Vào nội dung chính
Hoa Kỳ - Cam Bốt

Ngoại trưởng Mỹ công du Cam Bốt khẳng định mối quan tâm đến vùng Đông Nam Á

Bà Hillary Clinton đã khởi đầu 2 ngày công du Cambốt, kể từ hôm nay, 31/10/2010, tại Siêm Reap, để viếng khu  đền Angkor Wat. Bà chỉ đến Phnom Penh vào ngày mai, tiếp xúc với các lãnh đạo Cam Bốt, từ Ngoại trưởng Hor Namhong cho đến thủ tướng Hunsen, và Quốc vương Sihamoni.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với các phụ nữ, nạn nhân buôn người tại trung tâm AFESIP Siem Riep (ảnh chụp ngày 31/10/2010).
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với các phụ nữ, nạn nhân buôn người tại trung tâm AFESIP Siem Riep (ảnh chụp ngày 31/10/2010). REUTERS/Chor Sokunthea
Quảng cáo

Theo phía Mỹ, tại Siem Reap, bà Clinton còn tiếp xúc với các tổ chức phi chính phủ đang chống tệ nạn buôn người ở Cam Bốt. Theo thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh, đây là lần đầu tiên từ 7 năm nay mà một ngoại trưởng Mỹ công du Cam Bốt.

1/ Tầm quan trọng của chuyến công du 

Tính từ năm 2003, khi Ngoại Trưởng Colin Powell đến Phnom Penh tham dự Diễn Đàn ASEAN và khu vực, thì nay mới lại có một Ngoại Trưởng Hoa Kỳ thực hiện chuyến viếng thăm chính thức Cam Bốt.

Hôm nay, khi ở Siêm Riệp, Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã vào thăm một trung tâm cứu nguy và phục hồi các cô gái trẻ bị bắt làm nô lệ tình dục. Bà hứa sẽ cố gắng làm nhiều hơn nữa để giúp chấm dứt tai họa nô lệ tình dục tại Cam Bốt. Bà Clinton cũng viếng thăm đền cổ Angkor Wat.

Ngày mai bà Clinton quay trở lại Phnom Penh diện kiến Quốc Vương Sihamoni và gặp giới lãnh đạo quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự, đảng đối lập, các nhà hoạt động nhân quyền cũng như có một cuộc nói chuyện với thành phần trẻ, và sinh viên.

Vào ngày 28/10, trước khi lên đường công du vùng Châu Á Thái Bình Dương, bà Clinton đã đọc bài diễn văn tại Washington xác định tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á và Đông Á, trong đó bà phát biểu: “Đi xa hơn các liên minh của chúng ta, Hoa Kỳ đang củng cố các quan hệ với các đối tác mới, đặc biệt là các định chế khu vực”.

Thông báo của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh về chuyến đi Cam Bốt lần này có viết như sau: “Bà Clinton có ý định gởi một thông điệp mạnh mẽ về sự can dự của Mỹ tại Cam Bốt”. Tổng Thống Barack Obama đã diễn tả đường hướng của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á là một ưu tiên chính yếu trong chính sách ngoại giao hiện nay, ông Obama nói khu vực này đã bị cựu Tổng Thống George W Bush lãng quên vì phải tập trung vào Iraq và Afghanistan.

2/ Quan hệ Mỹ Cam Bốt đặc biệt tiến triển trong lãnh vực quân sự

Từ năm 2006 trở đi, Hoa Kỳ can dự nhiều hơn tại Cam Bốt đặc biệt trong địa hạt quân sự. Ngoài các chuyến viếng thăm của tàu chiến tại cảng biển Kampong Som ở phía Nam, Hoa Kỳ còn cho máy bay chở các chỉ huy quân sự trong Bộ Quốc Phòng từ Phnom Penh ra viếng thăm hạm đội Mỹ neo ngoài khơi lãnh hải Cam Bốt để phô trương sức mạnh kỹ thuật quân sự của hải quân. Cạnh đó Hoa Kỳ cũng gia tăng quân viện cho Cam Bốt.

Trong thời gian 4 tháng trở lại đây, quân đội Hoa Kỳ đã cùng Cam Bốt có hai lần tham gia tập trận chung. Cuộc diễn tập gần đây nhất bắt đầu vào ngày 25/10/2010 giữa hải quân Mỹ và Cam Bốt có tên gọi “Hợp Tác Sẵn Sàng Trên Biển và Đào Tạo”. Ước lượng có đến 600 hải quân Mỹ và hàng trăm thủy thủ Cam Bốt cùng với máy bay và tàu cứu nguy tham dự tập trận trong 6 ngày với mục đích phối hợp công tác gìn giữ an ninh trên biển.

Đề Đốc Richard Landolt Tư Lịnh Lực Lượng Thủy - Bộ của Hạm Đội 7 trong buổi lễ khai màn cuộc diễn tập được tổ chức trên chiến hạm USS Crommelin phát biểu rằng hai bên có một chương trình diễn tập qui mô.
Cạnh đó hải quân Hoa Kỳ còn tiến hành công tác dân sự vụ như lên bờ đến thăm các làng xã gần cảng Kampong Som, sửa chữa trường học và nhà dân, hớt tóc cho trẻ em, phát thuốc, khám bịnh cho dân nghèo. Lực lượng hải quân Cam Bốt còn thiếu nhiều phương tiện nên càng cần sự giúp đỡ và huấn luyện của hải quân Hoa Kỳ.

Nhân đây cũng cần nói sơ qua vị trí địa lý, từ cảng Kampong Som tiến về Côn Sơn, và Trường Sa gần hơn so với căn cứ không quân Utapao và vùng biển Pattaya trên đất Thái mà Hoa Kỳ sử dụng làm hậu cứ trong chiến tranh Việt Nam trước năm 1975.

08:38

Thông tín viên Phạm Phan (Phnompenh)

3/ Tại Cam Bốt, Hoa Kỳ phải cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc

Thủ Tướng Hun Sen đã tiếp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon ngay tại dinh thự đồ sộ và hiện đại của chính phủ vừa hoàn thành được mấy ngày. Cơ sở đầu não quốc gia này là do Trung Quốc tài trợ nhiều triệu Mỹ Kim xây dựng trong hơn 3 năm.

Trung Quốc đứng đầu các nước tài trợ cho Cam Bốt trên nhiều lĩnh vực, kể cả quân sự mà không can thiệp nội tình, không đề cập đến vấn đề nhân quyền như cách làm thông thường của Hoa Kỳ hay Liên Hiệp Châu Âu. Ngoài ra, các di dân kinh tế từ Trung Quốc kéo đến Cam Bốt làm ăn, sinh sống, định cư ngày càng nhiều, các xưởng may mặc phần lớn do người Trung Quốc làm chủ.

Sự hiện diện của Hoa Kỳ hiện nay tại Cam Bốt và Đông Nam Á gây nhiều chú ý cho công luận. Sau hơn 3 thập niên rời khỏi vùng này, Hoa Kỳ đã trở lại, không những trên biển mà còn trên sông. Tại Hà Nội, khi tham dự Thượng Đỉnh Đông Á vào ngày 30/10, Ngoại Trưởng Clinton đã chủ tọa phiên họp giữa Hoa Kỳ và các nước hạ lưu sông Mekong trong đó có Cam Bốt.

Sông Mekong chảy qua lãnh thổ Cam Bốt hiện nay bị tổn hại môi trường không ít như lũ lụt, môi trường sinh thái biến đổi, lượng cá ngày càng ít đi gây khó khăn cho đời sống người dân hai bên bờ Mekong…, hậu quả này là do Trung Quốc xây đập thủy điện trên thượng nguồn.

Mỹ trở lại Đông Nam Á bằng chính sách hồi phục môi trường sinh thái ở hạ lưu sông Mekong cũng như tài trợ giúp đỡ đời sống cho cư dân bị tổn hại do môi trường biến đổi, điều này ắt hẳn các nước ở vùng hạ lưu như Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan đều tán đồng. Vào lúc Trung Quốc gia tăng lực lượng quân sự ở Biển Đông, nhiều nước trong khối ASEAN đều mong muốn Mỹ có mặt tại Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong vùng này.

4/ Xã hội dân sự Cam Bốt đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến công du của bà Clinton

Thành viên của các tổ chức xã hội dân sự và phe đối lập tại Phnom Penh đều mong muốn được tiếp xúc với Ngoại Trưởng Clinton vào ngày mai, thứ Hai để trình bày những khó khăn gặp phải do chính quyền gây nên, đặc biệt là vấn đề nhân quyền.

Am Sam Ath, người đứng đầu bộ phần điều tra của tổ chức nhân quyền Adhoc nói rằng các nhà hoạt động tại Cam Bốt muốn bà Clinton can thiệp với chính quyền để họ tôn trọng các nguyên tắc nhân quyền. Thành viên Đảng Sam Rainsy lại mong muốn bà Clinton can thiệp để ông Sam Rainsy sớm hồi hương và hoạt động trở lại bình thường.

Tuy nhiên, Người phát ngôn chính quyền là ông Phay Siphan nói Cam Bốt luôn tôn trọng nhân quyền.
Một cách đại thể, khi phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, người dân Cam Bốt thấy Hoa Kỳ thân thiện hơn, do vậy khi nghe tin nói có bà Ngoại Trưởng Mỹ đến Phnom Penh người dân tỏ thái độ chú ý nhiều.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.