Vào nội dung chính
PHÁP

Bầu cử địa phương : Thất bại lịch sử của Đảng Xã hội Pháp

« Thắng lợi lịch sử » của đảng cánh hữu UMP hay « thất bại lịch sử » của Đảng Xã hội, toàn bộ các nhật báo Pháp hôm nay dĩ nhiên bình luận rất nhiều về kết quả vòng hai bầu cử địa phương ngày hôm qua, 30/03/2014. Các báo cũng đặc biệt quan tâm đến việc đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia chiến thắng tại hơn 10 thành phố, tuy rằng tầm mức thắng lợi thấp hơn mà họ chờ đợi.

Giờ kiểm phiếu tại một đơn vị bầu cử ở Clermont-Ferrand - AFP PHOTO / THIERRY ZOCCOLAN
Giờ kiểm phiếu tại một đơn vị bầu cử ở Clermont-Ferrand - AFP PHOTO / THIERRY ZOCCOLAN
Quảng cáo

Tất cả các nhật báo hôm nay đều cho rằng, trước thảm bại lịch sử nói trên, Tổng thống François Hollande buộc phải cấp tốc cải tổ nội các và thay đổi chính sách.

Trong bài xã luận tựa đề « Khẩn cấp », tờ Libération, thiên tả, nhấn mạnh rằng, sau vòng hai bầu cử địa phương, Tổng thống Hollande không còn sự chọn lựa nào khác. Việc cải tổ nội các là không thể tránh khỏi. Tổng thống Pháp phải nhanh chóng quyết định về tương lai của ông Jean-Marc Ayrault với tư cách Thủ tướng.

Một điều chắc chắn, theo tờ Libération, đó là nội các mới phải chứng tỏ hiệu quả hơn và cụ thể hơn trong hành động. Tổng thống Hollande không có phương án nào khác là duy trì đường lối xã hội dân chủ, nhưng không được quên khía cạnh xã hội của các chính sách. Chỉ có như thế ông Hollande mới hy vọng không rơi xuống thấp hơn nữa trong các kỳ bầu cử tới, đặc biệt là bầu cử Nghị viện châu Âu.

Tờ Le Figaro, thiên hữu, thì xem đây là « Cơ may cuối cùng của Tổng thống », tựa của bài xã luận trong số ra ngày hôm nay. Bài xã luận viết : « Đây không chỉ là một làn sóng, mà là cả một trận sóng thần. (... ) Lần này, không thể chối bỏ thực tế ! Thảm bại lịch sử này báo hiệu nhiều thảm bại khác ( bầu cử Nghị viện châu Âu, Thượng viện, Hội đồng cấp vùng ... ) và là một bản cáo trạng nặng nề nhắm vào một nhiệm kỳ tổng thống khởi đầu trong ảo tưởng và mới giữa chừng đã bị mất uy tín. (...). Đây là thất bại của một nhân vật, mà ngoại trừ một vài dịp hiếm hoi, đã không thể hiện năng lực tương xứng với chức vụ của ông. Nếu muốn cứu vãn chính sách mà ông đề ra, Tổng thống Hollande sẽ phải chia tay Thủ tướng Jean-Marc Ayrault. »

Tờ nhật báo Công giáo La Croix trong bài xã luận hôm nay ghi nhận là các ứng cử viên Xã hội đã trả giá nặng nề cho hình ảnh rất xấu của chính phủ và làn sóng màu xanh lơ của đảng cánh hữu UMP đã quét sạch nhiều cứ địa vốn vẫn rất vững chắc của cánh tả. Theo La Croix, chưa chắc cải tổ nội các sẽ là đủ. Trách nhiệm của chính phủ, và đây cũng là điều mà trên đó Tổng thống Hollande sẽ được xét đoán, đó là tập trung mọi nguồn lực để chống nạn thất nghiệp và nghèo khó, chứ đừng quá chú trọng đế các vấn đề xã hội, vốn dễ gây chia rẽ xã hội Pháp.

Bài xã luận của tờ nhật báo Cộng sản L’Humanité thì kêu gọi chính phủ phải thay đổi đường lối lãnh đạo, nếu muốn tránh một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và một sự cắt đứt giữa công dân và chính quyền. Bài xã luận cảnh báo : « Chỉ cải tổ nội các mà không thay đổi gì cả sẽ bị xem như là coi thường cử tri. Trong những ngày tới, cánh tả phải tìm lại những giá trị về liên đới, bình đẳng và công lý mà chính sách của chính phủ đã bỏ rơi. »

Thắng lợi của Mặt trận Quốc gia

Các nhật báo Pháp hôm nay cũng chú ý nhiều đến kết quả bầu cử của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, tuy không thắng lớn, nhưng cũng đã giành được hơn 1000 chiếc ghế dân biểu địa phương.

Theo tờ Libération, với chiến thắng ở hơn 10 thành phố và 1200 dân biểu địa phương, chủ tịch Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen muốn dựa trên cuộc bầu cử này để mở rộng sự hiện diện ở các địa phương và dùng nó như bàn đạp cho các kỳ bầu cử tới.

Tờ Le Figaro thì cho rằng, khi chứng tỏ là lá phiếu bầu cho Mặt trận Quốc gia kể từ nay là lá phiếu ủng hộ ( chứ không phải là lá phiếu nhằm bày tỏ sự bất mãn đối với các đảng truyền thống ), bà Marine Le Pen đã vượt qua một giai đoạn quan trọng vài tuần trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5. Kết quả nhiều cuộc thăm dò đã dự báo là Mặt trận Quốc gia sẽ đạt tỷ lệ phiếu rất cao, thậm chí dẫn đầu, qua mặt đảng UMP và Đảng Xã hội.

Nhưng nhà chính trị học Dominique Reyné, trả lời tờ Le Monde số đề ngày 30-31/03, thì lưu ý là kể từ nay, bà Marine Le Pen sẽ được xét đoán dựa trên kết quả quản lý các thành phố mà đảng cực hữu giành được. Ông nhắc lại là những thành phố mà cho tới nay do Mặt trận Quốc gia lãnh đạo như Hénin-Beaumont thì đã gần như phá sản.

Ukraina : Nga - Mỹ vẫn bất đồng 

Về thời sự quốc tế, khủng hoảng Ukraina tiếp tục thu hút sự quan tâm của các báo Pháp, qua cuộc hội đàm giữa hai Ngoại trưởng Nga-Mỹ tại Paris ngày 30/03/2014 nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng này.

Theo tờ Le Figaro, Ngoại trưởng Lavrov đã đến Paris với một dự án « liên bang hóa » Ukraina. Theo kế hoạch này, Matxcơva muốn láng giềng Ukaina cải tổ định chế, theo hướng là các địa phương sẽ có quyền quyết định về kinh tế, tài chính, văn hóa và quan hệ đối ngoại.

Le Figaro cho biết chính quyền Kiev và các lãnh đạo phương Tây đã từng nhắc đến phương án « phi tập trung hóa » Ukraina, nhưng kế hoạch của Matxcơva đi xa hơn và hiện được cho là không thể chấp nhận được đối với Kiev.

Đối với nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao phương Tây, dự án của Nga liên bang hóa Ukraina nhằm trước hết là làm suy yếu Nhà nước Ukraina và trao quyền phủ quyết cho các vùng về những vấn đề chính sách đối ngoại và đối nội. Nói cách khác, Matxcơva muốn một nước Ukraina liên bang để có thể duy trì các mầm mống nổi dậy của cộng đồng người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraina.

Đối với tờ Libération, hội đàm giữa Nga và Mỹ về khủng hoảng Ukraina thật ra chỉ là trò bịp vì trong trường hợp đạt được giải pháp ngoại giao, Tổng thống Obama có thể tự xem là đã giành thắng lợi, còn Tổng thống Putin thì sẽ giữ được Crimée, làm suy yếu chính quyền mới ở Kiev.

Tờ Libération cho biết, trên trang Twitter của ông, nhà đối lập Nga Garry Kasparov đã cảnh báo : « Có thể là các bên sẽ trình bày vấn đề như là, nếu Putin không chiếm miền Đông Ukraina, thì đây đã là một thắng lợi rồi ». Về lâu dài, phương Tây sẽ được coi là thắng trong cuộc đọ sức với Matxcơva nếu Ukraina ngả theo phe châu Âu với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu. Nhưng trên con đường từ đây đến đó sẽ còn nhiều chông gai đang chờ đó Kiev và các nhà thương thuyết Hoa Kỳ.

Trong khi Vladimir Putin bị khai trừ khỏi nhóm G8 thì Tập Cận Bình được tiếp đón trọng thễ tại châu Âu. Theo nhận định của ông Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, trong bài viết đăng trên tờ Les Echos, hai hình ảnh trên là biểu tượng cho hố sâu ngăn cách hai quốc gia, một nước thì hướng về thế kỷ XXI, nước kia thì hành xử như một cường quốc của thế kỷ XIX.

Ông Moisi nhắc lại rằng, trong thập niên 1980, Trung Quốc và Nga đã chọn hai con đường khác nhau : Bắc Kinh thì ưu tiên cho cải tổ kinh tế, Matxcơva thì lo đẩy mạnh cải tổ chính trị. Ba mươi năm sau, kết quả thật rõ ràng : Trung Quốc tạo ra thêm của cải, thu hút đầu tư thế giới và túi thì đầy tiền, trong khi nước Nga thì chỉ biết khai thác các nguồn năng lượng và bắt đầu gặp một cuộc khủng hoảng do chính họ gây ra, khiến tư bản đang ồ ạt rời khỏi nước này. Chủ tịch Trung Quốc thì vừa được đón tiếp trọng thể ở Pháp và các nước châu Âu khác, trong khi Tổng thống Nga thì bị khai trừ khỏi nhóm G8, nhóm này trở lại thành G7 và về mặt thuần túy kinh tế thì thay Nga bằng Trung Quốc sẽ có lợi hơn cho G7.

Cũng theo chuyên gia Moisi, việc châu Âu và Nga lại căng thẳng với nhau và Hoa Kỳ phải quan tâm trở lại châu Âu là điều khiến Trung Quốc rất hài lòng. Hoa kỳ đã quá vội vã tự xem mình như là một cường quốc châu Á. Nay nước Mỹ đang trở lại thành cường quốc châu Âu thông qua NATO hoặc hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương, Trung Quốc càng tin tưởng rằng Lịch sử đang thuận lợi cho họ và thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của châu Á.

Bầu cử địa phương Thổ Nhĩ Kỳ

Bài xã luận của tờ Le Monde hôm nay được dành để nói về Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhân cuộc bầu cử địa phương tại nước này hôm qua. Từ hơn 10 năm qua, ông lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế đứng hàng thứ 15 thế giới, một quốc gia có vai trò trọng yếu trong khối NATO, nằm sát cửa Liên hiệp châu Âu và vùng Trung Đông.

Theo Le Monde, sau 10 năm cầm quyền và nay ở tuổi 60, lẽ ra ông có thể nghĩ đến chuyện về hưu, thế nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn bám giữ quyền lực, dùng đủ mọi thủ đoạn để đạt mục đích đó. Ông đã xem cuộc bầu cử địa phương hôm qua như là cuộc trắc nghiệm về uy tín cá nhân. Quá say sưa với quyền lực, nay ông Erdogan lãnh đạo đất nước như một bạo chúa, không chấp nhận bất cứ lời chỉ trích nào, đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình ở Istanbul mùa hè 2013.

Gặp bất cứ khó khăn nào, ông Erdogan cũng đều cho là do âm mưu của Mỹ, của người Do Thái, của giới chủ ngân hàng, của Liên hiệp châu Âu và gần đây nhất là do các mạng xã hội. Vấn đề của Erdogan là ông nghĩ rằng dân chủ chỉ có nghĩa là bầu cử. Sau khi đã giành thắng lợi và nắm trọn quyền hành, ông đã bất chấp những thành tố chủ yếu khác của dân chủ là tự do báo chí, Nhà nước pháp quyền, tư pháp độc lập.

Gỗ, vật liệu của tương lai

Mặc dù giá thành còn cao, tại Pháp, gỗ ngày càng được sử dụng trong việc xây dựng các tòa nhà mang tính bảo vệ môi trường, đó là điều tra của tờ Libération đăng trong số ra ngày hôm nay.

Sau 50 năm xây dựng toàn bằng bêtông, nay gỗ bắt đầu được xem như là vật liệu của tương lai nhờ có nhiều phẩm chất mang tính bảo vệ môi trường. Ngành gỗ vừa được chính thức đưa vào các kế hoạch xây dựng « Nước Pháp công nghiệp mới » của bộ Phục hồi sản xuất.

Từ 4%, sau 10 năm, nay gỗ đã chiếm 10% trên thị trường xây dựng nhà riêng, còn trên các tòa nhà ở Pháp hiện nay, xu hướng mới là dán các tấm gỗ lên mặt tiền. Có thể nói gỗ là biểu tượng cho một nền kinh tế « xoay vòng ». Người ta trồng rừng để lấy cây chế biến thành những tấm gỗ, hoặc bột giấy, không có gì bị thải ra và khí CO2 thì được giữ lại.

Hơn nữa, gỗ cách ly tốt hơn là bêtông và sắt thép. Có điều hiện giờ xây một nhà băng gỗ đắt hơn nhà bình thường từ 5 đến 10%. Để giá thành giảm xuống phải xây thật nhiều để tiến tới công nghiệp hóa việc sản xuất vật liệu này.

Cũng nói về vật liệu gỗ, tờ Les Echos hôm nay cho biết một công ty tại Pháp mang tên Orée vừa tung ra thị trường bàn phím máy tính không dây đầu tiên toàn bằng gỗ. Ngoại trừ các linh kiện điện tử nhập từ Đài Loan, bàn phím bằng gỗ này được sản xuất hoàn toàn tại Pháp. Với sản phẩm độc đáo này, Orée hy vọng sẽ đạt doanh số 5 triệu euro từ đây đến năm 2015 và hiện xuất khẩu 70% sản phẩm.

Tháp Eiffel kỷ niệm 125 năm trong lặng lẽ

Tờ Le Monde hôm nay đề cập đến tháp Eiffel nổi tiếng thế giới của thủ đô Paris, vừa ăn mừng 125 tuổi một cách lặng lẽ, do công trình này vẫn đang được tu sửa, không biết bao giờ mới xong. Tờ báo cho biết là trong năm 2012, số du khách đến tham quan tháp Eiffel đã sụt giảm 12% do các thang máy ngừng hoạt động.

Hiện cũng đang có một dự án xây cho tháp Eiffel thêm hai tầng dưới lòng đất, nhưng chưa biết sẽ đặt ở hai tầng này những gì hay có nên xây một trạm métro dưới chân tháp Effeil. Ấy là chưa kể chi phí cho công trình này có thể vượt hơn 100 hoặc 200 triệu euro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.