Vào nội dung chính
PHÁP

Phe cực hữu làm thay đổi bàn cờ chính trị nước Pháp

Cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu ngày 25/05/2014 tại Pháp tiếp tục được sự quan tâm đặc biệt của các tờ báo trong ngày. Với những phân tích khác nhau, các báo đều có cùng nhận định : chiến thắng vừa qua của Đảng Mặt Trận Quốc Gia cực hữu đã làm thay đổi bàn cờ chính trị của nước Pháp.

Đảng cực hữu FN của Pháp thắng lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 25/05/2014.
Đảng cực hữu FN của Pháp thắng lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 25/05/2014. REUTERS/Christian Hartmann
Quảng cáo

« Cơn địa chấn chính trị », « sự đổ vỡ», « bước ngoặt » là những từ xuất hiện nhiều nhất trong các bài viết. Bởi vì theo kết quả cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu vừa qua, Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu (FN) đã thắng lớn. Chiến thắng không chỉ là « bước ngoặt » riêng đối với đảng này, mà còn là « cơn địa chấn » đối với đời sống chính trị tại Pháp.

Theo tỷ lệ phân chia giữa các nước trong Liên Hiệp Châu Âu, thì nước Pháp sẽ có 74 đại diện trong Nghị viện Châu Âu. Và theo kết quả bầu cử tại Pháp hôm chủ nhật rồi, Đảng Mặt trận quốc gia chiếm gần 25% số phiếu ủng hộ (tương đương 24/74 ghế), tức là tăng gấp 4 lần so với cuộc bầu cử Châu Âu hồi năm 2009. Đảng Liên Minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) cánh hữu về thứ hai với gần 21% số phiếu ủng hộ (20/74 ghế), đánh mất vị trí đảng đối lập chính tại Pháp. Còn Đảng Xã Hội (PS) cầm quyền thì về thứ ba với chỉ có gần 14% số phiếu ủng hộ (13/74 ghế).

Với kết quả này, bàn cờ chính trị của Pháp đã bị đảo ngược. Kể từ những cuộc bầu cử Châu Âu đầu tiên vào năm 1979 đến nay, đây là lần đầu tiên hai đảng lớn nhất của Pháp là UMP cánh hữu và PS cánh tả bị một đảng cực hữu đánh bại. Nhật báo cánh hữu Le Figaro dùng từ « sự đổ vỡ », còn nhật báo cánh tả Libération thì dùng từ « bước ngoặt » để chỉ sự kiện này. Thế là, từ đây, người ta không chỉ chú ý đến hai đảng mạnh nhất là UMP bên cánh hữu và PS bên cánh tả, mà bàn cờ chính trị Pháp sẽ tạo thế tam phân, với sự góp mặt của đảng cực hữu FN.

Để giải thích cho chiến thắng của FN, các tờ báo có chung một số nhận định. Thứ nhất, trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật, số cử tri không đi bầu chiếm tỷ lệ quá cao (57%). Trong đó, số cử tri cánh tả vắng mặt cao nhất. Trong cuộc bầu cử Hội đồng địa phương hồi tháng 3/2014, các đảng cánh tả đã bị thất bại. Và lần đó được xem như là cử tri cánh tả muốn bày tỏ thái độ bất mãn đối với các chính sách do Đảng Xã Hội cầm quyền đang tiến hành. Đó là một sự bỏ phiếu có tính « trừng phạt ». Còn trong cuộc bầu cử vào hôm chủ nhật vừa qua, thì các cử tri cánh tả một lần nữa nhấn mạnh sự bỏ phiếu trừng phạt đó.

Đối với Đảng UMP, thì mấy năm rồi bị lâm vào cái vòng xâu xé nội bộ, tranh giành chức quyền. Và lại còn đang chìm trong mấy vụ lùm xùm về tài chính. Vì thế, uy tín của đảng đang bị sụt giảm, làm nản lòng cử tri.

Thêm vào đó, tâm lý bài Châu Âu không chỉ dâng cao tại Pháp mà còn ở nhiều nước Châu Âu khác trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp leo thang. Bởi thế mà FN đã huy động được nhiều cử tri ủng hộ. Thành phần ủng hộ của FN, ngoài những người truyền thống bấy lâu nay, giờ đây đã lan sang các bộ phận cử tri khác, đủ mọi thành phần xã hội nghề nghiệp, thu hút nhiều thanh niên và công nhân.

Và nói gì thì nói, sau cuộc bầu cử này, như bài xã luận của tờ Libération nhận định, « bắt buộc » phải thừa nhận thực tế là Đảng FN đang lớn mạnh và đang có ảnh hưởng trong đời sống chính trị đất nước. Le Monde thì cho rằng : « Một trang sử trong đời sống chính trị của người Pháp đã được lật qua khi mà lần đầu tiên tại Pháp một đảng cực hữu đã về đầu trong một cuộc bầu cử quốc gia ». Tờ báo cánh hữu Le Figaro thì cảnh báo : « Ở Pháp chủ nghĩa dân túy và dân tộc đã đạt đến đỉnh điểm, và trở nên năng động nhất Châu Âu ».

Làn sóng cực hữu khắp Châu Âu

Trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu hôm chủ nhật rồi, phe cực hữu không chỉ chiến thắng tại Pháp, mà còn ở nhiều nước Châu Âu khác.

Nhật báo Le Monde giật tít cảnh báo : « Làn sóng bài Châu Âu tại Châu Âu ». Nhật báo Le Figaro cũng cho hay : « Chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu lan rộng ở các nước Châu Âu ».

Các đảng cực hữu chiến thắng không chỉ ở những nước cải cách chưa thành công như Pháp, hoặc đang còn chưa thoát khỏi suy thoái như Hy Lạp, mà còn ở các nước Châu Âu có nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và năng động như Đan Mạch và Áo, hoặc những nước đang phục hồi mạnh như Anh.

Kết quả bầu cử cho thấy, lần này, các đảng bài Châu Âu giành được 140 ghế trên tổng số 751 ghế của nghị viện Châu Âu. Đây là con số chưa đủ để chi phối diễn đàn. Hơn nữa, Le Figaro và Le Monde cho biết, giữa các đảng cực hữu của các nước vốn tồn tại nhiều khác biệt và bất đồng, khó có thể liên kết tạo thành một khối thống nhất để gây sức ép ở nghị viện.

Giải thích cho chiến thắng của phe cực hữu tại Châu Âu, Le Monde nhấn mạnh đến hồ sơ nhập cư. Tờ báo cho rằng, giữa các đảng cực hữu của các nước có nhiều bất đồng, nhưng lại có một điểm chung, đó là « sự ám ảnh » của tình trạng nhập cư ào ạt của cư dân các nước nghèo đến các nước giàu. Tức là, họ phản đối chính sách lưu thông tự do giữa các nước Châu Âu. Và ở trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phúc lợi xã hội bị đe dọa, thì dĩ nhiên tâm lý bài ngoại sẽ trở nên mạnh mẽ.

Ukraina : 7 tháng đủ để ổn định ?

Cũng vào ngày chủ nhật vừa qua cũng đã diễn ra một cuộc bầu cử khác thu hút nhiều sự chú ý của báo giới : bầu cử tổng thống Ukraina thời hậu Maidan. Các tờ báo Pháp hôm nay có nhiều bài phân tích về nhân vật vừa thắng cử, tỷ phú Petro Porochenko.

Ông Petro Porochenko năm nay 48 tuổi, được mệnh danh là « vua sô cô la », đã chiến thắng ngay vòng một với 54% phiếu ủng hộ. Châu Âu và Mỹ đương nhiên lập tức chúc mừng, còn Nga thì phản ứng thận trọng.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro và nhật báo cánh tả Libération đều nhìn thấy ở ông Porochenko khả năng có thể ổn định được tình hình đất nước.

Hai tờ báo cho biết, ông Porochenko là người có quan điểm cứng rắn đối với những người biểu tình đòi ly khai tại Ukraina. Hai tờ báo trích dẫn lời ông Porochenko cho rằng : « Ai không hạ vũ khí tức là khủng bố, và chúng ta không thương lượng với kẻ khủng bố ».

Le Figaro đăng ý kiến một nhà ngoại giao phương Tây dự đoán chính phủ mới cần ít nhất 7 tháng mới có thể ổn định tình hình. Tờ báo cũng nêu ra những hồ sơ hóc búa đang chờ đợi tân chính phủ : chấp nhận liên bang hóa Ukraina hoặc là cho các khu vực miền đông được nhiều quyền tự chủ hơn ; đối mặt với cú sốc kinh tế khi phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo để vay tiền của IMF, trong đó có thể sẽ kéo theo việc tăng giá khí đốt…

Trong bài nhận định mang dòng tựa : « Mặt trời mọc ở phía đông và lặn ở phía tây », nhật báo Le Monde nêu ra một khó khăn khổng lồ cần giải quyết của tân chính phủ Ukraina, đó là phải làm sao cân bằng cho được trong quan hệ giữa Nga và phương Tây thì mới có thể ổn định lâu dài tình hình đất nước.

Thái Lan : quân đội dưới bóng hoàng gia

Nhìn sang Châu Á, các tờ báo chú ý đến với tình hình Thái Lan hậu đảo chính. Nhật báo Le Monde chạy tựa : « Quân đội tăng cường trấn áp sau đảo chính ». Le Figaro đăng bài : « Quân đội Thái được sự ủng hộ của hoàng gia ».

Le Monde chú ý đến làn sóng phản đối đảo chính đang dâng cao tại Thái Lan, ở cả hai phe áo đỏ và áo vàng. Dù rằng hiện tại, dưới sức ép của quân đội, các cuộc biểu tình còn chưa mạnh lắm, nhưng nếu quân đội còn tiếp tục nắm quyền thì tình hình sẽ thay đổi.

Le Monde trích dẫn lời một người biểu tình cho rằng : « Chúng ta cần chứng tỏ rằng dân chủ và nhà nước pháp quyền là ưu tiên trước nhất ». Le Monde cũng cảnh báo viễn cảnh bạo lực trấn áp biểu tình do quân đội Thái thực hiện bởi vì, tờ báo nhắc lại, lịch sử Thái Lan đã nhiều lần chứng kiến việc quân đội đàn áp đẫm máu người biểu tình như hồi năm 1973, 1976, 1992 và 2010.

Về phần mình, Le Figaro chú ý đến việc quân đội được sự ủng hộ của hoàng gia. Tờ báo đăng ảnh tướng Prayuth Chan-ocha mặc quân phục trắng quỳ trước ảnh của đức vua Rama IX để tiếp nhận lệnh của hoàng gia bổ nhiệm ông làm người đứng đầu chính phủ để « tái lập hòa bình và trật tự».

Tờ báo cho rằng, sự ủng hộ của hoàng gia sẽ mang đến cho quân đội hai cái lợi. Thứ nhất, sẽ có được cái danh chánh ngôn thuận trong mắt người dân để tiến hành những biện pháp cải tổ. Thứ hai, quân đội có thể dễ dàng hơn khi nhân danh hoàng gia để trấn áp. Tờ báo nhắc lại, ở Thái Lan, tội khi quân vẫn còn là một tội nặng bị bắt bỏ tù.

Tờ báo nhận định, cuộc đảo chính có thể xem là chiến thắng của phe áo vàng phản đối gia đình Shinawatra. Thế nhưng, dù bề ngoài cứng rắn, quân đội trong hậu trường cũng phải biết tranh thủ sự thỏa hiệp của phe áo đỏ để có thể thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc. Le Figaro trích lời một giáo sư chính trị học tại Thái Lan cảnh báo : « Quân đội không thể nào giải quyết cuộc khủng hoảng đang làm chao đảo xã hội này ».

Nam Á : Ấn Độ làm hòa với Pakistan

Trong buổi lễ nhậm chức vào hôm qua của tân thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có sự hiện diện của nguyên thủ nhiều nước lân cận như Afghanistan, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh… và đặc biệt nhất là thủ tướng Pakistan, Nawaz Sharif. Nhật báo Le Figaro phân tích sự kiện này với bài : « Tiền đề của một cuộc đối thoại giữa Ấn Độ và Pakistan ».

Việc mời nguyên thủ của Pakistan đến dự một lễ nhậm chức của thủ tướng Ấn Độ là trường hợp đầu tiên trong lịch sử của hai nước. Hai anh bạn láng giềng này bấy lâu sống trong cảnh cơm không lành canh không ngọt bởi nhiều hồ sơ phức tạp.

Ấn Độ và Pakistan có tranh chấp tại vùng lãnh thổ Cachemir và xung đột vẫn thường xảy ra ở khu vực này. Trong năm 2001 và 2008, một nhóm Hồi Giáo vũ trang Pakistan đã hai lần nhận trách nhiệm đánh bom tự sát trên lãnh thổ Ấn Độ. Mới hôm thứ Sáu rồi, một tòa lãnh sự Ấn Độ trên lãnh thổ Afghanistan đã bị các phần tử vũ trang tấn công, mà dư luận Ấn Độ đang nghi ngờ đó là những phần tử chủ nghĩa cực đoan của Pakistan.

Bên cạnh đó, Pakistan và Ấn Độ còn so kè nhau trên hồ sơ Afghanistan. Từ hơn 10 năm nay, Ấn Độ đầu tư hàng tỷ đô la tại Afghanistan, đào tạo sĩ quan cho quân đội Afghanistan, và dự kiến sẽ cung cấp trực thăng cho quân đội Afghanistan. Trong khi đó, Pakistan thì dựa vào lực lượng Taliban chống đối chính phủ Afghanistan để duy trì ảnh hưởng ở nước này, và để chống lại Phong trào TTP, một phong trào li khai chống chính phủ Pakistan từ 10 năm nay.

Hồi tranh cử, ông Narendra Modi còn có nhiều lời chỉ trích Pakistan. Thế thì tại sao ông lại có động tác thân thiện mời nguyên thủ của Pakistan đến dự lễ nhậm chức của mình như vậy ?

Câu trả lời, theo Le Figaro, là có liên quan đến hồ sơ địa chính trị khu vực. Thời gian qua, Mỹ và Trung Qu ốc đã mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Pakistan. Trung Qu ốc cũng đang qui hoạch những cảng nước sâu ở miền tây nam Pakistan và Bangladesh. Trong bối cảnh đó, tân thủ tướng Ấn Độ có vẽ muốn củng cố ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực Nam Á. Nói chung, đó là tầm nhìn khu vực của tân thủ tướng Modi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.