Vào nội dung chính
MALI - PHÁP

Khủng bố Hồi giáo tại Mali đe dọa tấn công quyền lợi trọng yếu của nước Pháp

Quân đội Pháp tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại Mali với nhiều đợt oanh kích trong 24 giờ qua nhắm vào hậu cần, trung tâm huấn luyện và trại quân của các nhóm Hồi giáo võ trang. Tuy nhiên, phong trào « thánh chiến » đã tung ra một trận phản công và lên tiếng đe dọa sẽ đánh vào « trái tim » của Pháp.

Quân đội được lệnh bảo đảm an ninh ở mọi nơi, như tại phi trường quốc tế Nice (miền Nam Pháp). Ảnh chụp ngày 14/01/2013.
Quân đội được lệnh bảo đảm an ninh ở mọi nơi, như tại phi trường quốc tế Nice (miền Nam Pháp). Ảnh chụp ngày 14/01/2013. REUTERS/Eric Gaillard
Quảng cáo

Theo AFP, trên chiến trường miền bắc Mali, phe Hồi giáo võ trang đã phản công vào thành phố Diabali, cách thủ đô Bamako 400 km . Một nguồn tin của an ninh Mali cho biết một toán chiến binh Al Qaida Bắc Phi gọi tắt là Aqmi, sau khi bị oanh tạc đã phải chạy sang Mauritanie nhưng sau đó đã quay trở lại và tấn công vào Diabali.

Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian vào hôm nay 14/01/2013 đã nhìn nhận rằng tuy phe Hồi giáo đã « rút lui » ở mặt trận phía đông, nhưng ở mặt trận phía tây vẫn còn « nhiều chốt chận ».

Trong ngày hôm qua, phi cơ Mirage và Rafale của Pháp đã thực hiện nhiều phi vụ oanh kích Gao, Kidal ,các vị trí hậu phương của Hồi giáo võ trang.

Nhiều vị trí của Hồi giáo võ trang ở Nampala cách Diabali 50 cây số và một trung tâm huấn luyện gần biên giới Mauritanie cũng bị oanh kích. Tuy nhiên, lực lượng thánh chiến Hồi giáo vẫn tập trung quân tấn công vào Diabali vào hôm nay. Một thủ lãnh của Phong trào thánh chiến tây Phi (Mujao), qua điện đàm với AFP, đe dọa sẽ trả đũa « tấn công vào quyền lợi trọng yếu của Pháp ở Mali, ở châu Phi cũng như tại châu Âu.

Paris cho biết chiến dịch oanh kích sẽ kéo dài nhiều tuần lễ để chuẩn bị cho lực lượng đa quốc gia châu Phi can thiệp. Chiều nay, theo yêu cầu của Pháp, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có một cuộc họp tai New York để được Paris thông báo tình hình.

Đức loại trừ khả năng đưa quân sang Mali

Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa thông báo cụ thể tham gia vào chiến dịch quân sự tại Mail dưới hình thức nào. Trước mắt Bruxelles duy trì kế hoạch điều từ 400 đến 500 chuyên gia đến quốc gia này trong khuôn khổ một chương trình đào tạo cho quân đội Mali. Nhưng kế hoạch này của Liên Hiệp Châu Âu được dự trù khởi động vào tháng 9/2013.

Về phần nước Đức, Ngoại trưởng Guido Westerweller khẳng định là Berlin loại trừ khả năng đưa quân đến Mali. Berlin kêu gọi quốc tế nhanh chóng tìm kiếm một giải pháp chính trị để giải quyết xung đột Mali.

Trái với thái độ của Berlin, ngay từ hôm qua 13/01/2013 chính quyền Anh đã thông báo hỗ trợ hậu cần cho quân đội Pháp trong nhiệm vụ đẩy lùi quân Hồi giáo vũ trang Mali. Tuy không điều các đơn vị võ trang sang Mali nhưng hai chiếc máy bay quân sự C17 của Anh chở trang thiết bị cho quân đội Pháp vào hôm nay sẽ đáp xuống phi trường Bamako.

Trong chiến dịch quân sự đẩy lùi các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Mali, Paris có thể trông chờ vào sự yểm trợ của một đồng minh khác là Hoa Kỳ. Một quan chức Mỹ xin được giấu tên cho biết Washington « hỗ trợ chiến dịch quân sự của Pháp chống lại các phần tử Hồi giáo cựu đoan tại miền bắc Mali ».

Riêng các quốc gia châu Phi, thượng đỉnh các nước thuộc khối CEDEAO –Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi- đặc biệt để bàn về tình hình Mali được dự trù vào ngày 19/01/2013. CEDEAO trên nguyên tắc phải huy động lực lượng 3.300 quân như điều đã được nghị quyết Liên Hiệp Quốc quy định. Trên nguyên tắc Nigeria sẽ triển khai 600 lính đến Mali. Burkina Faso, Niger, Senegal những thành viên khác của CEDEAO cam kết đưa 1500 lính sang Mali.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.