Vào nội dung chính
PHÁP - CHÂU ÂU

Bầu Nghị viện châu Âu: Đảng Mặt trận Quốc gia gây địa chấn

Kết quả cuộc bầu cử nghị viện châu Âu là chủ đề chính trên các báo Pháp trong số ra ngày hôm nay. Với 25,41% số phiếu bầu, đảng cực hữu Front National thắng cử trước các đảng UMP và đảng Xã hội. Tờ Le Figaro đăng hình của chủ tịch đảng Front National, Marine Le Pen, bên cạnh là dòng tựa lớn : "Cơn địa chấn".

Bà Marine le Pen, lãnh đạo Mặt trận Quốc gia chuẩn bị phát biểu truyền hình sau kết quả bầu cử - REUTERS /Christian Hartmann
Bà Marine le Pen, lãnh đạo Mặt trận Quốc gia chuẩn bị phát biểu truyền hình sau kết quả bầu cử - REUTERS /Christian Hartmann
Quảng cáo

Bài xã luận của Le Figaro nhận định thắng lợi của đảng Mặt trận Quốc gia (Front National - FN) chính là thắng lợi cá nhân của Marine Le Pen. Từ giờ bà có thể công bố rằng « FN là đảng số 1 tại Pháp ». Kết quả bầu cử ngày hôm qua một lần nữa khẳng định sự bất tín nhiệm đối với tổng thống Pháp. Đây là kỉ lục tồi tệ nhất trong lịch sử của đảng Xã hội tại cuộc bầu cử nghị viện châu Âu.

Về kết quả của đảng cánh hữu UMP, tác giả bài xã luận cho rằng chính việc thiếu người lãnh đạo và chương trình hành động được mọi thành viên ủng hộ khiến đảng UMP không gây được tiếng vang trong cuộc bầu cử vừa qua. Để gây được sức ép với đảng FN, đảng này phải nhanh chóng chọn cho mình một thủ lĩnh duy nhất và phải có một chương trình thật sự. Đặc biệt, UMP phải chinh phục lại được các tầng lớn nhân dân.

Báo Les Echos cho rằng cử tri trừng phạt hai đảng Xã hội và UMP. Thắng lợi của đảng Front national chính là đòn trả đũa cho cuộc khủng hoảng chính trị đang xô đẩy nước Pháp từ vài năm gần đây. Người Pháp không quan tâm tới châu Âu và cho rằng quá xa và quá phức tạp. « Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trở thành thời thượng », Marine Le Pen hiểu điều này hơn ai hết và tận dụng cơ hội. Ngoài ra, không quan tâm tới bầu cử nghị viện châu Âu, chính là cách người Pháp trừng phạt các nhà lãnh đạo trong nước, bất lực trong việc phải quyết khủng hoảng kinh tế.

Đánh giá kết quả cuộc bầu cử ngày hôm qua, báo L’Humanité cho rằng : « Chính sách thắt lưng buộc bụng ùa vào các phòng phiếu » và đó là cuộc bỏ phiếu của cơn giận dữ bế tắc của cử tri. Trong chuyện mục « Sự kiện », báo Libération lần lượt bình luận kết quả của các đảng tham gia cuộc bầu cử ngày hôm qua dưới các dòng tựa : « Cuộc bỏ phiếu giữa châu Âu và thù hận », « François Hollande hay khả năng hồi phục không thành », « Đầy nghi ngờ, đảng UMP mất đất », « Thành công nửa chừng chia rẽ bộ đôi UDI-Modem ».

Khủng hoảng Ukraina : Liên hiệp châu Âu thất bại

Vẫn liên quan tới bầu cử, nhưng tại Ukraina, các báo Pháp công bố kết quả bầu cử tổng thống vòng 1, diễn ra ngày hôm qua tại Ukraina với 56% số phiếu bầu cho nhà tỉ phú thân châu Âu Porochenko. Trong khi đó, báo Le Monde quan tâm tới nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc khủng hoảng tại Ukraina trong bài phân tích : « Khủng hoảng tại Ukraina đánh dấu sự thất bại của Liên hiệp châu Âu tại Đông Âu ».

Trên thực tế, những vụ bạo động tại Ukraina thể hiện thất bại hiển nhiên của Liên hiệp và cho thấy sự chia rẽ của 28 nước thành viên. Xung đột tại Ukraina cũng khẳng định sự bất lực của các nước này trước việc thiết lập đường lối với nước Nga, cũng như là sự thất bại của chiến lược Đối tác phương Đông được đưa ra hồi tháng 7 năm 2008.

Cuộc thương lượng gần đây với Ukraina bị thất bại bởi nhiều lý do. Một phần do cuộc đàm phán được Liên hiệp tiến hành một cách máy móc mà không có sự tham gia chính trị cụ thể của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, đánh giá nhầm cũng là một lý do cho thất bại của chiến lược Đối tác phương Đông. Liên hiệp châu Âu nhiệt tình ủng hộ ý tưởng rằng liên kết với châu Âu là một kiểu « lựa chọn văn minh » giữa khối này và Nga. Từ đó dẫn tới việc một bộ phận thân Mát-xcơ-va tẩy chay ý tưởng này.

Ban đầu, Liên hiệp châu Âu muốn kéo các nước trong khối Xô Viết cũ, nằm bên biên giới phía đông của Liên hiệp, để tránh các nước này rơi vào « khu vực xám » bao gồm các nước yếu, chịu ảnh hưởng của Mát-xcơ-va. Thế nhưng, sáu nước trên, gồm Ukraina, Belarus, Armenia, Gruzia, Moldova và Azerbaidjan, không có một điểm chung nào.

Hơn nữa, thể chế của Belarus và Azerbaidjan không tương đồng với tiêu chuẩn châu Âu. Các quốc gia ứng cử viên nhiệt tình nhất là Moldova, Gruzia và Ukraina nhận định dự án này như bước đầu tiên tiến tới hội nhập vào Liên hiệp châu Âu. Được Ba Lan và các nước Bắc Âu ủng hộ, song Paris lại không đồng tình với việc kí kết các hiệp ước trên đồng nghĩa với việc mở rộng Liên hiệp sang phương Đông.

Nước Nga cũng nhanh chóng phản công. Dưới sức ép đe dọa anh ninh quốc gia và năng lượng của Nga, Armenia là nước đầu tiên chùn bước. Tiếp theo là Ukraina, dưới thời cựu tổng thống Viktor Ianoukovitch. Từ sáu nước ban đầu, hiện giờ chỉ còn hai quốc gia, Moldova và Gruzia, sắp phê chuẩn hiệp định hợp tác với Liên hiệp. Nhưng không gì có thể khẳng định rằng từ giờ tới lúc kí kết, Nga lại không tung đòn ngăn cản mới.

Trung Quốc : Công ty Pháp đổ xô vào thị trường nhà dưỡng lão

Tại Trung Quốc, nơi người cao tuổi được tôn trọng và việc thờ cúng tổ tiên là một phần nền văn hóa quốc gia. Hiện tại, khoảng 3 triệu giường tại các nhà dưỡng lão đang hoạt động tại đây. Con số này sẽ được tăng lên gấp ba lần trong Kế hoạch năm năm lần thứ 12 của Trung Quốc. Đây là cơ hội cho các tổ chức của Pháp vươn tới thị trường rộng lớn này. Báo Les Echos đề cập tới vấn đề này dưới dòng tựa : « Người Pháp đổ xô vào thị trường nhà dưỡng lão tại Trung Quốc ».

Kinh nghiệm trong lĩnh vực này của Pháp rất nổi tiếng tại Trung Quốc. Ba tập đoàn Pháp, Orpea, DomusVi, Colisée, bắt đầu để mắt tới thị trường khổng lồ tiềm năng này. Trong khi đó, thị trường Pháp bị bão hòa với việc xây dựng nhiều nhà dưỡng lão mới từ sau cú sốc của đợt nóng kỉ lục mùa hè năm 2003. Năm 2012, Trung Quốc có khoảng 194 triệu người trên 60 tuổi, trong vòng ba năm trở lại đây, con số này lên tới 245 triệu người. Việc chăm sóc cha mẹ trở thành một gánh nặng với con cái với việc đô thị hóa không ngừng và đặc biệt đối với thế hệ chịu chính sách kế hoạch hóa gia đình một con.

Ba tập đoàn sẽ liên kết với các quỹ đầu tư và các công ty quốc doanh Trung Quốc. Colisée sẽ có mặt tại Quảng Đông, Thâm Quyến, Thành Đô và Côn Minh. Trong khi đó, tập đoàn Orpea sẽ có mặt tại bệnh viện Nam Kinh và tại hai thành phố lớn Thượng Hải và Bắc Kinh.

Giáo hoàng Phanxicô thăm miền đất Thánh

Chuyến công du tới miền đất Thánh từ ngày 24 tới ngày 26 tháng 5 của Giáo hoàng Phanxicô cũng là chủ để được các báo Pháp đề cập trong ngày hôm nay. Tờ Le Monde đánh giá thời gian lưu lại miền đất Thánh của Giáo hoàng và thời gian tiếp xúc với chính quyền địa phương quá ngắn để có thể giải quyết những căng thẳng giữa Israel và Vatican sau những cuộc tấn công của những người Do thái cực đoan vào các khu vực thiên chúa giáo.

Báo Le Figaro cho biết giáo hoàng Phanxicô mời lãnh đạo các nước Israel và Palestine tới Vatican để cầu nguyện cho hòa bình. Theo ngài, « bạo lực không thể nào chiến thắng bằng bạo lực mà bằng hòa bình ». Tờ La Croix nhận định giáo hoàng đã gắn tính chính trị cho chuyến công du của mình tại miền đất Thánh nơi giáo hoàng bảo vệ sự « cùng tồn tại ôn hòa » giữa các tôn giáo và tự do tín ngưỡng. Nhân chuyến thăm, giáo hoàng cũng chỉ trích những tai họa toàn cầu, như phổ biến vũ khí và nạn khai thác trẻ em.

Alma : đài quan sát của mọi kỷ lục

Chuyên mục « Khoa học » của tờ Le Figaro miêu tả Alma, đài quan sát thiên văn lớn nhất và hiện đại nhất thế giới được đặt tại Chi Lê. Nằm ở độ cao trên 5000 mét, cao nguyên Chajnantor, tại Chi Lê là địa ngục đối với các nhà thiên văn học, nhưng lại là thiên đường cho công cụ máy móc của họ. Khoảng 60 parabol khổng lồ với đường kính từ 7 đến 12 mét được đặt tại đây để nghe ngóng không gian. Được đặt tên là Alma, đây là đài quan sát cao nhất thế giới và là dự án thiên văn học tham vọng nhất trong lịch sử.

Dự án thu hút sự tham gia của châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và đặc biệt là Chi Lê. Chi phí cho việc xây dựng lên tới 1,4 tỉ đô la Mỹ. Nhiệm vụ của nó là quét bầu trời để tìm những tia vô hình dưới mắt thường và những sóng milimet. Một năm sau ngày khánh thành chính thức, mạng lưới này vẫn chưa hoàn toàn hoạt động. Bốn trong số 66 parabol vẫn đang chờ được lắp đặt. Cho tới giờ, Alma vẫn là đài quan sát thiên văn lớn nhất thế giới.

Triệu phú Trung Quốc lãnh án tử hình

Liên quan tới tình hình chính trị tại châu Á, báo Le Monde quan tâm tới phiên tòa xét xử triệu phú người Trung Quốc Lưu Hán thứ 6 ngày 23 tháng 5 vừa qua. Từ một tỉ phú nổi tiếng nhờ các mối quan hệ chính trị rộng, ông chịu mức án cao nhất, tử hình, cùng với người em trai của mình. Phóng viên báo Le Monde nhận định vụ xét xử này khẳng định, tại Trung Quốc, việc thiết lập mạng lưới quan hệ chắc chắn trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc quan trọng đến mức nào để phát triển doanh nghiệp.

Người Thái lên án cuộc đảo chính của quân đội

Quay sang khủng hoảng chính trị tại Thái Lan, báo Libération và Les Echos vẫn tiếp tục theo dõi chính biến tại quốc gia này. Tờ Libération cho biết người Thái giận dữ lên án cuộc đảo chính và những điều khoản mà quân đội thiết lập từ lúc lên nắm quyền. Tờ Les Echos cho biết chính quyền quân đội tăng cường quyền lực của mình trên mọi bình diện và buộc phía đối lập im tiếng.

Như vậy, tướng Thái cầm quyền đang ngầm cho mọi người hiểu là quay lại nền cộng hòa chưa được tính tới trong tương lai gần. Nếu như, cho tới thời điểm hiện tại, việc quân đội lên nắm quyền vẫn diễn ra bình lặng, các nhà đầu tư ngước ngoài có vẻ không an tâm về tiến triển của tình hình tại đây trong thời gian tới. Thậm chí, một số doanh nghiệp phương Tây đã ra lệnh rút một số cán bộ người nước ngoài khỏi quốc gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.