Vào nội dung chính
PHÁP - CHÍNH TRỊ

Pháp cải tổ nội các : bình mới, rượu cũ

Thành phần chính phủ mới dưới sự điều hành của Thủ tướng Manuel Valls : trong số 16 bộ trưởng, chỉ có hai gương mặt mới. La Croix nói tới một sự « thay đổi tối thiểu » so với nội các của thủ tướng vừa từ chức Jean Marc Ayrault. Libération thiên tả đưa hàng tựa ngắn gọn : « Ayrault bis », một bản sao chép giống hệt như nội các trước.

Tân Thủ tướng Manuel Valls và Tổng thống Pháp François Hollande giờ phải huy động lại các đại biểu đảng Xã hội.
Tân Thủ tướng Manuel Valls và Tổng thống Pháp François Hollande giờ phải huy động lại các đại biểu đảng Xã hội. REUTERS/Philippe Wojazer
Quảng cáo

Le Figaro thiên hữu thì nhấn mạnh ngay trên trang nhất : Tổng thống Hollande « cải tổ nội các nhưng không thay đổi điều gì » trong đường lối lãnh đạo. Để minh họa cho điều này tờ báo đăng ảnh một cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng tại điện Elysée hôm 22/06/2012 : tám bộ trưởng quanh ông Hollande hôm ấy sẽ vẫn tiếp tục lèo lái vận mệnh nước Pháp dưới sự điều khiển của ông nhạc trưởng là Thủ tướng Valls.

Đây cũng là quan điểm của báo L'Humanité. Hiếm khi nào tờ báo được xếp vào cánh cực tả này lại có cùng nhận xét với tờ Le Figaro ! Lại cũng hai tờ báo này xoáy vào một khía cạnh khác của nội các Valls : liên minh giữa đảng Xã hội và đảng Xanh đã tan vỡ.

Bài xã luận Libération đánh giá : chính phủ mới gồm những thành phần trung thành với Tổng thống François Hollande. Manuel Valls là một người rất được lòng của giới chủ nhân và của cánh hữu trên sân khấu chính trị Pháp. Việc Tổng thống Hollande chọn ông Valls làm thủ tướng được tờ báo ví như « một cuộc hôn nhân có tính toán» : nếu như Thủ tướng Valls có thể dung hòa hai vế « tự do » và « xã hội » thì cuộc hôn nhân này có triển vọng thành công.

Trong bài viết mang tựa đề « Một êkip chặt chẽ, nhưng là bình mới rượu cũ », La Croix lưu ý : « Những người thân cận với ông Hollande nắm giữ các bộ quan trọng » như Tài chính, Lao động hay Môi trường. 

Thật vậy bộ Môi trường gồm cả Phát triển bền vững và Năng lượng được trao về tay bà Ségolène Royal. Bà trở thành nhân vật số 3 trong chính phủ mới, chỉ sau có Thủ tướng Valls và bộ trưởng Ngoại giao, Laurent Fabius. Bà Royal đã từng đại diện cho đảng Xã hội ra tranh cử tổng thống năm 2007 và đã ba lần giữ chức bộ trưởng. Lần đầu tiên, cách nay 22 năm, Ségolène Royal đã được cố Tổng thống François Mitterrand đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Môi trường trong nội các của thủ tướng Pierre Bérégovoy.

Ngoài đời, bà từng học cùng trường, cùng lớp tại Trường Quốc gia Hành chính (ENA) và đã từng chung sống với François Hollande gần 30 năm, có với đương kim Tổng thống Pháp 4 mặt con ! Cặp bài trùng Hollande - Royal đã chia tay nhau năm 2007. Ông Hollande sau đó đã chính thức hóa quan hệ với nhà báo Valérie Trierweiller.

Sự trở lại vẻ vang của Ségolène Royal

Các tờ báo Paris xem sự trở lại của bà Royal trên sân khấu chính trị Pháp là « một sự phục thù », « một sự trở về vẻ vang » của một chính khách hàng đầu đã nhiều lần vấp ngã. Le Figaro nói tới « sự hồi sinh của chim phượng hoàng ». Các báo đều nhắc lại vụ bà Royal từng bị nhà báo Trierweiller « chơi xấu » như thế nào. 

Năm 2012 khi Ségolène Royal ra tranh cử đại biểu Quốc hội thì Valérie Trierweiller, trong cương vị « đệ nhất tình nhân » từ điện Elysée đã công khai ủng hộ đối thủ chính trị của bà Royal. Đòn chí tử đó đã gạt Ségolène Royal vào bóng tối, cho đến tận ngày hôm qua khi bà được mời tham gia nội các Valls.

Đứng đầu bộ Môi trường, Ségolène Royal đảm trách luôn cả hồ sơ năng lượng, một ưu tiên hàng đầu trong chương trình tranh cử tổng thống của ông François Hollande năm 2012. Libération không quên lược ra những thách thức chờ đợi bà tân Bộ trưởng : thuế carbon, giảm bớt trọng lượng của năng lượng hạt nhân, dầu khí, để hướng tới các nguồn năng lượng sạch …

Trên tất cả những vấn đề đó bà Bộ trưởng Môi trường, Phát triển bền vững và Năng lượng sẽ gặp phải nhiều chống đối, từ phía các nhà bảo vệ môi trường và kể cả từ phía các nhà sản xuất, các đại tập đoàn khai thác dầu khí …Vì vậy, báo kinh tế Les Echos cho rằng hồ sơ năng lượng sẽ « định đoạt cho tương lai chính trị của bà Royal ». 

Nhưng có lẽ điều mà độc giả tò mò muốn biết nhiều hơn cả vẫn là quan hệ cá nhân giữa bà Ségolène Royal với Tổng thống François Hollande. Cũng Les Echos nói đến một sự « hồi sinh ‘kép' » của Ségolène : năm 2012 trong suốt thời gian ông Hollande tranh cử tổng thống bà Royal đã bị gạt ra bên ngoài. Rồi khi François Hollande bước vào điện Elysée, Ségolène đã hoàn toàn vắng mặt. Chỉ một khi tổng thống Pháp chia tay với Valérie Trierweiller đầu tháng 2/2014, cặp đôi sáng giá nhất trên sân khấu chính trị Paris mới lại « làm lành với nhau » vì lợi ích của đất nước.

Cả Libération và Le Figaro cùng nêu lên một nhận xét : trong lĩnh vực chính trị Ségolène Royal và François Hollande như bóng với hình. Họ cùng chung chí hướng, họ sử dụng cùng một ngôn ngữ. Le Monde trong một bài báo dài nói tới « sự phục thù » của bà Royal : 23 tháng sau ngày ông Hollande bước vào điện Elysée, một cựu ứng cử viên của đảng Xã hội mới được mời tham gia thành phần chính phủ. Tờ báo không vòng vo : sự chậm trễ đó, chẳng qua cũng chỉ vì tâm trạng ghen tuông đàn bà giữa hai bóng hồng bên cạnh ông François Hollande mà thôi.

10 tỷ euro hối lộ cho các lãnh đạo Trung Quốc 

Tuy là phần tin nước Pháp đã đẩy lui phần thời sự quốc tế xuống hàng thứ yếu nhưng trang thế giới của Libération trở lại với sự kiện « cựu trùm mật vụ Trung Quốc » Chu Vĩnh Khang vừa bị loại khỏi đấu trường chính trị Bắc Kinh. 300 cán bộ Trung Quốc bị bắt giữ vì một vụ tham nhũng ở quy mô lớn: 90 tỷ nhân dân tệ - tương đương 10 tỷ euro – lọt vào túi nhiều lãnh đạo Trung Quốc. Tờ báo so sánh : 10 tỷ euro là một khoản tiền tương đương với ngân sách của cả một quốc gia như Litva, là số tiền có thể mua được một trăm chiếc máy bay Airbus.

Nhưng khoản tiền khổng lồ đó lại được rót vào túi nhiều nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh để họ mở trương mục ngân hàng ở ngoại quốc, để họ mua trái phiếu của các tập đoàn Trung Quốc hay nước ngoài, để họ sắm xe hơi, nhà lầu hay những tác phẩm nghệ thuật đắt giá. Nếu tất cả những tiết lộ về tham nhũng nói trên được kiểm chứng thì đây thực sự là một trận động đất có thể làm rung chuyển một ông khổng lồ như Trung Quốc và có lẽ là Bắc Kinh sẽ ẻm nhẹm các thông tin liên quan tới vụ này.

Vấn đề nằm ở chỗ trong số 300 người vừa bị bắt về tội tham ô, có tới hơn một chục người liên quan đến gia đình ông Chu Vĩnh Khang, cựu trùm mật vụ Trung Quốc. Số còn lại là những người đã ít nhiều phục vụ cho mạng lưới của ông Chu. 

Trong trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang, ông này không chỉ phải trả giá về các hành vi tham nhũng mà còn sa lưới pháp luật của Trung Quốc vì lý do chính trị. Libération nhắc lại ông Chu từng là một nguời đã đứng hẳn về phía Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh. Ông Bạc là một địch thủ chính trị của đương kim chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bài toán nan giải đặt ra cho lãnh đạo số 1 Trung Quốc hiện nay là « loại trừ Chu Vĩnh Khang không đơn giản ». Do ông Chu đang nắm giữ một hồ sơ bí mật liên quan đến tài sản của gia đình họ Tập và của nhiều lãnh đạo cao cấp khác tại Bắc Kinh.

Afghanistan : Taliban, kinh hoàng và bầu cử 

Vẫn tại khu vực châu Á, xã luận của báo Le Monde chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Afghanistan.Cuối tuần này, cử tri Afghanistan được kêu gọi đi bỏ phiếu vòng 1 để bầu ra lãnh đạo tối cao trong bối cảnh liên quân quốc tế đang chuẩn bị rút lui khỏi quốc gia nam Á này trước cuối năm 2014.

« Viễn cảnh nội chiến lại hiện về ». Mọi nỗ lực hòa giải giữa chính quyền Kaboul với quân Taliban đều thất bại. Quân Taliban trong những tuần lễ qua bắt đầu khủng bố tinh thần cử tri qua một loạt các vụ ám sát nhắm vào nhân viên nhà nước, vào các thành phần muốn ra tranh cử, vào nhân viên của các tổ chức phi chính phủ và thậm chí vào các phóng viên bất luận là người Afghanistan hay ngoại quốc. Trong 13 năm qua hàng ngàn người dân Ahghanistan đã bỏ mình, phần lớn là dưới tay quân Taliban. Cầm chắc rằng, « máu sẽ lại càng đổ nhiều thêm trong tháng Tư này, khi Afghanistan bầu lại tổng thống ». Afghanistan đang sống trong sợ hãi và bị đặt trước một khúc quanh lịch sử đầy bất trắc.

Paris, giấc mơ của các nhà điện ảnh châu Á 

Trước khi kết thúc mục điểm báo hôm nay, xin điểm qua bài báo ngắn trên tờ Le Monde nói về Paris, giấc mơ của các nhà làm phim châu Á. « Weekend tại Paris », « Người đẹp Paris » « Love in Paris » đó là những bộ phim đã và đang làm mê hoặc khán giả châu Á.

Tại Indonesia hiện nay bộ phim dài nhiều tập « Love in Paris » đang rất ăn khách. Câu chuyện được dựng trên phông nền của tháp Eiffel đang làm khán giả điên đảo và là con gà đẻ trứng vàng cho kênh truyền hình tư nhân SCTV. Tại Trung Quốc khán giả đang « lên cơn sốt » với mini – serie « Ex Model » chỉ được phổ biến trên mạng Internet. Tập đầu tiên tuy chỉ được gói gọn trong vỏn vẹn 5 phút nhưng do câu chuyện diễn ra tại thủ đô Paris nên đã có tới của hơn 70 triệu lượt truy cập.

Theo lời giám đốc Trung tâm Điện ảnh vùng Ile de France, Paris có sức lôi cuốn rất lớn, từ những năm 1950 đã được nhiều nhà làm phim người Mỹ quan tâm. Nhưng tới nay thì điện ảnh của châu Á thực sự đang có rất nhiều dự án hướng về Paris. Chỉ cần có « yếu tố » Paris cũng đủ để bảo đảm là bộ phim sẽ hái ra tiền. Hiện tại hãng sản xuất phim Inlook Media Tsui đang chuẩn bị cho dự án « Paris Raider » với ngôi sao điện ảnh Hồng Kông : Lương Triều Vỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.