Vào nội dung chính
PHÁP - LỊCH SỬ

Pháp kỷ niệm 70 năm chiến dịch đổ bộ Provence

Cách nay 70 năm, quân đội Đồng minh tổ chức chiến dịch đổ bộ tại Provence, miền nam nước Pháp. Hôm nay, 15/08/2014, nước Pháp long trọng kỷ niệm biến cố có ý nghĩa lịch sử với việc giải phóng Châu Âu khỏi chủ nghĩa phát xít, nhưng ít được biết đến này. Tổng thống Pháp ca ngợi sự đóng góp của lực lượng người Phi Châu tham gia chiến dịch năm xưa.

Tổng thống François Hollande (G) và các quan chức Pháp trong lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ Provence, tại đài tưởng niệm Mont-Faron, Toulon, 15/08/2014
Tổng thống François Hollande (G) và các quan chức Pháp trong lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ Provence, tại đài tưởng niệm Mont-Faron, Toulon, 15/08/2014 REUTERS
Quảng cáo

Gần 20 nguyên thủ quốc gia, chủ yếu là các nước Châu Phi, đã tham dự nghi thức tưởng niệm, được tổ chức tại thành phố cảng Toulon, cùng với nhiều cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch.

Phát biểu trong buổi lễ, Tổng thống Pháp François Hollande nhấn mạnh, “nước Pháp tự giải phóng mình, với sự hỗ trợ của các đồng minh, nhưng với sự tham gia của chính các quân nhân Pháp” và “nếu như nước Pháp có thể tham gia vào việc tái thiết Châu Âu, nếu như Pháp có thể trở thành thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, chính bởi Pháp đã tham gia thực sự vào chiến thắng này”. Tổng thống Pháp Hollande ca ngợi “một nước Pháp thống nhất đã đứng lên năm 1944”. 

Năm 1944, tiếp sau chiến dịch đổ bộ nổi tiếng tại Normandie, mang tên “Overlord”, liên quân đồng minh quyết định mở một mặt trận thứ hai tại miền nam nước Pháp nhằm phân tán lực lượng phòng thủ Đức và tiếp tục tục giải phóng các vùng đất Châu Âu còn bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Chiến dịch “Anvil-Dragoon”, do tướng Mỹ Einsenhower - tư lệnh các lực lượng đồng minh tại Châu Âu - lập kế hoạch, khởi sự vào lúc bình minh ngày 15/08/1944, 10 tuần lễ sau cuộc đổ bộ Normandie. 

Vùng Provence được giải phóng trong hai tuần lễ, nhanh hơn hẳn thời gian dự kiến hai tháng theo bộ tham mưu chiến dịch. Chiến dịch bao gồm ba giai đoạn, đổ bộ, giải phóng Provence và đưa quân vào sâu trong nội địa, đã kết thúc sau ba tháng. 

Gần 900.000 binh sĩ Mỹ, Anh, Canada, Pháp… đã tham gia chiến dịch. Hơn khoảng 230.000 lính Pháp, chủ yếu là các binh sĩ đến từ các thuộc địa Pháp ở Châu Phi, có một vai trò hàng đầu và góp một phần lớn vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử này. Trong chiến dịch Normandie, chỉ có 177 binh sĩ Pháp tham trận. Chuyên gia về chiến dịch đổ bộ Provence, ông Laurent Moenard, cho biết “đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1940, một đội Pháp quân thực thụ… đã chiến đấu trên đất Pháp, xóa đi (dấu ấn của) thất bại 1940. Đóng góp của Pháp vào chiến thắng cuối cùng là quan trọng”. Thủ đô Paris nổi dậy (ngày 19/08) và được giải phóng sau đó một tuần, cùng lúc với thời điểm quân đồng minh chiếm lại Toulon (ngày 27/08) và Marseille (ngày 28/08). 

Nhắc lại “những trang sử huy hoàng” và “di sản” của “những anh hùng thường là những con người vô danh, đã đóng góp cho sự hồi sinh của đất nước” trong bối cảnh INSEE vừa công bố tỷ lệ tăng trưởng của Pháp là 0% trong quý 2, Tổng thống François Hollande khép lại bài diễn văn với khẳng định : “Pháp, cường quốc kinh tế thứ năm thế giới (…), với những cải cách đang tiến hành, sẽ tiếp tục trụ hạng”. 

Cuối buổi chiều nay, các vị khách được mời dự một nghi lễ tổ chức trên tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle, đang đậu tại cảng Toulon. Các quan khách chứng kiến cuộc duyệt binh hải quân, với sự góp phần của 20 chiến hạm Pháp và nước ngoài (bao gồm các nước Anh, Mỹ, Tunisia, Algeria và Maroc).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.