Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Ý : Liên minh của thủ tướng Berlusconi gặp khủng hoảng

Mâu thuẫn của nước Ý :  đảng “Nhân dân tự do” của Thủ tướng Berlusconi cùng với liên minh chính phủ đã thắng cử một cách vẻ vang trong kỳ bầu cử cấp vùng hồi cuối tháng 3. Nhưng liên minh cầm quyền lại gặp khủng hoảng nghiêm trọng.

Reuters
Quảng cáo

07:57

Thông tín viên Huê Đăng- Roma-ngày 240410

Ngày 22/04 vừa rồi, trong phiên họp của Ban Chấp hàng đảng “Nhân dân tự do” ở Roma, công luận đã chứng kiến trực tuyến một cuộc “khẩu chiến” quyết liệt giữa Thủ tướng Berlusconi và Chủ tịch Hạ viện Fini: một cuộc khẩu chiến mà cả đôi bên đều tố cáo lẫn nhau về những thủ đoạn chính trị. Cả hai đều kết án “phản bội” lẫn nhau. Và sau cùng thì chính Berlusconi đã yêu cầu Fini, nếu không còn đồng thuận với đảng “Nhân dân tự do” thì cứ ra khỏi đảng và cũng phải từ bỏ chức vụ Chủ tịch hạ viện. Về mặt này, công luận càng thấy cái tư duy “phản nhà nước” của Berlusconi, cứ như là các chức vụ ở Quốc hội là do chính Berlusconi “phân phát”, nếu ai không còn “đồng thuận” với Berlusconi thì phải trả lại “ghế”.

Cho đến hôm nay, thế đứng chính thức của ông Gianfranco Fini vẫn là tiếp tục nằm trong đảng “Nhân dân tự do” và tiếp tục những phê phán, nhất là những phê phán về sự thiếu dân chủ, trong nội bộ đảng.

Về mặt nhân số mà nói, thì cho đến nay, Thủ tướng Berlusconi vẫn còn nắm trong tay đa số thành viên trong Ban Chấp hành đảng, thậm chí có rất nhiều ủy viên trong ban chấp hành vốn xuất thân từ lực lượng chính trị của Fini cũng đã quyết định ủng hộ Berlusconi.

Trong Quốc hội, Berlusconi vẫn còn kiểm soát được đa số dân biểu. Theo các con số mà báo chí đưa ra thì hiện nay trên con số 340 dân biểu của toàn bộ liên minh phe chính phủ, lực lượng ủng hộ Chủ tịch hạ viện Fini cũng chỉ trên dưới được khoảng 50 dân biểu.

Trong toàn bộ 172 ủy viên ban chấp hành đảng “Nhân dân tự do” thì kỳ họp hôm thứ năm vừa qua, cũng chỉ có 18 ủy viên đồng ý với những phê phán của Fini.

Do đó, trước mắt thì những sự kiện bùng nổ nội bộ hiện nay trong đảng cũng sẽ chẳng có hệ lụy nào về sự ổn định chính trị của chính phủ. Với một lực lượng nhân số kém cỏi như thế thì ông Chủ tịch hạ viện chẳng có thể nào khuynh đảo được chính phủ cũng như gây khó khăn cho liên minh cánh hữu.

Nếu như thế thì câu hỏi được đặt ra là: vì sao mà ông Fini lấy một thế đứng như thế khi biết là sẽ không có khả năng thay đổi được đường lối chính trị của chính phủ cũng như của liên minh chính phủ ?

Để trả lời câu hỏi này, cần phải hiểu rõ nguyên nhân nào đã khiến Fini phải cho “nổ bom” và ai là đối thủ thực sự của Fini trong cuộc “tranh hùng” hôm nay ?

Không ai phủ nhận rằng giữa Berlusconi và Fini xưa nay vẫn có những khác biệt sâu sắc, không phải chỉ đơn thuần là khác biệt trong các chiến thuật cần có trước từng sự kiện chính trị xã hội, mà là một sự khác biệt về tư duy chính trị: dù rằng cả hai nhân vật đều thuộc cánh hữu, nhưng trong khi Berlusconi chọn con đường hữu khuynh “dân túy” (populism) lấy sự tôn thờ cá nhân lãnh đạo và sự mị dân làm cơ bản chiến lược và mục tiêu của Berlusconi là chỉ muốn có được quyền lực độc tôn trong tay để coi nhà nước như là một tập đoàn kinh tế mà chính ông ta là sở hữu chủ duy nhất, thì Fini lại chọn con đường hữu khuynh “cộng hoà” lấy sự thăng bằng giữa các cơ chế quyền lực nhà nước làm cơ bản và mục tiêu của Fini là muốn đưa cánh hữu của Ý ngang hàng với những lực lượng hữu khuynh khác ở Châu Âu.

Đó là khác biệt ngày ngày cứ như càng đào sâu khoảng cách giữa hai con người này, khiến quan hệ của họ cứ như kiểu như “đồng sàn mà dị mộng”.

Nhưng nếu không có cuộc thắng cử vẻ vang vừa qua thì chắc có lẽ Fini cũng chưa vội vã cho “nổ ngòi”.

Bởi vì cuộc thắng cử vẻ vang vừa qua, trên lý thuyết là thắng cử của phe liên minh cánh hữu của chính phủ Berlusconi, nhưng trên thực tế chỉ là chiến thắng đơn thuần của đảng “Liên Đoàn Phương Bắc” (Lega Nord) của Umberto Bossi.

Như ta đã biết đảng “Liên Đoàn Phương Bắc” là một đảng “địa phương” có ảnh hưởng mạnh ở các vùng mạn Bắc nước Ý, và có khuynh hướng bài ngoại, thậm chí bài ngoại với các các cư dân Ý ở miền Nam nước Ý.

Nhưng trong liên minh của chính phủ hiện nay, đảng này lại là một đồng minh cực kỳ quý giá, vì nếu không có đảng này thì chắc chắn Berlusconi không có đủ đa số ở Quốc hội. Phân tích các con số thì công luận sẽ dễ dàng thấy rằng cuộc bầu cử vừa qua, cả các đảng tả cũng như hữu đều mất phiếu .... ngoại trừ đảng “Liên Đoàn Phương Bắc”: đảng này từ con số 8,3% trong kỳ bầu cử Quốc hội lần chót năm 2008, những vùng mạn Bắc đã lên đến trên dưới hơn 30%, và thậm chí ở vùng Veneto qua mặt cả đảng “Nhân Dân Tự Do” là đảng lớn nhất trong liên minh.

Các nhà bình luận cho rằng chiến thắng vừa qua của liên minh chính phủ là một chiến thắng toàn bộ nhờ vào công lao của đảng “Liên đoàn phương Bắc”. Và đúng như những tiên đoán của công luận, ngay khi các kết quả thắng cử được công bố, đảng “Liên Đoàn Phương Bắc” đã bắt đầu những chiến dịch đòi thêm ghế, thêm phần chia chác trong liên minh.

Thậm chí, đảng này còn tuyên bố rằng trong 3 năm tới, khi bầu lại Quốc hội, thì ứng cử viên vào ghế Thủ Tướng sẽ phải là người của đảng “Liên Đoàn Phương Bắc”. Thêm vào đó, đảng này bắt đầu đòi hỏi phải được chia chác thêm quyền lực ở các khu vực ngân hàng và kinh tế ở mạn Bắc. Và nhất là dự luật cải tổ Nhà nước Ý để đi đến một cơ chế liên bang phải được nhanh chóng thông qua trước khi Quốc hội mãn nhiệm kỳ trong ba năm sắp tới. Dự luật cải tổ liên bang là khâu chính của chiến lược chính trị để có được sự đồng thuận cử tri của đảng Liên Đoàn Phương Bắc. 

Chủ yếu là các khối cử tri mạn Bắc nước Ý, vốn là vùng giàu có nhất và có nền kinh tế sản xuất mạnh nhất nước, đều muốn tiến đến một thể chế liên bang để các vùng này có một số quyền tự trị, nhất là tự trị về thuế má, tài chính để tránh phải đóng góp và ngân quỹ nhà nước trung ương vốn bị các vùng mạn Bắc giàu có xem như là một cơ chế hành chánh để nuôi vùng Trung và Nam nước Ý nghèo khó.

Tất cả những đòi hỏi tăng tốc nói trên của đảng “Liên đoàn Phương Bắc” đã gây báo động cho Fini. Fini nhận thấy rằng sau chiến thắng vừa qua, trong vòng 3 năm sắp tới, toàn bộ liên minh chính phủ sẽ nghiêng hẳng về phía đảng “Liên Đoàn Phương Bắc”, và với hậu quả là tất cả các hoạt động của chính phủ cũng như Quốc hội chỉ là phục vụ một bên cho các quyền lợi của cá nhân ông Berlusconi, đó là những dự luật cải tổ ngành tư pháp, và những tham vọng của các lực lượng chính trị phương Bắc, đó là dự luật liên bang ...

Điều đó có nghĩa là trong 3 năm sắp tới, khi Ý sắp sửa bước vào cuộc bầu cử Quốc hội mới thì các lực lượng hữu khuynh khác sẽ không còn chỗ đứng, và điều này có nghĩa là công lao của ông Gianfranco Fini trong mấy năm năy bịt mũi theo “phò” Berlusconi ... sẽ tan ra mấy khói.

Tất cả những xung đột mấy hôm nay mà ông chủ tịch Hạ viện châm ngòi nổ, thực chất là muốn đánh phủ đầu ngăn chận làn sóng tấn công của đảng Liên Đoàn Phương Bắc trong cuộc tranh giành ảnh hưởng và quyền lực trong liên minh chính phủ. Và để làm điều này, chỉ còn có cách là không cho phép Berlusconi đi đến một thoả thuận ngầm với Bossi bằng cách dấy lên một lực lượng trong nội bộ đảng “Nhân dân tự do” phản bác những đề xuất của Berlusconi.

Trước mắt thì như đã nói, chính phủ và liên minh chính phủ sẽ không có những hệ lụy trực tiếp, vì Berlusconi vẫn còn đủ số dân biểu ủng hộ chính phủ.

Nhưng về lâu về dài, chắc chắn những mâu thuẫn nội bộ này sẽ tiếp tục xói mòn phe liên minh và nhất là sẽ gây những hệ lụy lên chính đảng của Berlusconi.

Báo chí Ý đã dùng từ “Vietnam” để ám chỉ hình ảnh một đảng chính trị của Thủ tướng sẽ bị chính vị “đồng sáng lập đảng” đánh du kích lâu dài. Đấy là chiến lược “gây hao mòn” cho lực lượng của đa số phe ủng hộ Berlusconi. Một kiểu đánh du kích lâu dài “gây hao mòn”đúng như thời chiến tranh Việt Nam vào thập niên 60-70 của thế kỷ vừa qua.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.