Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG PHI

Tổng thống Pháp công du Trung Phi, cảnh cáo mọi ý đồ chia cắt

Sáng nay, 28/02/2014, Tổng thống Pháp François Hollande tới Bangui, thủ đô nước Cộng hòa Trung Phi. Đây là chuyến đi thứ hai của Tổng thống Pháp tới quốc gia này trong vòng ba tháng, trong bối cảnh Trung Phi đang rơi vào vòng xoáy bạo lực sắc tộc tôn giáo, nguy cơ bị chia cắt tăng cao.

Người dân Trung Phi chạy loạn do các cuộc bạo động sắc tộc - tôn giáo. Ảnh chụp ngày 26/02/2014.
Người dân Trung Phi chạy loạn do các cuộc bạo động sắc tộc - tôn giáo. Ảnh chụp ngày 26/02/2014. REUTERS/Camille Lepage
Quảng cáo

Phát biểu trước lực lượng quân sự Pháp được triển khai để bảo đảm hòa bình tại quốc gia này, Tổng thống Hollande ca ngợi các nỗ lực của các quân nhân Pháp trong chiến dịch Sangaris giúp cho « hàng nghìn sinh mạng » được cứu vớt. Ông François Hollande nhấn mạnh các băng đảng tội phạm đang khủng bố người dân ở Trung Phi, đặc biệt là người Hồi giáo. Tổng thống Pháp kêu gọi cần tránh mọi mưu đồ chia cắt miền đông Trung Phi ra khỏi quốc gia này và sứ mạng của lực lượng Pháp và liên quân quốc tế là lập lại trật tự để hoàn tất quá trình « chuyển tiếp chính trị », với các kỳ bầu cử, dự kiến sẽ được tổ chức chậm nhất vào tháng 2/2015.

Đối mặt với bạo lực gia tăng, Pháp buộc phải bổ sung thêm 400 binh sĩ, vừa tới Bangui vào hôm qua, 27/02, qua ngả Cộng hòa Tchad. Cùng với các lực lượng Châu Âu sẽ đến trong các tuần tới, binh sĩ thuộc Misca – liên quân Châu Phi tại Trung Phi -, và 2.000 binh sĩ Pháp, tổng cộng sẽ có khoảng 9.000 quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình tại nước này vào cuối tháng 3/2014, theo tuyên bố của ông François Hollande. Trước đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đưa ra con số 10.000 binh sĩ quốc tế có mặt trên thực địa.

Sau cuộc gặp với các quân nhân Pháp, Tổng thống Hollande có cuộc hội kiến với Tổng thống lâm thời Trung Phi, bà Catherine Samba Panza, rồi với giới chức các tôn giáo, những người từ nhiều tháng nay đã nỗ lực để chấm dứt các xung đột giữa tôn giáo.

Cách đây gần một năm, liên minh nổi dậy Séléka, với đa số là người Hồi giáo, đã lật đổ Tổng thống François Bozizé. Trong nhiều tháng liền, Séléka đã gây ra hỗn loạn tại Trung Phi. Cộng đồng Thiên chúa giáo Trung Phi chiếm đa số là đối tượng của các tấn công của Séléka. Việc người Thiên chúa giáo tổ chức các nhóm vũ trang riêng để tự vệ, tạo thành một vòng xoáy bạo lực tôn giáo khủng khiếp, với hàng trăm nghìn người phải bỏ nhà cửa ra đi, hàng chục nghìn người khác là đối tượng có nguy cơ bị tấn công, đặc biệt người Hồi giáo. Lực lượng Séléka rút lui về miền viễn đông Trung Phi, khiến Liên Hiệp Quốc lo ngại quốc gia này sẽ bị chia cắt.

Theo một giới chức Liên Hiệp Quốc, cộng đồng quốc tế phải tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự để tránh một cuộc tắm máu. Đại diện của Phủ Cao ủy về người tỵ nạn có trách nhiệm bảo vệ dân thường tại Trung Phi so sánh tình hình hiện nay với vụ thảm sát ở Srebrenica (Nam Tư cũ) năm 1995, khi 8.000 người Hồi giáo bị quân Serbia giết hại. Theo ông, cuộc thanh lọc sắc tộc-tôn giáo đang diễn ra.

Trong các hoạt động bảo vệ hòa bình tại Trung Phi, kể từ tháng 12/2013 ba binh sĩ Pháp và 19 quân nhân Misca đã hy sinh. Trước đó, Paris hy vọng cuộc bầu cử toàn quốc có thể được tổ chức vào cuối năm 2014, nhưng cho đến nay, mục tiêu này là không thể thực hiện được.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.