Vào nội dung chính
PHÁP

Paris : Một trong ba đô thị quyến rũ nhất thế giới về kinh doanh

Sức hút của thủ đô Pháp về văn hóa hay thời trang là điều mà không ai chối cãi, nhưng về mặt kinh doanh thì chưa hiển nhiên lắm. Tuy nhiên, mới đây, Paris đã tăng tốc qua mặt Singapore và Thượng Hải để lọt vào nhóm ba thành phố đứng đầu thế giới về thu hút doanh nhân. Tin vui này dĩ nhiên đã được báo Pháp ngày 04/07/2014 phân tích. Nhật báo Les Echos chạy tựa : « Paris trở lại nhóm bộ ba dẫn đầu các thành phố lớn trên thế giới », trong lúc Le Figaro, trong phụ trương kinh tế, xác định : « Paris, hạng ba trong số các đô thị có sức hút ».

Không ảnh một góc thủ đô Paris với ngọn tháp Eiffel.
Không ảnh một góc thủ đô Paris với ngọn tháp Eiffel. REUTERS
Quảng cáo

Nhận định của Les Echos rất lạc quan : Vùng Paris đang sáng giá trong mắt các đại tập đoàn thế giới. Sự vươn lên trở lại đó sẽ được hiện thực hóa bằng các khoản đầu tư.

Căn cứ vào kết quả cuộc khảo sát thường niên mới nhất do hãng KPMG thực hiện từ 4 năm nay theo đơn đặt hàng của Hiệp hội các Đại công ty Pháp vùng Paris Ile-de-France PIDFCE, tờ báo Pháp cho biết là trong danh sách 2014 của các đô thị lớn hấp dẫn nhất thế giới, Paris đã nhảy được 6 hạng để giành lấy vị trí thứ ba, sau New York, hạng nhì và Luân Đôn, hạng nhất.

Đây là một bản xếp hạng nghiêm túc vì dựa vào câu trả lời của 511 lãnh đạo các đại tập đoàn tiêu biểu cho các khu vực kinh tế lớn trên thế giới. Bảng xếp hạng này càng xác tín hơn nữa vì kết quả đi theo cùng một hướng với một cuộc điều tra hàng năm khác, cũng của KPMG, nhưng về các khoản đầu tư đã thực thụ được giải ngân.

Trong cuộc khảo sát này, Vùng Paris cũng đứng thứ ba thế giới, căn cứ vào một tập hợp 10 tiêu chí, từ sự ổn định chính trị và an ninh pháp lý, cơ sở hạ tầng, cho tới nguồn nhân công lành nghề sẵn có hay chất lượng giáo dục cao…

Các điểm yếu của Paris

Tuy nhiên, kết quả các cuộc khảo sát, theo Les Echos, cũng đã nêu bật một số mặt yếu kém của Paris : quy mô thị trường còn hạn chế, tăng trưởng kinh tế còn yếu kém, chi phí lao động lại vẫn cao, và bất ngờ hơn, là chi phí thuê bất động sản dùng vào công việc kinh doanh vẫn bị cho là nặng nề. Một điểm khác khiến các đại tập đoàn quốc tế thất vọng. Đó là chất lượng của lãnh vực nghiên cứu và sáng tạo cái mới.

Trả lời báo Les Echos, ông Pierre Simon, Chủ tịch Hiệp hội PIDFCE, tỏ vẻ không đồng ý lắm với một số kết quả nói trên, nhưng khá lạc quan. Theo ông : « Rõ ràng là giữa nhận thức và thực tế, có một sự khác biệt khi chúng ta biết rằng Paris là một thị trường bất động sản lớn thứ hai trên thế giới… Nhưng trong thế giới ngày nay, hình ảnh thường cũng quan trọng như thực tế và nó rất quan trọng cho tương lai ».

Kinh nghiệm cho thấy việc hình ảnh của một khu vực được cải thiện sẽ được phản ánh trong những năm sau bằng khối lượng đầu tư nhiều hơn.

Một cách tổng quát hơn, sự sáng giá hơn của Paris dường như đi theo cùng một hướng với mối quan tâm trở lại của giới đầu tư quốc tế đến các nền kinh tế phương Tây, như Mỹ và Châu Âu.

Tuy nhiên, theo Les Echos, Paris không nên mừng vội. Khi được hỏi là họ có dự định đầu tư vào nơi nào trong vòng ba năm tới đây, giới lãnh đạo các đại tập đoàn quốc tế thiên về Châu Âu và khối BRIC, cũng như về Bắc và Nam Mỹ hay châu Phi và Trung Đông.

Họ cũng nghĩ nhiều đến Trung Quốc. Theo ông Pierre Simon : « Dù bị thất vọng vì Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhưng họ vẫn cho rằng cần phải đầu tư vào Trung Quốc, vì đó là nơi vừa có tăng trưởng, vừa có thị trường ».

Pháp : Trận cầu Pháp-Đức và « vụ » Sarkozy

Dĩ nhiên cúp bóng đá thế giới không thể thiếu vắng trên báo chí Pháp, khi mà hôm nay diễn ra trận đấu Pháp Đức trong vòng tứ kết. Le Figaro chẳng hạn, ngay trang nhất, đăng ảnh hai cầu thủ Pháp bên dưới dòng tựa « Pháp-Đức : Một trận đấu cho lịch sử ».

Vụ tai tiếng chung quanh cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng vẵn chiếm một số tít trang nhất : Le Monde thì nhìn thấy « cánh hữu rất hoang mang », Le Figaro nêu câu hỏi « có nên cấm các thẩm phán vào công đoàn hay không ? » Tờ báo giải thích : Một số tiếng nói trong phe đối lập Pháp đã nêu vấn đề sau vụ ông Sarkozy bị câu lưu.

Trung Quốc : Hoàng đế Tập Cận Bình khẳng định quyền uy

Thời sự Châu Á khá được theo dõi, xoay quanh Trung Quốc, từ chuyến công du Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình, chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Trung Quốc, cho đến việc Nhật sửa đổi hiến pháp chủ hòa để đương đầu với Trung Quốc.

Trong bài xã luận trang nhất, với dòng tựa « Ở Trung Quốc, hoàng đế Tập lên ngôi », báo Le Monde mở đầu với nhận xét : « Tại Trung Quốc ‘Bác Tập’ lại ra tay ». Được mệnh danh như trong tuyên truyền chính thức, ông Tập tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng trong giới cả ‘ruồi’ lẫn ‘hổ’. Thế nhưng dưới chiêu bài tốt đẹp này, ông Tập cũng đang áp đặt quyền lực của ông.

Thắng lợi mới đây của ông là một con hổ : Tướng Từ Tài Hậu, bị khai trừ đảng. Tờ báo nhắc lại là cho đến lúc ông về hưu vào cuối năm 2012, vị tướng này còn là Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp quyết định khai trừ ông.

Le Monde chờ đợi là thông báo tới còn gây chấn động hơn nữa : Mọi người bàn tán về con ‘hổ’ sắp tới : Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an thời ông Hồ Cẩm Đào, một trong 9 vị ‘hoàng đế’, thành viên bộ chính trị.

Le Monde phân tích là chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đâu chỉ có là chống lại một ‘bệnh ung thư’ hủy hoại đảng cộng sản, đe dọa tính chính đáng, mà mục tiêu chủ yếu mang tính chất chính trị.

Theo Le Monde từ khi lên cầm quyền, ‘hoàng tử đỏ’ Tập Cận Bình đã làm tiêu tan các hy vọng, mong đợi lúc ban đầu. Nạn nhân của ông không chỉ là thành phần thủ cựu trong đảng, mà những người mong đợi quyền tự do được tôn trọng hơn hay ngành tư pháp được độc lập hơn. Ngay cả những ai đòi giới lãnh đạo công khai tài sản cũng bị truy bức, như trường hợp luật sư Hứa Chí Vĩnh.

Le Monde kết luận một cách mỉa mai : Trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình – mà người chị cả và anh rể có một gia sản kếch xù - không chấp nhận cho ai cạnh tranh với mình cả.

Triều Tiên : Tập Cận Bình trọng Nam khinh Bắc

Trên bình diện ngoại giao, chuyên viếng thăm Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình tiếp tục được theo dõi hôm nay. Báo Le Figaro trang quốc tế nêu sự kiện với hàng tựa : « Chủ tịch Trung Quốc xem thường Bình Nhưỡng, coi trọng Seoul ». Đối với Le Figaro, chuyến đi thăm Hàn Quốc của đánh dấu sự thay đổi ưu tiên của nhân vật số 1 Trung Quốc.

Tác giả bài báo ghi nhận là trong một vùng mà nhất cử nhất động đều được xem qua ‘kính lúp’, ý nghĩa biểu tượng dĩ nhiên là không thể bị bỏ sót. Ông Tập Cận Bình là Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên công du Hàn Quốc trước khi đến thăm người đồng minh duy nhất qua hiệp định của mình là Bắc Triều Tiên.

Điều này cho thấy một sự thay đổi trong ưu tiên của Bắc Kinh, đó là quyền lợi kinh tế ngày quan trọng với Hàn Quốc, đồng thời với một sự mệt mỏi ngày càng cao đối với chế độ khó lường của Kim Jong Un. Cho nên, Kim Jong Un – vốn chưa hề có được cuộc gặp mặt riêng với Tập Cận Bình - đã đón chào sự kiện với một loạt bắn hỏa tiễn.

Le Figaro nhắc lại rằng chỉ trong một vài năm, Hàn Quốc đã trở nên đối tác thương mại thứ tư của Trung Quốc, trao đổi mậu dịch giữa hai bên vào năm 2013, lên đến khoảng 274 tỷ đô la. Ông Tập Cận Bình với nhiều doanh nhân tháp tùng, hy vọng gặt hái nhiều kết quả mới trong chuyến đi này, cả hai bên đều muốn thúc đẩy việc ký kết hiệp định tự do mậu dịch song phương.

Mong đợi hàng đầu phía Hàn Quốc dĩ nhiên là trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Các vụ thử hạt nhân và tên lửa đã làm Seoul lo ngại và Bắc Kinh bực mình. Theo Le Figaro, Bắc Kinh còn bực mình là Bình Nhưỡng đã không đi theo mô hình cải cách kinh tế mà Trung Quốc đã vẽ ra.

Không chỉ riêng trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc còn một mối ưu tư chung khác là chính sách quốc phòng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Quan hệ Bắc Kinh-Seoul : Mô hình cho khu vực ?

Báo Le Monde cũng theo dõi chuyến đi của ông Tập Cận Bình, nhận định là « ở Seoul, Tập Cận Bình ve vãn một láng giềng ‘gương mẫu’ », tựa trang quốc tế. Nhắc lại sự kiện chủ tịch Trung Quốc đến Seoul trong lúc chưa đến Bình Nhưỡng, tờ báo xem đấy là một cuộc cách mạng trong quan hệ giữa Trung Quốc và hai miền Triều Tiên. Quyền lợi kinh tế bây giờ quan trọng hơn là ‘tình hữu nghị bền vững’ giữa hai nước anh em.

Tờ báo cũng nhấn mạnh trên sự kiện là nếu ông Tập Cận Bình đã đón tiếp bà Park Geun Hye tháng 6 năm 2013, thì đến giờ, chưa thấy nói gì đến một chuyến đi của Kim Jong Un sang Bắc Kinh.

Trong mắt của Le Monde, tuần trăng mật giữa Bắc Kinh và Seoul trước hết là kinh tế, nhưng hai bên cũng quan tâm đến vấn đề an ninh, cùng nghi kỵ Nhật Bản.

Le Monde nêu lên khái niệm mới về an ninh của ông Tập Cận Bình cho Châu Á, dựa trên phát triển và hợp tác, do đó, Le Monde trích đánh giá của một chuyên gia Trung Quốc, trên tờ China Daily : « Quan hệ Bắc Kinh - Seoul trở thành một quan hệ hữu nghị, thành thật, có lợi và tôn trọng lẫn nhau và sẽ thành một mô hình cho quan hệ trong khu vực ».

Le Monde cũng trích nhận định của tờ Hoàn Cầu Thời Báo : Hàn Quốc là một láng giềng gương mẫu, một cột trụ then chốt của chính sách của Trung Quốc đối với vùng lân cận.

Nhật Bản nỗ lực chống voi Trung Quốc

Trong lúc Bắc Kinh và Seoul cùng đố kỵ Tokyo, đặc phái viên Le Monde tại Tokyo nhận thấy Nhật Bản đang muốn đương đầu với ‘con voi’ Trung Quốc. Tokyo lo ngại trước sự vươn lên của Bắc Kinh ngay trong khu vực sát cận mình.

Bài báo nêu bật việc chính phủ của ông Abe xét lại điều 9 hiến pháp chủ hòa, và nguyên nhân là Trung Quốc. Trong khu vực nhìn ở đâu Trung Quốc cũng là yếu tố hàng đầu và mang tính chất quyết định. Và Nhật Bản, lần đầu tiên từ 20 năm nay, đã tăng ngân sách quốc phòng vào năm 2014 này.

Giải thích chính sách hiện nay, một viên chức Nhật cho là không phải Nhật muốn phá vỡ trật tự quốc tế thời hậu chiến, mà là muốn có thể trợ giúp các nước Đông Nam Á muốn cưỡng lại sự tấn công của ‘cường quốc’. Cường quốc đây được hiểu là Trung Quốc - mà một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho là muốn thuần phục Châu Á - một đánh giá mà Tokyo cũng chia sẻ nhưng không chấp nhận.

Le Monde trích một chuyên gia Nhật Bản khẳng định là trên bình diện thế giới, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ, nhưng ở Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc muốn làm cường quốc lãnh đạo. Nếu Hàn Quốc chấp nhận, thì ngược lại Nhật Bản không thể chịu được.

Bài báo kết luận : Phân tích vừa kể có lẽ đã được chuyến viếng thăm Seoul của ông Tập Cận Bình chứng minh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.