Vào nội dung chính
PHÁP

Pháp: Chính phủ cánh tả thực hiện chính sách cánh hữu?

Bình luận xung quanh chính sách kinh tế mới của chính phủ cùng với việc bổ nhiệm Emmanuel Macron, cố vấn kinh tế của tổng thống Pháp, vào chức Bộ trưởng bộ Kinh tế, vẫn là những chủ đề trên trang nhất của toàn bộ báo chí Pháp trong số ra ngày hôm nay.

Tổng thống Pháp François Hollande và tân Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron - REUTERS /Philippe Wojazer
Tổng thống Pháp François Hollande và tân Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron - REUTERS /Philippe Wojazer
Quảng cáo

Tất cả các báo đều nhấn mạnh, với nội các chính phủ mới sẽ không còn ý kiến trái chiều với đường lối chính sách của tổng thống và các bộ trưởng sẽ không đơn phương hành động. Thế nhưng, chính sách kinh tế mới của chính phủ cũng đánh dấu sự chia rẽ trong nội bộ đảng Xã hội, một bên là cơ quan hành pháp và bên kia là những thành viên còn lại của Đảng.

Học thuyết « xã hội-tự do kinh tế », thuộc cánh tả thực dụng, mà thủ tướng Manuel Valls công bố ngày hôm qua trong cuộc họp với giới chủ Pháp-MEDEF đã thuyết phục được những ông chủ lớn. Nhật báo cực tả Libération thắc mắc trên trang nhất : « Phải chăng chính phủ cách tả hiện nay đang tiến hành chính sách cánh hữu ? » Câu trả lời là « Không ». Hoặc chưa đến mức vậy. Bài báo dẫn ra một loạt ví dụ chứng thực.

Trước hết, các biện pháp thắt chặt ngân sách vẫn chưa rơi vào tình trạng « khắc khổ ». Số lượng công chức không đổi ; 60 000 việc làm trong ngành Giáo dục vẫn được giữ lại. Chi phí công vẫn giữ mức ổn định. Chính phủ đưa ra mức thuế thu nhập mới đánh vào giới siêu giàu, đồng thời định lại những ngưỡng tối thiểu xã hội. Ngoài ra còn phải kể tới thành công của luật kết hôn đồng tính và quy định tiền thuê nhà, vân vân. Có thể những thành công trên chưa đủ để cánh tả hài lòng, nhưng rõ ràng đó không phải là chính sách của cánh hữu.

Người Pháp đang khám phá ra rằng tổng thống François Hollande không muốn đứng ở vị trí trung tâm mà tiến về mé phải của cánh tả. Trước giới chủ, thủ tướng Valls đã định hướng, đó là hướng tự do kinh tế. Về phần mình, tổng thống Pháp cũng đã áp đặt một số điều kiện « đôi bên cùng có lợi ».

Ông tuyên bố : « Một mặt, giới chủ phải hiểu rằng đại diện người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ là điều cần thiết. Mặt khác, mỗi bên phải biết chấp nhận loại bỏ một số rào cản hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp ». Báo Libération kết luận, đây là một điểm khác biệt nhỏ, nhưng rất quan trọng, giữa một người theo khuynh hướng « xã hội-dân chủ » với một người theo « xã hội-tự do kinh tế ».

Phác họa gương mặt mới đứng đầu bộ Kinh tế, báo Le Monde dành nguyên trang « Chân dung » đánh giá sự thăng hoa của một người theo khuynh hướng tự do kinh tế trong đảng cánh tả. Tân bộ trưởng Kinh tế là người được giới chủ đánh giá cao và được nhà kinh tế học Jacques Attali và chính trị gia Michel Rocard đỡ đầu.

Cuối cùng, tối 25 tháng 8 vừa qua, tổng thống Pháp đã chấp nhận đề xuất của thủ tướng Manuel Valls bổ nhiệm Emmanuel Macro vào vị trí trên, sau khi từng từ chối đề xuất này ngay khi tân thủ tướng thay thế Jean-Marc Ayrault.

Tổng thống giải thích với hai lý do, thứ nhất Emmanuel Macro không phải là nghị sĩ và thứ hai, ông đã từng làm việc trong ngân hàng. Bài báo cho biết theo ý kiến những người đã tiếp xúc với Emmanuel Macron vào năm 2012, vị tân bộ trưởng là một trong số những người hiếm hoi không nói vòng vo với tổng thống Hollande.

Trung Quốc ngừng thử nghiệm phát triển gạo biến đổi gen

Tình hình thời sự châu Á khá vắng bóng trên báo chí Pháp trong ngày hôm nay. Báo Le Monde quan tâm tới việc « Trung Quốc ngừng thử nghiệm phát triển gạo biến đổi gen », mặc dù sản lượng gạo theo canh tác truyền thống chỉ đủ cung ứng cho nhu cầu của đất nước.

Phải chăng hiểu những lo ngại của người dân đối với nông phẩm biến đổi gen, Bắc Kinh quyết định từ chối gia hạn giấy chứng nhận an toàn, được cấp vào năm 2009, đối với hai loại gạo và một loại ngô biến đổi gen. Quyết định này cũng đặt dấu chấm hết cho ý định kinh doanh các loại nông phẩm này trên thị trường. Thị trường Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, dù rộng lớn nhưng Trung Quốc chỉ chiếm 7% diện tích đất canh tác được trên trái đất.

Trong khi đó đất nước nuôi 22% dân số toàn thế giới. Chính vì thế, chính phủ đã đầu tư rất nhiều cho các nghiên cứu nông phẩm biến đổi gen để đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho người dân. Thế nhưng, từ năm 2012, nhà nước cũng bắt đầu thắt chặt việc quản lý việc sử dụng các sản phẩm này. Chính sách chặt chẽ trên cũng gây căng thẳng với Mỹ khi Trung Quốc hủy hợp đồng nhập hàng trăm ngàn tấn ngô biến đổi gen từ Mỹ với lý do chưa được kiểm tra.

Chính phủ không đưa ra lời giải thích chính thức nào về việc thắt chặt trên. Nhưng theo một thành viên tổ chức « Hòa bình xanh » (Greenpeace) tại Trung Quốc, có hai lý do chính. Thứ nhất, gạo biến đổi gen không cho năng suất cao. Thứ hai, trong tâm trí của người dân, sản phẩm biến đổi gen thường gắn liền với những bê bối trong lĩnh vực lương thực-thực phẩm gần đây.

Ngoài ra, lý do « tự cung tực cấp » có thể là một lý do khác giải thích quyết định của chính phủ. Không phát triển gạo biến đổi gen là biện pháp trấn an người dân quen dùng các loại ngũ cốc được trồng trong nước với phương thức có từ hàng nghìn năm nay.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có gạo và ngô biến đổi gen bị chính phủ cho ngừng phát triển. Trong khi đó, nông nghiệp Trung Quốc còn sản xuất các nông phẩm biến đổi gen khác, như bông gòn, đu đủ, cà chua và ớt ngọt. Khoảng 8 triệu hộ nông dân Trung Quốc trồng 4,2 triệu héc ta bông gòn biến đổi gen.

Trung Quốc tặng điểm thưởng để mua nhà « mới bóc tem »

Vẫn liên quan tới Trung Quốc, nhưng trên lĩnh vực địa ốc, trong những năm gần đây, nhiều nhà thầu Trung Quốc rơi vào tình trạng « dở khóc dở cười » khi một loạt « thành phố ma » mọc lên. Đây là những dự án bất động sản quy mô hoành tráng, song chỉ thiếu người sống. Phụ trang « Kinh tế » của Le Figaro phản ánh một ý tưởng độc đáo của một chủ thầu để cố bán vớt những căn hộ trống ngày càng nhiều.

Chủ tập đoàn Vanke, đứng đầu trong lĩnh vực này, đã nêu lên khả năng công ty của ông có nguy cơ phá sản. Trong khi khủng hoảng địa ốc đã lan tới cả Bắc Kinh và Thượng Hải, tháng 7 vừa qua, ông cho thử nghiệm một phương pháp môi giới bất động sản đầy sáng tạo. Theo đó, bất kì ai cũng có thể trở thành nhà môi giới bằng cách đăng kí trên trang web của công ty tại Thành Đô, Thượng Hải hay Tây An. Dĩ nhiên, họ sẽ lĩnh được tiền hoa hồng nếu bán được một căn hộ.

Hơn thế nữa, ông chủ đầy sáng tạo này còn thực hiện trên mạng mua bán trực tuyến khổng lồ Alibaba của Trung Quốc, một chiến lược marketing mới lấy ý tưởng từ kiểu tích điểm thưởng của các hãng hàng không. Mọi thanh toán trên trang Taobao.com, đối thủ của trang Ebay, sẽ được tích thành điểm thưởng. Người mua hàng có thể chuyển những điểm này thành phiếu giảm giá khi mua… một căn hộ hay biệt thự.

Từ đầu tuần này, 60 000 người đã nhận được những phiếu giảm giá 10% để mua những căn hộ mới có giá trị tới ngày 30/09. Khoản tiền triết khấu có thể vượt trên 200 000 euro đối với biệt thự đắt tiền nhất có giá trên 2 triệu euro. Tất cả các dự án nằm trong chương trình khuyến mại đều nằm tại thành phố Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, nơi giá bất động sản rơi xuống thấp nhất từ tháng 7 vừa qua.

Tỷ lệ sinh sản xuống dốc tại Nhật Bản

Nhìn sang nước láng giềng Nhật Bản, báo La Croix đề cập tới vấn đề giảm sút dân số tại đảo quốc này. Tờ báo nhận định : « Tỷ lệ sinh sản tiếp tục giảm mạnh tại Nhật Bản ». Các thống kê gần đây báo động về tỷ lệ giảm sinh sản tại đất nước mặt trời mọc. Trong quý đầu năm 2014, số lượng trẻ sơ sinh đã giảm 2,7%, với tổng số 496 391 trẻ sơ sinh. Con số thống kê trên gây lo lắng cho chính phủ vì, lần đầu tiên, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, số lượng sinh sản có nguy cơ dưới ngưỡng 1 triệu. Con số này là 1,03 triệu vào năm ngoái.

Nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới có tỷ lệ sinh sản thấp nhất trong các nước phát triển, chỉ đạt 1,4 trẻ/phụ nữ, trong khi đó để đổi mới thế hệ, mỗi phụ nữ cần có 2,05 con. Nếu không một biện pháp nào được đưa ra thì dân số Nhật Bản hiện nay là 127 triệu người sẽ giảm xuống còn 43 triệu người vào năm 2110.

Chính vì thế, thủ tướng Shinzo Abe đã hứa thực hiện một chính sách sinh sản thật sự để đảm bảo số dân ở mức 100 triệu người trong 50 năm nữa. Biện pháp đầu tiên của thủ tướng là sẽ tạo thêm 400 000 chỗ trong nhà trẻ từ nay tới năm 2017. Các chỗ trong nhà trẻ rất hiếm tại Nhật Bản, trong khi đó, nhiều phụ nữ không muốn sinh con vì còn phải phát triển sự nghiệp của mình.

Giảm tỷ lệ sinh sản, không chỉ là vấn đề cấp bách tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng đang rơi vào tình trạng này. Theo tỷ lệ trung bình, mỗi phụ nữ Hàn Quốc có 1,19 con, còn tại Đài Loan là 0,9 con. Một chuyên gia dân số tại châu Á nhận xét : « Tỷ lệ sinh sản cao trước đây tại châu Á giờ giảm mạnh do phụ nữ học hành cao hơn và đi làm giống phụ nữ phương Tây. Nhưng tại phương Đông, chúng tôi vẫn chưa có khả năng cân bằng sự nghiệp và giáo dục con cái ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.