Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Áo, lãnh địa của điệp viên

Du khách thường mơ được đến thành phố Vienna để thưởng thức nhạc nhẹ, đắm mình trong không khí lễ hội, ở những quán cà phê lung linh ánh đèn giữa đêm khuya. Nhưng mấy ai biết được một sự thật tế nhị mà người dân địa phương cố tìm cách lãng quên, đó là việc thành phố này là nơi tập trung gián điệp từ khắp nơi trên thế giới.

Vienna, thủ đô nước Áo (DR)
Vienna, thủ đô nước Áo (DR)
Quảng cáo

Báo Le Monde hôm nay phản ánh hiện tượng này với bài viết "Vienna, ổ gián điệp". Đầu tiên, tờ báo thông tin về những cái chết bí ẩn thường xảy ra ở Vienna. Như cái chết của Timothy, 47 tuổi. Ngày 20/10/2009, xác người này được phát hiện dưới chân một cầu thang trong trụ sở Liên Hiệp Quốc. Ông này làm việc cho tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân. Văn phòng làm việc ở tầng 6, nhưng ông lại bị rơi từ tầng 17. Ông không để lại thư tuyệt mệnh. Người ta chỉ biết rằng, một tháng trước đó, ông cùng các đồng nghiệp đã công bố một báo cáo, theo đó Bắc Triều Tiên chắc chắn đã nói dối về vụ thử hạt nhân dưới lòng đất vào tháng 5 năm 2009. Đây chỉ là một trong những cái chết đầy bí ẩn ở Vienna, nơi tụ hội giới gián điệp với những vụ thanh trừng bí ẩn.

Sử gia Siegfried Beer, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu về gián điệp, tuyên truyền và an ninh thuộc Đại học Graz (Áo) cho biết, có khoảng 2 500 điệp viên của 80 quốc gia làm việc ở Vienna. Sự hiện diện của 20 000 nhà ngoại giao cùng gia đình họ, cũng như sự lớn mạnh của cộng đồng người ngoại quốc ở Áo đến từ các cuộc chiến và những biến cố chính trị ở phía Đông, là điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các băng nhóm điệp viên.

Một nguyên nhân khác thu hút điệp viên là Vienna là trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng : Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa (OPEP), Tổ chức hợp tác và an ninh Châu Âu (OSCE), Cơ quan chống ma túy và tội phạm có tổ chức Liên Hiệp Quốc (ONUDC), Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (AIEA).

Tác giả cũng cho biết, tập quán làm việc của các nhóm điệp viên rất đặc trưng, và có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Như CIA thì thích đến quán cà phê Schwarzenberg, gần khách sạn Ring, nơi đổ bộ quen thuộc của điệp viên Nga. Còn người Trung Quốc thì thường hẹn đến một quán ăn viễn đông, gần trụ sở của Liên Hiệp Quốc, nơi được trang bị hệ thống nghe lén hiện đại.

Trong khi đó, cũng có trường hợp người Áo làm gián điệp cho nước khác, như trường hợp của Gustav Hochebichler, nhân vật số hai của Cảnh sát Vienna đến năm 1991. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, CIA đã tiến hành nghiên cứu những tài liệu lưu trữ của Đông Đức và phát hiện rằng Gustav đã hợp tác với nước này, và dùng Áo làm nơi chuyển giao công nghệ cao bất hợp pháp cho Đông Âu.

Bài học hy vọng đáng ngưỡng mộ của bà Aung San Suu Kyi

Bài xã luận của Le Monde cho biết trong 21 năm qua, có đến 15 năm bà Aung San Suu Kyi phải sống cảnh mất tự do dưới nhiều hình thức. Trong những năm tháng đó, bà phải chịu cảnh xa chồng và hai đứa con trai. Chồng bà lại chết ở Anh mà bà không được nhìn thấy mặt. Đảng của bà thì bị giải tán, hơn 2000 đồng chí của bà bị tống giam. Thế nhưng, theo Le Monde, ngày 14 rồi, khi được trả tự do, trên gương mặt người phụ nữ 65 tuổi, một nhà đấu tranh bền bí cho dân chủ, nhà đối lập chính của chính phủ quân phiệt Miến Điện, không hề lộ vẻ cai đắng và hận thù. Hoa cài trên tóc và môi nở nụ cười phúc hậu, với tất cả niềm vui được gặp lại đồng bào, bà chỉ nói đến một niềm ước vọng "hòa giải dân tộc".

Bà San Suu Kyi được thả ra sau cuộc bầu cử, mà Le Monde cho là giả tạo, với mục tiêu là vẫn để giới quân đội cầm quyền dưới lớp áo chính phủ dân sự. Trong lời nói đầu tiên khi được trả tự do, bà đã tỏ ra « nể » các tướng lĩnh quân đội. Nữ đối lập này vốn từng bị chỉ trích là « ương ngạnh », lần này đã tỏ thiện chí hòa giải với những người cầm giam bà suốt ngần ấy năm trời.

Giải thích về hành động của bà San Suu Kyi, Le Monde cho rằng, trong một đất nước như Miến Điện, thật khó để người ta dám hô to chiến thắng. Bà San Suu Kyi vì thế đã không ngần ngại kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đở trong nổ lực tiến hành « đối thoại » với chính phủ. Tờ báo kết luận, các nước phương tây sẽ sai lầm nếu không biết nắm bắt cơ hội này để làm một phiên « giao dịch » : trả tự do cho tù nhân chính trị Miến Điện đổi lại việc xóa lệnh trừng phạt đối với nước này.

Máy bay Trung Quốc thách thức Boeing và Airbus

Theo báo Le Figaro, hôm qua tại cuộc Triển lãm kỹ thuật Hàng không ở thành phố Chu Hải, Quảng Đông, một đơn đặt hàng 100 máy bay C 919 do Trung Quốc sản xuất đã được ký kết. Đây là loại máy bay dân dụng từ 168 đến 190 chổ, gồm đường ngắn hoặc trung. Dù đến năm 2016 mới giao hàng, nhưng sự việc cho thấy C 919 sẽ là đối thủ mạnh của Boeing 737 và Airbus A320, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, mà còn trên khắp thế giới.

Theo Le Figaro, C 919 là niềm tự hào của người Trung Quốc. Loại máy bay này được phát triển trước tiên nhầm hạn chế việc thị trường nội địa bị chiếm lĩnh bởi các hãng hàng không phương tây.

Ông Laurence Barron, giám đốc Airbus ở Trung Quốc tỏ ra bình thản trước mối đe dọa này. Ông cho biết « Trong 10 năm tới, sẽ không có nguy hại nào đáng lo. Từ đây đến năm 2025, chúng tôi sẽ tung ra sản phẩm cạnh tranh thế hệ mới ».

Thế nhưng, dù họ còn vượt xa đối thủ, nhất là về mặt công nghệ, nhưng hai đại gia Boeing và Airbus phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh ngày càng lớn. Bởi ngoài Trung Quốc, thì Braxin, Nhật và Canada cũng có nhiều tham vọng trong lĩnh vực phát triển máy bay đường trung.

Pháp cải tổ nội các : kẻ đi người ở   

Cuối cùng chúng ta đến với tình hình chính trị nước Pháp. Một sự kiện đang là đề tài thời sự nóng bỏng ở nước này trong mấy ngày qua là việc tổng thống Nicolas Sarkozy tiến hành cải tổ nội các. Ong Francois Fillon được tái bổ nhiệm chức vị thủ tướng. Trong khi trong hàng ngủ các bộ trưởng, kẻ ra đi người ở lại. Các báo chí Pháp hôm nay đều quan tâm phân tích sự kiện này.

Trong những nhân vật mới được bổ nhiệm làm bộ trưởng, Le Monde quan tâm đến ông Alain Jupé, tân bộ trưởng quốc phòng, và bà Alliot-Marie, tân bộ trưởng ngoại giao. Le Monde cho rằng, việc bổ nhiệm hai nhân vật này cho thấy ý định muốn giảm bớt việc thân thiện với Mỹ và tăng cường chính sách ngoại giao theo kiểu Charles De Gaulle.

Tờ báo nhắc lại, từ năm 2007, ông Sarkozy đã bắt đầu chính sách thân Mỹ, như việc đưa Pháp trở lại nhóm lãnh đạo khối Nato, việc sử dụng khái niệm « gia đình tây phương », việc xích lại gần hơn với chính quyền Bush, việc tăng cường quan hệ với Israel.

Thế nhưng, bà Alliot-Marie thì hoàn toàn khác. Bà là người theo chủ nghĩa gaulliste hiện đại, tức của cố tổng thống Charles de Gaulle. Bà có mối quan hệ gần gủi với thế giới Ả Rập, một mối quan hệ được kiến tạo khi bà là bộ trưởng quốc phòng (2002-2007). Trong khi đó, người tiền nhiệm của bà là ông Bernard Kouchner và tổng thống Sarkozy lại nổi tiếng « thân Israel ».

Còn ông Alain Jupé, trong quá khứ cũng từng có những quan điểm khác biệt so với tổng thống Sarkozy. Như việc ông tỏ ra dè dặt trong đàm phán về Nato, hay việc ông từng kêu gọi giải trừ toàn diện vũ khí hạt nhân vào năm 2009. Tuy nhiên, tờ báo cho biết, theo các nhà quan sát, sẽ không có sự đảo lộn trong chính sách mà ông Sarkozy đã áp dụng từ năm 2007.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.