Vào nội dung chính
VĂN HỌC

Giải văn học Goncourt được trao cho nhà văn Jérôme Ferrari

Đúng với truyền thống, ban giám khảo Goncourt đã công bố kết quả vào trưa nay 07/11/2012. Giải thưởng văn học cao quý nhất của Pháp năm nay được trao cho quyển tiểu thuyết Le sermon sur la chute de Rome của nhà văn Jérôme Ferrari do nhà xuất bản Actes Sud phát hành.

Quảng cáo

Năm nay 44 tuổi, Jérôme Ferrari hiện là giáo sư môn triết tại trường trung học tiếng Pháp ở Abu Dhabi. Bên cạnh việc giảng dạy, anh còn bắt đầu sáng tác kể từ 10 năm nay Tiểu thuyết đầu tay ra đời vào năm 2002, còn tác phẩm vừa đoạt giải Goncourt là quyển tiểu thuyết thứ 6 của nhà văn này.

Tựa đề tác phẩm Le sermon sur la chute de Rome gợi hứng từ ‘‘bài giảng’’ của thánh Agustino về ngày tàn của đế chế La Mã. Theo đó, có thịnh rồi sẽ có suy : một thế giới, đế chế hay vương quốc cũng như một con người sinh ra, lớn lên để rồi suy tàn biến mất.

Theo các nhà phê bình, tác giả Jérôme Ferrari không dám so sánh mình với một triết gia, không hẳn viết một câu chuyện ngụ ngôn, nhưng lại khéo dùng thủ pháp phúng dụ, dùng những câu chuyện rất nhỏ để nói lên một câu chuyện lớn hơn của nhân loại theo quy luật tuần hoàn thịnh suy.

Với lối mô tả khá hiện thực, nhưng bút pháp vẫn đậm chất thơ, Jérôme Ferrari kể lại câu chuyện của hai sinh viên đeo đuổi ngành triết học nhưng vì lý do gia đình, vật chất buộc phải từ bỏ những lý tưởng đầu đời, những khát vọng thay đổi thế giới của tuổi trẻ mới lớn.

Họ bỏ học để mở một quán nước tại một ngôi làng trên đảo Corse. Xung quanh hai thanh niên này, còn có nhân vật của người ông nội, thời thanh niên nhập ngũ quân đội, đi theo các đoàn quân viễn chinh sang các vùng thuộc địa.

Sau bao lần va chạm, lý tưởng của người lính trẻ rốt cuộc cũng bị đánh mất. Trong tâm hồn chỉ còn nỗi ngậm ngùi do thiệt thòi mất mát. Ban giám khảo Goncourt đã chấm tác phẩm Le sermon sur la chute de Rome, có lẽ cũng vì từ một bài giảng rất xưa của thánh Augustino, nhà văn Jérôme Ferrari đã có một cách đọc tân kỳ hiện đại.

Cũng trong ngày hôm nay, song song với giải Goncourt, một giải văn học khác là giải Renaudot đã được trao cho quyển tiểu thuyết Notre-Dame du Nil của nhà vãn nữ Scholastique Mukasonga, người gốc Rwanda. Quyển sách này do nhà xuất bản Gallimard phát hành.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.