Vào nội dung chính
ÚC - CAM BỐT - TỴ NẠN

Úc muốn « tống khứ » người tỵ nạn sang Cam Bốt

Do là ngày nghỉ lễ của Pháp nên đa số các nhật báo Paris đều không phát hành sáng nay, chỉ có nhật báo Le Monde phát hành vào chiều hôm qua. Các đề tài được Le Monde quan tâm cũng khá phong phú. Mục quốc tế của tờ báo có bài: « Úc muốn « bán » 1000 người tỵ nạn sang Cam Bốt ». Đây là một thỏa thuận gây tranh cãi mà Úc và Cam Bốt đang chuẩn bị ký kết.

Ảnh minh họa (nguồn: Medecins sans frontière)
Ảnh minh họa (nguồn: Medecins sans frontière)
Quảng cáo

Thỏa thuận dự trù cho phép Úc gửi những người tỵ nạn mà Úc cho là không thể dung nạp được sang Cam Bốt với cái giá là 40 triệu đô la, nhằm giúp Cam Bốt có thể tiếp nhận những người tỵ nạn này trong « những điều kiện tốt hơn ».

Le Monde nhắc lại, từ khi lên cầm quyền vào tháng 9/2013, Thủ tướng Tony Abbott đã tiến hành chiến dịch « Stop the boats », tức là chặn đứng làn sóng thuyền nhân vượt biển nhập cư trái phép, đa số là người Kurd, Iran và Irak.

Đây không phải là lần đầu tiên Úc muốn tìm ra một giải pháp khác để tiếp nhận người tỵ nạn trong thời gian hồ sơ của họ chờ được xét duyệt. Năm 2011, Úc đã đàm phán với Malaysia, nhưng dự án đã không được thực hiện, vì Kuala Lumpur không tham gia ký kết Công ước tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc.

Sau nhiều tháng thương lượng, Úc và Cam Bốt đã thống nhất với nhau về việc chuyển 1000 người tỵ nạn trên đảo Nauru về Cam Bốt. Quyết định này đã gây phản ứng từ các tổ chức nhân đạo, bởi vì họ đánh giá Phnom Penh không có đủ khả năng để tiếp nhận những người tỵ nạn này. Theo Liên Hiệp Quốc, Cam Bốt hiện chỉ có 68 người tỵ nạn và chỉ có 12 đơn xin tỵ nạn. Phil Robertson, giám đốc Châu Á của tổ chức Human Rights Watch (HRW) nhận định với Le Monde: «Chính phủ Úc đang đùa với cuộc sống của những người này. Họ có rất ít cơ may sống sót tại Cam Bốt, hiện là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Họ không nói được tiếng Khmer, không thể mở một tài khoản ngân hàng hoặc nhận được giấy phép lao động. Người tỵ nạn vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào hỗ trợ tài chính của Úc ».

Le Monde trích nhận định của một tờ báo Úc, tờ The Sydney Morning Herald lo ngại « Úc sẽ dùng ảnh hưởng kinh tế để buộc Cam Bốt phải đón tiếp những người tỵ nạn mà Úc chối bỏ ». Úc hiện là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho Cam Bốt, với tổng trị giá viện trợ lên đến 686 triệu đô la trong giai đoạn 2014-2015. Đại diện đảng đối lập Cam Bốt, Son Chhay, lo ngại Cam Bốt sẽ trở thành « bãi chứa rác » của chính phủ Úc.

Về phía HRW, ông Phil Robertson cũng lên án sự thiếu minh bạch của cả hai nước. Không một thông tin nào về các thương thuyết lọt ra bên ngoài, đặc biệt là việc sử dụng các quỹ tiền. Chính phủ Cam Bốt vẫn thường bị các hiệp hội bảo vệ nhân quyền cáo buộc tham nhũng. 

Giáo Hoàng kêu gọi hai miền Triều Tiên hòa giải

Nhật báo Le Monde hôm nay tiếp tục phân tích chuyến công du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Hàn Quốc nhằm kêu gọi hai miền Triều Tiên hòa giải. Tờ báo nhận thấy, sự kiện Bắc Triều Tiên bắn tên lửa thị uy trùng hợp với lúc Đức Giáo Hoàng vừa đặt chân đến bán đảo.

Le Monde nhận định, lần đầu công du Châu Á, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận được một sự đón tiếp đặc biệt từ phía Bình Nhưỡng. Liệu đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là một hành động có chủ ý ? Thật khó trả lời nhưng đó là thái độ của Bình Nhưỡng trước lời kêu gọi hòa bình và hòa giải liên Triều của Đức Giáo Hoàng. Trước Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và các chính quyền địa phương Hàn Quốc, Đức Giáo Hoàng kêu gọi hai miền Triều Tiên vượt qua « sự đả kích lẫn nhau » và chấm dứt chạy đua quân sự. Hòa bình chỉ có được thông qua đối thoại và bằng sự tha thứ. Hôm nay, nhân ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Đức Giáo Hoàng làm lễ tại sân vận động Daejon trùng với ngày độc lập của bán đảo Triều Tiên.

Theo Le Monde, chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng mang nhiều mục đích. Thứ nhất là đáp lại lời mời của giám mục Daejon, người tổ chức Đại hội Thanh niên Á Châu, theo giải thích của một chuyên gia thuộc Vatican. Theo một số nguồn tin, chính vị tiền nhiệm Benedicto XVI đã khuyên Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm một châu lục chỉ có 3,2% dân số là người Công giáo, nhưng tốc độ phát triển rất nhanh và là một miền đất tương lai cho Giáo Hội.

Hàn Quốc là một điển hình rõ rệt, với thêm 1 triệu tín đồ chỉ trong vòng gần 10 năm. Người Công giáo chiếm gần 11% dân số Hàn Quốc. Federico Lombardi, phát ngôn viên Vatican nhận định : « Giáo Hội Hàn Quốc năng động, là nơi sản sinh ra nhiều nhà truyền giáo. Họ đã đi khắp nơi gieo hạt giống đức tin, trong đó có nước Mông Cổ ».

Le Monde cũng thừa nhận, tại Hàn Quốc, hình ảnh của Giáo Hội Công giáo rất tích cực. Dường như Giáo Hội này ít bị ràng buộc vào các vấn đề tiền bạc hơn là các Giáo Hội Tin lành khác và cũng tỏ ra khá bình dân hơn các giáo hội khác. Đồng thời, đây cũng là Giáo Hội duy nhất chịu đóng thuế, trong khi các Giáo Hội khác đều từ chối. 

Irak : Pháp giao vũ khí tối tân cho chiến binh Kurdistan

Liên quan đến tình hình tại Irak, nhật báo Le Monde quan tâm đến việc Pháp quyết định giao vũ khí tối tân cho chiến binh Kurdistan để chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (EI). Theo tờ báo, hành động viện trợ quân sự trên gây ra tranh luận ngay gắt trong nội bộ các quốc gia Châu Âu.

Le Monde nhận định, hành động trên của Pháp còn lâu mới nhận được sự đồng thuận của các quốc gia Châu Âu, nhưng số phận của những người thiểu số Thiên Chúa Giáo và người Yezidi đã gây xúc động mạnh và khiến nhiều nước Châu Âu phải phản ứng kiên quyết hơn. Chính phủ Cộng hòa Séc hôm thứ tư vừa rồi cũng thông báo ý định muốn cung cấp vũ khí cho người Kurdistan. Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời các tờ báo địa phương hôm qua như sau : Đức sẵn sàng viện trợ nhân đạo, vật chất và cả quân sự nhưng không giao vũ khí sát thương cho người Kurdistan. Theo Bộ Quốc phòng Đức, Berlin có thể cung cấp xe bọc thép, áo chắn đạn, máy dò mìn, dụng cụ vệ sinh y tế và cả máy bay chở hàng viện trợ nhân đạo. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế, Sigmar Gabriel (SPD) đã đã lấp lửng cho biết có thể cung cấp vũ khí « tùy vào diễn biến tình hình tại Irak ».

Hôm thứ hai, phát ngôn viên chính phủ Steffen Seibert đã thẳng thừng bác bỏ việc cung cấp vũ khí cho Irak, vì nguyên tắc của chính phủ Đức là không giao vũ khí cho những vùng đang khủng hoảng. Tuy nhiên, tuyên bố trên gây ra nhiều phản ứng mạnh mẽ từ các đảng phái chính trị khác. Một chính trị gia vặn lại : « Người Kurdistan không thể đối đầu với lực lượng hồi giáo cực đoan bằng thảm tập yoga mà phải có vũ khí ». Một chính khách khác đề nghị cần nhanh chóng viện trợ vũ khí cho miền bắc Irak và Đức không nên quá thụ động trong hồ sơ này.

Nhìn sang phản ứng của Anh, Thủ tướng David Cameron đã cắt ngang kỳ nghỉ tại Bồ Đào Nha để chủ trì một cuộc họp khẩn cấp. Anh tham gia các hoạt động nhân đạo, nhưng cho đến giờ phút này, không có chuyện cung cấp vũ khí cho người Kurdistan. Anh đã gửi máy bay đến Irak nhưng chỉ với vai trò quan sát và hỗ trợ hậu cần chứ Anh hiện loại bỏ mọi tham gia hoạt động quân sự. 

Nga và Ukraina đối đầu cả trên sân cỏ

Hôm nay, nhật báo Le Monde cũng quan tâm đến sự đối đầu giữa Nga và Ukraina nhưng trong lĩnh vực bóng đá. Theo tờ báo, ngày 31/07/2014, Liên đoàn bóng đá Nga (RFU) tuyên bố ba câu lạc bộ chính của vùng Crimée vừa bị sát nhập vào Nga sẽ tham gia thi đấu tại giải bóng đá quốc gia Nga. Hành động này là « hoàn hoàn phù hợp với luật pháp Nga », theo Bộ trưởng Bộ Thể thao Nga, Vitaly Mutko, nhưng lại gây phẫn nộ cho Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Ukraina, Anatoly Konkov (FFU). Ông phát biểu : « Crimée thuộc chủ quyền Ukraina và mọi thành viên của môn bóng đá đều thuộc sự quản lý của chúng tôi ».

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Ukraina (FFU) đã đệ đơn kiện lên Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA) và lên FIFA. Nga đã sát nhập 3 đội bóng Crimée vào chơi cho giải bóng đá Nga mà không hề có thông báo chính thức nào cho cấp quốc tế, một thiếu sót vi phạm đến các điều lệ của UEFA và FIFA. Kiev cũng đề nghị phải xử phạt hành động trên của Nga. 

Năm 2050, hơn 40% trẻ sẽ sinh ra tại Châu Phi

Trong lĩnh vực dân số, nhật báo Le Monde thẩm định, vào năm 2050, hơn 40% trẻ sinh ra trên thế giới là tại Châu Phi, trong khi tỷ lệ sinh sản tại nhiều nước phát triển sẽ giảm. Dân số tại châu lục nghèo này sẽ tiếp tục tăng đều đặn cho đến cuối thế kỷ XXI. Vào năm 1950, dân số Châu Phi chỉ chiếm 9% dân số thế giới. Đến năm 2050, một phần tư nhân loại là người Châu Phi.

Theo tờ báo, Nigeria hiện là nền kinh tế số một của châu Phi và có tỷ lệ sinh sản cao nhất châu lục này. Dân số nước này sẽ tăng gấp 2,5 lần trong vòng 35 năm (440 triệu người vào năm 2050).

Trước tốc độ tăng dân số nhanh đến vậy, kèm theo tỷ lệ nghèo đói khá cao (gần 60% dân số vùng cận Sahara sống dưới mức 2 đô la/ngày), Unicef kêu gọi đầu tư nhiều vào lĩnh vực y tế và giáo dục, đặc biệt là cho nữ giới.

Báo cáo của Unicef nhấn mạnh, các biến đổi dân số mà Châu Phi đang đối mặt là một thách thức sống còn của nhân loại ». Phân nửa trẻ em tử vong trên thế giới là tại Châu Phi và tỷ lệ này sẽ đạt đến 70% vào năm 2050. Nếu không đầu tư vào việc cải thiện điều kiện sống cho thế hệ trẻ thì châu lục này khó tận dụng được lợi thế dân số đông để làm đòn bẩy cho sự phát triển mặc dù tăng trưởng kinh tế khá cao, theo đánh giá của Unicef. Chuyên gia Unicef nhận định : « Hôm nay Châu Phi đầu tư vào thế hệ trẻ, vào sức khỏe, giáo dục thì ngày mai, châu lục này sẽ thu được lợi ích kinh tế mà trước đây, một số quốc gia, một số vùng đã trải qua thời kỳ chuyển đổi dân số tương tự». 

Đầu tàu kinh tế Đức cũng gặp khó khăn

Trên lĩnh vực kinh tế, nhật báo Le Monde quan tâm đến Đức. Tổng sản phẩm nội địa GDP của nền kinh tế hàng đầu khu vực euro giảm 0,2% vào quý II. Nguyên nhân, theo tờ báo, là không chỉ do cuộc khủng hoảng với Nga.

Le Monde giải thích các nguyên nhân khựng lại của nền kinh tế Đức. Thứ nhất là do kết quả của quý I quá tốt. Mùa đông vừa rồi, thời tiết khá ấm nên nhiều công trường đã được thi công sớm. Hoạt động của ngành xây dựng tăng 4,6% trong 3 tháng đầu năm. Thứ hai là do hậu quả của kỳ nghỉ kéo dài vào cuối tuần Phục sinh và các ngày nghỉ lễ làm giảm số ngày lao động, nên GDP giảm.

Đặc biệt, căng thẳng xung quanh khủng hoảng Ukraina cũng ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế, do các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Xuất khẩu của Đức sang Nga đã giảm 14,7% trong 5 tháng đầu năm. Một kinh tế gia giải thích : Phần đông Đức bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong các tuần sắp tới, việc Nga ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm các nước Châu Âu cũng sẽ gây tác động cho vùng này.

Tuy nhiên, theo Le Monde, cũng không nên đánh giá quá cao tác động trực tiếp của các căng thẳng địa chính trị, vì Nga chỉ là thị trường xuất khẩu đứng thứ 11 của Đức.

Một nguyên nhân khác là các cỗ máy kinh tế khác của Châu Âu đều chựng lại, đặc biệt là Pháp, Hà Lan và Ý, ba đối tác thương mại lớn của Đức. Khu vực đồng euro chiếm 40% thị trường xuất khẩu của Đức.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.