Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH

Ai-len: Một cuộc khủng hoảng tự tại

Nhật báo Le Monde hôm nay, 26/11/2010, dành hai trang điều tra về kinh tế để nói về cuộc khủng hoảng tại Ailen, mà tờ báo cho là một cuộc khủng hoảng tự tại – do chính mình gây ra, không thể đổ thừa cho ai khác.

Ngân hàng Trung ương Ailen ở Dublin
Ngân hàng Trung ương Ailen ở Dublin AFP//Carl de Souza
Quảng cáo

Sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vào tháng 9 năm 2008 lâu nay vẫn được chính phủ Ailen nêu ra để lý giải cho cuộc khủng hoảng trong lãnh vực ngân hàng nước mình. Nhưng hai bản báo cáo chính thức về nguyên nhân cuộc khủng hoảng tài chính Ailen được công bố vào tháng 6 đã làm cho lý lẽ biện hộ này tan thành mây khói.

Hai báo cáo điều tra này, một do tân thống đốc Ngân hàng Trung ương Patrick Honohan soạn thảo, còn bản báo cáo kia cho các chuyên gia tài chính quốc tế là Klaus Regling và Max Watson tiến hành, là những bản phân tích tình hình đáng ngại về một cuộc khủng hoảng chủ yếu là tự tại – nguyên văn: home made. Việc ngân hàng Lehman Brothers bị phá sản chỉ làm trầm trọng thêm tình hình, nhưng chắc chắn đây không phải là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính Ailen.

Các bản báo cáo trên đây đã quy trách nhiệm cho nhiều tác nhân. Trước hết là các ngân hàng đã tỏ ra khinh suất trong việc gánh lấy những rủi ro lớn, khi cho một số ít nhà đầu tư địa ốc vay những số tiền khổng lồ mà không biết tổng số nợ của họ là bao nhiêu. Kế đến là những nhà điều hành, trong những năm dài, không biết dẹp yên nạn cho vay bừa bãi. Cuối cùng là chính quyền, theo ông Honohan, đã “đổ dầu vào lửa trong quả bóng địa ốc và tín dụng”, khi dành cho lãnh vực địa ốc rất nhiều ưu đãi về mặt thuế khóa. Ông nói: “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngân sách đã đóng góp tích cực vào hiện tượng nền kinh tế bị hâm nóng” và khuyến khích dư luận “tin tưởng rằng lễ hội sẽ không bao giờ chấm dứt”.

Đương kim thủ tướng Brian Cowen, từng là bộ trưởng Tài chính trong thời kỳ vàng son cũ của Ailen, hiện đang là đích nhắm của mọi sự chỉ trích. Nhưng không chỉ các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính của Ailen bị buộc tội, mà bên cạnh đó còn có các định chế tài chính quốc tế lớn, vì đã không có khả năng đưa ra các cảnh báo.

Các chuyên gia không ngần ngại chỉ trích các bản báo cáo thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế đã coi thường rủi ro giá địa ốc bị sụt giảm đột ngột, và nhấn mạnh khả năng các ngân hàng Ailen có thể “chịu đựng được những trận cuồng phong”.

Bắc Kinh lo ngại nạn lạm phát có thể gây ra biến loạn

Nhìn sang châu Á, phụ trang kinh tế của nhật báo Le Figaro cho biết, giá cả các mặt hàng thực phẩm tại Trung Quốc đã tăng 10% trong vòng một năm, một số mặt hàng khác tăng đến 60%. Lo ngại nạn lạm phát có thể gây ra bất ổn định trong xã hội, chính quyền Bắc Kinh đã siết chặt lại chính sách tín dụng.

Thông tín viên của tờ báo tại Thượng Hải nhận xét, tuy hài lòng với việc sớm thoát khỏi khủng hoảng, nhưng Bắc Kinh đã không thảnh thơi được bao lâu. Bóng ma lạm phát lại đe dọa, với tỉ lệ tăng giá gần 5%, có nguy cơ làm cho người dân bất bình. Chủ đề này xuất hiện trên hầu hết các diễn đàn trên mạng, và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cách đây hai ngày, bài xã luận của tờ Nhân dân Nhật báo đã nhấn mạnh: “Nạn lạm phát được xem như nguy cơ lớn nhất mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối phó”.

Các viên chức liên tục đưa ra những lời tuyên bố để minh chứng cho nỗ lực đối đầu với lạm phát. Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hứa hẹn đưa ra những công cụ mới, như buộc các ngân hàng tăng dự trữ tiền mặt, tăng lãi suất. Bắc Kinh cũng dự định chặn đứng tình trạng quá thừa tiền mặt và vốn đầu cơ, được xem là nguyên nhân gây nên lạm phát. Còn Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia thì trấn an, giá cả đã giảm xuống 10% đối với các hợp đồng kỳ hạn về mặt hàng đường, dầu đậu nành, dầu hỏa, bông vải, kể từ khi chính phủ bắt đầu đưa ra những biện pháp đối phó vào giữa tháng 11.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo, lo sợ xã hội sẽ trở nên bất ổn, hồi tuần qua, đã loan báo một loạt các biện pháp kiểm soát giá cả, lượng thực phẩm dự trữ và nạn đầu cơ trong nông nghiệp. Nhưng nạn lạm phát chủ yếu vẫn do lượng tiền mặt quá lớn đang lưu chuyển trong nền kinh tế, đặc biệt là vì tín dụng cho vay quá dễ dãi trong vòng hai năm qua. Chỉ trong năm ngoái, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay đến gần 1.000 tỉ euro, còn trong 10 tháng đầu năm nay cũng đã lên đến 777 tỉ euro.

Các chế độ ăn kiêng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trên lãnh vực xã hội, nhiều tờ báo Pháp hôm nay chú ý đến báo cáo của Cơ quan An toàn Thực phẩm, Môi trường và Lao động Quốc gia (Anses), theo đó không chỉ các loại dược phẩm, mà các chế độ ăn kiêng không có sự theo dõi của bác sĩ cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Chỉ những người béo phì mới thực sự cần ăn kiêng.

Các chuyên gia đã chỉ trích các biện pháp ăn kiêng cung cấp ít năng lượng, có thể gây nguy hại cho sức khỏe, nhất là đối với xương và cơ. Người ta quan sát thấy khi giảm cân 10%, khoáng chất trong xương cũng giảm mất 1 đến 2%. Các chế độ ăn kiêng nghèo năng lượng có thể gây ra tình trạng viêm, xơ hóa gan hay sỏi mật, làm rối loạn chuyển hóa cơ bản, gây ra các vấn đề về tim mạch. Và nhất là có đến 80% số người ăn kiêng lại tăng trọng trở lại một năm sau đó.

Vấn đề là hiện nay có trên 30% phụ nữ có chỉ số khối cơ thể IMC (L’indice de masse corporel) thuộc loại bình thường, và 15% phụ nữ thuộc loại gầy, tức là có chỉ số IMC dưới 22, đã từng theo đuổi các chế độ ăn kiêng để làm giảm cân. Nhưng nếu không béo phì, mà lại theo các chế độ ăn uống mất quân bình hay ít đa dạng sẽ nguy hiểm cho sức khỏe. Những người không thực sự cần giảm cân phải được thông báo về các hậu quả ngắn, trung và dài hạn. Và thực ra khi gầy đi thì không chỉ có lượng mỡ dự trữ giảm xuống, mà cơ thể cũng bị yếu đi vì khối cơ cũng giảm.

Sở dĩ cơ quan An toàn Thực phẩm, Môi trường và Lao động Quốc gia (Anses) phải vào cuộc, đó là vì có quá nhiều phương pháp dạy cách làm gầy trên Internet cũng như trên thị trường sách. Các chuyên gia của cơ quan này đã nghiên cứu 15 phương pháp, đặc biệt là các chế độ ăn kiêng không có sự theo dõi của các chuyên gia dinh dưỡng. Anses cho rằng những người béo phì muốn giảm cân cần được hỗ trợ trên nhiều phương diện, chứ không chỉ về chế độ ăn kiêng, và nhấn mạnh, cần phải ăn uống một cách quân bình, cũng như tập thể dục thể thao thường xuyên.

Những con dấu đen đè nặng lên người dân Nga

Nhật báo Le Monde quan tâm đến một tin vui cho người dân Nga, đó là việc đăng ký cư trú đã được đơn giản hóa, theo một đạo luật mới được công bố vào ngày 17/11. Từ nay, người Nga có thể tự do di chuyển trên toàn liên bang, cũng như người châu Âu thuộc không gian Schengen.

Từ 84 năm qua, đời sống của người dân Nga lệ thuộc khá nhiều vào con dấu đen đóng vào hộ chiếu. Được kiểm soát chặt bởi Staline vào năm 1932 để ngăn trở những người nông dân đói khổ nhập cư vào các thành phố, sau khi tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, chế độ này vẫn tồn tại cho dù gần đây đã có linh hoạt hơn.

Chỉ những người có giấy cư trú chính thức thường xuyên, tức là một loại hộ khẩu mới được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội, con cái được đến trường, được chăm sóc về y tế. Ở các khách sạn, bệnh viện, ngân hàng…đâu đâu người ta cũng bị hỏi giấy tờ cư trú. Nhưng kể từ 1/1/2011, những người dân có hộ khẩu tại vùng Viễn Đông của Nga chẳng hạn, đã có thể đến cư ngụ tại các thành phố lớn như Matxcơva, Saint Petersbourg mà không mất nhiều thì giờ cho các thủ tục hành chính. Có điều đây chỉ là cư trú tạm thời, từ 3 tháng đến 3 năm. Nhưng những người nhập cư không có hộ khẩu Matxcơva vẫn có thể chạy chọt để làm các loại giấy tờ giả, tuy họ vẫn phải trốn tránh sự kiểm soát của cảnh sát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.