Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Liên hiệp Châu Âu xét đơn xin gia nhập của Serbia

Họp tại Luxembourg hôm nay, Ngoại trưởng các nước Liên Hiệp Châu Âu đã đồng ý xem xét đơn xin gia nhập của Serbia. Đây là bước đầu rất quan trọng của quá trình gia nhập. Các ngoại trưởng Châu Âu như thế đã hé mở cánh cửa của Liên Hiệp cho Beograd, khi yêu cầu Ủy Ban Châu Âu nghiên cứu về đơn của Serbia.

Tổng thống Serbia Boris Tadic (trái) với thủ tướng Thụy Điển Reinfeldt khi nộp đơn xin gia nhập LHCA (REUTERS)
Tổng thống Serbia Boris Tadic (trái) với thủ tướng Thụy Điển Reinfeldt khi nộp đơn xin gia nhập LHCA (REUTERS)
Quảng cáo

Nói cách khác, các ngoại trưởng yêu cầu Ủy Ban Châu Âu cho biết ý kiến chính thức, để có thể bắt đầu tiến trình thảo luận về đơn xin gia nhập của Serbia. Theo một nhà ngoại giao Châu Âu, quyết định hôm nay là để khuyến khích thái độ cởi mở của Beograd, để chấp nhận đối thoại với Kosovo.

Dĩ nhiên là con đường còn dài trước khi Serbia vào được Liên Hiệp, nhưng Serbia đã vượt được một cửa ải mang tính chất biểu tượng cao.Beograd đã đệ đơn từ cuối năm ngoái, nhưng 27 nước thành viên chưa thống nhất ý kiến là có nhận xem xét đơn hay không.

Vì ngoài hồ sơ Kosovo mà Serbia không công nhận độc lập, còn có hồ sơ gai góc về những tội phạm chiến tranh mà Beograd bị tố cáo là bao che, như tướng Ratko Mladic bị toà án La Haye truy lùng. Hà Lan là quốc gia cho đến nay vốn đưa ra điều kiện tiên quyết là trước khi xét đơn của Serbia, nước này phải giao nộp Mladic. 

Ngoại trưởng Hà Lan hôm nay không chống đối, nhưng các ngoại trưởng Châu Âu đòi hỏi Serbia hợp tác trên hồ sơ tội phạm chiến tranh nếu muốn tiến trình gia nhập được tốt đẹp. Trên hồ sơ này, tổng thống Serbia Boris Tadic, trả lời phỏng vấn báo International Herald Tribune, hôm nay, khẳng định chính quyền ông vẫn tiếp tục nổ lực truy bắt tướng Mladic.  

Bên cạnh hồ sơ Serbia, các ngoại trưởng Châu Âu hôm nay cũng duyệt xét quan hệ với Cuba. Cụ thề là có duy trì chính sách khắt khe với Cuba, gọi là Quan điểm chung hay không. Theo chính sách này thì Châu Âu không bình thường hoá bang giao với Cuba nếu tình trạng nhân quyền không đươc cải thiện, không có tiến bộ về mặt dân chủ.

AFP trích dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho là Châu Âu có thể nới lỏng chính sách cứng rắn đưa ra vào năm 1996. Nhưng phải đạt được sự đồng thuận trong Liên Hiệp. Cho đến nay các quốc gia Đông Âu cũ vẫn muốn giữ lập trường cũ. Còn tại La Habana, hôm qua , phong trào các Phụ nữ áo trắng, vợ các tù nhân chính trị, đã yêu cầu Liên hiệp Châu Âu không thay đổi thái độ, vì không có nhiều tiến bộ ở Cuba.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.