Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Công nghệ không gian : Châu Âu trong thế công

Đăng ngày:

Châu Âu vừa cải tổ ngành công nghệ vũ trụ không gian để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng lớn của Mỹ và Trung Quốc. Airbus Group và Safran thành lập một liên doanh theo mô hình của tập đoàn công nghệ khai phá không gian tư nhân SpaceX của Mỹ.

Ông J.Y Le Gall, một trong ba thành viên sáng lập Arianespace phát biểu về các dự án tương lai của Airbus Group - DR
Ông J.Y Le Gall, một trong ba thành viên sáng lập Arianespace phát biểu về các dự án tương lai của Airbus Group - DR
Quảng cáo

Ngày 16/06/2014, tập đoàn hàng không không gian châu Âu, Airbus chuyên thiết kế tên lửa đẩy Ariane, đã cùng với công ty Pháp chuyên chế tạo động cơ cho loại tên lửa này là Safran thông báo thành lập liên doanh trong lĩnh vực phóng tên lửa và vệ tinh lên không gian. 

Mục tiêu của liên doanh sắp được thành lập nhằm duy trì ngành công nghệ vũ trụ và không gian của châu Âu ở thế thượng phong. Chiến lược này là một sự cần thiết vào lúc, một tập đoàn tư nhân của Hoa Kỳ là SpaceX đang làm thay đổi cục diện của thị trường không gian trên thế giới. 

Đâu là những lợi ích của liên doanh Airbus - Safran ? Vì sao châu Âu bắt buộc phải mở rộng cửa lĩnh vực công nghệ này tới tư nhân ? 

Thách thức Hoa Kỳ

Pháp hiện nay là con chim đầu đàn của ngành công nghệ không gian châu Âu, đem về đến 50 % doanh thu cho toàn khối. 40 % nhân viên trong ngành làm việc cho các tập đoàn Pháp. Ngoài ra Paris cũng là quốc gia đóng góp nhiều hơn cả cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu. 

Tới nay, ngành công nghệ không gian luôn là niềm tự hào của châu Âu : 58 vụ phóng tên lửa đẩy Ariane – 5 liên tiếp đã thành công. Tập đoàn Thales Alenia Space đã giao xong 9 vệ tinh cho khách hàng, Airbus bán được 10 vệ tinh … Dù vậy, tập đoàn hàng không vũ trụ Arianespace không còn độc quyền trong lĩnh vực đưa tàu vũ trụ hay vệ tinh viễn thông lên không gian. 

Hãng sản xuất máy bay nổi tiếng của Hoa Kỳ, Boeing bắt đầu nhập cuộc với kiểu vệ tinh đẩy, sử dụng động cơ điện. Nhưng đáng nói hơn nữa là sự xuất hiện của tập đoàn SpaceX do nhà tỷ phú Mỹ, Elon Musk thành lập. Mới chỉ ra đời từ năm 2002 nhưng tập đoàn có trụ sở ở bang California này đã làm lung lay ngai vàng của Arianespace với loại tên lửa đẩy Falcon 9. 

Bí quyết thành công của ông chủ Mỹ Elon Musk nằm ở chỗ : SpaceX quản lý từ khâu chế tạo đến công nghệ phóng tên lửa. Nhờ vậy mà giá thành trong dịch vụ phóng tên lửa của SpaceX chỉ bằng phân nửa so với của Arianespace.

Một lợi thế quan trọng khác mà SpaceX có được đó là tập đoàn này của nhà tỷ phú Elon Musk được hậu thuẫn quý giá từ lực lượng Không quân Hoa Kỳ và Cơ quan hàng không không gian Mỹ, NASA. Arianespace của châu Âu tuy được châu Âu hậu thuẫn nhưng không có những phương tiện dồi dào như đối thủ Mỹ. 

Tóm lại, chính sự hiện diện của SpaceX đã buộc ngành công nghệ không gian châu Âu phải cải tổ cơ cấu. Trả lời đài RFI nhà nghiên cứu Xavier Pasco trực thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược giải thích thêm về nhu cầu cấp bách tái cơ cấu ngành công nghệ vũ trụ không gian của châu Âu. 

« Chiến lược tái cơ cấu ngành công nghệ không gian của châu Âu lâu nay đã có trên văn bản, nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Lần này Bruxelles bắt buộc phải hành động do áp lực của các đối thủ ngày càng mạnh. Nhưng đằng sau chiến lược của châu Âu trong lĩnh vực công nghệ không gian, còn phải kể đến yếu tố chính trị của từng quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu nói riêng và của toàn khối nói chung.

Thực ra, không phải ai cũng tán đồng liên doanh Airbus-Safran. Đức không mặn mà khi thấy tập đoàn Pháp tham gia nhiều hơn vào các chương trình vũ trụ châu Âu. Nhưng bên cạnh đó, liên doanh sắp tới là giải pháp bắt buộc đồng thời, đây là một hình thức để nhà nước can thiệp trở lại vào lĩnh vực này. Sự can thiệp đó trở nên cần thiết, do những đòi hỏi về kỹ thuật và nhất là về phương diện địa chính trị ». 

Như ông Pasco vừa nói, châu Âu vẫn duy trì vài trò chủ đạo của nhà nước trong lĩnh vực chiến lược này, nhưng đồng thời Liên Hiệp Châu Âu cũng ý thức được rằng không thể thiếu sự tham gia của khu vực tư nhân. Về điểm này, bà Isabelle Sourbes Verger, chuyên gia tại Trung Tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS so sánh thách thức đang đặt ra cho châu Âu với những đối thủ khác, đứng đầu là Nga. 

« Nga đang tổ chức lại ngành công nghệ đưa tàu vũ trụ lên không gian. Đây là một công trình dài hơi. Công cuộc cải tố đó đã được khởi động từ đầu những năm 2000 và được tăng tốc kể từ 2006. Đáng chú ý là Nga đang tái cơ cấu lĩnh vực này theo mô hình của tập đoàn Pháp EADS. Chính xác hơn là Nga từng bước, muốn trao lại một phần công nghệ không gian cho tư nhân. Nhưng từ đó tới nay nước Nga chưa hoàn tất giai đoạn chuyển tiếp đó.

Ngành công nghệ không gian của thế giới đang đi theo ba mô hình : tại Nga, lĩnh vực này phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước vào các đơn đặt hàng của chính phủ. Ở châu Âu mức độ lệ thuộc đó thấp hơn. Còn ở Hoa Kỳ, tư nhân là động cơ phát triển của ngành công nghệ không gian. Lạ một điều là hiện nay, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều tránh né vấn đề này. Cả Bắc Kinh lẫn New Delhi cùng không muốn đề cập đến vai trò của lĩnh vực tư nhân trong ngành công nghệ không gian ». 

Mâu thuẫn trong mô hình châu Âu

Chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, Xavier Pasco nhấn mạnh đến mâu thuẫn trong mô hình phát triển ngành không gian châu Âu : 

« Khó khăn chính đặt ra cho châu Âu là khối này muốn độc lập trong lĩnh vực không gian, nhưng lại không muốn tài trợ cho các công trình phát triển không gian. Cụ thể hơn, châu Âu muốn là đối tác chính của mình, tức là công ty hàng không vũ trụ châu Âu Arianespace tự tìm ra các kinh phí. Trong khi đó, chúng ta biết rằng, các hoạt động phóng vệ tinh thương mại của Ariane rất hạn hẹp.

Tôi xin nêu lên một vài con số để minh họa cho điều này. Trên thế giới hiện nay, mỗi năm có khoảng 80 vụ phóng vệ tinh, trong đó chỉ có tối đa là 15 vụ được dành để đáp ứng các mục tiêu thương mại của tư nhân. Nói cách khác, hoạt động phục vụ cho lĩnh vực tư nhân, chỉ chiếm chừng 15% hay 16 % thị trường chung mà thôi. Vậy thử hỏi làm sao Arianespace có điều kiện để tài trợ cho các chương trình vũ trụ, không gian của châu Âu ? Theo tôi Liên Hiệp Châu Âu thực sự mâu thuẫn với chính mình ». 

Tên lửa Ariane từ bệ phóng ở đảo Guyane.
Tên lửa Ariane từ bệ phóng ở đảo Guyane. ESA/CNES/ARIANESPACE

Cho tới nay các đơn đặt hàng từ phía các cơ quan nhà nước luôn chiếm một vịt rí quan trọng trong các hoạt động của Arianespace. Vấn đề đặt ra là tại châu Âu, đơn đặt hàng của chính phủ quá hiếm hoi – và thậm chí gần đây, để tiết kiệm ngân sách, một số quốc gia như Đức và kể cả Pháp đã thuê Ấn Độ phóng vệ tinh thay vì dành ưu tiên cho Arianespace. Nhu cầu của châu Âu còn thấp hơn cả so với những nước đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ. Nhà nghiên cứu thuộc trung tâm CNRS của Pháp, bà Isabelle Sourbes Verger giải thích thêm. 

« Chính vì các quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu không là những khách hàng trực tiếp của các tập đoàn công nghiệp không gian, cho nên lĩnh vực này trong khu vực chưa thể cất cánh. Ấn Độ, Trung Quốc và kể cả Nga đều có một chiến lược khác hẳn. Cho dù đó là những quốc gia còn đang phát triển, nhưng họ có những nhu cầu thực sự về trang bị viễn thông, về các hoạt động quan sát trái đất. Chính nhà nước tại những nơi này đsng vai trò đầu tàu và bảo đảm cho ngành công nghệ vũ trụ, không gian của họ có phương tiện phát triển. 

Đối với châu Âu thì khác. Chúng ta có chương trình xây dựng hệ thống định vị Galileo, hay chương trình quan sát trái đất Copernicus và một vài vệ tinh để phục vụ các mục tiêu khoa học. Nhưng châu Âu chỉ có ngần ấy chương trình mà thôi cho dù ngành công nghệ không gian vẫn là một ưu tiên của châu Âu. 

Bên cạnh đó, đừng quên rằng, các dịch vụ phóng vệ tinh thương mại của châu Âu được thực hiện nhờ có sự đồng thuận của Hoa Kỳ. Đây là một điều khoản ưu đãi mà các đối thủ của châu Âu như là Trung Quốc hay Nga không có được. Với khủng hoảng Ukraina đương nhiên, mọi khả năng hợp tác Nga Mỹ trong lĩnh vực này bị gián đoạn trong một thời gian dài. Quan hệ Mỹ -Trung cũng chưa cho phép Washington mở rộng hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực này. Với Ấn Độ hiện thời Hoa Kỳ cũng còn rất thận trọng. Nói cách khác, trước mắt hợp tác Âu-Mỹ sẽ còn ổn định lâu dài. Nhưng rõ ràng là châu Âu lệ thuộc vào Mỹ ».  

Trở lại với một câu hỏi thiết thực hơn đó ngày nay vũ trụ và công nghệ không gian chiếm một vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống của nhân loại ? Ông Serge Sur, tổng biên tập tạp chí Questions Internationales của Pháp trả lời : 

« Từ nửa thế kỷ qua, chúng ta đã trải qua một cuộc cách mạng trong ngành công nghệ không gian. Kèm theo đó là những hậu quả trong quan hệ quốc tế cũng như là đối với đời sống hàng ngày của nhân loại. Chúng ta sẽ không thể sử dụng internet thoải mái nếu thông tin không được truyền qua vệ tinh. Xét cho cùng, vũ trụ và không gian giờ đây đang chiếm một vị trí quan trọng như các tuyến vận tải đường biển trong nhiều thế kỷ qua. Chinh phục không gian, thực ra ra là hình thức để làm chủ tình hình trên trái đất, để quan sát các sinh hoạt của con người trên hành tinh mà chúng ta đang sinh sống.

Với hình ảnh vệ tinh, ta có thể quan sát được cuộc sống của trái đất, hay những gì mà các nước khác trên thế giới đang làm. Chiến lược chinh phục không gian thực ra là để theo dõi các hoạt động của những nước thù nghịch. Chính trong thời kỳ chiến tranh lạnh, dưới thời tổng thống Ronald Reagan, Mỹ đã tung ra ‘Chiến tranh các vì sao’ để dọ thám Liên Xô. Ngày nay, ranh giới giữa những mục tiêu dân sự và quân sự không còn tách bạch nữa. Chính xác hơn là hai lĩnh vực này đã chồng chéo lên nhau ». 

Để minh họa cho vị trí chiến lược của ngành công nghệ không gian, ông Serge Sur của tạp chí Questions Internationales nhắc lại « Chiến tranh các vì sao » của Mỹ đã góp phần làm kiệt quệ nền kinh tế của Liên Xô cũ như thế nào : 

« Chương trình không gian của Mỹ, ‘Chiến tranh các vì sao’, về mặt chính trị và tâm lý đã đóng một vai trò hết sức quan trọng, dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô. Chiến lược này của cố Tổng thống Reagan đã đặt Matxcơva trước ba thách thức cùng một lúc. Mỹ thừa biết là Liên Xô không thể đọ sức với mình trước những thách thức về mặt kỹ thuật. Về mặt chiến lược, Liên Xô không dám mạnh tay vì sợ hồ sơ này vuột khỏi tầm kiểm soát của mình. Sau cùng Liên Xô đâu có phương tiện tài chính và nhân sự để chơi ngang ngửa với Mỹ trong cuộc chạy đua không gian. Matxcơva đã ý thức được sự chậm trễ đó và đấy thực sự là một đòn tâm lý rất mạnh mà Washington tấn vào chính quyền Liên Xô hồi bấy giờ ». 

Thực ra, ngành công nghệ không gian châu Âu đang đi tìm một mô hình mới, với sự tham gia nhiều hơn của giới đầu tư tư nhân. Cái khó nằm ở chỗ, châu Âu không có được sự hậu thuẫn từ phía chính quyền như các tập đoàn Mỹ, khi họ biết đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc sẽ vào đều đặn và SpaceX sẽ là một đối tác quan trọng của cơ quan không gian NASA. 

Tại châu Âu, chính sách phát triển không gian còn tùy thuộc quá nhiều vào các cơ quan nhà nước. Đã đến lúc ngành công nghệ không gian của Lục địa Già cần tập trung lại 25 tập đoàn đang tham gia vào lĩnh vực này để có được một chính sách xuyên suốt. Sau cùng, đương nhiên Arianespace đang tìm cách chặn bớt những nước cờ của SpaceX để giữ chiếc ngai vàng trên một thị trường được ước tính có trị giá 55 tỷ đô la trong thập niên tới.

Không chỉ có Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà cả Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang từng bước chinh phục không gian, để trở thành những đối thủ đáng gờm của châu Âu. Ấn Độ vừa phóng thành công 5 vệ tinh. Nhiều nhà quan sát cho rằng, mục tiêu của tân Thủ tướng Ấn Độ, Narndra Modi muốn đưa quốc gia này trở thành 1 trong 5 siêu cường không gian của thế giới không còn là điều viễn vông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.