Vào nội dung chính
PHÁP

Tổng thống Pháp hoàn thành sứ mệnh ngoại giao

Nhật báo Le Monde hôm nay (09/06/2014) tiếp tục nhận định về buổi lễ kỷ niệm D- Day, 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ xuống vùng Normandie của Pháp qua bài xã luận đề tựa : « Hollande ngoại giao : sứ mạng thành công ».

Tổng thống Pháp François Hollande (P) tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin nhân kỷ niệm 70 năm ngày quân minh đổ bộ lên Normandie.
Tổng thống Pháp François Hollande (P) tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin nhân kỷ niệm 70 năm ngày quân minh đổ bộ lên Normandie. REUTERS/Ian Langsdon/Pool
Quảng cáo

Theo tác giả bài viết, Tổng thống Hollande đã tận dụng triệt để cơ hội họp mặt của các nguyên thủ quốc gia tại buổi lễ để hòa giải mối xung đột giữa Nga với phương Tây do khủng hoảng Ukraina. Mặc dù bị chỉ trích nhiều nhưng Tổng thống Hollande vẫn quyết tâm mời Tổng thống Nga Putin tham dự buổi lễ kỷ niệm. Đồng thời, ông cũng thừa cơ hội này, mời luôn cả tân Tổng thống Ukraina Porochenko và nhờ đó, hai nguyên thủ Nga và Ukraina vốn như mặt trăng và mặt trời đã có hành động xã giao là bắt tay nhau.

Tại Bruxelles, Tổng thống Mỹ Obama đã đặt ra hai điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Nga. Đó là Matxcơva phải công nhận Tổng thống Porochenko là Tổng thống đắc cử hợp lệ và ngưng ủng hộ phe ly khai đang quấy phá tại vùng Donbass. Về điều kiện thứ nhất, Tổng thống Nga đã chấp nhận vì đã gửi đại sứ đến dự lễ nhậm chức hôm thứ 7 vừa qua của Tổng thống Ukraina. Tuy nhiên, đối với điều kiện thứ hai thì Tổng thống Putin vẫn khăng khăng chối bỏ mọi trách nhiệm của mình đối với tình hình bạo loạn tại Ukraina. Dù sao đi nữa, phải có sự hợp tác của Nga thì mới tiến hành được lệnh ngừng bắn.

Cuối cùng, bài báo kết luận, Tổng thống Nga đã nhầm khi đã đánh giá quá cao tư cách của mình. Thái độ đón tiếp niềm nở mà Pháp dành riêng cho Tổng thống Mỹ Obama và Nữ hoàng Anh Elizabeth II và sự đón nhận Tổng thống Ukraina Porochenko vào gia đình Châu Âu trong suốt tuần lễ vừa rồi cho thấy rõ trái tim Châu Âu đang đập về phía nào. Duy trì áp lực lên Tổng thống Nga vẫn là điều cốt lõi hiện nay.

Nga và Ukraina : một sự thân thiện trá hình

Qua một bài phân tích khác trên tờ Libération đề tựa : « Một sự xích lại gần trá hình », thông tín viên cho biết, cuộc tiếp xúc vừa qua của Tổng thống Putin và Porochenko không phải là dấu hiệu hạ hỏa của cả hai bên.

Theo phân tích của Libération, tuy hai bên có những hứa hẹn đàm phán để ổn định tình hình tại Ukraina nhưng trên thực tế hai bên không hề xích lại gần nhau. Tổng thống Ukraina Porochenko thì vẫn kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và không buông tha một thứ gì, thậm chí là Crimée đã bị sát nhập vào Nga mà phương Tây có khuynh hướng quên đi sự việc này. Tổng thống Putin cũng cố gắng xúc tiến kế hoạch ngừng bắn. Tuy nhiên, nhìn những gì đã xảy ra với vùng tự trị Transnistria, nam Ossetia và Abkhazia thì người ta khó mà tin được khủng hoảng Ukraina lại được giải quyết nhanh gọn.

Tiếng đại bác vẫn cứ vang lên hôm qua tại Sloviansk. Tại Donetsk, phụ tá của một trong những quan chức cấp cao của phe ly khai bị những kẻ lạ mặt bắn vào xe hơi của mình. Trong khi đó, tại Lougansk, phe thân Nga đã tấn công sân bay quốc tế đã ngưng hoạt động từ một tháng nay. Thành phố này trở thành mục tiêu tấn công từ nhiều ngày nay mà mục tiêu là nhằm duy trì một đường dây tiếp ứng người và vũ khí đến từ Nga.

Nét tinh tế trong bữa ăn hoàng gia tại điện Elysée

Trong loạt bài nhận định về lễ kỷ niệm D-Day, nhật báo Le Monde cũng đặc biệt quan tâm đến những khác biệt trong cung cách tiếp tân giữa Anh và Pháp qua bài viết : « Nét tinh tế trong bữa ăn hoàng gia tại điện Elysée ».

Trước tiên, qua buổi tiệc chiêu đãi vị khách mời danh giá là Nữ hoàng Elizabeth II, tác giả nêu bật những nét tương đồng như vẻ nguy nga tráng lệ của cả điện Elysée lẫn cung điện Buckingham hay Windsor. Cả lính cận vệ Pháp lẫn lính hoàng gia đều ăn mặc chỉnh chu. Nam mặc âu phục sang trọng, nữ mặc áo đầm dài thướt tha. Khách mời là Thủ tướng, Bộ trưởng của cả hai nước cùng với giới chính trị, công nghiệp, ngân hàng, nghệ thuật và thể thao. Nhạc nền cho buổi tiệc được chính các dàn quân nhạc chơi.

Còn về điểm khác nhau trong nghi thức lễ tân, Le Monde cho biết, tại lâu đài Windsor, chỉ có một bàn vô cùng rộng với chén đĩa bằng bạc cùng với những chùm nến trên bàn. Khoảng cách đối diện giữa hai người là khá xa, khoảng 4m. Còn tại điện Elysée, khách mời ngồi ở nhiều bàn nhỏ được trang trí với hoa hồng và những ngọn nến nhỏ, giống một buổi tiệc cưới. Ly được đặt phía trước người ăn trong khi người Anh lại đặt chúng bên tay phải. Cả Anh và Pháp đều chiêu đãi 4 món ăn trong buổi tiệc nhưng Anh lại ưu tiên dùng rau salade không kèm fromage và trái cây. Nữ hoàng Anh lại đặc biệt ưa thích món gan ngỗng. Một điểm khá thú vị là khách mời đã cố công lột vỏ quả vải bằng dao và nĩa. Ngay cả những người tài năng, khéo léo lắm cũng phải bỏ cuộc.

Trong bữa tối tại lâu đài Windsor, các tay quay phim chụp ảnh đều không được có mặt, trong khi tại điện Elysée lại trái ngược. Cung điện Windsor của Anh cũng không treo cờ Châu Âu.

Tây Ban Nha muốn bầu ra nhà vua

Vài ngày sau khi vua Juan Carlos của Tây Ban Nha thoái vị nhường ngôi cho thái tử Felip VI, nhật báo Libération đăng bài : « Tây Ban Nha muốn bầu ra vị vua của mình ». Theo đó, 2/3 người dân Tây Ban Nha muốn có một cuộc trưng cầu dân ý về chế độ chính trị tại nước này trước khi tân vương làm lễ nhậm chức.

Libération cho biết, từ sau khi vua Juan Carlos đột ngột thoái vị, chính phủ phải nhanh chóng tiến hành các thủ tục kế vị cho thái tử Felipe VI vì từ trước đến nay, vua Juan Carlos cho biết : « vua thuộc dòng dõi Bourbon có thói quen chưa hề thoái vị trước khi chết ». Thứ tư tới, 90% dân biểu của hạ viện sẽ bỏ phiếu cho phép vua Juan Carlos thoái vị và tân vương đăng quang. Thế nhưng, đó không phải là ý kiến của đa số dân Tây Ban Nha.

Theo một kết quả thăm dò trên tờ El País, 62% người dân muốn có cuộc trưng cầu dân ý để biết dân chúng có muốn tiếp tục chế độ quân chủ hay  là thiết lập lại chế độ Cộng hòa. Chế độ Cộng hòa đã bị cắt đứt vào năm 1936 bởi cuộc đảo chính của tướng Franco. Tối thứ 7 vừa qua, tại Madrid và gần 40 thành phố, hàng chục nghìn người đổ xuống đường yêu cầu phải tham khảo ý dân.

Vodafone công bố bản báo cáo nghe lén điện thoại

Đúng một năm sau khi cựu nhân viên cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) Edward Snowden tiết lộ kế hoạch theo dõi của chính phủ Hoa Kỳ, báo Le Monde đăng bài : « Vodaphone nêu chi tiết những cuộc nghe lén trên 29 quốc gia ».

Nhà cung ứng dịch vụ viễn thông của Anh là Vodafone vừa công bố một bản báo cáo vào thứ sáu vừa qua (06/06/2014) về việc nghe lén điện thoại của các cá nhân trên khắp 29 quốc gia, cả ở Châu Âu, Á lẫn Châu Phi. Tuy nhiên, Vodafone không còn hoạt động tại Hoa Kỳ nữa từ sau khi bán cổ phần trong tập đoàn Verizon vào năm 2013.

Vodafone đã thú nhận : một nhóm nhỏ các nước, chính phủ kiểm soát được trực tiếp mạng viễn thông mà không cần phải xin phép hay ra lệnh cho Vodafone. Bản báo cáo của Vodafone dài đến 20 trang, kể chi tiết các vụ nghe lén của từng nước. Hiệp hội Transparency International cũng hoan nghênh hành động này. Vodafone còn cho biết là phải tuân thủ theo đề nghị theo dõi, nghe lén một số cá nhân mà chính phủ sở tại yêu cầu, nếu không sẽ bị cắt giấy phép làm việc. Đồng thời, Vodafone nhấn mạnh, chính phủ yêu cầu nghe lén thường vào những thời điểm xảy ra khủng hoảng, ví dụ như lúc dân chúng nổi dậy, các lần bầu cử căng thẳng. Chính phủ thường yêu cầu cung cấp nội dung cuộc gọi, email, số điện thoại nào gọi đến, từ địa điểm nào và vào lúc mấy giờ.

Bản báo cáo của Vodafone đưa ra những kết quả lý thú như: Malta là một đất nước nhỏ bé nhưng lại là một trong những nơi bị theo dõi nghiêm ngặt nhất. Pháp chỉ có ít yêu cầu theo dõi nhưng Vodafone đã rút ra khỏi Pháp từ khi tập đoàn này bán cổ phần của mình trong SFR vào năm 2011.

Đội tuyển bóng đá Pháp bay đến Brazil tham dự World Cup

Hôm nay (09/06/2014), các tờ báo thể thao đều quan tâm đến đội tuyển Pháp bay đến Brazil để tham dự World Cup bóng đá. Nhật báo phát miễn phí Direct matin ấn bản trên mạng cho biết, tham gia ngày hội túc cầu thế giới này, Pháp lên đường với sự thiếu vắng ngôi sao Franck Ribéry trong đội hình nhưng với chiến thắng giòn giã trước Jamaica với tỷ số 8-0 vào tối hôm qua trong trận đấu giao hữu tại Lille, Pháp đang lên tinh thần.

Bên cạnh đó, trang RTL.fr còn cho biết thêm chi tiết, đội Pháp sẽ được luyện tập và thi đấu trong những điều kiện lý tưởng. Đội quân áo xanh dương của ông Didier Deschamps được nghỉ tại khách sạn 5 sao tại thành phố Ribeirao Preto, thuộc tiểu bang Sao Paulo với một sân vận động dành riêng cho đội tuyển. Có 60 phòng đơn cho phái đoàn Pháp với đầy đủ tiện nghi: 3 bể bơi, một sân tennis, một spa, một sân chơi bóng chuyền bãi biển và một sân đá bóng nhỏ, vừa được FIFA trùng tu. Cho nên, vì những lý do đó mà Pháp cần phải chiến thắng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.