Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Biến đổi khí hậu, tăng giá nguyên liệu : thảm họa của các nước nghèo nhất hành tinh

Hôm 25/11, Tổ chức Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát Triển (UNCTAD) công bố báo cáo thường niên về các nước kém phát triển nhất. Mang tựa đề "Một cấu trúc quốc tế mới cho sự phát triển", báo cáo cho biết, hiện tượng thay đổi khí hậu và biến động bất thường của thị trường nguyên liệu đe doạ các nước nghèo.

Chuyên gia bàn về tác động động của biến đổi khí hậu (REUTERS /P. Hackett)
Chuyên gia bàn về tác động động của biến đổi khí hậu (REUTERS /P. Hackett)
Quảng cáo

Báo Le Monde chạy tựa lớn trên trang 5 : « Khí hậu và sự tăng giá nguyên liệu là thảm họa của các nước nghèo nhất hành tinh ». Báo cáo cho biết, sau 30 năm vận hành, chương trình hỗ trợ quốc tế đã không giúp các nước này thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực. Những nước này thường có nhiều hạn hạn chế, như thu nhập đầu người dưới 905 đô la mỗi năm, phát triển con người yếu kém, thiếu sức kháng cự trước những biến động kinh tế. Tệ hại hơn nữa là lại có thêm một số quốc gia rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Năm 1971 chỉ có 25 nước, hiện tại con số này là 49.

Giải thích về nguyên nhân, báo cáo cho rằng, để giải quyết vấn đề xuất khẩu và cạnh tranh, người ta chỉ lo dành cho các quốc gia này những ưu đãi thương mại mà không trang bị cho họ phương tiện cần thiết để đương đầu với cạnh tranh. Và cuối cùng họ đã bị những nước đang phát triển qua mặt. Chẳng hạn như trong ngành xuất khẩu cà phê, Việt Nam đã vượt trội các quốc gia nghèo.

Lổ hổng thứ hai đó là từ 1980, các nỗ lực bình ổn thị trường nguyên liệu đã không hiệu quả trước làn sóng ‘‘kinh tế tự do’’, vì thế những cơ chế can thiệp đã bị hủy bỏ. Từ đó, các nước nghèo phải chơi vơi trước sự quay cuồng của thị trường. Cuối cùng, báo cáo quan ngại về hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo báo cáo, nhiệt độ trung bình của thế giới tăng 1°C sẽ kéo theo tỷ lệ tăng trưởng GDP của những quốc gia này giảm từ 2 đến 3 điểm. Khí hậu càng ngày càng diễn biến bất thường. Từ năm 2000 đến năm 2009, bão lụt, hạn hán đã tăng 5 lần so với giai đoạn 1970-1979, gây thiệt hại lên đến 14.1 tỷ đô la.

Trước thực trạng đó, UNCTAD cho rằng phải tăng mức hỗ trợ thường niên từ 4 tỷ đô la lên 17 tỷ đô la từ đây đến năm 2030. Về vấn đề nguyên liệu, báo cáo đề xuất việc chế biến tại chổ và đa dạng hóa nền kinh tế. Để đối phó với những bất thường của thị trường, báo cáo đề xuất bốn giải pháp : 1) Thiết lập một cơ chế hỗ trợ phi định kỳ nước gặp khó khăn do giá nguyên liệu, 2) Xây dựng kho dự trữ nguyên liệu để bình ổn thị trường, 3) Đánh thuế đầu cơ, 4) Thiết lập cơ chế cho vay mà việc hoàn vốn sẽ được tính theo tình hình, nhằm tạo thuận lợi cho nước vay trong những giai đoạn thu nhập thấp do giá nguyên liệu giảm.

UNCTAD đề nghị nên ưu tiên những đầu tư giúp tạo việc làm, một vấn đề rất cần thiết đối với những nước nghèo. Cuối cùng, bài báo cũng cảnh báo, vào năm 2017 , sẽ có 1 tỷ người sống ở các nước kém phát triển nhất, trong đó, 40% sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực.

Liên quan đến Việt Nam, báo Liberation đề cập đến quyển sách với tựa đề My Brother’s War tạm dịch Cuộc chiến của anh tôi, của nữ nghệ sỹ Hoa Kỳ Jessica Hines, viết về cuộc đời của người anh trai là Gary Hines, từng là quân nhân tham chiến ở Việt Nam.

Năm 1967, do thiếu người tình nguyện, chính phủ Mỹ đã huy động thanh niên nhập ngũ. Khi ấy, Gary là trụ cột của gia đình, phải nuôi cha mẹ đang lâm trọng bệnh và đứa em gái Jessica mới lên 8 tuổi. Thế nhưng, Gary không được miễn quân dịch, và phải từ giả quê hương. Jessica được gửi cho một người bà con. Mọi người từ đấy trông ngóng mòn mỏi thư của Gary, dù rất có thể khi nhận được thư thì anh đã ngã xuống nơi chiến trường.
Hai năm sau, Gary trở về, nhưng với bệnh rối loạn tâm thần và thương tật 50%. Tóc dài ngang lưng. Anh thường khóc. Sau đó, Gary đến sống với những người cựu chiến binh. Jessica đến thăm anh vào một mùa hè, khi ấy anh là nhân viên bưu điện. Rồi năm 1980, Jessia được tin sét đánh là Gary đã tự tử bằng súng. Khi ấy cô mới 21 tuổi, cô không biết Gary được chôn cất nơi nào.

Năm tháng trôi qua, Jessica đã là nghệ sỹ và giảng viên nhiếp ảnh. Cô thừa hưởng của người anh một hộp khá nặng mà từ lâu chưa ai mở ra xem. Đó là những bức thư của Gary, hình ảnh anh chụp ở Việt Nam, huy chương, quân hàm, tự điển Anh-Việt… Và thế là Jessica bắt đầu tìm về quá khứ trong nước mắt.
Cô ngược dòng cuộc đời của Gary, tìm về mộ anh, cô đến Việt Nam, đến thăm nơi anh ở khi Gary trở về Mỹ. Mỗi chặng đường cô đều ghi lại hình ảnh .

Trong từ điển Anh-Việt, cô cũng tìm thấy bằng chứng xúc động về mối tình giữa Gary và một thiếu nữ Việt Nam, mà có thể bà sẽ không bao giờ biết mặt. Tại Washington, Jessica đã đặt quân hàm của Gary dưới chân đài tưởng niệm các ‘‘anh hùng’’ chết trong cuộc chiến Việt Nam, một tượng đài chỉ ghi tên những người chết và mất tích trên trận địa nhưng không ghi tên những quân nhân nào bị thương tổn về thể xác lẫn tinh thần, những người đã tự tử sau cuộc chiến. Những người mà Jessica cho rằng « Chết quá sớm so với tuổi đời, nhưng lại quá muộn so với thời kỳ chiến tranh để được ghi bảng anh hùng ».

Đến với kinh tế Trung Quốc, Le Figaro cho biết : « Lĩnh vực mua bán qua mạng của Trung Quốc đang mở cửa cho các nhãn hiệu lớn ». Từ lâu giới kinh doanh e ngại phát triển họat động kinh doanh qua mạng ở Trung Quốc bởi mạng Internet của nước này lắm điều rắc rối. Thế nhưng, đại gia trong lĩnh vực này của Trung Quốc là hãng Taobao đã chiếm lĩnh 75% thị phần và qua mặt đối thủ eBay Hoa Kỳ chỉ trong vòng 2 năm.  Là thị trường mạng lớn nhất thế giới, với 420 triệu người sử dụng Internet, trong đó 1/3 là khách hàng. Vì thế, cuối cùng sức hấp dẫn này đã đánh bại mọi điều nghi ngại.

Hôm qua nhãn hiệu Armani Ý đã cho khai trương trang bán hàng qua mạng. Armani thu từ Trung Quốc 10% trên toàn bộ doanh thu. Với trang mạng này, Armani hy vọng sẽ tăng thị phần hơn nữa ở thị trướng khổng lồ này. Với mức tăng 117% lượng bán hàng qua mạng, với mức thu là 30 tỷ euro năm 2009, thị trường Trung Quốc tiếp tục thu hút. Từ năm 2006, hãng Sophera cũng tăng thị phần ở thị trường này nhờ giao dịch qua mạng. Tập đoàn Uniqlo Nhật Bản đã liên kết với Taobao với mục tiêu đạt 10% trên tổng doanh thu từ Trung Quốc, nhờ bán hàng qua mạng. Tháng rồi, Apple cũng mở trang giao dịch mạng, một phần trong chiến dịch tái chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Đại gia phân phối Hoa Kỳ Wal-Mart được xem là người cuối cùng thông báo mở trang giao dịch mạng. Thế nhưng, Le Figaro cho rằng, Wal-Mart sẽ không giữ vị trí cuối cùng này không lâu lắm.

Hôm nay, đa số các báo Pháp đều tiếp tục quan tâm tình hình căng thẳng giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, đáng chú ý nhất là bài xã luận đăng trên trang nhất báo Le Monde, với dòng tít « Những khiêu khích chết người của Bắc Triều Tiên ».

Tác giả cho rằng Bình Nhưỡng thật ra là một chế độ hiếu chiến. Nước này vừa chứng tỏ điều đó khi cho nã pháo vào Hàn Quốc làm 4 người phải thiệt mạng oan uổng. Trước đó vào tháng 3, nước này cũng đã đánh chìm chiến hạm Hàn Quốc làm chết 46 thủy thủ.  Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn là một trong những chế độ độc tài kinh khủng nhất hành tinh. Chế độ này gieo rắc kinh hoàng và nghèo khổ cho 23 triệu dân. Khi chế độ này sụp đổ, người ta sẽ tìm thấy hàng loạt các nhà tù, nơi mà hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người phải chết lần chết mòn trong đói khát và do bị tra tấn.

Tác giả cũng lên án việc chỉ một gia đình họ Kim cai quản vận mệnh cả dân tộc : từ Kim Nhật Thành, người sáng lập chế độ, đến Kim Jong-il, và sắp tới ông này sẽ truyền ngôi lại cho người con út là Kim Jong-un. Giải thích cho nguyên nhân tồn tại lâu dài của chế độ này, tác giả cho rằng, trước tiên là do chế độ đã trang bị được cho đất nước họ vũ khí hạt nhân, kế đến là do gia đình họ Kim được Trung Quốc bảo hộ.

Về câu hỏi tại sao có vụ nã pháo nói trên, các chuyên gia không thống nhất trong quan điểm. Có người cho rằng đó là dấu hiệu của một cuộc chuyển giao quyền lực đầy khó khăn, một chế độ chia rẻ và rối rắm. Người khác lại nhận định đó là dấu hiệu Bắc Triều Tiên muốn nối lại đàm phán về các biện pháp cấm vận chống lại nước này, và về khả năng giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Được cộng đồng quốc tế ủng hộ, hiện tại Hàn Quốc vẫn phản ứng một cách ôn hòa. Hiện tại, nước này còn thiếu sự ủng hộ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã từ chối lên án vụ tấn công hôm thứ ba. Bắc Kinh rất lo sợ chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Vì như thế sẽ gây ra một làn sóng di dân khổng lồ đến lãnh thổ Trung Quốc. Hơn nữa, nếu hai miền Triều Tiên thông nhất, thì quân đội Hoa Kỳ sẽ có thể có mặt ở gần ranh giới Trung Quốc. Cuối cùng tác giả nhận định, không lên án vụ nã pháo vừa qua có nghĩa là Trung Quốc khuyến khích Bắc Triều Tiên lao vào những cuộc phiêu lưu hiếu chiến khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.