Vào nội dung chính
CU BA - CẢI CÁCH

Thừa nhận sai lầm quá khứ, Fidel ủng hộ cuộc cải cách hiện nay tại Cuba

Tờ Le Figaro trang quốc tế hôm nay chạy hàng tựa « Khi Fidel Castro nghi ngờ chính học thuyết của mình » với nhận định : « Lider Maximo », nhà lãnh đạo tối cao của Cuba, thừa nhận rằng mô hình của Cuba đã thất bại. Tờ báo khẳng định đây là một dấu hiệu tích cực đối với cuộc cải cách đang diễn ra tại Cuba.

Lãnh đạo tối cao Cuba Fidel Castro phát biểu ngày 03/09/2010 tại đại học Havana
Lãnh đạo tối cao Cuba Fidel Castro phát biểu ngày 03/09/2010 tại đại học Havana REUTERS/Enrique De La Osa
Quảng cáo

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro, 84 tuổi, rời khỏi chức vụ đứng đầu Nhà nước từ năm 2006, vì lý do sức khỏe, nhưng vẫn là tổng bí thư đảng Cộng sản. Giải thích với nhà báo Jeffrey Goldberg của tạp chí Mỹ The Atlantic, Fidel Castro nói rõ : mô hình Cuba không còn vận hành được nữa. Theo mô tả của nhà báo Goldberg, trong cuộc phỏng vấn này ông Fidel Castro tỏ ra khỏe mạnh. Nhà báo của The Atlantic cho biết, lãnh đạo Cuba đã dùng bữa sáng với một chút cá, bánh mỳ chấm dầu ôliu, và uống một ly rượu vang.

Tuy lui khỏi chức vụ đứng đầu Nhà nước, các luận điểm của Fidel Castro về tình hình thế giới vẫn thường xuyên được đưa lên Gramma, nhật báo chính thức của đảng Cộng sản . Cho đến cách đây hai tháng, quan điểm của ông không thay đổi, với những chỉ trích chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, đột nhiên từ đầu tháng 7, nhà lãnh đạo tối cao của Cuba xuất hiện liên tục trước công chúng.

Sự trở lại của Fidel Castro tương ứng với sự nới lỏng của chế độ Cuba hiện nay với việc hàng chục tù nhân chính trị được phóng thích, qua trung gian của giáo hội Công giáo Cuba. Trong tháng 7, các phát biểu của Cuba chỉ liên quan đến tương lai của nhân loại, như lên án sự hung hăng của Hoa Kỳ đối với Iran và Bắc Triều Tiên và cảnh báo một nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên Fidel không hề phát biểu gì về tình hình tại Cuba.

Cuộc phỏng vấn do The Atlantic tiến hành cho thấy Fidel đã có một sự tự phê phán thực sự, một thái độ hiếm thấy ở ông. Lãnh tụ Cuba cho rằng không cần thiết phải kích động Liên Xô dùng vũ khí hạt nhân chống lại Hoa Kỳ như hồi năm 1962. Fidel Castro cũng phê phán tổng thống Iran đã phủ nhận tội ác diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức. Cách đây một tuần, Fidel Castro thừa nhận với nhật báo La Jordana là đã phạm sai lầm trong việc bắt những người đồng tính đi cải tạo, cách đây ba thập kỷ.

Sự xuất hiện trở lại của Fidel Castro hồi đầu tháng 7 được giới quan sát phỏng đoán theo hai hướng. Một : có thể là sự lên tiếng của Fidel là nhằm ủng hộ cuộc cải cách đang diễn ra. Hai : cũng có thể là do bất hòa với người em đang nắm quyền kế vị, Fidel lên tiếng để bảo vệ quan điểm chính thống của cách mạng Cuba. Những tuyên bố của Fidel Castro mấy ngày gần đây khẳng định hướng giải thích thứ nhất là đúng : chế độ Cuba đang đi theo hướng cải cách và Fidel ủng hộ sự thay đổi này.

Quốc hội Cuba trong một phiên họp thường lệ vào tháng 8, đã thông qua một số cải cách. Quyết định rất khó khăn, cắt giảm 2 triệu người làm việc trong biên chế Nhà nước trong vòng 5 năm, đã được thông qua. Những người bán hàng hoa quả rong có thể hoạt động tự do với việc chấp nhận trả 5% thuế trên thu nhập. Dịch vụ cắt tóc và lái taxi bắt đầu được tư nhân hóa từ mấy tháng gần đây. Tuy nhiên, các cải cách kể trên vẫn là quá ít ỏi so với các thách thức kinh tế đặt ra trước một đất nước Cuba đang kiệt quệ.

Chính sách kính tế thiên tả của Tổng thống Mỹ ít có tác động trước mắt

Về chính sách kinh tế của Hoa Kỳ, người láng giềng phương Bắc của Cuba, Le Monde hôm nay có bài : «Barack Obama hướng chính sách kinh tế sang cánh tả" do đặc phái viên của tờ báo gửi về từ New York. Hai tháng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ đã chọn biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế và tấn công vào chế độ thuế đặc biệt.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình ABC được truyền đi ngày hôm qua (09/09/2010), tổng thống Obama thừa nhận, nếu như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới tại Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ là một cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng kinh tế hiện nay của nước Mỹ, thì các ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vì tất cả các cử tri đều cho rằng nền kinh tế Mỹ hiện tại đáng lẽ ra phải khá hơn.

Mục tiêu của tổng thống Mỹ, khi tuyên bố các điểm mới trong chính sách kinh tế vào thời điểm bản lề của các thay đổi trong chính trường Mỹ, là nhằm thuyết phục công luận rằng đối lập Cộng hòa thể hiện quan điểm của những người giàu nhất nước Mỹ, thu hút các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ và huy động được những người thuộc cánh Dân chủ, nhưng đang bị nỗi thất vọng chi phối.

Tuy nhiên, tại một ngôi trường tại Parma, ngoại ô thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio (ngày 09/09/2010), tổng thống Mỹ đã không nêu ra được gì rõ hơn nhiều về chương trình 50 tỷ đô la chi phí công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trong sáu năm tới. Theo Le Monde, chỉ có một điểm mới là tổng thống Obama thể hiện sự cương quyết đi theo quan điểm của cánh tả trong đảng Dân chủ. Cụ thể là không chỉ tăng cường các chi phí công, mà còn thay đổi về căn bản chế độ thuế hiện nay, nhằm đem lại lợi ích nhiều hơn cho các thu nhập có từ lao động, và ngược lại đối với vốn đầu tư.

Cũng ngày thứ tư, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã xuất bản báo cáo thường kỳ cho thấy các biện pháp mới kể trên do Tổng thống đưa ra ít có khả năng tác động nhiều đến nền kinh tế Mỹ trong thời gian trước mắt, cũng có nghĩa là trước cuộc bầu cử.

Tại Nhật Bản, chủ nghĩa bài ngoại trỗi dậy mạnh mẽ

Nhìn sang nước Nhật, tờ Le Figaro đăng lại bài viết của New York Times với nhan đề « Tại Nhật Bản, chủ nghĩa bài ngoại đang lên tiếng mạnh mẽ ». Thất vọng vì sự suy thoái kinh tế và chính trị của đất nước, rất nhiều thanh niên Nhật tập hợp nhau lại qua các mạng internet và tổ chức các cuộc biểu tình chống lại người Triều Tiên và các nhóm người nước ngoài khác. Một trong những nhóm phát triển mạnh là Zaitokukai, có nghĩa là nhóm «Các công dân không tha thứ cho những ưu tiên đặc biệt dành cho những người Triều Tiên tại Nhật Bản ».

Khi mới ra đời, cách đây ba năm rưỡi, chỉ có 25 thành viên sáng lập, Zaitokukai nay đã thu hút được 9.000 thành viên. Lãnh đạo của nhóm là Makoto Sakurai, 38 tuổi, làm việc trong ngành thuế, khẳng định rằng Zaitokukai không phải là tổ chức phân biệt chủng tộc và phát xít mới. Tuy nhiên, thủ lãnh của nhóm này khẳng định, mẫu mực của Zaitokukai chính là phong trào Tea Party, một phong trào chính trị cực đoan của Hoa Kỳ. Thủ lãnh Makoto Sakurai đã nghiên cứu kỹ các cuộc biểu tình của Tea Party và đồng cảm với tình cảm của phong trào này, đặc biệt tình cảm chống lại người nước ngoài và các nhà chính trị cực tả.

Chiến lược của phong trào này là gây ra các hoạt động gây sốc để thu hút sự chú ý của công luận. Bài báo mô tả một cuộc biểu tình diễn ra trước cửa một trường học, và trước cửa nhà của một nữ sinh Philipinnes 14 tuổi để yêu cầu cô gái phải rời khỏi lãnh thổ Nhật, sau khi cha mẹ của cô đã bị trục xuất vì hết hạn visa.

Đồng franc Thụy Sĩ trở thành nơi đầu tư an toàn

Le Monde nhận định về một hiện tượng đặc biệt của nền kinh tế thế giới : trong một môi trường kinh tế bất ổn hiện nay, đồng tiền franc Thụy Sĩ, đất nước của đồng hồ, chocolat và ngân hàng, trở thành địa chỉ an toàn đối với các nhà đầu tư. Ngày 8 tháng 9 vừa qua, đồng franc tăng giá lên mức cao nhất 1,2776 franc thụy sĩ/1 euro. Như vậy, đồng franc Thụy Sĩ đã tăng giá 15 % kể từ đầu năm tới nay so với đồng euro.

David Deddouche, chiến lược gia của Société Générale, nhận định, đồng franc Thụy Sĩ là nơi đầu tư ít mạo hiểm nhất trong số các đồng tiền mạnh hiện nay. Tại Thụy Sĩ, nền tài chính công lành mạnh, khuôn khổ thể chế mang lại sự tin tưởng, nền kinh tế không chịu sự suy thoái như đa số các nước khác.

Tuy nhiên, đồng franc Thụy Sĩ tăng giá cũng có nhiều hệ quả xấu. Nếu như xu thế này tiếp diễn, xuất khẩu Thụy Sĩ sẽ bị sụt giảm, bên cạnh đó là ngành du lịch. Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ buộc phải chuyển một bộ phận sang khu vực đồng euro. Và khoảng 30 ngàn việc làm sẽ bị đe dọa.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã ra tay, với việc tung tiền ra mua euro. Số dự trữ ngoại tệ của Thụy Sĩ đã tăng từ 56 tỷ franc Thụy Sĩ lên 239 tỷ franc trong vòng mấy tháng đầu năm 2009. Tuy nhiên, vì không thể ảnh hưởng được gì đến thị trường trao đổi tiền tệ khổng lồ, Thụy Sĩ đã buộc phải ngưng lại việc mua euro này. Theo các chuyên gia, đồng tiền Thụy Sĩ sẽ còn tiếp tục tăng giá. Trong giới chính trị, nhiều người đặt câu hỏi, xu thế này sẽ đi tới đâu. Theo giám đốc nghiên cứu của Gonet & Cie, đa số thầm lặng tại Thụy Sĩ ủng hộ một chính sách tiền tệ độc lập, cũng giống như bí mật ngân hàng vậy.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.