Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Vì sao Pháp ra luật cho gỉảng dạy bằng tiếng Anh ở đại học ?

Đăng ngày:

Các dân biểu Pháp đã biểu quyết hôm 22/05/2013 một đạo luật mở đường tăng thêm môn học bằng tiếng Anh ở đại học. Bộ trưởng Giáo dục cao đẳng Geneviève Fioraso muốn các đại học Pháp thu hút thêm giới sinh viên nước ngoài. Quyết định này gây tranh cãi tại Pháp : nhiều người lo ngại ảnh hưởng của Pháp ngữ bị suy giảm trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Giáo dục cao đẳng Pháp Geneviève Fioraso (AFP)
Bộ trưởng Giáo dục cao đẳng Pháp Geneviève Fioraso (AFP)
Quảng cáo

Trên thế giới có hơn 220 triệu dân nói tiếng Pháp và dự kiến sẽ lên 750 triệu vào thập niên 2050. Pháp ngữ còn là một trong năm thứ tiếng chính thức sử dụng tại Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng, nước Pháp vừa thông qua một đạo luật mở đường giảng dạy bằng tiếng Anh một số môn học ở đại học và các trường kỹ sư và cao đẳng.

Mục đích công khai của những người chủ xướng giảng dạy và thi cử bằng tiếng Anh lý giải qua hai nhu cầu : Thứ nhất là tạo thêm sức thu hút sinh viên ngoại quốc và thứ hai là bổ túc khả năng Anh ngữ cho sinh viên Pháp.

Đạo luật này được Bộ trưởng Giáo dục cao đẳng Pháp Geneviève Fioraso bảo vệ bằng lập luận vì gặp khó khăn trong Pháp ngữ mà phần đông sinh viên các nước đang phát triển không đến Pháp : « Ấn Độ có trên một tỷ dân mà chỉ có 3000 sinh viên chọn Pháp du học chỉ vì ở đại học Pháp không có đủ các bộ môn giảng bằng tiếng Anh. Chúng ta (Pháp) bị chê cười ».

Còn phía chống đối, gồm toàn bộ dân biểu cánh hữu, và không ít dân biểu đảng Xã hội (40 người) lo ngại ngôn ngữ của Molière sẽ bị mất dần ảnh hưởng trước thế áp đảo của Shakespeare.

Giáo sư Daniel Fasquelle, một dân biểu của đảng UMP đặt câu hỏi mỉa mai : « Chừng nào thì sử dụng tiếng Anh để tranh luận tại diễn đàn Quốc hội Pháp ? » Dân biểu Jacques Myard, cựu đại sứ nhận định : « Không phải vì giải pháp pha trộn này mà Pháp sẽ xâm nhập được thị trường Trung Quốc ».

Cũng trong chiều hướng bất bình này, dân biểu đảng Xã hội Pouria Amirshihi, đại diện cho cử tri Pháp kiều ở Phi châu xem đạo luật này mở ngõ cho Anh ngữ xâm nhập vào đại học, bước đầu của tiến trình mà ông gọi là « Anh ngữ hóa toàn cầu », một sự « sỉ nhục đối với những dân tộc nói tiếng Pháp và người yêu tiếng Pháp ».

Những người phản đối đạo luật đem Anh ngữ vào đại học nhấn mạnh đến hàng loạt « lá chủ bài » của đại học Pháp là trình độ giảng dạy cao, học phí thấp so với đại học Anh, Mỹ, bên cạnh những giá trị văn hóa vẫn làm say mê người dân khắp địa cầu. Cuối cùng, dự luật đã được sửa đổi ở nhiều điều khoản cho hợp lý hơn, chẳng hạn như sinh viên yếu tiếng Pháp sẽ được học thêm tiếng Pháp. Nhập gia tùy tục.

Ý kiến của giới giáo chức, những người nhiều kinh nghiệm đào tạo nhân tài, như thế nào về nhu cầu đem Anh ngữ ra để thu hút sinh viên nước ngoài ? Và đâu là mặt trái của vấn đề ? RFI đặt câu hỏi với Tiến sĩ Nguyễn Dư, cựu giáo sư trường kỹ sư Centrale tại Lyon. Bằng kinh nghiệm bản thân, ông phân tích hai mặt của vấn đề:

« Năm 1998, trường Centrale Lyon có tổ chức một buổi đón tiếp ông đại sứ Trung Quốc, rầm rộ lắm. Hai, ba hôm sau, tôi được nghiệp đoàn (giáo chức) trong trường cho biết là trong năm đó, trường sẽ nhận một số sinh viên Trung Quốc đến học. Vào năm học (trong lớp) có một vài sinh viên chơi đùa, không học.

Tôi hỏi có theo môn học này được không thì cậu sinh viên này trả lời là « ghét môn học này » vì không đúng mục đích… cuối năm , tôi rất ngạc nhiên vì theo điểm mình cho thì sinh viên đó thuộc loại kém nhưng cuối năm thì điểm vẫn khá.

Sau đó, nghiệp đoàn cho biết tất cả sinh viên năm đó đều do một hãng rất lớn tại Pháp cấp học bổng và thuê trường Centrale đào tạo. Vì trong các hợp đồng ký kết với Trung Quốc có vấn đề chuyển giao kỹ thuật. Trung Quốc đặt điều kiện cho nên các sinh viên Trung Quốc qua bên này trong khuôn khổ ấn định sẵn như vậy.

Cho nên mình không thể nói là dạy bằng tiếng Anh là có thể thu hút sinh viên ngoại quốc. Cái này nó là vấn đề chất lượng và vấn đề tổ chức giáo dục của Pháp chứ không phải chỉ thay đổi một vài môn dạy bằng tiếng Anh. Tại vì, nếu như vậy, các sinh viên (giỏi tiếng Anh) của các nước khác sẽ đi thẳng sang Anh, sang Mỹ, sang Úc hay Canada …chứ tại sao qua Pháp học bằng cấp tiếng Anh ….

Tôi nghĩ rằng nội dung nó rất là chính trị và đằng sau chính trị là vấn đề kinh tế. Những người chủ trương thì nói để thu hút sinh viên một số nước nhưng là người trong nghề, tôi không tin chuyện đó … »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.