Vào nội dung chính
HOA KỲ - PHÁP

Vì sao Obama trải thảm đỏ đón Hollande ?

Ba chủ đề thời sự quan trọng thu hút sự chú ý báo giới Pháp ra ngày đầu tuần hôm nay 10/02/2014 : Chuyến công du Hoa Kỳ cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp, Thế vận hội Sotchi và lá phiếu của cử tri Thụy Sĩ không chấp nhận nhập cư ồ ạt trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua. Về chuyến đi Mỹ của Tổng thống Pháp, các báo nhìn chung ghi nhận trước tiên sự « ân cần » của Tổng thống Obama đối với đồng nhiệm Hollande.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) tiếp nguyên thủ Pháp François Hollande tại Nhà Trắng, Washington, ngày 18/05/2012
Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) tiếp nguyên thủ Pháp François Hollande tại Nhà Trắng, Washington, ngày 18/05/2012 REUTERS/Larry Downing
Quảng cáo

Nhật báo Libération đã dành 4 trang báo dài, và nói đến một cuộc « đón tiếp cao cấp », nêu bật việc ông François Hollande được Barack Obama mời đi một vòng trên chiếc chuyên cơ của Tổng thống Mỹ Air Force One. Le Figaro, sau khi đã chạy tựa lớn đập mắt ở trang nhất : « Hollande đến Mỹ : Chuyến thăm đất nước của sự thành công », cũng nêu bật trong hàng tít lớn trang trong : « Obama chăm sóc người bạn Châu Âu ».

Tờ báo nhắc lại là chưa bao giờ Tổng thống Obama bày tỏ tình cảm hay quan tâm đặc biệt đến Pháp và Châu Âu nói chung : Trong 4 lần đến Pháp từ lúc giữ chiếc ghế Tổng thống Mỹ, ông Obama luôn đi rất ngắn và luôn trong khuôn khổ các hội nghị đa phương : G20, Thượng đỉnh NATO.

Le Figaro trích dẫn nhận định trên tờ New York Times hôm Chủ nhật là : « Tổng thống Obama và Tổng thống Hollande không có quan hệ cá nhân mạnh mẽ ». Nhưng dù thế, thứ Ba 11/02, Tổng thống Pháp sẽ được đón tiếp long trọng tại Nhà Trắng với 21 tiếng đại bác chào thượng khách, và cuối ngày là buổi đại yến.

Tờ báo thắc mắc không biết là hai bên đã thương lượng như thế nào để ông Hollande có vinh dự này, vì đến nay chỉ mới có 6 trường hợp được xem là công du cấp Nhà nước ở Mỹ. Tuy nhiên, tờ báo nhìn thấy một số nguyên nhân trong việc đón tiếp long trọng này : Đó là ông Obama và ê kíp của ông đã thấy tầm quan trọng việc duy trì quan hệ với Châu Âu và Pháp trước tình hình lộn xộn thế giới. Sự hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương trở nên then chốt trong những hồ sơ như Iran hay Syria.

Hơn nữa Tổng thống Pháp sẽ là một đồng minh rất có ích. Vào tháng Ba tới đây, Tổng thống Mỹ lần đầu tiên đến Bruxelles trong cuộc họp Thượng đỉnh với Liên Hiệp Châu Âu, và sẽ phải đối mặt với những hồ sơ gai góc : Các vụ nghe trộm của tình báo Mỹ, hiệp định tự do mậu dịch Mỹ-Liên Hiệp Châu Âu, Ukraina v.v...

Lễ tân Nhà Trắng phải nhức đầu

Ông Obama đón tiếp long trọng lãnh đạo Pháp, nhưng Le Figaro hóm hỉnh cho là có lẽ Tổng thống Mỹ không lường trước được những nỗi thống khổ mà Nhà Trắng - đúng hơn là bộ phận lễ tân của ông - phải chịu : Đó là những vụ liên quan đến cựu « đệ nhất phu nhân » Pháp, bà Valérie Trierweiller.

Việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của ông Hollande diễn ra trong bối cảnh vụ ngoại tình của ông được báo chí tiết lộ. Lễ tân Nhà Trắng đã nôn nóng chờ xem rốt cuộc bà Trierweiller có đi Mỹ hay không. Theo báo New York Times, 300 thiệp mời đã được in xong với dấu của phủ Tổng thống ! Và lễ tân đã giữ kín một bí mật - không khác gì Bắc Triều Tiên - là ai sẽ ngồi vào chỗ mà bà Trierweiller để trống cũng như một số chi tiết nhạy cảm khác. Theo Le Figaro thì việc này cũng sẽ có hệ quả trên chuyến viếng thăm.

Riêng đối với Tổng thống Pháp, Le Figaro cho là chuyến đi sẽ giúp ông đo lường sự phục hồi kinh tế của Mỹ, khám phá một đất nước luôn sáng tạo.

Báo Les Echos cũng cùng đánh giá, nhận thấy trong hàng tít là : « Hollande có ba ngày ở Mỹ để cố vươn lên trở lại ». Tờ báo nhắc lại đây là chuyến viếng thăm đầu tiên cấp Nhà nước của một Tổng thống Pháp từ năm 1996, và mục tiêu là cải thiện hình ảnh kinh tế Pháp.

Les Echos nhìn thấy lời mời của Tổng thống Mỹ đến rất đúng lúc đối với ông Hollande, vốn đang tuột dốc trong các cuộc thăm dò dư luận. Tổng thống Pháp hy vọng tạo một sức bật mới trong giai đoạn đầu năm này và nhất là cho thấy « tầm vóc » của ông trên chính trường quốc tế.

Les Echos cũng tìm hiểu lý do Washington ưu đãi Tổng thống Pháp như thế. Tờ báo nhận thấy là Pháp đã được ưa thích trở lại ở Mỹ. Giới chính trị ở Mỹ - Cộng hòa hay Dân chủ - đều hoan nghênh hành động của ông Hollande trên chính trường quốc tế. Thái độ cương quyết của ông trong việc can thiệp vào Mali hay Cộng hòa Trung Phi rất được tán thành ở Mỹ, và Pháp cũng đang trở thành một động minh tốt ở Châu Âu. Pháp đóng một vai trò ngoại giao mà Anh và Đức hiện nay không sẵn sàng gánh vác.

Dân Thụy Sĩ không muốn nhận người Châu Âu

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Thụy Sĩ trên vấn đề nhập cư cũng được báo giới Pháp hôm nay quan tâm, với những nhận định khác nhau. Nếu La Croix và Le Figaro ghi nhận khách quan : Thụy Sĩ trở lại với chế độ quota, thì Libération trên trang nhất cho là Thụy Sĩ đóng cửa biên giới. Các báo đều thấy là giới kinh tế không tán đồng cuộc trưng cầu này.

Nhưng người dân thì khác. Ở trang trong, La Croix đánh giá trong hàng tựa là « Người Thụy Sĩ muốn kềm hãm nhập cư », nhất là người Châu Âu. Theo tờ báo, vấn đề nhập cư đã dần dà trở nên đầu mối gây bất bình ở Thụy Sĩ. Đất nước 8 triệu dân này đón nhận 1,88 triệu người nước ngoài, trong đó 1,25 triệu là người đến từ các láng giềng Châu Âu.

Khi mở thị trường lao động của mình cho các nước trong Liên Hiệp Châu Âu, chính quyền Thụy Sĩ cho là họ chỉ đón 8.000 người một năm. Thế nhưng trong thực tế, họ đã đón trung bình 80.000 người mỗi năm. Dân Thụy Sĩ đổ cho tình trạng nhập cư ồ ạt là nguyên do của tất cả những khó khăn họ gặp phải, từ việc tìm nhà ở cho đến vấn đề giao thông, do người quá đông.

Theo La Croix, người Châu Âu ở Thụy Sĩ đông đảo nhất là Ý và Đức – 291.000 và 284.200 - kế đến là Bồ Đào Nha (237.000) và Pháp (104.000).

Một kết quả phản ánh sự « ích kỷ kinh tế »

Libération cũng cùng đánh giá và tỏ vẻ bực dọc, nói đến sự khép mình của Thụy Sĩ và nêu trong một tựa trang trong đánh giá của một chuyên gia : « Sự ích kỷ kinh tế là động cơ chính của cuộc bỏ phiếu ». Một phần dư luận Thụy Sĩ muốn có quy định chặt chẽ nhắm vào các nước lân cận cho là đang nhòm ngó triển vọng kinh tế của đất nước này.

Le Figaro chú ý đến phản ứng các đồng nghiệp Thụy Sĩ, cho biết là họ đã bị một cú sóc trước kết quả hôm qua. Báo Le Temps đã nói đến một ngày Chủ nhật đen tối và lấy làm tiếc là « lá phiếu hôm qua đã tạo nên tình trạng bất an đối với tất cả các nhà đầu tư ở đất nước Thụy Sĩ này, đối với các nhà nghiên cứu, sinh viên v.v. ». Giới kinh tế đánh giá tăng trưởng Thụy Sĩ sẽ bị tác động trong nhiều năm.

Le Figaro cũng nêu câu hỏi hiện nay trên các mạng xã hội là thất nghiệp ở Thụy Sĩ hiện ở mức 3,5%, các công ty xí nghiệp lấy đâu ra nhân công nếu không có người nước ngoài.

Vấn đề rõ ràng không đơn giản đối với Thụy Sĩ, là sẽ phải đối phó với Châu Âu. Bruxelles sẽ xem xét lại quan hệ với Thụy Sĩ, các thỏa thuận song phương trong nhiều lãnh vưc sẽ bị xét lại sắp tới đây.

Sotchi : Hào quang cho riêng Putin

Thế Vận Hội mùa đông Sotchi khai mạc hôm thứ Sáu, 07/02, vẫn chiếm nhiều trang báo Pháp hôm nay. Trước tiên La Croix và Le Figaro nêu kết quả thi đấu 2 ngày qua : Hai ngày trắng đối với đội Áo xanh – tức đội tuyển Pháp - chưa giành được một huy chương nào.

Báo Le Monde đã dành tít lớn mở đầu bản tin trên trang nhất nói đến Sotchi, Thế vận hội ái quốc trong một nước Nga yếu ớt. Trong bài xã luận ngay bên dưới, Le Monde nhìn thấy là ông Putine không xứng đáng lên bục danh dự nhận huy chương.

Tờ báo phân tích : Lễ khai mạc huy hoàng mang âm hưởng lịch sử - ái quốc - và cũng như các Thế Vận Hội ở Bắc Kinh hay Luân Đôn, đây cũng là vấn đề danh dự quốc gia.

Nhưng ở Sotchi thì điều nổi bật là danh dự của ông Putin hơn là của nước Nga. Ông Putin muốn Sotchi đánh dấu đỉnh cao uy tín của ông. Cao vọng của ông Putin, là qua Sotchi cho thấy Nga đã trở lại vị trí cường quốc của mình.

Có điều Le Monde nhận thấy là Sotchi phơi bày mặt yếu hơn là mặt mạnh của Nga, ở trong nước, cũng như ở ngoại quốc. Sân vận động hào nhoáng Ficht đã không che giấu được tình trạng kinh tế yếu kém, với tăng trưởng chỉ hơn 1% vào năm 2013, và năm 2014 sẽ không hơn gì.

Như báo cáo của OCDE – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - cho thấy, Nga nhập gần như mọi thứ, đầu tư rất ít, làm cho vốn tháo chạy. Theo Le Monde, đó là hệ quả của chế độ Putin, độc đoán, dung túng tham nhũng, khiến cho nước Nga, cho dù có nhiều tài nguyên thiên nhiên, cũng không nằm trong danh sách các nước lớn đang trỗi dậy.

Và người Ukraina xuống đường biểu tình cũng là vì họ chống chế độ này. Phong trào của họ tiếp tục trong lúc Thế Vận Hội Sotchi tiếp diễn chứng tỏ là mô hình Nga không có sức quyến rũ chút nào ở bên ngoài.

Tóm lại, Le Monde chúc Thế Vận Hội Sotchi thành công, nhưng ông Putin thì không xứng đáng lên bục danh dự.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.