Vào nội dung chính
THIÊN TAI - BIẾN ĐỐI KHÍ HẬU

Thiên tai mùa hè báo động về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Trận lụt khủng khiếp chưa từng có ở Pakistan, đợt nóng nghiêm trọng nhất từ 1000 năm qua ở Nga, lũ bùn kinh hoàng ở Trung Quốc, Trung Âu chìm trong biển nước, một loạt các thiên tai mùa hè năm nay được coi là những tín hiệu báo động về tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Làng Pabbi, thuộc tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa, miền Đông Bắc Pakistan  (05/08/2010) sau trận lụt khủng khiếp nhất kể từ 80 năm nay
Làng Pabbi, thuộc tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa, miền Đông Bắc Pakistan (05/08/2010) sau trận lụt khủng khiếp nhất kể từ 80 năm nay REUTERS/Faisal Mahmood
Quảng cáo

Các nhà khí hậu học được hãng tin AFP hỏi ngày hôm qua đều từ chối gắn trực tiếp những thiên tai nói trên với nhau, nhưng tất cả đều cho rằng chúng rất đúng với những kết luận của Nhóm liên chính phủ các chuyên gia về biến đổi khí hậu, gọi tắt theo tiếng Pháp là GIEC. Theo giải thích của ông Jean-Pascal Van Ypersele, phó chủ tịch nhóm GIEC: “ Đó là những hiện tượng sẽ tái diễn và sẽ gia tăng với một khí hậu, bị xáo trộn bởi khí thải gây hiệu ứng lồng kính.” 

Theo Cơ quan đại dương và khí quyển của Mỹ ( NOAA ), trong sáu tháng đầu năm nay, hành tinh của chúng ta chưa bao giờ nóng như thế. Nhóm GIEC đã từng dự báo rằng, với một khí hậu nóng như hiện nay, những vụ hạn hán và những đợt nóng như ở Nga hiện nay sẽ nặng nề hơn và kéo dài hơn. 

Một giới chức đặc trách theo dõi khí hậu thế giới của Tổ chức Khí tượng Thế giới, ông Omar Baddour, ghi nhận rằng nhiệt độ ở Matxcơva đã đạt kỷ lục tuyệt đối kể từ khi nước này bắt đầu ghi các dữ liệu khí tượng cách đây 130 năm (38,2°C cuối tháng 7). Còn tại Pakistan, các trận lụt chưa bao giờ có tầm mức về mặt địa lý lớn như thế. 

Tuy nhiên, ông Omar Baddour lưu ý rằng cần phải quan sát những hiện tượng cực đoan này trong nhiều năm nữa để có thể rút ra các kết luận về mặt khí hậu. Hơn nữa, những trận lụt ở Pakistan có thể là do hiện tượng La Nina. Trái ngược với hiện tượng El Nino, La Nina là do nhiệt độ lạnh đi trên mặt nước khu vực Trung Thái Bình Dương. Nói chung, El Nino thường gây ra hạn hán ở tiểu lục điạ Ấn Độ và vùng phía Nam sa mạc Sahara, còn La Nina thì gây hậu quả ngược lại. Ngoài ra, như nhận định của nhà khí hậu học người Anh, giáo sư Andrew Watson, cái nóng bất thường của năm 2010 có liên quan đến hiện tượng El Nino của năm ngoái, tức là sau mỗi hiện tượng El Nino sẽ là một năm cực nóng. 

Nhưng một loạt các vụ thiên tai lớn như thế dồn dập xảy ra chỉ trong vòng vài tuần lễ là chuyện rất hiếm và chúng càng cảnh báo nhân loại về tác động của biến đổi khí hậu. Nhất là trong bối cảnh mà do hiện tượng khí hậu nóng lên, băng ở vùng Bắc Cực đang tan với tốc độ ngày càng nhanh. Chủ nhật vừa qua, một nhà nghiên cứu người Mỹ thuộc trường đại học Delaware, Andreas Muenchow, vừa cho biết là một khối băng khổng lồ có diện tích 260 km² đã tách khỏi một băng hà ở miền Bắc Groenland. Tốc độ băng tan nhanh như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mực nước các đại dương, mà hiện đang dâng cao thêm 3 mm mỗi năm. Mực nước biển dâng cao nhanh hơn sẽ lại càng đe dọa đến cư dân ở các quốc gia ven biển như Việt Nam. Hiện tượng khí hậu trái đất nóng lên cũng đang đe dọa sản xuất lúa gạo ở châu Á, theo như công trình nghiên cứu của các giáo sư Mỹ và Philippines vừa được công bố hôm qua.

Trong báo cáo cuối cùng đưa ra vào năm 2007, nhóm GIEC đã kết luận có thể đoan chắc 90% là phần lớn sự biến đổi khí hậu trong 50 năm qua là do các hoạt động của con người. Kết luận này chính xác đến đâu, điều này  vẫn gây tranh cãi, nhưng những thiên tai kinh khủng đang xảy ra càng buộc chúng ta phải có một lối sống tiết kiệm năng lượng hơn để giảm bớt khí thải vào khí quyển Trái đất.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.