Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Cần cảnh giác các website gặp gỡ cho tuổi thiếu niên

Rencontre-ados.net, sortirensemble.com, Nodaron.com, Kiss-ado.com, … là những website gặp gỡ miễn phí dành cho tuổi thiếu niên (từ 11 cho đến 16 tuổi). Những trang mạng này nở rộ trên Net từ một hay hai năm nay tại Pháp. Theo ước tính, số lượng thành viên tham gia có từ 100 hay 200 ngàn bạn trẻ. Câu hỏi đặt ra liệu các bậc cha mẹ có hay biết gì về sự hiện diện những trang web đó không ? Liệu họ có hay rằng con mình đang thường xuyên trao đổi trên những mạng cho dù chưa có sự đồng thuận của họ ? Đề tài xã hội này được nhật báo Le Monde số ra hôm nay đặc biệt quan tâm đến qua hàng tựa « Các website gặp gỡ cho thiếu niên sinh sôi nảy nở trên Net mà cha mẹ không hay biết ».

REUTERS
Quảng cáo

Theo Le Monde, các trang mạng đó được thiết kế nhằm « tạo thuận lợi các cuộc gặp gỡ » giữa các cư dân mạng trong độ tuổi 11 (hay 13) cho đến 25 tuổi. Phương thức vận hành được bắt chước nguyên xi từ những website gặp gỡ cho người lớn như là Meetic, rất thịnh hành tại Pháp chẳng hạn. Chỉ có điều đó là những « bậc đàn ông tuổi 15 » và « các quý cô tuổi 13 ». Những cô cậu nhỏ này tự tạo cho một lý lịch, kèm theo ảnh chụp và những mô tả về chính mình. Trẻ nhỏ lao vào công cuộc tìm kiếm bạn tùy theo từng tiêu chuẩn, nhận các tin nhắn riêng tư, tham gia các cuộc chat đôi khi có sử dụng cả video.

Lướt một vòng các trang mạng, các bậc cha mẹ có lẽ không khỏi giật mình khi thấy những biệt hiệu bất nhã, lời lẽ chat thô tục đầy dẫy lỗi chính tả tiếng Pháp. Các cô các cậu đưa lên mạng hình chụp khỏa bán thân được chụp từ những chiếc điện thoại thông minh. Đối với các em, những trang mạng này giúp họ mạnh dạn trao đổi với đối tác trên mạng mà không e sợ những đánh giá về ngoại hình.

Nhưng dường như các bậc cha mẹ vẫn tỏ ra không mấy cảnh giác về các trang mạng này. Họ hầu như không tin rằng « bọn trẻ » có thể tìm đến các website đó. Thế nhưng, theo bà Justine Atlan, giám đốc Hiệp hội dự báo trẻ em E-Enfance, đó chỉ là một sự « ảo tưởng ». Các trang mạng này tìm cách đẩy các em nhỏ vẫn còn non dại tự phô trương về mình một cách khêu gợi nhất. Các mục quảng cáo của những trang mạng này (do Google quản lý, thường nhắm mắt làm ngơ) hay dẫn chúng đến trang web khiêu dâm vốn dĩ bị cấm cho độ tuổi này. Đáng lo hơn nữa : Các trang mạng đó còn tạo điều kiện gặp gỡ giữa trẻ thiếu niên và thành niên. Một mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em, Justine Atlan nhận định.

Về điểm này, nhà sáng lập trang mạng Rencontre-ados.net, anh Thomas Mester, người Bỉ , 23 tuổi cũng phải nhìn nhận. « Những người lớn tuổi hơn sẽ không bỏ qua một cộng đồng hấp dẫn như thế, chắc chắn là họ sẽ thử ». Dĩ nhiên, anh cũng phải đảm bảo có những biện pháp để ngăn chặn. Nhưng khi được phóng viên Le Monde hỏi về mặt pháp lý, trẻ tham gia phải có sự đồng tình của cha mẹ, thì nhà sáng lập trẻ tuổi đó có vẻ bực dọc, trả lời rằng « chẳng lẽ tôi lại phải gởi cho họ một thư bảo đảm nữa hay sao ! »

Nhà sáng lập trang mạng Nodaron.com, anh Olivier Papon, cũng công nhận rằng việc giám sát rất là khó khăn. Các cô cậu nhỏ có thể trở thành « nạn nhân của những kẻ giựt dây Châu Phi, ẩn sau những lý lịch con gái ». Một khi bức tường lạnh nhạt rơi xuống, những tên này sẽ đề nghị chuyển qua Skype để giao tiếp bằng video và thuyết phục được người đối thoại thoát y để rồi cuối cùng đi đến việc đe dọa mua chuộc. Hoặc phải làm một việc gì cho chúng chẳng hạn làm một thông báo nào cho chúng trên một trang mạng khác. Một kiểu lừa đảo. Nhưng nếu trẻ có ý định đi kiện, một lời đe dọa sẽ được gởi vào thư điện tử của nạn nhân.

Do vậy, chưa chắc gì những vị « gia gia » đồi bại lại là mối họa duy nhất ! Le Monde kết luận.

20000 trẻ sơ sinh ra đời từ những bà mẹ dưới 18 tuổi

Cũng trên lãnh vực xã hội, nhưng trên bình diện quốc tế, báo Le Monde trích một báo cáo của Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng « Mỗi ngày, 20000 trẻ được sinh ra từ những bà mẹ dưới 18 tuổi ».

Bản báo cáo năm 2013 về « Tình trạng dân số thế giới » do Quỹ vì Dân số của Liên Hiệp Quốc UNFPA, công bố hôm qua 30/10/2013 nhấn mạnh đến việc đánh giá thấp tầm cỡ và tác động của hiện tượng « các bà mẹ nhí » lên sự phát triển tại nhiều quốc gia.

Mỗi năm có đến 7,3 triệu trẻ sinh ra từ những bà mẹ dưới 18 tuổi. Nghĩa là, mỗi ngày có đến 20 ngàn bà mẹ trẻ cho ra đời một đứa con. Bản báo cáo cho hay 95% trường hợp sinh xảy ra tại các quốc gia đang phát triển, phần lớn tại Châu Phi. Ngày nay, có đến 28% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 sống tại các quốc gia Trung Phi và Tây Phi đã làm mẹ ngay từ lúc vị thành niên. Tỷ lệ này tại Nigeria còn cao hơn đến 50%. Đáng ngại nhất là các khu vực vùng hạ Sahara của Châu Phi, lượng các cô gái mới lớn (chưa tới 15 tuổi) đã làm mẹ có thể tăng từ mức hiện nay 2 triệu người/năm lên 3,3 triệu người/ năm vào năm 2030.

Tuyệt đại đa số các bà mẹ trẻ con đó bị cưỡng hôn ngay từ nhỏ và không được hưởng chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục. Ngay sau khi kết hôn, các em nhỏ này phải chịu dưới sự quản lý của các ông chồng. Hậu quả là các bà mẹ trẻ con đó gánh chịu nhiều vấn đề sức khỏe : xảy thai, trẻ sinh non, đôi khi đi đến thiệt mạng…Con cái của các bà mẹ trẻ em đó cũng gặp nguy hiểm. Trẻ sơ sinh thường bị thiếu cân lúc sinh ra và nếu như chúng không bị chết non thì thường gặp vấn đề tăng trưởng.

Việc tước quyền đến trường cũng như khả năng được học nghề và có thể tự chủ được của các em gái này để lại một tác động lớn cho nền kinh tế tại các quốc gia này. Theo đánh giá của bản báo cáo, « tại Châu Phi, số người trong độ tuổi lao động dưới 30 chiếm trung bình đến 60% dân số. Nhưng hơn phân nửa trong số này lại là phụ nữ trẻ. Các quốc gia này bị tước đoạt mất một khả năng tiềm tàng quan trọng ».

Pháp : 4 kiều dân được trả tự do, tranh cãi xung quanh mức tiền chuộc

Các báo Pháp sáng nay hầu hết tập trung vào sự kiện 4 kiều dân Pháp được trả tự do và về nước an toàn vào ngày hôm qua. Bỏ qua các cảm xúc và niềm vui gặp lại người thân của 4 con tin Pháp, báo chí trong nước xoáy vào những điểm uẩn khúc của vụ việc và nhất là khoản tiền chuộc. Bất chấp những lời đảm bảo và sự phủ nhận của chính phủ, không ai tin vào một sự tự do mà không có đổi chác.

Đa số các tờ báo lớn đều đưa tít lớn trên trang nhất. « Con tin : các bí mật của một cuộc thương thuyết », tít của báo Le Monde. « Con tin : nghi vấn về khoản tiền chuộc », tựa của Libération. « Con tin trở về : nhẹ nhõm và tranh cãi », nhận định của Le Figaro và « Niềm vui của sự trở về » La Croix hoan hỉ.

Thế nhưng, việc báo Le Monde tiết lộ trên trang của mình số tiền chuộc lên đến 20 triệu euro, bắt đầu gây tranh cãi. Đối với bài xã luận của báo Libération, đây chính là « Cái bẫy ». Tờ báo nhận định một lần nữa đảng Xã hội cầm quyền lại bị sập bẫy. Nếu như vậy, chính cái kết quả của vị thế Tổng thống mới đáng phải bàn hơn là lý do trả tiền chuộc do mọi chế độ thực hiện. Khi khẳng định rằng nước Pháp sẽ không bao lui bước trước sự mặc cả của những kẻ bắt cóc, François Hollande từng tuyên bố rõ quyết tâm không tài trợ phe khủng bố trong đó AQMI là một trong những tổ chức đê tiện nhất. Giờ đây, ông đang gánh lấy rủi ro phủi nhận sự việc. Không ai có thể nghĩ rằng những kẻ cầm đầu của AQMI có thể thả công dân Pháp mà không có trao đổi. Tờ báo kết luận : « Lẽ ra sự thành công không thể chối cãi của chiến dịch Arlite phải mang lại sự tín nhiệm cho vị Tổng thống đang bị suy giảm uy tín trầm trọng trên chính trường nội bộ, thì nó lại hủy hoại hơn nữa chỉ vì câu chuyện tiền chuộc ».

Bài xã luận của Le Figaro tuy không chỉ trích nặng nề Tổng thống , nhưng kêu gọi nước Pháp thay đổi học thuyết của mình. Với tựa đề « Con tin : có một quốc gia không trả tiền chuộc ». Tờ báo tự hỏi, « chẳng phải là đã đến lúc phải đặt câu hỏi về nguyên tắc trả tiền chuộc cho các phần tử khủng bố cho tương lai ? » Cứ sau mỗi lần giải thoát con tin, nước Pháp lại phủ nhận một cách có hệ thống là có trả tiền chuộc. Một điều mà ai cũng biết không đúng. Bài viết liệt kê lại một lọat các vụ chuộc con tin bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Giscard năm 1976. « Không phải nó vừa là vô nhân đạo và vừa không được lợi lộc gì khi phải trả tiền chuộc ? » « Đấy chẳng phải là cái giếng không đáy hay sao ? » bài xã luận hỏi. Trong lịch sử, Pháp lúc nào cũng sai lầm mỗi khi lùi bước trước cuộc mặc cả. Chí ít trên hành tinh này cũng còn có một quốc gia không chấp nhận trả tiền chuộc, đó là Anh quốc. Cuối cùng tờ báo kêu gọi mọi đảng phái chính trị phải lấy nước Anh làm ví dụ điển hình.

Trái với các đồng nghiệp, nhật báo công giáo La Croix lấy làm ngạc nhiên về các cuộc tranh cãi này. Có lợi gì khi cứ phải bàn tán, bình phẩm về tiền chuộc ? Bởi vì, chính phủ sẽ phủ nhận và sẽ còn phủ nhận nữa. Những nguồn tin ít hay nhiều được xác minh sẽ lại đưa ra những con số không thể thẩm định được. Hơn nữa, không ai mong muốn ước tính cái giá của sự tự do, nếu không muốn nói là để nuôi dưỡng tham vọng lần tới cho những kẻ bắt cóc và sẽ làm cho các cuộc thương thuyết không thể tránh được với những phần tử đó thêm phần rắc rối, dù đó là quân khủng bố hay mafia, hoặc cả hai cùng lúc. Tốt hơn hết là nên cảm ơn những gì chính phủ đã làm, những người đã điều hành cuộc giải thoát cho bốn công dân tại Arlite và hãy để họ làm việc trong sự kín đáo, La Croix kết luận

Đông Dương, vượt lên những nỗi đau !

« Đông Dương, vượt lên trên những nỗi đau ! » là tựa đề bài viết trên phụ san Le Figaro và Độc giả. Sau Algeri, bảo tàng quân đội tại Paris sẽ mở một triển lãm lớn về một thế kỷ hiện diện của quân đội Pháp tại Đông Nam Á.

Cuộc triển lãm lần này thuật lại lịch sử Đông Dương, khi kể lại một trăm năm sự có mặt của quân đội Pháp, từ khi bắt đầu cuộc chinh phục cho đến khi phải ra đi vào năm 1956. Tờ báo cho hay, quyết định chọn lựa xử lý đề tài này cũng khá tế nhị có thể gây hại cho các tiến trình chính trị, kinh tế và văn hóa. Thế nhưng, Le Figaro nhấn mạnh là viện bảo tàng lớn của Nhà nước theo đuổi thiện chí kết thúc một chủ đề cấm kỵ tại Pháp.

Trái với Algeri hay Tây Phi, Pháp đến Đông Dương không phải là để chiếm đất, mà để truyền giáo, rồi sau đó là làm thương mại. Cuộc triển lãm sẽ tái hiện lại lịch sử khai thác và chiếm hữu cũng như tư tưởng khai hóa của nước Pháp vào thế kỷ XIX tại vùng cựu Đông Dương đó, giờ thuộc ba quốc gia Campuchia, Lào và Việt Nam.

Tại triển lãm lần này, người xem sẽ được chiêm ngưỡng 380 món đồ, các bản đồ, trang phục, các kiểu mũ nón, hình ảnh, phim tài liệu, vũ khí, và cả các truyền đơn chính trị. Tuy nhiên, đề tài « thực dân » dưới danh nghĩa khai hóa và tiến bộ sẽ là chủ đề chủ đạo của triển lãm. Le Figaro khẳng định triển lãm sẽ không che dấu bất kỳ khía cạnh nào của thời điểm này, ngay cả các cuộc thảm sát thường dân do chính quân đội Pháp thực hiện cũng sẽ được phơi bày. Triển lãn cũng tái hiện lại các cuộc tranh luận chính trị thường xuyên đi kèm theo với sự phát triển của đế chế thực dân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.