Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Quân đội Pháp cũng phải thắt lưng buộc bụng

“Pháp công bố Sách trắng quốc phòng” là chủ đề thời sự chính trên các trang báo Paris. Hầu hết các báo đều có chung nhận định, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài, quân đội cùng chung số phận như các lãnh vực khác :  “thắt lưng buộc bụng”.

Tổng thống Pháp cùng với bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng công bố Sách trắng về Quốc phòng.
Tổng thống Pháp cùng với bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng công bố Sách trắng về Quốc phòng. REUTERS/Bertrand Langlois/Pool
Quảng cáo

Le Monde chạy tít lớn trên trang nhất “Quốc phòng : Pháp chuẩn bị cho các cuộc chiến tương lai với những tham vọng hạn chế”. Tờ báo viết Paris đâu có muốn hạn chế tham vọng của mình trên thế giới. “Lực bất tòng tâm”, tham vọng tuy nhiều, nhưng tiền của lại không có, khủng hoảng buộc nước Pháp phải xem xét lại các tham vọng của mình. Đã đến lúc Pháp “cần phải ‘nghiêm túc’ về các phương tiện của mình”, Le Monde nhận định.

Nhằm giúp độc giả hiểu rõ chính sách quốc phòng, Le Monde đã tóm lược lại những nội dung chính: từ việc xác định các mối đe dọa thật sự, miền lợi ích chính của Pháp, nỗ lực quốc phòng, mô hình quân đội, cho đến các chiến dịch quân sự.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro lại tỏ ra rất lo lắng với hàng tít trên trang nhất. “Quân đội lo âu cho những cắt giảm ngân sách mới”. Tờ báo tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của chính sách quốc phòng công bố trong Sách trắng lần này.

Làm thế nào mà quân đội Pháp, một mặt phải chi tiêu dè sẻn, nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo những tham vọng quá cao. Đây có lẽ là “một nhiệm vụ bất khả thi”, tờ báo nhận xét. Bên cạnh đó, hệ lụy của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng có thể sẽ kéo theo “số đơn đặt hàng trong ngành công nghiệp vũ khí sụt giảm mạnh”. Hiện tại, Pháp có khoảng 4000 doanh nghiệp hoạt động trong lãnh vực này, sử dụng đến 165 000 nhân viên.

Trong bối cảnh thất nghiệp tăng cao, tin mới này rõ là đáng báo động. Không những thế, theo như trả lời phỏng vấn trên Le Figaro, một đại biểu quốc hội, cựu cố vấn phụ trách đối ngoại châu Âu cho chính phủ tiền nhiệm, cho rằng: “Sách trắng công bố năm nay đang góp phần hạ thấp thứ hạng của Pháp” trên chính trường quốc tế. Việc này sẽ tạo cơ hội cho “Đức lại trở thành cường quốc quân sự của châu lục”.

Thế nhưng, nhật báo công giáo La Croix lại nhìn sự việc dưới góc độ rộng hơn. Bởi vì không chỉ có Pháp mới cắt giảm ngân sách quốc phòng mà nhiều nước trong Liên hiệp châu Âu. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và có những biến đổi về thời cuộc, La Croix cho rằng cần phải có những định hướng khôn khéo hơn cho quốc phòng. Trong bài xã luận trên trang nhất có tựa đề « Quốc phòng, các phương tiện cho một tham vọng », tờ báo cho rằng vấn đề nằm ở chỗ là phải biết dung hòa các tham vọng với sự hạn hẹp về ngân sách. Bởi vì ngày nay, các mối hiểm họa đã thay hình đổi dạng. Nỗi sợ chiến tranh thông thường như trước đây dường như đã quá lỗi thời.

Theo bài viết, “khủng bố, hiểm họa kinh tế, mạng lưới mafia, các nhiệm vụ dưới sự điều hành của Liên Hiệp Quốc, không đòi hỏi những phương tiện cổ điển nữa. Nó đòi hỏi tính hiệu quả của công tác tình báo, một sự khôn khéo trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình. Tất cả những điều đó không chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhiều hay ít, mà còn tùy thuộc vào chiến lược quốc phòng của một nhà nước".

Bài viết cho rằng trách nhiệm đối với thế giới không chỉ nằm trên vai của người Anh, hay người Pháp. Bản thân cả hai quốc gia này cũng phải dựa vào công nghệ quân sự của Hoa Kỳ. Thế thì, “phải chăng đây là lúc để xây dựng một nền quốc phòng chung cho châu Âu, bằng cách hỗ trợ lẫn nhau các phương tiện và các năng lực hay sao ?”.

Vì điều này không chỉ nhằm cho ý tưởng chinh phục, mà cũng không phải cho vinh quang đất nước và châu lục, mà là để có khả năng đáp ứng được lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế cho mục tiêu gìn giữ hòa bình.

Chất độc da cam do Mỹ rải tiếp tục gây chết chóc tại Việt Nam

Trong vòng 10 năm (1960-1970), quân đội Mỹ đã rải xuống lãnh thổ Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc màu da cam. Ba triệu hecta đất đai và 30.000 ngôi làng bị nhiễm chất độc, với nồng độ chất dioxine, thành phần hóa chất chính của chất độc da cam cao gấp từ 20 đến 55 lần so với mức bình thường.

Hơn 2 triệu người là nạn nhân của loại hóa chất độc hại này. Nhưng phải đợi đến 50 năm sau, Mỹ mới đưa ra chương trình tẩy nhiễm đầu tiên tại Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam. Thế nhưng, theo Bruno Philip, tác giả bài phóng sự đăng trên nhật báo Le Monde, đã 50 năm trôi qua, nhưng “chất độc da cam vẫn tiếp tục gây chết chóc tại Việt Nam”.

Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 50 năm, sân bay Đà Nẵng được quân đội Hoa Kỳ sử dụng để tồn trữ chất độc da cam, một loại thuốc diệt cỏ, có chứa chất độc dioxine. Trong suốt 10 năm (1960-1970), hàng chục triệu lít thuốc diệt cỏ độc hại đã được quân đội Mỹ rải xuống trên các cánh đồng và nhiều khu rừng ở Việt Nam, hòng hủy diệt nơi ẩn náu của Việt cộng và quân đội miền Bắc.

Sau mỗi lần thực hiện xong nhiệm vụ, các máy bay thải chất độc đáp xuống Đà Nẵng để được tẩy rửa. Thế là, những cặn bã của chất dioxine thấm sâu vào trong lòng đất, lòng hồ và những khu vực đất đai xung quanh.

50 mươi năm sau, chính quyền Hoa Kỳ mới lên tiếng nhìn nhận một nửa sự thật. Năm 2012, một chương trình tẩy nhiễm do Mỹ tài trợ đã được thực hiện tại sân bay Đà Nẵng, nhằm tẩy sạch mọi thứ “hỗn độn” theo như phát biểu của đại sứ Mỹ David B. Shear tại Hà Nội, trong buổi khánh thành chương trình.

Theo nhà báo Bruno Philipp, tại Đà Nẵng, vẫn còn rất nhiều nạn nhân, những người mà đến tận 4 thế hệ sau vẫn phải trả giá cho hành động rải chất độc của quân đội Mỹ.

Tác giả đơn cử trường hợp hai gia đình tại Đà Nẵng là gia đình anh chị Trần Quang Toàn - Nguyễn Thị Thanh và gia đình anh chị Nguyễn Văn Dũng – Lưu Thị Thu.

Hai gia đình, hai hoàn cảnh nhiễm bệnh khác nhau. Anh chị Toàn – Thanh nhiễm độc khi vào rừng chặt mây để kiếm sống lúc còn trẻ, vào những năm sau 1975. Còn cặp thứ hai, chỉ có anh Dũng bị nhiễm chất độc do anh làm công việc dọn cống gần các đường băng trong sân bay.

Cả hai gia đình này chẳng may đều có một đứa con hoặc bị dị tật bẩm sinh, hoặc bị bệnh máu trắng sống như thực vật.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã kiện các doanh nghiệp Mỹ, những doanh nghiệp đã sản xuất thuốc diệt cỏ như tập đoàn Monsanto và Dow Chemical, nhưng không đạt được kết quả. Năm 2005, tư pháp Mỹ cho rằng không thể đánh đồng việc sử dụng thuốc diệt cỏ với tội ác chiến tranh. Rằng bên kiện Việt Nam đã không thể thiết lập được mối liên hệ nhân quả thuyết phục giữa sự phơi nhiễm chất độc da cam và tình trạng sức khỏe.

Điều nghịch lý là Hoa Kỳ đã chi trả hàng tỷ đô-la để bồi thường cho chính các cựu binh sĩ có tiếp xúc với chất độc da cam trong chiến tranh tại Việt Nam. Bruno Philip trích dẫn nhận định của một vị tướng Việt Nam về hưu : “Trong suốt ba thập niên qua, người Mỹ luôn phủ nhận tội ác của họ. Giờ đây, họ đang làm một cái gì đó. Có lẽ là hơi trễ rồi”. Ông chua xót kết luận “Thôi thì thà trễ còn hơn không”.

Nhật Bản : chủ nghĩa dân tộc đang hồi sinh

Cũng trên báo Le Monde, Philippe Mesmer đưa độc giả đến với Nhật Bản, ngày 28/04/2013 Tokyo mừng 61 năm chấm dứt 7 năm xâm chiếm Nhật Bản của quân đội Mỹ. Theo tờ báo, bài phát biểu của thủ tướng Shinzo Abe cho thấy rõ xu hướng “chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản đang hồi sinh”.

Kể từ khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, đây là lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức mừng ngày toàn vẹn lãnh thổ.

Trong bài diễn văn đọc vào dịp này, thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi người dân phải có trách nhiệm làm cho nước Nhật Bản trở thành quốc gia hùng cường và quả cảm.

Như vậy, với việc tổ chức lễ mừng, ông Shinzo Abe đã giữ đúng lời cam kết đã đưa ra trong quá trình vận động tranh cử. Thế nhưng, tại Okinawa, lễ mừng đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Đối với người dân vùng này, ngày 28/04/1952, là một ký ức buồn. Nó cũng đồng nghĩa với việc bị tách rời với nước Nhật. Bị đặt dưới sự cai trị của Hoa Kỳ, Okinawa mới chính thức gia nhập lại Nhật Bản vào 20 năm sau đó, tức tháng 5/1972.

Le Monde cho rằng, việc tổ chức lễ tưởng niệm còn cho thấy ông Shinzo Abe ngày càng khẳng định đi theo đường lối chủ nghĩa dân tộc. Ông không chỉ mong muốn xem xét lại Hiến pháp chủ hòa 1947, mà còn muốn đề cập đến tuyên bố Murayama 1995. Tuyên bố trình bày những lời xin lỗi của Nhật Bản về những nỗi đau thương mà nhiều quốc gia đã phải gánh chịu bởi “ách cai trị thực dân và nạn bạo hành”.

Tuy nhiên, theo báo Le Monde, việc ông Abe tỏ ý muốn xem xét lại tuyên bố Murayama không những đã khiến cho Trung Quốc và Hàn Quốc bất bình, mà còn làm cho Hoa Kỳ, đồng minh duy nhất của Nhật Bản cũng cảm thấy bối rối.

Trước đó, vào ngày 26/4/2013, tờ Washington Post đã nhắc nhở rằng mặc dù một bộ phận thế giới đã “từ lâu bỏ qua tội ác tày đình cho Nhật Bản, nhưng không có nghĩa là họ đã quên tất cả”.

Châu Á : đầu tàu kinh tế thế giới năm 2013

Trên lãnh vực kinh tế, phụ san kinh tế báo Le Figaro trích dẫn đánh giá của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF cho rằng “Vào năm 2013, châu Á sẽ là đầu tàu kinh tế thế giới”.

Theo ước đoán của IMF, tăng trưởng kinh tế tại châu Á vào năm 2013 là 5,7% và năm 2014 là 6%. Bản báo cáo nhấn mạnh rằng châu Á có được mức tăng trưởng đó là nhờ vào “môi trường bên ngoài đã tốt hơn và nhu cầu nội địa tăng mạnh. Tiêu tụ và đầu tư tư nhân cũng nhận được sự hỗ trợ từ thị trường lao động ưu đãi”.

Tại vùng Đông Á, Trung Quốc tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với mức tăng trưởng 7,1% trong năm nay và 7,5% trong năm tới. Về phần Nhật Bản, IMF tỏ vẻ hài lòng thiện chí thực hiện các chính sách tiền tệ, thuế khóa và cải cách cơ cấu dài hạn của thủ tướng Shinzo Abe.

Liên quan đến 10 nước vùng Đông Nam Á, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự đoán mức tăng trưởng trung bình trong vòng hai năm là 5,5%. Trong đó, có bốn nước chiếm ngôi đầu bảng trong năm 2013 là Lào (8%), Cam Bốt (6,7%), Miến Điện (6,5%) và Indonesia (6,3%). Tuy nhiên, IMF lưu ý bốn nước sau Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam cần phải tăng cường hội nhập kinh tế, một phương tiện duy nhất để chống chọi lại với khủng hoảng.

Vào lúc mà ngày càng có nhiều thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch trên thế giới, sự hội nhập này là vũ khí hữu hiệu để đối phó với Trung Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã nhắc khéo IMF rằng tổ chức này ngày càng có thể ngồi vững được là nhờ vào nguồn tài chính của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, IMF còn nhắc nhở các nước trong khu vực phải đề phòng cảnh giác với bong bóng kinh tế, phát sinh từ những chính sách tiền tệ quá dễ dãi, nhất là trong lãnh vực bất động sản.

Cuối cùng, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đề cập đến hiện tượng dân số già và sự sụt giảm lượng người trong độ tuổi lao động trong khu vực. Theo IMF, “châu Á không nên già trước khi trở nên giàu có”.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.