Vào nội dung chính
PHÁP

Bệnh nhân ghép tim nhân tạo đầu tiên qua đời

Bệnh nhân 76 tuổi từng được cấy ghép quả tim nhân tạo do công ty Carmat của Pháp chế tạo, đã qua đời sau 75 ngày chung sống với trái tim giả hoạt động độc lập đầu tiên, được đánh giá là thành tựu lớn của các nhà khoa học Pháp.

Trái tim nhân tạo do công ty Carmat của Pháp chế tạo (Carmat)
Trái tim nhân tạo do công ty Carmat của Pháp chế tạo (Carmat)
Quảng cáo

Bệnh viện Georges Pompidou tại Paris, nơi thực hiện và theo dõi ca ghép tim, hôm qua đã thông báo : « 75 ngày sau ca cấy ghép tim nhân tạo Carmat cho bệnh nhân nam 76 tuổi bị bệnh suy tim, ngày 2/3/2014, bệnh nhân này đã qua đời».

Trong thông cáo, bệnh viện cho biết chưa thể nói về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân vì còn phải chờ nhiều phân tích rất nhiều thông số kỹ thuật, y tế ghi trong quá trình theo dõi bệnh nhân từ khi cấy ghép.

Bị suy tim nặng, bệnh nhân nói trên, danh tính không được tiết lộ, đã được các nhà khoa học chọn để ghép toàn bộ một quả tim nhân tạo, có khả năng hoạt động độc lập. Quả tim nhân tạo do công ty Carmat của Pháp chế tạo được đánh giá là một thành tựu khoa học tiên tiến, có thể đem lại hy vọng sống cho hàng nghìn người mắc bệnh tim nặng.

Thực tế, tim nhân tạo đã được cấy ghép trên thế giới từ hàng chục năm qua, nhưng đó chỉ là những bộ máy được ghép tạm thời trong thời gian chờ cấy ghép tim thật. Các nhà khoa học Pháp muốn đi xa hơn là thay thế trái tim bị bệnh bằng một quả tim tự hoạt động theo cơ chế sinh học của người.

Ca ghép tim Carmat diễn ra thành công hôm 18/12/2013 sau hơn 10 giờ phẫu thuật của các giáo sư bác sĩ bệnh viên Georges Pompidiou dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Alain Carpentier, một trong những người chủ trì dự án tim nhân tạo của Pháp. Trong những ngày đầu tiên sau khi được cấy ghép, tình trạng bệnh nhân có nhiều dấu hiệu tiến triển tốt.

Đến lúc này việc ghép tim Carmat vẫn chỉ là giai đoạn thử nghiệm dụ kiến sẽ kéo dài nhiều năm. Nhưng có điều cần phải biết là không phải tất cả các bệnh nhân suy tim đều có thể thay tim Carmat. Với trọng lượng 900 gram, quả tim nhân tạo này chỉ vừa với lồng ngực của các bệnh nhân vạm vỡ.

Ngoài ra giá thành của cỗ máy công nghệ cao là khoảng 160 nghìn euro và chi phí cho ca phẫu thuật và theo dõi sau đó cũng phải tương đương như vậy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.