Vào nội dung chính
PHÁP

Đánh thuế 75% : Tổng thống Pháp đọ sức với các CLB bóng đá

Chủ đề đánh thuế 75% những người có thu nhập hàng năm trên 1 triệu euro và đánh thuế các doanh nghiệp, trong đó có các câu lạc bộ bóng đá vẫn được báo chí Pháp tiếp tục theo dõi và bình luận.

Chủ tịch UCPF Jean-Pierre Louvel và giám đốc Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Pháp Frédéric - Thiriez Reuters / Tribouillard
Chủ tịch UCPF Jean-Pierre Louvel và giám đốc Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Pháp Frédéric - Thiriez Reuters / Tribouillard
Quảng cáo

Trong bài xã luận : « Cuộc chiến của người nghèo, đình công của cầu thủ », báo Le Monde châm biếm một bên là những người lao động nghèo đang cố cứu vãn công việc của mình, dù thu nhập thấp và điều kiện lao động vất vả. Bên kia là liên đoàn bóng đá Pháp, với những cầu thủ lương triệu euro, quyết định đình công một ngày để phản đối dự luật thuế 75% áp dụng cho những người có thu nhập hàng năm trên 1 triệu euro. Bài xã luận nhận định hài hước rằng đây là lần đầu tiên « chủ một doanh nghiệp » (Liên đoàn bóng đá Pháp) kêu gọi « nhân viên » đình công.

Trong bài : « Chống thuế 75%, các ông chủ ngành bóng đá quyết định một ngày không thi đấu », chủ tịch của Liên đoàn các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Pháp (UCPF) biện minh hành động của họ là để cứu nền bóng đá với 25 000 việc làm. Theo ông, hàng năm, ngành bóng đá Pháp đã nộp 750 triệu euro tiền thuế và giúp đỡ 130 triệu euro cho bóng đá nghiệp dư.

Dường như với Bộ trưởng Thể thao Pháp thì khoản đóng góp đó chưa đủ. Ông thắc mắc tại sao một lĩnh vực đã được hưởng nhiều ưu đãi như ngành bóng đá lại không đóng góp vào công cuộc khôi phục kinh tế mà người Pháp đang thực hiện tại thời điểm này.

Báo Le Figaro tỏ ra đồng tình với phát biểu của tổng thống Hollande rằng nếu dự luật thuế này được Nghị viện thông qua thì sẽ không có một đặc cách nào hết, ngay cả đối với các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Nghi ngại vào khả năng quyết đoán của tổng thống, tác giả bài xã luận hài hước : « Chúng ta hãy mong bàn tay không run rẩy vào phút chót của trận đấu này, lúc mà chỉ có các cú sút ». Thế nhưng, liệu trong cuộc gặp gỡ sắp tới với đại diện của Liên đoàn bóng đá Pháp, tổng thống Pháp có nhượng bộ như đã làm trong vụ Leonarda ?

Trong một bài báo khác, Le Figaro cũng cho biết, « Hollande từ chối nhượng bộ các câu lạc bộ bóng đá » cho tới thời điểm này. Nhiều dân biểu tỏ ra ngạc nhiên tại sao các câu lạc bộ không chịu nộp thuế, trong khi đó Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp vẫn nhận được tiền trợ cấp hàng năm từ Nhà nước. Mùa giải 2012-2013, số tiền này lên tới 18,5 triệu euro, chiếm hơn 1% ngân sách các câu lạc bộ. Ngoài ra, nhà nước còn đầu tư vào nhiều dự án cải tạo hay xây dựng sân vận động mới cho giải vô địch Châu Âu 2016. Khoản tiền đầu tư này chiếm tới 12% của 1,7 tỉ euro của dự án.

Trả lời câu hỏi có nên miễn thuế 75% cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, 83% độc giả trả lời của báo Le Figaro không đồng tình. Được biết, các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp sẽ phải nộp 5% tổng doanh thu của mình trong vòng hai năm, 2013 và 2014. Khoản tiền này lên tới 44 triệu euro, trong đó chỉ riêng CLB Paris Saint Germain sẽ phải nộp 20 triệu.

Hoa Kỳ nghe lén các lãnh đạo cao cấp thế giới

Việc Hoa Kỳ nghe lén các nhà lãnh đạo cao cấp Châu Âu vẫn là chủ đề nhận được nhiều chú ý trên báo chí Pháp cuối tuần. Báo Le Monde đăng lại tin từ nhật báo Anh, The Guardian. Theo đó, 35 lãnh đạo cao cấp trên toàn thế giới đã bị cơ quan NSA nghe lén dưới nhiệm kỳ của tổng thống George W. Bush. Tờ báo nhận định : « Khủng hoảng đến từ việc Châu Âu không còn tin tưởng nơi Hoa Kỳ ».

Thái độ này được các nguyên thủ quốc gia của 28 nước Liên Hiệp Châu Âu thể hiện trong phiên họp Hội đồng diễn ra tại Bruxelles. Sau cuộc họp, các nguyên thủ quốc gia của Liên hiệp đưa ra công bố chung « thể hiện niềm tin của mình rằng quan hệ đối tác phải được xây dựng trên sự tôn trọng và tin tưởng, kể cả liên quan tới công việc và hợp tác với các cơ quan tình báo ».

Thế nhưng, Le Monde nhận định, trên thực tế, phản ứng của các nước Liên hiệp vẫn khá chừng mực sau sự kiện này. Mặc dù đây là một vụ tai tiếng lớn, nhưng Liên Hiệp Châu Âu vẫn không tỏ ra vội vàng tăng cường bảo mật dữ liệu cá nhân. Ngoài những tuyên bố nguyên tắc, mọi phát biểu đều mang tính tương đối vì chủ đề này không thuộc thẩm quyền của Liên hiệp và chỉ được xử lý song phương.

Báo Le Figaro thông tin thêm tổng thống Hollande và thủ tướng Đức Merkel đề xuất việc thành lập khuôn khổ hợp tác chung với Hoa Kỳ, làm sao để cho kiểu nghe lén và theo dõi này không tồn tại nữa. Hai nhà lãnh đạo Châu Âu cũng yêu cầu tổng thống Mỹ cung cấp các thông tin mà Edward Snowden đã lấy trộm. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu Washington cung cấp chi tiết các kiểu theo dõi của cơ quan tình báo và những cam kết của tổng thống Mỹ.  Đây được coi như một bộ quy tắc ứng xử mà Pháp và Đức ở một bên, còn bên kia là Mỹ. Tổng thống Pháp cho rằng : « Nên xét lại vấn đề lòng tin : sự thực đối với quá khứ, tin cậy đối với tương lai ».

Báo Libération số cuối tuần cũng quan tâm tới số phận người tiết lộ thông tin Edward Snowden. Các chính phủ Châu Âu sẽ không làm gì cho người giúp Châu Âu biết sự thật về đồng minh Mỹ của mình. Phía thủ tướng Anh có vẻ nặng lời nhất với hành động của Snowden khi cho rằng : « Về luật pháp, đây là một kẻ phản bội » và « Anh ta phải trả giá cho tội của mình ».

Phóng viên của báo cho biết các nước Liên Hiệp đều theo dõi lẫn nhau trên diện rộng mà Pháp là nước đứng đầu. Các nước này đều biết mình bị tình báo Mỹ theo dõi và sử dụng như đòn phản công. Nếu họ tỏ ra quá gay gắt với Mỹ, những chỉ trích đó có thể quay lại chống chính họ.

Trước mắt, Liên Hiệp Châu Âu sẽ thúc đẩy hồ sơ chung về việc bảo vệ thông tin cá nhân. Thỏa thuận này được đa số các quốc gia ủng hộ tiến hành trước các cuộc bầu cử Châu Âu diễn ra năm 2014. Tuy nhiên, Anh, Ai Len và Hà Lan thì muốn vào năm 2015. Tác giả bài báo hài hước kết luận trong thời gian này Mỹ sẽ vẫn được tiếp tục tự do giám sát dữ liệu cá nhân của công dân Châu Âu.

Châu Âu và chính sách nhập cư

Một chủ đề khác trên bàn hội nghị của các nguyên thủ Châu Âu tại Bruxelles là vấn đề nhập cư. Báo Le Figaro nhận định : « Châu Âu khó hành động sau vụ Lampedusa ». Thượng đỉnh Châu Âu kết thúc thứ Sáu vừa qua đã không mang lại giải đáp chung về làn sóng người nhập cư từ Châu Phi. Hố sâu ngăn cách giữa các nước Nam và Bắc Âu vẫn là trở ngại lớn. Các nước vùng Địa Trung Hải cho rằng mình là đầu tàu trong việc cứu trợ người nhập cư bất hợp pháp, trong khi đó các quốc gia Bắc Âu lại khẳng định họ là những người phải đón nhận phần lớn những người này.

28 quốc gia thành viên đồng tình với hai nguyên tắc chính là « tương ái và chia sẻ gánh nặng ». Nhưng việc tiến hành sẽ còn phải chờ tới cuối năm nay do thiếu phương tiện và tài chính. Cuối tháng 12 tới, các nguyên thủ quốc gia sẽ họp để đưa ra những nhu cầu của quốc gia mình về vấn đề trên. Liên quan tới quyền xin cư trú, tổng thống Pháp không đồng tình với việc xem lại nguyên tắc đã được thông qua. Theo đó, quốc gia mà người nhập cư bất hợp pháp đặt chân tới chịu trách nhiệm về số phận của họ. Trong khi đó, các nước Ý, Hy Lạp, Chypre và Malta vẫn cương quyết phản đối điều này.

Le Figaro cũng thông tin : « Luân Đôn nặng tay với chính sách chống nhập cư bất hợp pháp của mình ». Nhiều chiến dịch vận động người nhập cư về nước do Bộ Nội vụ Anh thực hiện mùa hè vừa qua có vẻ không mang lại kết quả. Nhưng chính phủ vẫn muốn tỏ ra năng động với vấn đề này. Hiện tại, có khoảng 400 000 đến 800 000 người nhập cư bất hợp pháp tại Anh, chiếm từ 8-15% người gốc nước ngoài. Chính phủ của thủ tướng Cameron đang vất vả để đạt được mục tiêu giảm lượng người nhập cư xuống còn 100 000 người từ nay tới năm 2015. Cuối năm ngoái, con số này là 176 000 người.

Động thái của Pháp về chủ đề này được báo Libération đề cập trong số cuối tuần. Hiện có khoảng 5,3 triệu người nhập cư sống tại Pháp. Đầu tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Pháp nêu lên dự án thành lập một cơ quan thuộc quốc hội chuyên trách vấn đề hội nhập và sẽ hoạt động độc lập với cơ quan hành pháp. Theo ông, « hội nhập vào xã hội là vấn đề quan trọng cho những năm và thập kỷ tới » và vấn đề này chưa bao giờ Hạ viện thảo luận một cách cụ thể.

Do đó, việc quản lý người nước ngoài tại Pháp nằm trong tay của cơ quan hành pháp, cụ thể là Bộ Nội vụ. Libération đặt câu hỏi liệu chiến tranh có xảy ra giữa chủ tịch Hạ viện và Bộ trưởng Bộ nội vụ hay không vì hai nhà lãnh đạo này có những nhận định hoàn toàn khác nhau về vấn đề nhập cư. Tờ Aujourd’hui en France công bố kết quả thăm dò về vấn đề xem xét lại luật tự động được nhập quốc tịch của trẻ sinh ra tại Pháp trong khi đó bố mẹ là người nước ngoài. 72% người được hỏi đồng tình với việc này.

Cuối đời tại nhà tù 5 sao của Bạc Hy Lai

Trở lại vụ án Bạc Hy Lai, hai tờ báo Le Figaro và Libération quan tâm tới việc đơn kháng án của Hoàng tử đỏ thất sủng bị bác bỏ. Le Figaro miêu tả « Nhà tù 5 sao tới cuối đời cho Bạc Hy Lai » với phòng giam rộng rãi có ghế sofa và giường êm, bữa ăn tương đương với bữa ăn của một bộ trưởng do đầu bếp có tiếng chuẩn bị, những cuộc đi dạo dài…. Cuộc sống trong tù của ông vẫn sướng như một VIP.

Nhà tù 5 sao này được xây dựng từ năm 1958 nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô cũ được bảo vệ nghiêm ngặt và không được ghi trên bất kì bản đồ nào. Bạc Hy Lai sẽ không bao giờ được nhìn thấy ngoài đời, trừ phi ông được trả tự do sớm hơn với lý do sức khỏe.

Ngoài việc đề cập lại quá trình hoạt động của Bạc Hy Lai, báo Libération nhận định chủ tịch Tập Cận Bình cũng là một « hoàng tử đỏ » và dường như đang đi theo « phương pháp » Bạc Hy Lai, như ca ngợi chủ tịch Mao, truy bắt những người bất đồng chính kiến, trấn áp những người sử dụng internet với lý do ngăn chặn « tin đồn ». Tờ báo kết luận, những chiến dịch chống tham nhũng của ông hiện nay khéo léo ngụy trang các cuộc thanh trừng chính trị.

Pháp : Năm cách để thay đổi giới lãnh đạo

Quay lại tình hình xã hội Pháp, mục « Sự kiện » của báo Libération đề cập tới vấn đề bất cân bằng trong thành phần ưu tú của Pháp. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do sự khác biệt giữa môi trường sống và đào tạo. Với hy vọng cải thiện tình hình này, Libération đưa ra kiến nghị : « Năm cách để thay đổi giới lãnh đạo ».

Bài xã luận cảnh báo người Ăng-lô Xắc-xông không bao giờ nhăn mặt khi chỉ trích những gì đang diễn ra tại Pháp. Họ cho rằng sự thụt lùi của Pháp trên thế giới là do giới lãnh đạo trì trệ của nước Pháp được đúc ra từ cùng một khuôn và không có khả năng thay đổi mẫu mã. Với họ, thành phần ưu tú, thượng tầng xã hội, nắm quyền điều hành lãnh đạo ở Pháp thường là đàn ông, da trắng và xuất thân từ các gia đình khá giả.

Một số trường nổi tiếng như Sciences Po đang cố cởi mở hơn với sự đa dạng, nhưng thử nghiệm này vẫn còn quá hạn hẹp. Tác giả bài xã luận cho rằng đã đến lúc phải có những cải cách lâu dài để thành công không chỉ dành cho một số người mà cho phép nhiều người thể hiện sự khác biệt của mình.

Báo Libération nêu lên 5 hướng để mở rộng thành phần ưu tú của Pháp : Xóa bỏ trường Hành chính quốc gia (ENA), nâng cao vai trò của các trường đại học, áp dụng nhiều hơn nữa chính sách "hành động xác định", ưu tiên giáo dục mầm non và tham khảo ý kiến của công dân trước khi các nhà lãnh đạo đưa ra một quyết định.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.