Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - PHÁP - KINH TẾ

Phục hồi kinh tế : Châu Âu chưa hài lòng về Pháp

Hôm qua, Ủy ban Châu Âu (EC) đã công bố báo cáo dự phóng kinh tế 2014-1015 cho tất cả các nước thành viên, theo đó, các nhà kinh tế của EC chưa tin tưởng vào viễn cảnh phục hồi kinh tế của chính phủ Pháp. Chủ đề này chiếm trọng tâm báo chí Pháp hôm nay, 06/11/2013

Ủy viên Olli Rehn trình bầy dự báo kinh tế tại Ủy ban Châu Âu, Bruxelles, 05/11/2013
Ủy viên Olli Rehn trình bầy dự báo kinh tế tại Ủy ban Châu Âu, Bruxelles, 05/11/2013 REUTERS/François Lenoir
Quảng cáo

Nhật báo Le Figaro đăng tựa trên trang nhất : « Thâm hụt ngân sách, nợ công và thất nghiệp : Bruxelles chưa hài lòng về Pháp ». Tờ Libération có bài : « Bruxelles dội gáo nước lạnh vào sự lạc quan của Pháp trong hồ sơ giảm thâm hụt ». Nhật báo La Croix cũng có bài cho hay : « Bruxelles cảnh báo Pháp về nguy cơ mất kiểm soát ngân sách ». Nhật báo kinh tế Les Echos đăng tựa tổng quát hơn : « Bruxelles yêu cầu Đức và Pháp phải hành động ».

Các tờ báo đều nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Paris và Bruxelles trong dự phóng kinh tế Pháp. Chính phủ Pháp dự phóng thâm hụt công của nước này sẽ giảm từ 4,1% trong hiện tại xuống còn 3,6% trong năm 2014. Thế nhưng, theo Bruxelles, năm 2014, con số đó sẽ là 3,8%.

Sự khác biệt ở đây rõ ràng là không đáng kể, nhưng dự phóng cho năm 2015 thì khoảng cách lại khá lớn. Paris bảo đảm sẽ giảm mức thâm hụt công xuống ngưỡng dưới 3% vào năm 2015, thế nhưng Bruxelles lại cho rằng con số đó sẽ là 3,7%.

Liên quan đến nợ công, trong khi chính phủ Pháp bảo đảm 2015 sẽ là năm mà nước Pháp bắt đầu giảm nợ công, thì dự phóng của Ủy ban Châu Âu lại cho rằng, nợ công vào năm đó sẽ tiếp tục tăng và đạt mức kỉ lục 96% GDP.

Lĩnh vực việc làm cũng có sự khác biệt lớn trong đánh giá của hai bên. Trong khi Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố nhiều lần là sẽ « làm đảo ngược » tình trạng thất nghiệp vào cuối năm nay, thì Ủy ban Châu Âu lại dự báo sẽ tăng tuần tự nhi tiến : năm nay là 11%, năm 2014 là 11,2%, và năm 2015 là 11, 3%.

Như vậy, trong hồ sơ tăng trưởng của Pháp, Bruxelles tỏ ra bi quan hơn Paris, và dự phóng nói trên của Bruxelles được tờ báo cánh tả Libération cho là « dội gáo nước lạnh » vào niềm hi vọng của Pháp.

Sự « thất vọng » của Ủy ban Châu Âu được giải thích là định chế này chưa hài lòng về các biện pháp phục hồi của Pháp và yêu cầu Paris tiến hành thêm những biện pháp cải cách mang tính cấu trúc.

Đối với nền kinh tế Đức, dự phóng của Bruxelles vẫn cho rằng, nền kinh tế này tiếp tục là « đầu tàu » kinh tế Châu Âu trong thời gian tới với dự phóng tỷ lệ thất nghiệp chỉ bằng phân nửa của Pháp, mức tăng trưởng năm 2014 sẽ là 1,7% và năm 2015 sẽ là 1,9%.

Trong bối cảnh tăng trưởng của hai nền kinh tế đầu tàu Châu Âu là Đức và Pháp không đồng đều, Ủy ban Châu Âu tỏ vẻ không hài lòng về thái độ mạnh ai nấy lo của hai nước, và yêu cầu hai bên tăng cường phối hợp trong hồ sơ phục hồi kinh tế. Ủy viên Châu Âu phụ trách kinh tế, ông Olli Rehn cho rằng : « Nếu Pháp và Đức tiến hành một cách thật sự những yêu cầu của EU, thì đó sẽ là một đóng góp to lớn của hai nước này đối với eurozone ».

Ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu, Ủy ban Châu Âu dự phóng tỷ lệ tăng trưởng năm 2014 là 1,4%, và năm 2015 là 1,9%. Khu vực đồng euro (eurozone) thì có vẻ yếu ớt hơn : Năm nay mức độ tăng trưởng là -0,4%, năm 2014 là +1,1%, năm 2015 là +1,7%. Một điểm đáng chú ý là Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý, ba tâm chấn của cơn khủng hoảng Châu Âu, được dự báo sẽ thoát khỏi suy thoái vào năm 2014.

Thái Lan : Cuộc chiến Áo Đỏ -Áo Vàng vẫn tiếp diễn

Đến với Thái Lan, nhật báo L’Humanité đăng bài đáng chú ý : «Luật ân xá làm chia rẽ Thái Lan », đề cập đến dự luật ân xá vừa được Hạ viện nước này thông qua ngày 01/11 vừa qua. Dự luật đang tạo lên làn sóng phản đối mạnh mẽ, Chủ tịch Thượng viện cũng đã lên tiếng phản đối.

Điểm gây tranh cãi là dự luật này bao gồm cả giai đoạn bất ổn chính trị hồi năm 2006. Tức là, nó sẽ mở đường cho việc ân xá và trở về nước của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra.

L’Humanité cho hay, từ mấy ngày qua, hàng ngàn người Áo Vàng đã xuống đường biểu tình tại Bangkok đòi hủy bỏ luật nói trên. Chưa kể là nhiều người thuộc phe Áo Đỏ cũng phản đối luật này. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đương nhiệm bà Yingluck Shinawatra, và cũng là em gái của ông Thaksin, đã lên tiếng giải thích rằng, dự luật nằm trong động thái « hòa giải dân tộc » của chính phủ.

Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2010, hơn 100 000 người Áo Đỏ đến từ các vùng nông thôn nghèo khổ và thuộc những tầng lớp khó khăn trong xã hội, đã tập hợp biểu tình tại Bangkok suốt hai tháng trời, dẫn đến đụng độ với cảnh sát. Kết quả: 90 người chết, 1 900 người bị thương. Rồi từ ba năm nay, tờ báo nhận định, Thái Lan vẫn trong tình trạng chia rẽ giữa hai màu áo.

L’Humanité cho biết thêm, dù Thái Lan có nền kinh tế phát triển, nhưng lại là một trong những nước bất bình đẳng xã hội nhất Châu Á. Tại nước này, 20% người giàu chiếm đến 69% lượng tài sản quốc gia.

Người Rohingya Miến Điện khổ sở tại Malaysia

Cũng tại Châu Á, nhật báo La Croix quan tâm đến số phận của những người Rohinya chạy loạn từ Miến Điện đến Malaysia. Tờ báo chạy tựa : « Malaysia không ban tặng tương lai cho người Rohinya tị nạn ».

Tại Miến Điện, cuộc sống người Rohingya thiểu số theo đạo Hồi luôn bị đe dọa bởi các cộng đồng những người Phật giáo cực đoan chiếm đa số. Để trốn chạy khỏi chiến trường xung đột sắc tộc này, nhiều người Rohingya Miến Điện đã phải tìm đến những nước khác trong khu vực bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều người đã không đến được nơi mong muốn mà đã chết trên biển cả bởi các vụ đắm tàu kinh hoàng thời gian qua.

Thế nhưng, dù thoát nạn chìm tàu, thì họ cũng không thoát được số phận bi thương ở nước sở tại. Báo chí Pháp gần đây từng phản ánh số phận bấp bênh của họ ở Thái Lan. Và giờ đây, La Croix nhìn sang Malaysia và cho biết, người Rohingya Hồi giáo chạy loạn từ Miến Điện phải sống trong tình cảnh vô cùng khốn khổ.

Tờ báo cho biết, họ không xin được quy chế tị nạn tại Malaysia, nên họ đương nhiên là những cư dân bất hợp pháp. Vì thế, họ và con em họ không có việc làm hợp pháp, không được học hành, phải sống cảnh trốn tránh nhà cầm quyền. Chưa hết, sự kỳ thị đối với người Rohingya tại Malaysia cũng đáng sợ khi mà đã có nhiều người Rohingya đã bị sát hại một cách bí ẩn mà đến hiện tại cảnh sát địa phương vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Obama một năm sau ngày tái cử : Thất vọng !

Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama đã tái cử vào ngày 6/11/2012. Một năm đã trôi qua, hôm nay, nhật báo Les Echos đăng bài nhận định nhìn lại kết quả một năm làm chủ Nhà Trắng trong nhiệm kỳ hai của ông Obama.

Bài viết nhắc lại, cách đây một năm, khi tranh cử, ông Obama đã hứa nhiều việc : Phục hồi kinh tế, giảm thất nghiệp, cải cách chính sách nhập cư, tăng cường chống biến đổi khí hậu, kiểm soát chặt việc sở hữu vũ khí của người dân, nâng cao thu nhập cho tầng lớp trung lưu…

Thế nhưng, một năm trôi qua, bài viết nhận định, Tổng thống Obama chưa đạt được lời hứa nào cả. Nền kinh tế vẫn trong tình trạng phục hồi một cách rụt rè. Thất nghiệp dù có giảm nhưng chưa có gì là chắc chắn. Thu nhập tầng lớp trung lưu chưa được cải thiện.

Tuy nhiên, trong hồ sơ nội trị, bài viết cho rằng, thất bại « nổi bật nhất » của chính phủ Obama đó là hồi tháng 10, bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa tại lưỡng viện đã đẩy nước Mỹ vào bế tắc chính trị: Chính phủ không tiền trả lương cho nhân viên dẫn đến việc hàng trăm ngàn công chức phải mất việc làm suốt 16 ngày, gây thiệt hại hàng chục tỷ đô la.

Còn trên hồ sơ ngoại giao, bài viết cũng cho rằng Tổng thống Obama một năm qua đã có nhiều thất bại. Thất bại trên hồ sơ Syria trước Nga. Thất bại trên hồ sơ nghe lén của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ-NSA làm mất lòng nhiều đồng minh quan trọng…

10 nước đứng đầu thế giới về…ô nhiễm công nghiệp

Trong lĩnh vực môi trường, Le Monde đăng bài : « Danh sách đen các khu công nghiệp ô nhiễm nhất hành tinh », nói về bảng xếp hạng mới nhất về 10 nước có mức độ ô nhiễm công nghiệp trầm trọng nhất thế giới.

Tác giả bảng xếp hạng là hai tổ chức phi chính phủ Green Cross và Blacksmith Institute tại Thụy Sỹ. Bảng xếp hạng chỉ đề cập đến những khu công nghiệp hay nhà máy thải ra những chất độc hại, như kim loại nặng hay chất phóng xạ, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

So với bảng xếp hạng năm 2007 của hai tổ chức này, thì có bốn khu công nghiệp có mặt ở cả hai lần, trong đó hai khu nằm ở Nga, một khu (Tchernobyl) ở Ukraina, và một ở Tanzania. Trong sáu khu công nghiệp mới vào danh sách thì có 3 khu ở Châu Phi, 3 khu ở Đông Âu và Châu Á.

Nghiên cứu được thực hiện ở trên 2 000 khu công nghiệp ở 49 nước. Khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu không nằm trong phạm vi nghiên cứu vì hai khu vực này đã di dời nhiều nhà máy công nghiệp nặng độc hại đến các nước có nguồn nhân công rẻ.

Nghiên cứu cho rằng, trên thế giới có đến 200 triệu người bị đe dọa bởi ô nhiễm của các nhà máy công nghiệp. Le Monde cho biết thêm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (OMS), thì có đến 23% ca tử vong ở các nước đang phát triển có liên quan đến ô nhiễm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.