Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NHẬP CƯ

Hy Lạp, cửa ngõ chính vào châu Âu của dân nhập cư trái phép

Đa số dân nhập cư trái phép vào châu Âu chọn Hy Lạp làm nơi " quá cảnh". Họ không đi theo đường nối Tây Ban Nha và Ý, mà đi từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đến ranh giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp. Le Figaro phản ảnh hiện tượng này qua bài viết « Hy Lạp, lối vào của người nhập cư bất hợp pháp ».

Một người ăn xin trên đường phố Hy Lạp ngày 1/12/2010.
Một người ăn xin trên đường phố Hy Lạp ngày 1/12/2010. Reuters
Quảng cáo

Le Figaro cho biết, 90% người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu đều « quá cảnh » qua Hy Lạp. Phân nửa trong số họ, tức khoảng 39.000 người tính từ đầu năm nay, là đi qua vùng Thrace ở ranh giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi đêm, có khoảng từ 120 đến 350 người bị bắt.

Mỗi buổi sáng, xe buýt của công ty Ktel đỗ trước cổng trung tâm tạm giữ Filakio, một ngôi làng nhỏ thuộc vùng Thrace Hy Lạp, nơi tạm giữ người nhập cư trái phép bị bắt ở biên giới. Sau đó, từ trung tâm này, những người bị tạm giữ đó ra xe buýt đi đến thủ đô Athènes, để sau đó trở về xứ sở, có thể là Afghanistan, Irak, Algérie hoặc Châu Phi.

Trung tâm Filakio được xây dựng cách đây 12 năm, có sức chứa 372 người. Thế nhưng, số người bị bắt là thường xuyên và rất đông, nên mỗi ngày các nhà chức trách buộc phải đưa người cũ đi để đón người mới vào.

Một quan chức cảnh sát Hy Lạp cho biết, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã không làm tròn nhiệm vụ khi để mọi người mặc tình qua lại , và từ chối nhận lại người nhập cư bị bắt, trái với tinh thần của thỏa thuận mà hai nước đã ký vào năm 2002. Tệ hơn nữa cho Hy Lạp là, theo thỏa thuận Dublin được ký kết giữa 30 quốc gia (27 nước trong Liên hiệp châu Âu và Na Uy, Thụy Sỹ, Iceland), các quốc gia Châu Âu được quyền trả lại nước này những người nhập cư bất hợp pháp qua đường Hy Lạp.

Trong khi đó, ở Athène, hiện tại có khoảng 300 000 người nhập cư bất hợp pháp đến từ 40 quốc gia, đang sinh sống. Không giấy tờ, không việc làm, họ dần lao vào con đường phạm tội. Tình hình lại càng nghiêm trọng khi các tổ chức mafia mại dâm và buôn bán ma túy quốc tế lại thu hút nhóm người này.

Về phần những người nhập cư, ai cũng muốn rời khỏi Athène. Thế nhưng, chi phí đến Ý lên tới 1.500 euro. Chi phí đến Pháp, Anh hay  ức còn cao hơn nhiều. Phần lớn họ muốn trở lại quê nhà, nhưng đường về cũng rất khó khăn. Các đại sứ quán nước họ, do có quá nhiều đơn xin hồi hương, cũng ngần ngại chi tiền cho việc hồi hương.

WikiLeaks, sự độc tài về minh bạch

Liên quan đến việc tuần này WikiLeaks lại làm điên đảo các chính phủ, báo giới tập trung phân tích quyền minh bạch thông tin. Nhật báo Libération phân tích vấn đề này với bài viết của sử gia Elisabeth Roudinesco thuộc đại học Paris VII Pháp. Bài viết chạy dòng tít «WikiLeak, sự độc tài về minh bạch».

Tác giả nhận định, từ khi Internet có thể phát tán mọi thứ thông tin, những tên tin tặc cố làm cho độc giả của họ tin rằng toàn bộ quốc gia trên thế giới đều toan tính « nô lệ hóa » dân chúng. Như vậy, dân chúng có thể là nạn nhân, họ không hề ý thức được sức mạnh đen tối và phản dân chủ dựa trên sự ngự trị của tội ác và tham nhũng. Đấy là ý đồ của « tên hacker » Julian Assange, người tự cho mình là ân nhân của nhân loại.

Thế nhưng, hiện tại người này rơi vào cảnh « gậy ông đập lưng ông », khi bị tấn công bởi chính những tín đồ của mình. Họ trách ông chấp nhận cho các tờ báo mà WikiLeaks tiết lộ tài liệu, được phép chọn lọc thông tin trong các trang tài liệu. Những người này cho rằng Assange đã hành động theo kiểu độc tài và đã vi phạm nguyên tắc minh bạch thông tin tuyệt đối. Họ muốn mọi quyết định phải được mọi người tham gia đóng góp.

Chế độ độc tài về quyền minh bạch thông tin này vừa tích cực và cũng tiêu cực. Nhờ vào nó mà tội ác của các quốc gia được phơi bài trước quần chúng, như việc tra tấn, hãm hiếp… Nhưng cũng chính vì nó mà những suy luận thiếu căn cứ cũng có thể mang vẻ hợp lý.

Theo tác giả, quan chức thì cũng có những đặc tính chung của con người. Sau lớp vỏ bề ngoài dành riêng cho ngoại giao, thì sau lưng họ cũng có thể chửi mắng, hay đánh giá gay gắt về một sự việc. Dưới góc độ đó, để tái lập sự cân đối giữa tính cần thiết phải giữ bí mật và sự cần thiết được minh bạch thông tin, sắp tới chúng ta cần tìm ra giải pháp hữu hiệu chống lại « hành động ngu ngốc trẻ thơ » của những tên « độc tài minh bạch thông tin mới ».

Kinh tế Mỹ đã khả quan hơn

Liên quan đến kinh tế Hoa Kỳ, Le Figaro cho biết kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu khả quan, chỉ còn lĩnh vực việc làm là còn đáng lo ngại.

Số liệu được công bố hôm qua về chi tiêu xây dựng trong tháng 10 đã tăng 0.7%. Lĩnh vực bất động sản vốn bị khủng hoảng từ năm 2007 có vẻ ổn định. Cục Dự trữ Liên bang cũng ghi nhận tình hình có cải thiện này.

Tháng rồi, 4 trên 6 ngân hàng phát hành thẻ tín dụng ở Mỹ cho biết hiện tượng trả nợ trễ hạn đã giảm, đạt mưc thấp nhất tính từ đầu năm.

Mặc khác, lòng tin của người dân cũng tăng đáng kể. Người dân đã đổ xô đến mua sắm ở các cửa hàng vào cuối tuần. Phiên mua sắm cuối năm của người dân cũng tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 212 triệu người đã đến các cửa hàng để tìm hàng giảm giá. Ngành ô tô cũng có tin mừng, khi lượng bán ra của hãng General Motors đã tăng đến 11%.

Trong lĩnh vực việc làm, dù có nhiều tiến triển, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, ở mức 9.6%.

Chất hóa học có hại trong thực phẩm trẻ em ở Pháp

Cuối cùng chúng ta đến với một thông tin đáng chú ý liên quan đến an toàn thực phẩm. Nhật báo Le Monde loan tin về việc tìm thấy chất hóa học có hại trong thực phẩm trẻ em ở Pháp.

Theo một nghiên cứu vừa được công bố kết quả hôm qua, trong một ngày một trẻ em 10 tuổi ở Pháp có thể bị đe dọa bởi 81 chất hóa học có hại. Trong đó, 42 chất được xếp vào loại chất « có thể gây ung thư », và 5 chất là « chắc chắn gây ung thư ». 37 chất cũng gây rối loạn nội tiết.

Cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 7 đến tháng 9. Nhóm điều tra vào các siêu thị mua thực phẩm cần thiết cho ba bữa ăn hàng ngày của một trẻ em 10 tuổi, sau đó gửi đi cho các trung tâm phân tích độc lập xác định lượng chất hóa học gây hại có trong thực phẩm.

Tuy vậy, nghiên cứu cho biết, những chất gây hại này điều nằm trong giới hạn pháp luật cho phép. Vấn đề là ở việc tiếp xúc thường xuyên với các chất này. Một giáo sư thuộc đại học Paris V cũng chia sẻ quan điểm này, khi cho biết lượng chất hóa học độc hại là không cao, nhưng vấn đề là tiếp xúc lâu ngày sẽ rất có hại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.