Vào nội dung chính
ECUADOR - MÔI TRƯỜNG

Ecuador từ chối khai thác mỏ dầu để bảo vệ môi trường

Ngày hôm qua (3/8), một thỏa thuận đã được ký giữa Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Ecuador, về việc nước này không khai thác mỏ dầu tại công viên bảo tồn Yasuni, có trữ lượng 846 triệu thùng.

Khu bảo tồn Yasuni (Ecuador) (DR)
Khu bảo tồn Yasuni (Ecuador) (DR)
Quảng cáo

Để đổi lại quyết định này, nước cộng hòa nhỏ bé Nam Mỹ sẽ nhận được 2,7 tỷ euro từ cộng đồng quốc tế. Một quỹ sẽ được lập ra, do UNDP điều hành, với sự kiểm soát của Ecuador, để đón nhận các đóng góp từ khắp nơi. Hiện tại, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp và Thụy Điển đã tuyên bố sẽ ủng hộ.

Việc không khai thác mỏ dầu nằm dưới khu bảo tồn rộng 950 nghìn hecta này sẽ tiết kiệm được một lượng khí thải là 407 triệu tấn cácbon, tương đương với lượng khí thải hàng năm của Pháp. Căn cứ theo giá một tấn cácbon trên thị trường buôn bán « quyền phát thải », Ecuador định giá số lượng khí này tương đương với 7 tỷ đô la và đề nghị quốc tế đóng góp một nửa. Quá trình đi đến thỏa thuận này không ít cam go. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Copenhagen, tháng 12/2009, bà Helen Clark, người đứng đầu tổ chức UNDP, đã ủng hộ sáng kiến Yasuni. Nhưng việc thỏa thuận thành lập một quỹ như vậy đã bị bãi bỏ vào phút chót.

Phải sáu tháng thương thuyết với UNDP, thỏa thuận này mới có thể thành hình. Năm lĩnh vực ưu tiên đầu tư được xác định là : năng lượng tái tạo, trồng rừng, bảo tồn tự nhiên, phát triển xã hội và khoa học – công nghệ. Thỏa thuận này cũng quy định, nếu Ecuador trong tương lai, có thay đổi lập trường, thì sẽ phải hoàn lại toàn bộ số tiền cho những nước đóng góp và các chủ đầu tư.

Cũng có một số ý kiến phản đối lại, như của chủ tịch Hiệp hội các ngành công nghiệp dầu mỏ, đã cho rằng dự án Yasuni là « ngớ ngẩn » và « phi thực tế », với lý do dầu mỏ sẽ mang lại cơ hội phát triển cho Ecuador, và các kỹ thuật tiên tiến hiện này có thể giúp cho thiên nhiên không bị hủy hoại. Tuy nhiên, thảm kịch dầu tràn hiện nay tại vùng Mêhicô và những hệ quả của nó, khiến cho dự án Yasuni trở nên hấp dẫn hơn. Le Monde đặt câu hỏi, phải chăng động từ « yasuni hóa » sẽ đi vào ngôn ngữ của ngành sinh thái thế giới ? Nhiều nước như Goatemala, Indonesia, Việt Nam cũng có ý định theo gót Ecuador để yasuni hóa một số nguồn tài nguyên không tái tạo được.

Tổng thống Pakistan cho rằng cộng đồng quốc tế đang thua trong cuộc chiến chống Taliban

Nhật báo Le Monde đã phỏng vấn tổng thống Pakistan Zardari, nhân chuyến công du của ông tại châu Âu, trên nền cuộc khẩu chiến bùng nổ, sau khi thủ tướng Anh Cameron chỉ trích Pakistan có những động thái ủng hộ quân khủng bố. Trả lời Le Monde, tống thống Zardari muốn trấn an châu Âu với khẳng định, ông luôn luôn cương quyết chống Taliban đến cùng và cho biết ông sẽ nói với thủ tướng Anh rằng, Pakistan là nước đã trả giá đắt nhất trong cuộc chiến này, trên phương diện thiệt mạng nhân mạng. 

Tổng thống Pakistan đặc biệt nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đang thua trong cuộc chiến chống lại Taliban, bởi đã không chinh phục được trái tim và tinh thần của cư dân Afghanistan. Theo ông, Liên quân đã không đánh giá được đúng tình hình trên thực địa. Các hoạt động quân sự, chỉ nên coi là một phần nhỏ trong các giải pháp. Để nhận được sự ủng hộ của người Afghanistan, cần phải giúp họ phát triển kinh tế, để chứng minh cho họ thấy là cộng đồng quốc tế muốn giúp họ cải thiện cuộc sống.

Vội vã trong hành động cũng là một nguyên nhân thất bại. Theo tổng thống Pakistan, phe Taliban thành công là vì đã biết chờ đợi. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần phải có kế hoạch dài hạn. Điểm sai lầm căn bản trong chiến lược hiện nay là cư dân địa phương không nhìn thấy quan hệ nào giữa hành động can thiệp quân sự của Liên quân và một tương lai tốt đẹp hơn cho họ.

Tây Ban Nha : cấm đấu bò tót là hướng đến văn minh hay hủy diệt văn hóa ?

Để kết thúc mục điểm báo, chúng tôi xin giới thiệu một hiện tượng gây tranh luận tại Catalugnya, khu tự trị của Tây Ban Nha. Mới đây, Quốc hội Catalugnya đã quyết định cấm đấu bò tót. Quyết định này được nhiều người hưởng ứng, nhưng cũng nhận được nhiều chỉ trích. Hoạt động đấu bò là một môn thể thao văn hóa có truyền thống lâu đời. Hoạt động này có thể khiến một số người Việt Nam nghĩ đến truyền thống chọi trâu, mới được khôi phục lại tại Đồ Sơn (Hải Phòng), từ hai mươi năm nay. Le Figaro giới thiệu hai quan điểm trái ngược về quyết định này.

Quan điểm thứ nhất của nhà tu hành theo đạo Phật, Matthieu Ricard, người phiên dịch tiếng Pháp cho Đạt Lai Lạt Ma. Ông Ricard ủng hộ việc cấm đấu bò, chống lại luận điểm cho rằng đây là một môn nghệ thuật. Theo ông, thực chất các chú bò tót được đưa ra sàn đấu đều đã được quá trình « chuẩn bị » trước làm cho yếu đi rất nhiều. Chúng không còn có khả năng tấn công chính xác, và gây sát thương. Quá trình chuẩn bị tàn ác này thực chất là tra tấn hành hạ bò. Nhiều con đã chết ngay trong quá trình di chuyển. Ông Ricard chờ đợi lệnh này được phổ biến ra toàn Tây Ban Nha, như là kết quả của nhân tính được thức tỉnh, chứ không phải của các mưu đồ chính trị.

Quan điểm thứ hai của luật sư Rodolphe Bosselut, gốc Catalugnya, làm việc tại Paris, cho rằng việc cấm đấu bò tót xuất phát từ làn sóng dân tộc chủ nghĩa của xứ Catalugnya. Luật sư Bosselut so sánh việc cấm này giống như việc đốt phá các tác phẩm của nhà văn Hemingway, người đã dành những trang tuyệt đẹp để mô tả tục đấu bò, và việc chính quyền độc tài Franco đàn áp nền văn hóa Catalugnya những năm 1950.

Trang nhất của làng báo Pháp

Nhật báo Le Figaro đăng hình ảnh minh tinh màn bạc Marilyn Monroe đang chăm chú đọc một cuốn sách của James Joyce. Những tài liệu mới được phát hiện cho thấy ngôi sao điện ảnh này rất mê văn học.

Với hàng tựa « Tổng thống Sarkozy vô cùng cương quyết tiến hành cuộc cải cách », Le Figaro cho biết, tổng thống Pháp không khoan nhượng trong các điều khoản bổ sung liên quan đến việc tước quốc tịch đối với những người gốc nước ngoại phạm tội tấn công người thực thi công vụ, và cải cách này có thể được thực hiện mà không cần phải thay đổi hiến pháp.

Với bài « Chính sách khắc khố và phí tổn chính phủ : sự bất bình của các bộ trưởng trước thay đổi sắp tới », nhật báo Le Monde nhận định việc giảm số lượng nhân viên trong văn phòng các bộ được đón nhận một cách đau đớn. Chú ý đến tương lai cuộc chiến tại Afghanistan, dưới tựa đề « Cộng đồng quốc tế đang thua » tại Afghanistan, Le Monde đã phỏng vấn tổng thống Asif Ali Zardari, hiện đang công du châu Âu.

Dưới hàng tựa « Chế độ thuế nhà ở : các quyết định của chính phủ », nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến chính sách mới của chính phủ Pháp trong việc tạo điều kiện tăng tỷ lệ người Pháp sở hữu nhà và phát triển xây dựng với một loạt điều chỉnh, như tăng cường việc cho vay tiền với tỷ suất 0% hay các biện pháp khuyến khích bằng thuế, để đất cho xây dựng được chuyển giao nhanh hơn hiện nay, khiến cho xu thế thích giữ đất lâu để hưởng thuế thấp bấy lâu nay đảo ngược lại.

Trong khi đó nhật báo Libération dành chú ý cho hai sự kiện, đụng độ tại vùng biên giới Israel-Liban và một chi tiết mới trong vụ bộ trưởng Lao động Eric Woerth. Một tài liệu mới được gửi đến Libération đưa ra bằng chứng rằng bộ trưởng Woerth, vào năm 2008, khi ông còn là bộ trưởng Tài chính, đã can thiệp để giảm nhẹ việc tăng thuế đối với việc kế thừa di sản của nhà điêu khắc César, với khoản tiền chênh lệch 27 triệu euro.

Còn tờ la Croix đưa hình ảnh một người lao động Mêhicô đứng trên một xa lộ đi về hướng Hoa Kỳ với hàng tựa « Vấn đề di cư, các Giáo hội nhập cuộc » và nhận định, tại Hoa Kỳ, cũng như tại Pháp, cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư trở nên căng thẳng, khiến cho các Giáo hội nhắc lại một cách mạnh mẽ quan điểm của mình là phản đối việc phân biệt đối xử đối với người nước ngoài. Nhật báo l’Humanité, với tựa đề « Cái đêm ám ảnh những người giàu », đăng lại bức tranh một người nông dân đang cõng trên lưng hai người thuộc tầng lớp trên, để nhắc lại sự kiện lịch sử ngày 4-8-1789, khi chế độ thuế thập phân được xóa bỏ, và so sánh tình trạng bất công trước cách mạng với các bất bình đẳng hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.