Vào nội dung chính
HOA KỲ - WIKILEAKS

Các tiết lộ của WikiLeaks ngày càng khuấy động quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước

Các tài liệu ngoại giao của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ từ chủ nhật cho đến nay ngày càng gây bất bình cho lãnh đạo nhiều nước, từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Achentina, Venezuela...Vụ scandale này chắc chắn sẽ được đề cập đến tại các hội nghị quốc tế sắp tới, và tiếp tục gây xáo trộn cho bang giao quốc tế vì đã để lộ các toan tính thật sự đằng sau các ngôn từ ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu về vụ WikiLeaks tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 29/11/2010.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu về vụ WikiLeaks tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 29/11/2010.
Quảng cáo

Đầu tiên là Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Ông đã không thích thú chút nào khi được biết các quan chức Mỹ gọi Nga là là một quốc gia do cơ quan tình báo lãnh đạo, rằng thành phố Matxcơva nằm trong vòng ảnh hưởng của mafia và Tổng thống Dmitri Medvedev đóng vai trò như là « Robin cho Batman Putin ». Ông Putin cũng đã phản ứng rất mạnh khi được biết là biện lý Tây Ban Nha José Gonzales nói với các quan chức Mỹ rằng ông xem Nga gần như là một « quốc gia mafia », nơi mà « không ai có thể phân biệt giữa các hoạt động của chính phủ với hoạt động của những tổ chức tội phạm ».

Tại Thỗ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan rất giận dữ khi được biết ông bị tố cáo có những tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ. Còn chính phủ Bolivia đã phải vội cải chính, vì trong các bức điện ngoại giao của Mỹ, Tổng thống Evo Morales bị nghi là ung thư ở mũi. Tại Achentina, một bộ trưởng nước này cho rằng thật là « đáng xấu hổ », khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, trong một bức điện, đã yêu cầu các nhà ngoại giao tìm hiểm về sức khỏe tâm thần của nữ Tổng thống Cristina Kirchner. Rất may là bản thân bà Kirchner đã tế nhị không lên tiếng về điều này, để khỏi gây thêm khó xử cho Washington. Nhưng còn về phần Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thì dĩ nhiên đã ngay lập tức lên án Hoa Kỳ và yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ từ chức, thậm chí đề nghị nghiên cứu sự «cân bằng về tâm thần » của bà Clinton.

Các bức điện ngoại giao cũng cho thấy là Hoa Kỳ lo ngại trước quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Iran với Venezuela cũng như với Brazil và Bolivia, sợ rằng điều đó sẽ làm gia tăng sản lượng uranium ở châu Mỹ Latin.

Vụ scandale này chắc chắn sẽ được đề cập đến tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ-bán đảo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vào cuối tuần này tại Achentina. Ngày mai, tại diễn đàn về an ninh khu vực ở Bahrein, Ngoại trưởng Clinton sẽ phải đối đầu vớì nhiều quan chức các nước Ảrập, vốn rất khó chịu về nội dung các tài liệu ngoại giao bị tiết lộ. Đa số các nước trong vùng đều đã bác bỏ những tiết lộ của WikiLeaks, theo đó, những nước này đã ủng hộ giải pháp quân sự chống Iran, trong khi về mặt chính thức, họ kêu gọi một giải pháp hòa bình.

Tại hội nghị thưởng đỉnh Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu ở Kazakhstan, Ngoại trưởng Clinton cũng đã phải gặp để xoa dịu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon, người mà theo tiết lộ của các tài liệu ngoại giao, đã bị Hoa Kỳ bí mật theo dõi.

Nhiều nước đồng minh thân cận của Mỹ cũng ngày càng gặp rắc rối chẳng hạn như Anh quốc, vì theo các tài liệu mới được WikiLeaks công bố, tuy đã ký hiệp định cấm bom chùm, nhưng Luân Đôn đã lại cho phép Hoa Kỳ tàng trữ các bom này trên lãnh thổ nước Anh.

Tóm lại, những tài liệu mà WikiLeaks đã và sẽ tiếp tục công bố đang gây xáo trộn càng nhiều cho bang giao quốc tế, vì những tài liệu này để lộ các toan tính thật sự đằng sau các ngôn từ ngoại giao.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.