày càng được sử dụng như một vũ khí tranh giành quyền lực trong nội bộ chính quyền Algeri. Theo Le Monde, chính sách ngoại giao « vừa nóng, vừa lạnh » với Algeri của cựu tổng thống Sarkozy, khiến quan hệ với Alger trở nên băng giá.

Riêng về dịp kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của Algeri, dù có rất nhiều hoạt động tưởng niệm, hội thảo, vui chơi, giải trí rầm rộ được tổ chức, nhưng không có gì đặc biệt long trọng trong chương trình, cũng không ai biết liệu tổng thống Bouteflika có mặt hay không. Theo Le Monde, « dịp kỷ niệm nửa thế kỷ ngày độc lập không che lấp được sự mất lòng tin của một bộ phận giới trẻ ».

Hiện tại Algeri - vẫn chưa có chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 10/05 - bị rất nhiều chỉ trích. Trả lời phỏng vấn AFP, ông Abderrahmane Mebtoul – giảng viên đại học, chuyên gia về quản trị chiến lược – nói rằng, những yếu điểm hiện nay của Algeri là tầng lớp tinh hoa chính trị già đi, sự lỗi thời của hệ thống chính trị, cùng các tranh giành quyền lực nội bộ ; khủng hoảng kinh tế, xã hội và văn hóa, cùng các áp lực đang ngày càng nặng từ bên ngoài.

Theo đánh giá của cựu thủ tướng Algeri Ahmed Benbitour, một nhà kinh tế học, đăng tải trên tờ Liberté - nhật báo nổi tiếng ở Algeri - « 50 năm sau độc lập, hiện tại (chính quyền) Algeri vẫn còn đang trên đường tìm một tính chính đáng, dựa trên sự kết hợp giữa một cương lĩnh và một chiến lược có nền tảng, một quy chế pháp lý xác định cách tổ chức  và phương thức vận hành của Nhà nước (…) ».

Ngày không có báo tại Pháp, trong bối cảnh báo giấy khủng hoảng

Hôm nay, tại Pháp theo lời kêu gọi của nghiệp đoàn Filpac CGT, các nhân viên phân phối báo đã đình công để phản đối hàng loạt quyết định sa thải của các tòa báo. Tờ báo kinh tế Les Echos nhìn hiện tượng này trong cuộc khủng hoảng chung với hàng tựa « Một ngày không nhật báo trong bối cảnh báo giấy khủng hoảng ».

Theo Les Echos, kêu gọi đình công của Filpac CGT là nhằm báo động chính quyền về cuộc khủng hoảng của báo giấy Pháp và kêu gọi mở cuộc tranh luận toàn quốc về lĩnh vực này.

Les Echos thuật lại cảnh trần ai của báo giấy Pháp. Bị internet cạnh tranh, kể từ năm 2009, nguồn thu của báo giấy bắt đầu suy giảm. Một số tờ báo chuyển sang đầu tư cho ấn bản điện tử, tuy nhiên, thu nhập từ báo mạng hiện nay còn chưa đủ. Nhiều tòa soạn lên án hành động kêu gọi bãi công của nghiệp đoàn CGT gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi. Ông Marc Feuillée, chủ tịch Nghiệp đoàn nhật báo quốc gia Pháp và tổng giám đốc của nhóm Le Figaro, cho rằng, cuộc đấu tranh của CGT là lạc hậu, đẩy lùi các thay đổi cần thiết và làm độc giả chán báo.

Trên thực tế, báo giấy đang bị mất khách nghiêm trọng. Trong bốn năm 2008-2011, lượng báo bán tại các ki-ốt giảm 25%. Dự kiến báo giấy cũng sẽ giảm với tốc độ như vậy trong bốn năm tới.

Còn theo tờ báo cánh tả L’Humanité, đang diễn ra một đợt sa thải lớn trong lĩnh vực báo chí. Có tổng cộng đến cả nghìn chỗ làm bị xóa bỏ ở các báo quốc gia và địa phương. Nghiệp đoàn Filpac CGT lên án chính sách sa thải hàng loạt, để phục vụ cho « một tín điều về hạch toán kinh tế và viễn cảnh ra đời của một hay hai cụm báo chí Pháp ở tầm quốc tế » của chính phủ tiền nhiệm kết hợp với giới chủ. CGT yêu cầu tổ chức « một cuộc đàm phán quốc gia về một kế hoạch phát triển và hỗ trợ các tổ chức truyền thông », hủy bỏ sắc lệnh trợ giúp của chính phủ cũ và yêu cầu minh bạch hóa các khoản trợ cấp của nhà nước.

"Con thỏ và cánh đồng lúa" : Quá trình phát hiện ra hạt cơ bản boson Higgs

Như chúng tôi đã đưa tin, công bố phát hiện về hạt boson Higgs ngày hôm qua gây chấn động giới khoa học toàn cầu. Phát hiện kể trên là một đột phá hết sức quan trọng mở ra một trang mới trong công cuộc khám phá bí ẩn của Vũ trụ.

Báo Le Monde hôm nay dành một hồ sơ để giới thiệu về phát hiện này. Việc phát hiện ra hạt boson Higgs là kết quả của quá trình làm việc hàng chục năm, kể từ phát hiện mang tính giả thuyết của sáu nhà vật lý năm 1964. Hai thập kỷ sau đó, công cuộc truy tìm hạt cơ bản, còn được mệnh danh là « hạt của Chúa », vì chứa đựng các yếu tố cho phép giải thích quá trình hình thành vũ trụ, đã thu hút đến hơn 6.000 nhà khoa học. Để phát hiện ra hạt siêu nhỏ này, máy gia tốc LHC, máy gia tốc lớn nhất thế giới của tổ chức Nghiên cứu nguyên tử châu Âu, có vai trò quyết định.

Để giúp cho công chúng dễ nhận biết quá trình khám phá ra hạt boson Higgs kỳ diệu, bài « Các nhà vật lý đã phát hiện ra được hạt boson Higgs, với 99,9999% độ tin cậy » dẫn lời của vật lý lý thuyết Jean-Marie Frère, đại học Université libre de Bruxelles. Về mặt chính thức, tổ chức Nghiên cứu nguyên tử châu Âu chỉ thông báo phát hiện ra được các hạt gần với hạt boson Higgs, tức hạt boson theo giả thuyết của nhà vật lý người Anh Peter Higgs, tuy nhiên, theo ông Jean-Maris Frère, hiện nay không ai còn phủ nhận sự tồn tại của hạt này.

Để mô tả quá trình tìm ra hạt boson Higgs, nhà vật lý đưa ra hình ảnh tưởng tượng, hạt boson Higgs giống như một con thỏ lớn nằm bất động bên cạnh một đồng lúa mì có cùng màu. Về nguyên tắc, nếu con thỏ không động đậy, trong khi đồng lúa lay động, thì sau khi quan sát rất lâu, ta sẽ phát hiện ra con thỏ. Tuy nhiên, cần phải quan sát rất lâu, mà phần lớn thời gian, các nhà vật lý chỉ thấy cánh đồng mà không thấy thỏ.

Máy gia tốc hạt LHC, dài 27 km, đặt dưới độ sâu 100 mét dưới lòng đất, làm nhiệm vụ tạo nên các va chạm liên tục và với tốc độ gần bằng ánh sáng giữa các hạt giúp cho các nhà khoa học phát hiện ra con thỏ boson Higgs. Vào cuối tháng 12/2011, đã có khoảng 400 triệu triệu va chạm. Cho đến giữa tháng 6/2012, tống số va chạm đã tăng lên gấp đôi. Mà trong toàn bộ thời gian này, nhà vật lý Jean-Marie Frère ghi nhận, chỉ nhận diện được có khoảng 100 con thỏ.

Le Monde có bài « Đánh cược, chậm trễ, tai nạn… Một cuộc phiêu lưu 20 năm » để thuật lại quá trình cộng đồng quốc huy động các phương tiện cho phát hiện hạt boson Higgs. Trong cuộc chạy đua này, Hoa Kỳ đã phải bỏ cuộc vào năm 1993 vì không đủ kinh phí.

Phát hiện hạt boson Higgs chưa chấm dứt quá trình tìm kiếm thế giới siêu nhỏ, các nhà vật lý vẫn chưa nhìn thấy tận mắt các boson, mà chỉ thấy các sản phẩm của chúng, tức là các hạt tạo ra từ sự phân hủy của các boson Higgs, xuất hiện và biến đi vô cùng chớp nhoáng sau các va chạm.

Theo nhiều nhà vật lý học hàng đầu, phát hiện đột phá này mở ra cả một không gian mới cho khoa học vật lý. Hiện tại Châu Âu đã bắt đầu bàn đến chuyện chế tạo một hệ thống máy mới để đưa cuộc thám hiểm thế giới siêu nhỏ đi xa hơn. Vào tháng 9 tới, các nước Châu Âu sẽ bắt tay vào việc xác định lộ trình cho công việc này. Để hỗ trợ của quá trình phát hiện, giới khoa học còn có thể sử dụng những trợ giúp đến từ « trời cao », hiểu hoàn toàn theo nghĩa thế tục. Tại Namibia và Arhentina, có các trạm quan sát ghi lại các va đập giữa các hạt siêu nhỏ từ vũ trụ với bầu khí quyển. Trong vũ trụ còn có bao nhiêu máy gia tốc hạt tự nhiên, mạnh gấp nhiều lần các máy gia tốc trên trái đất.

Paris Cinéma lần thứ 10

Năm nay là năm thứ 10 Paris tổ chức hội Điện ảnh. Từ ngày 29/06 đến 10/07, nhiều hoạt động diễn ra trong dịp hội điện ảnh Paris. Điện ảnh Hồng Kông thời kỳ hoàng kim là chủ đề chính của dịp hội năm nay, với gần 100 phim trình chiếu.

Với một chiếc vé Cinépass 35 euro, người yêu thích điện ảnh có thể thưởng thức nhiều loại tác phẩm khác nhau của nghệ thuật thứ 7, từ các bộ phim vừa ra mắt ở Cannes, cho đến các bộ phim ngắn chưa từng công bố, từ các buổi truyền nghề với các đạo diện nối tiếng đến các phim tranh giải… Ngoài ra còn có nhiều hoạt động miễn phí dành cho công chúng, như Ciné-karaoke tại trung tâm Centrequatre, quận 19, chiều tối thứ Bảy 07/07, hay hai ngày (07 và 08/07) trưng bày và mua bán đồ nghề làm phim và các đồ điện ảnh khác tại sân trước Thư viện MK2 Bibliothèque và Thư viện Quốc gia Mitterand…

Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên ra mắt Festival đại lộ Champ-Elysée từ 06 đến 12 tháng Bảy. Liên hoan này tập hợp các rạp chiếu thử nghiệm Art&Essai của khu phố nổi tiếng này, cùng với các tổ hợp hỗn hợp điện ảnh, giải trí khác. Với cái giá cũng là 35 euro, các bộ phim chủ yếu đến với khán giả là phim của các hãng lớn Hoa Kỳ và các phim độc lập. Người phụ trách festival, bà Sophie Dulac, thừa nhận, đây là một thách thức với Liên hoan phim Mỹ nổi tiếng tại Dauville.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.