Vào nội dung chính
PHÁP

Do đâu cựu Tổng thống Pháp Sarkozy sa lưới Tư pháp

Vào hôm 01/07/2014, chính trường Pháp đã bị một cơn chấn động : Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã bị câu lưu và thẩm vấn trong khuôn khổ cuộc điều tra về tội hối mại quyền thế và vi phạm bí mật điều tra. Câu lưu một cựu tổng thống không phải là một việc nhỏ, và các thẩm phán được cho là phải nắm được rất nhiều yếu tố mới dám làm điều đó.

Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Ảnh chụp tại Paris, ngày 02/07/2014.
Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Ảnh chụp tại Paris, ngày 02/07/2014. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn của RFI ngay khi vụ việc xẩy ra, 01/07/2014, nữ ký giả Violette Lazard của báo Libération, một người đã theo dõi kỹ lưỡng vụ việc này trong thời gian qua, đã xác định rằng việc cựu Tổng thống Sarkozy bị câu lưu hoàn toàn không có gì là bất ngờ.

Violette Lazard : Một thủ tục pháp lý không bao giờ chắc chắn cả. Tuy nhiên trong giới thẩm phán, và nếu theo dõi diễn tiến cuộc điều tra, thì việc ông Sarkozy bị câu lưu là điều đã được dự đoán trong những tuần lễ gần đây.

RFI : Đây là điều chưa từng thấy. Có thể nói đây là một trận động đất chính trị tại Pháp ?

Violette Lazard : Quả đúng là như vậy. Đây là lần đầu tiên trong nền đệ ngũ Cộng hòa Pháp mà một cựu tổng thống bị câu lưu. Vâng, ý nghĩa biểu tượng rất mạnh mẽ, và về mặt biểu tượng đây là một trận động đất.

RFI : Ông Sarkozy có thể bị truy tố ?

Violette Lazard : Ông ấy có thể bị truy tố về tội hối mại quyền thế. Thậm chí đây là một trong những giả thuyết có tính hiện thực cao nhất. Chứ nếu không thì các thẩm phán tạm giữ ông ấy làm gì ? Chỉ cần nghe lời khai của ông ấy trong tư cách nhân chứng là đủ !

Không cần phải viết tiểu thuyết pháp lý ta vẫn có thể mường tượng ra rằng ông Sarkozy có nhiều nguy cơ bị truy tố vì hồ sơ của ông khá nặng. Hồ sơ này sẽ không dựa vào các lời khai của ông, mà chủ yếu dựa trên các lời ghi được lúc nghe lén, và rất khó mà phủ nhận những lời bị ghi lại này.

Nghĩa là các thẩm phán, các nhân viên cảnh sát, đã có được vài tiếng đồng hồ ghi âm những cuộc nói chuyện giữa ông Nicolas Sarkozy và Thierry Herzog, luật sư đồng thời là bạn của ông.

Trong mỗi cuộc nói chuyện, rõ ràng là hai người đang cố gắng tìm cách có được thông tin từ một thẩm phán thuộc Tòa Phá án, về một quyết định đang được bàn bạc trong vụ bà Bettencourt. Cách hai người nói với nhau khá rõ ràng.

RFI : Nếu chúng ta quay trở lại lúc khởi đầu của vụ án, do đâu mà tư pháp lại đặt cựu Tổng thống trong vòng nghe lén ?

Violette Lazard : Quyết định nghe lén này đã bắt đầu cách nay vài tháng, vào khoảng đầu tháng Chín năm 2013. Các thẩm phán quyết định đặt ông Nicolas Sarkozy trong vòng nghe lén trong một vụ khác : Đó là vụ Libya. Tư pháp muốn tìm hiểu xem cố lãnh đạo Libya Kadhafi có tài trợ cho chiến dịch tranh cử năm 2007 của ông Sarkozy hay không.

Thoạt đầu, họ chỉ nghe trộm những người thân của ông Nicolas Sarkozy, nhưng sau đó đã quyết định nghe lén chính ông. Và chính trong khuôn khổ đợt nghe trộm đầu tiên đó, giới điều tra nhận thấy rằng Tổng thống càng lúc càng ít nói điện thoại hơn, các cuộc trò chuyện của ông càng lúc càng ít thông tin hơn.

Họ nghi ngờ là cho rằng người đứng đầu Nhà nước trước đây đã bí mật sử dụng một chiếc điện thoại thứ hai, mà ông nghĩ rằng ông có thể yên tâm nói chuyện.

Sau cùng, giới điều tra đã tìm thấy số điện thoại mới đó của ông Sarkozy, được đăng ký dưới cái tên bây giờ đang nổi tiếng là Paul Bismuth, và họ đã đặt điện thoại đó trong vòng nghe lén. Và những những cuộc nói chuyện họ nghe được lẽ dĩ nhiên rất thú vị...

RFI : Hiện nay nội dung các cuộc nói chuyện đó được biết đến hay chưa ?

Violette Lazard : Chúng ta giờ đây đã biết nội dung của các cuộc hội thoại đó, biết một phần thôi. Các nội dung đó đã được tiết lộ.

Vì nghĩ rằng mình có thể yên tâm nói chuyện qua một cái điện thoại không đăng ký dưới tên của mình, cho nên ông đã nói đủ mọi chuyện với Luật sư Thierry Herzog. Và qua điện thoại đó, người ta thấy hai nhân vật này đang cố mưu tính để có được nội dung một phán quyết của tòa án, do đó vi phạm bí mật điều tra, bí mật nghề nghiệp, với sự giúp đỡ của một thẩm phán cao cấp tại Tòa Phá án.

Đó là một trận động đất đối với Tổng thống và Toà Phá án vì đây là cấp tòa án cao nhất tại Pháp. Thế mà người ta lại thấy có những thẩm phán của Tòa Phá án lại sẵn sàng cung cấp thông tin cho cựu lãnh đạo Nhà nước và luật sư của ông ấy.

RFI : Việc bị câu lưu đã làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của cựu tổng thống Sarkozy. Liệu sự kiện đó có báo trước ngày tàn sự nghiệp chính trị của ông ấy hay không ?

Violette Lazard : Lúc này, chúng ta chưa thể kết luận như vậy. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận là những vụ tai tiếng dính líu đến ông càng lúc càng nhiều.

Có vụ Bygmalion mới nổ ra chưa đầy một tháng, đặt lại vấn đề chiến dịch tranh cử của ông, và hiện nay, người ta chú ý đến vụ hối mại quyền thế, vụ Libya liên quan đến chiến dịch tranh cử năm 2007.

Các vụ bê bối càng lúc càng chồng chất quanh ông, và sẽ có ngày mà ông phải giải thích, hay ít ra là lên tiếng. Chứ chỉ nói đơn giản là « các quan tòa cố tình truy bức tôi » thì một ngày nào đó sẽ không đủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.