Vào nội dung chính
PHÁP

Pháp : Tổng thống yêu cầu các bộ trưởng công khai hóa tài sản

Do vụ cựu bộ trưởng Ngân sách Cahuzac trốn thuế, làm tổn hại đến uy tín của giới chính khách nói chung và bản thân tổng thống nói riêng, ông François Hollande đã ra lệnh cho các thành viên trong chính phủ phải công khai hóa tài sản vào hôm nay. Các báo Pháp dành nhiều trang phân tích về biện pháp này của tổng thống.

Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc họp báo tại điện Elysée, 10/04/2013
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc họp báo tại điện Elysée, 10/04/2013
Quảng cáo

Báo Le Monde dành hai trang lớn nhận định về sự việc trên với bài báo mang tựa đề : « Hollande : Minh bạch hóa hay chủ nghĩa dân túy ». Vào cuối ngày hôm nay, người dân sẽ được biết giá trị tài sản của các bộ trưởng qua mạng internet. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, công dân có thể truy cập internet để biết được tổng giá trị tài sản của các bộ trưởng, bao gồm bất động sản, tài khoản ngân hàng, đồ nội thất, phương tiện đi lại và cả giá trị trang sức…

Theo tờ báo, hồ sơ này sẽ trở thành một dự luật được trình lên hội đồng bộ trưởng và ông Hollande muốn dự luật phải được bàn bạc trước mùa hè. Có thể nói, quyết định của tổng thống như bị áp lực trước sức ép của công chúng sau vụ Cahuzac. Một số thành viên chính phủ không tán thành vì cho đây là hành động rất nguy hiểm đầy rủi ro, « không thể lẫn lộn giữa công và tư ».

Trong nội bộ chính phủ, mỗi người đo lường tính nghiêm trọng của sự việc. Bộ trưởng đặc trách Ngân sách, ông Bernard Cazeuneuve nhận xét : « Đây có thể là biện pháp để cải thiện sự tín nhiệm trong dân chúng. Quyết định của tổng thống có thể mang tính lịch sử, nhưng điều ông quan tâm là thoát ra khỏi thời kỳ điên loạn này ». Phần đông trong chính phủ tán thành quyết định của tổng thống vì cho rằng ông không thể làm cách khác. Thế nhưng, họ lo ngại cách thức mà ông tiến hành có thể gây ra nhiều rủi ro.

Một số khác thì nhìn nhận vấn đề với ít nhiều hài hài hước. Ví dụ như dân Pháp sẽ nghĩ thế nào khi một quan chức quản lý một lượng tài sản tư không bao nhiêu lại có thể quản lý cả ngân sách nước Pháp.

Bên cạnh đó, báo kinh tế Les Echos chạy tít : « Giờ G cho việc công bố tài sản của các bộ trưởng. Một cuộc cách mạng nhỏ mang nhiều tranh cãi tại Pháp ». Tờ báo nêu nhận định của các phe đối lập. Phía cánh hữu, trong đó có cựu thủ tướng François Fillon và cựu bộ trưởng Laurent Wauquiez, đã lên án đây là một hành động « vạch áo cho người xem lưng ». Chủ tịch đảng UMP thì đả phá mạnh hơn, cho đây là « đạo đức giả ». Chính trị gia cực tả, ông Mélenchon, cũng tính tới các tác hại của sự việc.

Theo thống kê của Viện thăm dò công luận Pháp Ifop, được đăng trên tờ Journal du Dimanche (Báo Chủ nhật), có đến 60% số người được hỏi tán thành việc công khai hóa tài sản của các bộ trưởng. Một số nước Bắc Âu cũng đã triển khai biện pháp này và giờ đây, Pháp thấy rằng mình còn làm tốt hơn cả nước láng giềng Đức vì ở nước này, bộ trưởng không bắt buộc phải kê khai tài sản.

Giới lãnh đạo Trung Quốc làm giàu : Chủ đề tranh cãi dai dẳng

Nhìn về Trung Quốc, báo le Monde cũng đề cập đến tình trạng làm giàu của các quan chức tại đây và cuộc cải cách chống nạn tham nhũng.

Từ trước đến nay, đảng Cộng sản Trung Quốc quy định là các quan chức phải kê khai tài sản nhằm chống lại nạn tham nhũng nhưng chưa bao giờ luật này được thực hiện. Ngay khi lên cầm quyền, chủ tịch nước Tập Cận Bình đã hứa không bỏ sót « một con ruồi » hay « một con hổ » trong cuộc chiến này.

Sự kiện báo chí đăng tin vào mùa thu năm ngoái, gia đình cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo sở hữu khối lượng tài sản lên đến 2.7 tỷ đô-la như cái tát mạnh vào công chúng sau một thập kỷ giới lãnh đạo hô hào chống tham nhũng.

Dưới sức ép của công luận, một số quan chức cao cấp đã sẵn sàng công khai hóa tài sản. Ví dụ như tại một thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, 526 cán bộ phải kê khai tài sản, tất cả bất động sản, xe cộ, tín dụng, nhưng các thông tin này chỉ được đăng trên trang nội bộ. Nhưng sau đó sẽ được đảng Cộng sản đăng tải « một cách hợp lý » chứ không phải bất cứ công dân nào cũng trực tiếp tra cứu trên mạng. Ngày 2/04, một số người đã biểu tình tại Bắc Kinh để đề nghị ông Tập Cận Bình đăng tài sản của các quan chức cấp cao.

Căng thẳng Triều Tiên : Mỹ và Hàn Quốc tìm cách hạ hỏa

Hôm nay, báo chí Pháp lại tiếp tục thông tin về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Sau một loạt các căng thẳng, giờ đây dường như Mỹ và Hàn Quốc quá mệt mỏi với động thái gây hấn của Bắc Triều Tiên nên đã bớt căng thẳng và đồng ý nối lại đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Báo Le Monde chạy tựa : « Séoul chơi lá bài hạ hỏa trong cuộc xung đột với Bình Nhưỡng ». Bài báo cho biết, nhân chuyến công du tại Bắc Kinh ngày 13/04, Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry hi vọng thuyết phục được Trung Quốc khuyên răn đồng minh Bắc Triều Tiên ngừng gây hấn.

Nữ tổng thống Park Geun Hye của Hàn Quốc mong muốn thiết lập mối quan hệ với chế độ Bình Nhưỡng và phát triển các quan hệ hợp tác. Bà còn nhấn mạnh tầm quan trọng trong « đối thoại với Bắc Triều Tiên ». Bà hứa hẹn vẫn tiếp tục cứu trợ cho đất nước láng giềng bất kể tình hình chính trị và an ninh ra sao. Thái độ này trái ngược hoàn toàn với lúc đầu, khi Bắc Triều Tiên gây hấn, bà đã rất cương quyết. Thế nhưng, một vài động thái khủng hoảng ban đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc, cường độ khẩu chiến leo thang và nguy cơ tấn công tên lửa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đã làm cho bà phải thận trọng hơn.

Ông John Kerry rất hoan nghênh cách giải quyết của bà và cho đây là một hành động khôn ngoan. Đồng thời, ông không quên khẳng định luôn sát cánh với Seoul để đương đầu với mối đe dọa và gây hấn của Bình Nhưỡng. Thái độ của Hoa Kỳ được xem là một « chiến lược khá kiên nhẫn ». Cũng như Hàn Quốc, Hoa Kỳ đã bật đèn xanh để làm dịu tình hình căng thẳng trên bán đảo. Cụ thể là vụ thử tên lửa xuyên đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ trong tuần 08/04 đã được hoãn lại.

Trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, lần đầu tiên tổng thống Obama đã kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt « thái độ gây chiến » và hạ hỏa vào thứ Sáu vừa qua. Chẳng ai mong muốn xảy ra cuộc chiến tại bán đảo Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng, cũng như các quốc gia khác, cần tôn trọng luật lệ quốc tế mà Liên Hiệp Quốc đã đặt ra.

Bên cạnh đó, báo kinh tế Les Echos cũng phân tích tình hình này với bài viết : « Mỹ và Trung Quốc muốn cùng hợp tác nhằm giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ». Theo tờ báo, ông John Kerry hứa viện trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng. Đổi lại, nước này phải giải trừ hạt nhân. Trung Quốc lo ngại các hành động có thể gây hậu quả nghiêm trọng của lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên. Hôm nay là sinh nhật cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành, các chuyên gia dự đoán một số động thái quân đội của Bình Nhưỡng, nhưng tình hình lại dịu đi trên bán đảo. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, trong chuyến công du Trung Quốc, cũng lên án thái độ gây hấn của Nình Nhưỡng là rất « nguy hiểm ».

Nhật vội vã kí kết các Hiệp định tự do thương mại

Trở lại với thời sự châu Á, báo Le Monde trong mục Địa- chính trị có bài viết cho biết thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có các cuộc đàm phán nhằm ký kết các hiệp định tự do thương mại với các nước trên thế giới. Hành động này mang ý nghĩa quan trọng nhằm làm cho nền kinh tế Nhật năng động hơn.

Ngày 15/03, thủ tướng Nhật tuyên bố tham gia các cuộc đàm phán Hiệp định quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Duơng - (TPP) nhằm tự do hóa trao đổi giữa các nước trong khu vực. Chiến lược này nằm trong kế hoạch vực dậy nền kinh tế của quốc đảo cộng với kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế và một chính sách tiền tệ tích cực. Đây là cách để đuổi kịp nước láng giềng Hàn Quốc trong công nghiệp sản xuất xe hơi và đồ điện tử, bởi vì Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định tự do thương mại với Liên Hiệp Châu Âu.

Tokyo muốn bãi bỏ thuế 14% và 10% đánh trên các hàng điện tử và xe hơi. Về phía mình, Bruxelles đòi hỏi được dễ dàng hơn thâm nhập vào thị trường Nhật và mở cửa đối với các mặt hàng lương thực và nới lỏng hơn các tiêu chí đánh giá an toàn trên sản phẩm xe hơi. Nhật và châu Âu mong muốn Hiệp định này sẽ mở ra nhiều hợp tác hơn trên thị trường châu Á và châu Phi.

Theo tờ báo, tham vọng này của Nhật không khỏi vấp phải một số trở ngại trong nước. Cụ thể như ngành nông nghiệp Nhật Bản vốn được nhiều bảo trở của chính phủ đặc biệt là ngành trồng lúa. Nhập khẩu gạo bị đánh thuế đến 778%. Giờ đây, họ đang lo ngại cho vận mệnh của mình trong tương lai khi mà Nhật quyết định mở cửa tự do trao đổi với châu Âu cũng như các nước Thái Bình Dương. Thậm chí, chính phủ Nhật đã hứa hẹn đưa ra một số cải cách nhằm cải thiện năng suất và xuất khẩu.

Dự luật hôn nhân đồng tính lại tiếp tục làm dân Pháp phẫn nộ

Trở lại với tình hình xã hội tại Pháp, sau bao cuộc biểu tình chống đối hôn nhân đồng tính, Nghị viện Pháp vẫn tiếp tục thông qua dự luật. Nhằm chấm dứt nhanh cuộc tranh cãi, chính phủ muốn tăng tốc để dự luật phải được thông qua vào ngày 23/05 để cho áp dụng ngay sau đó. Báo chí Pháp danh nhiều trang phân tích.

Báo Le Figaro đăng bài : « Cuộc chạy đua nước rút của Nghị viện để cho thông qua đạo luật về hôn nhân đồng tính ». Theo tờ báo, phẫn nộ trước quyết định này, dân chúng thông báo lại tiếp tục biểu tình phản đối từ ngày 21/04. Một đại diện cho phong trào biểu tình nhận xét : « Mỗi khi chính phủ muốn dập tắt phong trào của chúng tôi thì chúng tôi lại càng muốn tổ chức các cuộc biểu tình mới ». Bên cạnh đó, chủ tịch đảng UMP Jean-François Copé chỉ trích thủ tướng Jean-Marc Ayrault hãy nên lắng nghe sự phẫn nộ của dân chúng và thôi tranh luận về đạo luật này. Thay vào đó là nên chú trọng giải quyết nạn thất nghiệp. Một dân biểu thuộc đảng UMP phê phán hành động của chính phủ gây ra xì-căng-đan vì áp buộc thi hành đạo luật này trong khi đây là một chủ đề gây rất nhiều tranh cãi và phản đối của dân chúng.

Bên cạnh đó, báo L’Humanité cũng có bài viết mang tựa : « Một cuộc tranh luận vội vã trước làn sóng chống đối dâng cao ». Theo tờ báo, dự luật này đã được Hạ nghị viện thông qua hồi thứ sáu và sẽ được xét lại lần hai tại Quốc hội vào cuối tháng 5. Đây là một cách chấm dứt nhanh chóng các cuộc đấu tranh du kích trong dân chúng chống lại dự luật. Còn những người ủng hộ dự luật này thì vui mừng với tốc độ làm việc của Nghị viện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.