Vào nội dung chính
PHÁP - BẦU CỬ

Bầu cử địa phương ở Pháp : Khó dự báo kết quả

Mặc dù chính phủ của Đảng Xã hội bị mất uy tín nghiêm trọng, nhưng cuộc bầu cử địa phương năm nay ở Pháp không chắc là sẽ thuận lợi cho đảng cánh hữu UMP, mà hiện đang gặp nhiều vụ tai tiếng với tư pháp. Về phần đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia sẽ lợi dụng tình hình này để cắm rễ sâu hơn ở các địa phương. Nhưng rất khó dự báo kết quả bầu cử lần này, nhất là vì tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu có thể sẽ lại phá kỷ lục.

Công nhân may chiếc băng choàng vai màu cờ Pháp dành cho thị trưởng. Ảnh chụp ngày 17/03/2014.
Công nhân may chiếc băng choàng vai màu cờ Pháp dành cho thị trưởng. Ảnh chụp ngày 17/03/2014. REUTERS/Stephane Mahe
Quảng cáo

Ngày mai, 23/03/2014, các cử tri Pháp sẽ bỏ phiếu bầu các hội đồng địa phương ( thành phố, thị xã, quận huyện, làng xã ). Cuộc bầu cử diễn ra theo hai vòng, vòng hai là ngày 30/03, trừ những địa phương nào có danh sách thắng cử ngay vòng đầu.

Hiếm khi nào mà một cuộc bầu cử địa phương tại Pháp lại diễn ra trong bối cảnh mà đảng cầm quyền bị mất uy tín nghiêm trọng như vậy, Tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Xã hội François Hollande nay chỉ còn 20%. Thủ tướng Jean-Marc Ayrault cũng chẳng khá hơn nhiều : chỉ có 25% dân Pháp tín nhiệm ông.

Kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 đến nay, Đảng Xã hội đều bị thua trong các cuộc bầu cử bổ sung và họ đang sợ là bầu cử địa phương lần này cũng sẽ theo hướng đó. Điều làm cho Đảng Xã hội quan ngại nhất đó là tỷ lệ cử tri vắng mặt ngày mai. Trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương lần trước vào năm 2008, đã có đến 33,5%, tức khoảng 1 phần ba cử tri, không đỉ bỏ phiếu, một kỷ lục. Nhưng năm nay các viện thăm dò dự đoán là tỷ lệ vắng mặt sẽ lại phá kỷ lục, thậm chí có thể lên đến 40%.

Do trong số những người không đi bỏ phiếu có nhiều cử tri cánh tả hơn là cử tri cánh hữu, cho nên, trên nguyên tắc tỷ lệ vắng mặt càng cao thì càng có lợi cho đảng UMP và vì thế cánh tả có nguy cơ mất hàng chục thành phố vào tay cánh hữu.

Nhưng bên phía đảng UMP cũng không ai dám chắc là sẽ thắng lớn, bởi vì trong lúc này, nhiều nhân vật của đảng, đặc biệt là cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, đang gặp nhiều tai tiếng về tư pháp, khiến dân chúng Pháp thêm chán ngán. Cánh hữu đã muốn biến cuộc bầu cử địa phương lần này thành một cuộc « trưng cầu dân ý » chống tổng thống Hollande và chính phủ của ông. Nhưng đảng UMP đã không có một chiến dịch tranh cử thật sự theo hướng này.

Trên thực tế, và đó chính là thế mạnh của Đảng Xã hội, trong cuộc bầu cử ngày mai, cử tri Pháp quan tâm đến các vấn đề mang tính địa phương hơn là ở cấp độ quốc gia. Theo kết quả điều tra của các viện thăm dò, có từ 70 đến 80% cử tri cho biết họ bỏ phiếu tùy theo các vấn đề liên quan trực tiếp đến họ ở địa phương.

Nếu như thế, thường cử tri bỏ phiếu cho êkíp lãnh đạo mãn nhiệm ( dĩ nhiên là với điều kiện họ quản lý tốt địa phương đó ), mà hiện nay thì đa số các thành phố có trên 10 ngàn dân là do đảng Xã hội quản lý và theo kết quả các cuộc thăm dò, người dân nói chung ủng hộ các êkíp này. Như vậy, đảng Xã hội có cơ may giữ được đa số các thành phố.

Trong bối cảnh chính phủ cánh tả mất uy tín, cánh hữu cũng chẳng khá hơn gì, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia của bà Marine Le Pen đang hy vọng sẽ giành được từ 10 đến 15 thành phố. Ít ra là sau vòng một ngày mai, đảng của bà Le Pen sẽ đóng vai trò trọng tài ở từ 150 đến 200 thành phố, tức là sẽ lọt vào vòng hai để tranh phiếu với cánh tả và cánh hữu. Dù không thắng cử, đảng cực hữu cũng hy vọng sẽ có được vài ghế dân biểu ở càng nhiều địa phương càng tốt, để qua đó cắm rễ sâu hơn ở các địa phương, làm bàn đạp để đảng này tăng cường lực lượng cho các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống sau này.

Tuy vậy, mọi con mắt hiện đang đổ dồn về thủ đô Paris, với cuộc đối đầu quyết liệt giữa hai nữ ứng cử viên Anne Hidalgo của Đảng Xã hội và Nathalie Kosciusko-Morizet của đảng cánh hữu UMP. Chiến thắng ở kinh đô ánh sáng sẽ có tác động rất lớn đối với cả hai bên. Hiện giờ, theo các kết quả thăm dò cuối cùng, ứng cử viên Xã hội có triển vọng hơn. Nhưng cũng như cuộc bầu cử địa phương nói chung, lần này rất khó mà dự báo thắng thua và kết quả chung cuộc có thể nói là phần lớn phụ thuộc vào tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.