Vào nội dung chính
ÂU-Á

ASEM kêu gọi Miến Điện trả tự do cho tù chính trị

Hôm qua (05/10/2010), kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Bruxelles, lãnh đạo 48 nước và tổ chức thành viên Diễn đàn ASEM đã thông qua một thông cáo chung, trong đó có lời kêu gọi chính quyền quân sự Miến Điện trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, trước cuộc bầu cử ngày 7/11.

Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Herman Van Rompuy, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso tại cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh ASEM 5/10/10.
Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Herman Van Rompuy, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso tại cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh ASEM 5/10/10. Reuters
Quảng cáo

Việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, thông cáo này nhấn mạnh, sẽ đóng góp vào việc làm cho cuộc bầu cử này trở nên « rộng mở hơn » và « minh bạch hơn », và đánh dấu một bước tiến của Miến Điện trên đường đi đến một chính quyền dân sự « hợp pháp ».

Điều đặc biệt là bản thông cáo kể trên đã được đưa ra sau các thương thuyết với Bộ trưởng Ngoại giao Nyan Win, đại diện của chính quyền quân sự Miến Điện tại ASEM. Chủ tịch Liên hiệp Châu Âu Herman Van Rompuy hài lòng nhận xét, mặc dù được đưa ra bàn bạc với Ngoại trưởng Miến Điện, văn bản cuối cùng vẫn « mang tính phê phán ».

Hiện tại, theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International, tại Miến Điện có khoảng 2.200 tù nhân chính trị.

Thông cáo của các nước tham gia hội nghị ASEM được đưa ra, trong khi nhà đối lập Aung San Suu Kyi vừa nạp đơn kiện tập đoàn quân sự Miến Điện, đã buộc đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) phải giải tán. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã chính thức bị cấm vào tháng 5 vừa qua, sau khi quyết định tẩy chay cuộc bỏ phiếu ngày 07/11/2010, mà tổ chức này cho là bất công và bị giới quân sự khống chế.

Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu cho rằng sự vắng mặt của bà Aung San Suu Kyi khiến cho cuộc bỏ phiếu này không còn ý nghĩa. Xin nhắc lại là, năm 1990, trong cuộc bỏ phiếu lần trước, đảng của bà Aung San Suu Kyi đã chiến thắng áp đảo, nhưng kết quả không được tập đoàn quân sự công nhận. Kể từ năm 2003, giải Nobel Hòa bình người Miến Điện này đã bị quản thúc tại gia. Tuần trước, hai sĩ quan Miến Điện đã nói với AFP rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ được trả tự do sau cuộc bầu cử.

Hiệp định tự do mậu dịch Liên hiệp châu Âu- Hàn Quốc

Sau khi Hội nghị ASEM kết thúc, Liên hiệp Châu Âu đã họp với Hàn Quốc. Hôm nay (06/10/2010), hai bên vừa ký kết một thỏa thuận song phương về tự do thương mại. Đây là một thỏa thuận tự do thương mại chưa từng có giữa Châu Âu và một nước Châu Á.

Thỏa thuận này, kết quả của ba năm đàm phán, sẽ có hiệu lực kể từ tháng bảy 2011, cho phép xoá bỏ các hàng rào thuế quan của hai phía. Điều này tương đương với số tiền ước tính 1,6 tỷ euro thuế hàng năm đối với hàng xuất khẩu từ Châu Âu sang Hàn Quốc. Thỏa thuận này cũng tính đến việc loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là về các quy định và tiêu chuẩn trong lĩnh vực xe hơi, dược phẩm và đồ điện tử. Hiện tại, Hàn Quốc là đối tác thương mại thứ 4 của Châu Âu.

Liên hiệp châu Âu cũng đã bắt đầu thương thuyết với Ấn Độ từ năm 2007 một thỏa thuận tương tự, và năm nay đang tiến hành đàm phán với Singapore và Malaysia.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.