Vào nội dung chính
HUNGARY - BẦU CỬ QUỐC HỘI

Phe hữu có khả năng thắng lớn

Theo các cuộc thăm dò ý kiến, các đảng cầm quyền sẽ thảm bại, và cánh hữu có khả năng thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng một lần này, trong đó phe cực hữu sẽ vươn lên. Người dân Hungary đang chán ngán với hệ thống chính trị hiện nay.

Chủ tịch đảng cực hữu Jabbik, ông Gabor Vona, trong một cuộc vận động tranh cử tại Budapest ngày 8/4/2010.
Chủ tịch đảng cực hữu Jabbik, ông Gabor Vona, trong một cuộc vận động tranh cử tại Budapest ngày 8/4/2010. Ảnh: Reuters/Laszlo Balogh
Quảng cáo


Tỉ lệ cử tri đi bầu hiện còn thấp

Vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Hungary bắt đầu vào hồi 6 giờ sáng chủ nhật 11/4 tại khoảng 11 ngàn đơn vị bầu cử trên toàn quốc. Cho đến 7 giờ tối, hơn 8 triệu cử tri nước này có thể bỏ phiếu để lựa chọn 386 đại diện cho mình trong bốn năm tới.

Tính đến trưa hôm nay, theo số liệu của Văn phòng Bầu cử Quốc gia Hungary (OVI), đã có chừng một phần tư cử tri đi bỏ phiếu. Tỉ lệ này có phần thấp hơn con số của bốn năm trước (27,2%).

Trong thời gian diễn ra bỏ phiếu, theo Luật Bầu cử, các phương tiện truyền thông của Hungary chỉ được đưa những kết quả tạm thời (hai tiếng một lần), và tránh mọi bình luận, tin tức có thể tác động đến ý nguyện của cử tri, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Kết quả sơ bộ của vòng 1 sẽ được thông báo sau 9 giờ tối hôm nay.

Vòng 2 của cuộc bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày 25-4 và kết quả chung cuộc được công bố chính thức vào cuối tháng tư, sau khi các phiếu bầu tại nước ngoài đã được tổng kết.

Người dân mất lòng tin

Cách đây 4 năm, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong vòng 1 là 67,8% và trong lần này, các chuyên gia chính trị cũng không chờ đợi một con số cao hơn. Lý do là người dân nước này đã quá chán ngán với chính trị trong những năm gần đây, và ít khả năng là họ sẽ tập trung ý nguyện chính trị vào một cuộc bầu cử.

Một thăm dò của một Học viện Chính trị Mỹ vào năm ngoái cho thấy, 20 năm sau khi thay đổi thể chế chính trị, trong số các quốc gia trong vùng, người Hungary tỏ ra bất mãn nhất với những gì họ đạt được. Chẳng hạn, chỉ có 56% cho rằng việc chuyển từ thể chế độc đảng sang đa đảng là tốt - trong các thăm dò dư luận vào tháng Ba vừa qua, cũng chỉ chừng 56% cho biết họ sẽ chắc chắn đi bầu.

Chỉ 17% cho rằng thể chế đa đảng đang được vận hành tốt tại Hungary (trong khi 77% nghĩ rằng họ rất muốn được sống trong một thể chế đa đảng), và 34% nghĩ rằng lời nói của họ có trọng lượng trong chính trị, nghĩa là chỉ một phần ba cư dân tin rằng thực sự có ý nghĩa nếu họ đi bỏ phiếu.

Cũng chưa bao giờ sự bất bình đặt vào các đảng cầm quyền lại lớn như hiện tại. Khủng hoảng kinh tế đi kèm ấn tượng xấu về một "nội các dối dân" (trường hợp của Đảng Xã hội MSZP cách đây 4 năm), hoặc về những chính khách tham nhũng, "làm láo ăn thật" đã khiến vào mùa thu năm ngoái, đã có tới 77% cư dân Hungary cho biết họ có ác cảm với hệ thống chính trị tại Hungary, và 91% cho rằng đất nước đang đi theo hướng xấu.

Tâm trạng u ám này còn ảnh hưởng đến quan điểm của người dân về việc Hungary gia nhập Liên hiệp Châu Âu: 71% cho rằng nền kinh tế Hungary không những không có lợi, mà còn thiệt hại khi nước này là thành viên của EU - đây là một tỉ lệ không có ở bất cứ nước thành viên nào. (Đáng chú ý là vào tháng 12-2008, chính tổng thống Pháp Sarkozy còn lấy ví dụ Hungary và khoản tín dụng cứu trợ nước này để giải thích cho các cử tri của ông rằng, sự tồn tại của Liên hiệp Châu Âu hữu ích như thế nào!)

Trở lại cuộc bầu cử 2010, bối cảnh nói trên đã khiến chưa bao giờ chiến dịch tranh cử tại Hungary lại "ôn hòa" như vừa rồi. Lý do là chưa bầu mà kết quả dường như đã quá rõ ràng: các đảng cầm quyền sẽ thảm bại, và các lực lượng chính trị ngoài Quốc hội sẽ có cơ hội chưa bao giờ thấy trong vòng 20 năm qua.

Cực hữu vươn lên: Một dấu hiệu đáng ngại

Cuộc bầu cử Quốc hội Hungary 2010 có thể sẽ làm đảo lộn bản đồ chính trị của nước này, nếu những dự đoán sơ bộ là đúng đắn. Theo đó, những đảng cựu trào và từng tham gia vào quá trình thay đổi thể chế của Hungary như Liên đoàn Dân chủ Tự do SZDSZ hoặc Diễn đàn Dân chủ MDF sẽ không đủ tỉ lệ 5% để lọt vào Quốc hội.

Cạnh đó, nhiều khả năng Đảng Xã hội MSZP, hiện là đảng cầm quyền và trong vòng hai thập niên qua luôn trên cương vị một đảng chính yếu, sau cuộc bầu cử này sẽ tụt xuống địa vị một đảng trung bình. Đảng Xã hội phải tranh giành ảnh hưởng với một đảng cực hữu mới nổi trong mấy năm nay, nhưng đã được tỉ lệ ưa chuộng rất cao, là JOBBIK.

Trong khi đó, một chính đảng vừa ra đời, lần đầu tiên tham gia bầu cử, là LMP (Chính trị có thể khác), lại có thể đủ số phiếu để lọt vào Quốc hội, và đây là điều chưa từng có trong đời sống nghị trường Hungary 20 năm qua.

Cuộc thăm dò dư luận cuối cùng trước cuộc bầu cử cho thấy đảng đối lập Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ có thể giành hơn 50% số phiếu, Đảng cầm quyền Xã hội MSZP chừng 20%, đảng cực hữu JOBBIK 17% và Chính trị có thể khác LMP được 6,5-7%.

Trong chiến thắng được dự đoán là rất áp đảo của FIDESZ, câu hỏi được đặt ra là họ có giành được đa số tuyệt đối 2/3 số ghế trong Quốc hội hay không, vì trong trường hợp đó, FIDESZ sẽ hoàn toàn ngự trị đời sống chính trị Hungary trong 4 năm tới.

Tuy nhiên, với nhiều cử tri thì sự vươn lên mạnh mẽ của đảng cực đoan JOBBIK, chủ trương bài ngoại, bài Do Thái và Tzigane, quay lưng lại với Liên hiệp Châu Âu, là một dấu hiệu đáng sợ trong chính trị tại Hungary.

Phe tả và trung tả ở Hungary - đứng đầu là Đảng Xã hội MSZP - chỉ có thể giữ được tiếng nói ở mức nhất định sau kỳ bầu cử này, nếu thực sự đưa ra được những giá trị mới, những đường hướng mới. Một sự liên kết với lực lượng chính trị mới - LMP (Chính trị có thể khác), theo xu hướng thiên tả, kết hợp đường lối của các Đảng Xanh tại Châu Âu - có thể là một lối ra khả dĩ.

06:42

Thông tín viên Hoàng Nguyễn - Budapest 11/4/2010

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.