Vào nội dung chính
PHÁP

Đi tàu không mua vé: Pháp thất thu 400 triệu euro/năm

Phải chăng do khủng hoảng, khó khăn về kinh tế hoặc giá vé quá cao, nên tệ nạn trốn vé trên các phương tiện giao thông công cộng tại Pháp gia tăng ? Không chắc là như vậy, vì con số thất thu khoảng 400 triệu mỗi năm « tương đối ổn định từ năm này qua năm khác ».

REUTERS
Quảng cáo

Công ty Xe lửa Quốc gia Pháp – SNCF có tới 10 000 nhân viên kiểm tra vé, thế nhưng, nạn trốn vé đã làm cho doanh nghiệp này bị thất thu khoảng 300 triệu euro mỗi năm. Đa số các vụ vi phạm là không có vé, không dập vé trước khi lên tàu hoặc dùng vé giảm giá không đúng đối tượng. Những thông tin này do chính Bộ trưởng Giao thông Pháp cung cấp và đăng trên Công báo.

Để đấu tranh chống tệ nạn này, SNCF dựa vào hệ thống an ninh, kiểm soát nội bộ, ban theo dõi chung – SUGE – và khoảng một chục ngàn nhân viên soát vé. Tuy nhiên, cho đến nay, trên toàn bộ hệ thống đường sắt của Pháp, chỉ có khoảng 1600 nhân viên kiểm tra làm đúng nghề của mình là soát vé trên tàu, chống nạn trốn vé. Số còn lại được được huy động làm nhân viên đón tiếp, cung cấp thông tin trên sân ga và phòng ngừa tai nạn. Vẫn theo SNCF, việc chống nạn trốn vé tốn kém khoảng 95 triệu euro mỗi năm.

Tình trạng trốn vé cũng rất nghiêm trọng trên hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô Paris, như tàu điện ngầm (métro), tàu điện (tramway) xe bus, với khoảng 5% số hành khách vi phạm.

Cơ quan quản lý các phương tiện giao thông Paris – RATP –thẩm định mức thất thu trong năm 2012 lên tới 100 triệu euro, với các vụ vi phạm giống như trên xe lửa.

Mặc dù Bộ trưởng Giao thông Pháp nói rằng số tiền thất thu không thay đổi, thế nhưng, trong năm 2007, số các vụ vi phạm phải lập biên bản trên mạng lưới RATP đã giảm và mức độ thiệt hại chỉ vào khoảng 40 triệu euro. Như vậy, rõ ràng là từ 2007 đến nay, các vụ trốn vé, dùng gian lận vé… có xu hướng tăng lên và quay trở lại tình hình giống như năm 2001 : Vào thời điểm đó, RATP đưa ra con số thất thu là 100 triệu euro.

Các vụ trốn vé trên tàu điện (tramway) và xe bus cao gấp đôi so với tỷ lệ trên tàu điện ngầm (métro) và hệ thống tàu liên vùng (RER). Có thể nói, không mua vé xe bus gần như là hiện tượng phổ biến, đến mức có người coi đó là việc bình thường.

Đối với RATP, các biện pháp chống trốn vé được triển khai theo hai hướng. Trước tiên là phát triển cơ sơ hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc dùng thẻ Navigo để mua vé theo tuần, tháng hoặc năm và hiện đại hóa hệ thống máy đọc vé. Thứ hai là bố trí các nhân viên soát vé hiện diện thường xuyên tại một số điểm trọng yếu. Theo Bộ Giao thông Pháp, các nhân viên soát vé sẽ có mặt hàng ngày trên 47 tuyến đường xe bus và tàu điện, tại 46 nhà ga và 47 trạm tàu điện ngầm.

Mặt khác, nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tệ nạn trốn vé, Bộ Giao thông cũng nhấn mạnh đến sự gia tăng hợp tác giữa cảnh sát với nhân viên của cơ quan quản lý giao thông công cộng Paris và Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.