Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Thượng đỉnh Cancun : Nhật Bản dập tắt hy vọng gia hạn nghị định thư Kyoto

Nhật báo Le Monde hôm nay qua tâm đến một vấn đề toàn cầu vẫn đang kéo dài chưa biết bao giờ mới có hồi kết đó là khí hậu, nhân hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu đang diễn ra từ ngày 29 tháng 11 đến ngày 10 tháng 12. Tờ báo nhận thấy tại thượng đỉnh Cancun chính lập trường của Nhật Bản lại là nước gây cản trở cho việc gia hạn nghị định thư Kyoto.

Đâi diện tổ chức phi chính phủ  bảo vệ Nghị định thư Kyoto (KP:Kyoto Protocol). Ảnh ngày 02/12/2010, tại Cancun.
Đâi diện tổ chức phi chính phủ bảo vệ Nghị định thư Kyoto (KP:Kyoto Protocol). Ảnh ngày 02/12/2010, tại Cancun. Reuters
Quảng cáo

Theo tác giả bài báo thì trong cuốn phim ngoại giao dài tập « thượng đỉnh khí hậu » như điều người ta vẫn dự đoán Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là những nhân vật phản diện, thế nhưng điều bất ngờ tại hội nghị Cancun lần này là Nhật Bản lại đóng vai đó. Hôm mùng 1 tháng 12, thứ trưởng bộ Môi trường Nhật Hideki Minamikawa đã khẳng khái nêu lập trường của chính phủ Nhật rằng Tokyo sẽ không ký, dưới bất kỳ hình thức hay bất kỳ điều kiện nào vào văn bản cam kết giai đoạn thứ hai của nghị định thư Kyoto(giai đoạn một sẽ hết hiệu lực vào năm 2012).

Theo Le Monde thì quả là mỉa mai cho lịch sử, khi mà chính đất nước này đã chứng kiến sự ra đời của nghị định thư Kyoto năm 1997 thì nay lại ký vào giấy khai tử cho văn kiện tại Cancun. Hơn thế nữa, thái độ lập trường của Nhật Bản có nguy cơ tạo ra hiệu ứng dây truyền, dẫn đến một thất bại tổng thể nữa trên vân đề bảo vệ khí hậu sau Hội nghị thượng đỉnh Copenhaguen hồi cuối năm 2009 và làm lung lay các cơ chế tài chính quản lý khí thải carbone. Các nhà đàm phán của châu Âu đều cảm thấy bất ngờ trước thái độ của Nhật Bản mà có thể sẽ gây hậu quả cho các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu.

Cho đến giờ, nghị định thư Kyoto vẫn là công cụ pháp lý duy nhất quy định các ràng buộc về con số cụ thể đối với các nước công nghiệp phát triển (ngoại trừ Hoa Kỳ là nước không ký vào nghị định thư) trên vấn đề phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì thế mà tạo ra bước tiếp nối cho văn kiện này là mục tiêu chính của hội nghị Cancun. Các nước đang phát triển xem đây là một điều kiện chủ chốt để một ngày nào đó tiến tới hiệp ước toàn cầu về vấn đề khí hậu. Còn đối với các nước phát triển, theo như một nhà đàm phán châu Âu tại hội nghị thì « Nghị định thư Kyoto liên quan đến tất cả mọi nước, ta có thể mong đợi ở Cancun những quyết định ở tầm mức cao nhất ».

Tuy nhiên Le Monde cũng nhận thấy, chỉ có châu Âu đơn độc đấu tranh cho việc gia hạn Nghị định thư Kyoto. Một số nước lớn như Canada hay Nga đều không muốn điều này. Úc và New Zeland cũng tỏ ra không mấy hăng hái lắm. Từ nhiều tháng nay Nhật Bản đã đánh tiếng cho thấy lập trường của mình, nhưng các nước châu Âu vẫn hy vọng sẽ làm Tokyo thay đổi quan điểm và như vậy sẽ kéo nhiều nước khác đi theo. Phát biểu của đại diện Nhật Bản tại hội nghị đã như một gáo nước lạnh dội vào quyết tâm của các nước châu Âu. Ông Minakawa biện minh rằng : « Việc gia hạn Nghị định thư Kyoto chẳng có nghĩa gì khi mà các nước ký vào văn bản chỉ chiếm 27% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu ». Đồng thời ông cũng nhấn mạnh thêm rằng các nước ký tên vào hiệp định Copenhaguen (một văn bản không có ràng buộc pháp lý nào) vẫn chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu. Vì Vậy điều mà Nhật Bản yêu cầu đó là phải mau chóng thông qua các văn bản ràng buộc pháp lý dựa trên thỏa thuận đạt được tại Copenhaguen. Theo các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường thì đề nghị này có như là đánh đố nhau, phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thiện được hiệp định như vậy.

Trong mớ bòng bong đó, tờ báo đặt câu hỏi, liệu còn có khả năng để cứu vớt Nghị định thư Kyoto nói riêng hay và hội nghị Cancun nói chung hay không ? Để trả lời tác giả dẫn lời của một quan chức Liên Hiệp Quốc về khí hậu « Do các lập trường về Nghi định thư Kyoto khác nhau nên tại Cancun sẽ không thể có được quyết định triệt để theo hướng này hay hướng khác, các bên sẽ phải tìm ra một thỏa hiệp chấp nhận được ». Nói tóm lại Cancun rồi cũng sẽ thất bại như các hội nghị về môi trường toàn cầu trước đây mà thôi.

 Tiết lộ bí mật của Wiikileaks bắt đầu tràn sang châu Á

Trong suốt cả tuần nay, các tiết lộ bí mật ngoại giao trên mạng Wikileaks vẫn không ngớt gây xôn xao thế giới và gây tổn hại dến bầu không khí ngoại giao của Hoa Kỳ với các nước. Nếu ban đầu những tiết lộ bí mật của các bức điện mật đánh đi từ sứ quan Mỹ ở khắp nơi trên thế giới chủ yếu liên quan đến các nước lớn, giờ đây cơn gió Wikileaks bắt đầu thổi sang châu Á gây ra những đợt sóng đầu tiên ở Thái Lan.

Báo The Nation hôm nay cho biết đó chính là những tiết lộ của Wikileaks về những báo cáo của đại sứ Mỹ tại Bangkok Eric John về cuộc đấu ngoại giao tay ba giữa Hoa Kỳ, Thái Lan và Nga xung quanh vụ dẫn độ nghi phạm trùm lái súng Victor But sang Mỹ cách đây vài tháng.

Có hai bức điện mật liên quan đến nội dung trên đã được W ikileak tung ra. Bức điện thứ nhất nói về cuộc họp giữa đại sứ Mỹ Eric John với thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva hôm 12 tháng giêng, trong đó ông Abhisit đã hứa với đại sứ Mỹ trong vụ dẫn độ Victor But rằng có thể ông sẽ điều chỉnh những điều « bất cập » . Đại sứ Mỹ đã gửi về nước bức điện với nội dung « có những dấu hiệu đáng lo ngại trong vụ V. But. Phía Nga đang dùng tiền và ảnh hưởng của mình để ngăn cản việc dẫn độ ».

Bức điện mật thứ hai, được gửi sau khi tòa án Thái Lan bác bỏ yêu cầu dẫn độ, cho thấy đại sứ Mỹ đã can thiệp ngay tức thì đối với bộ Ngoại giao Thái, yêu cầu phải gửi ngay tài liệu cần thiết và cho biết Mỹ sẽ kháng án .

Báo The Nation gọi những chi tiết trên đây mới chỉ là đợt sóng đầu tiên của cơn sóng thần sẽ làm phơi bầy sự thật về màn đấu đá trong vụ Victor But, vốn đã gây tổn hại không ít trong quan hệ ngoại giao của Thái Lan với Nga. Tờ báo nhận thấy vì là nước nhỏ bị kẹp giữa hai cường quốc nên Thái Lan cũng không bị ảnh hưởng nhiều trong việc phát tán các tài liệu trên. Các tài liệu trên chỉ chứng minh một điều là Bangkok đã phải chịu sức ép như thế nào trước hai ông bạn lớn vì một chuyện nhỏ. Các thông tin tiết lộ liên quan đến vụ Victor But chủ yếu vẫn liên quan đến hai nước Nga và Mỹ nhiều hơn, nhưng Thái Lan cũng cần phải biết rút ra bài học và dè chừng, biết đâu rồi đây sẽ còn những tin động trời khác liên quan đến Thái lan lại được tung ra.

Nga bất ngờ giành quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới 2018

Một tin tức thời sự nổi bật khác thu hút các báo ra hôm nay là ngày hôm qua tại Zurich, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã trao quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới 2018 cho Nga và 2022 cho Qatar. Bất ngờ lớn cho cả hai quốc gia lần đầu được quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới.

Theo báo Le Figaro : Trong khi mà Anh là ứng cử viên đầy triển vọng thì cuối cùng Nga lại giành quyền đăng cai Cúp thế giới 2018. Một bất ngờ lớn cho cả người thua cuộc cũng như thắng cuộc. Nhất là khi bước vào cuộc bỏ phiếu này đối thủ cạnh tranh Anh quốc không phải là Nga mà là Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha. Nga thì không hề mảy may có triển vọng nào. Đặc biệt FIFFA đã bỏ qua các điểm yếu của Nga như về hạ tầng cơ sở, công nghệ cao cấp mà vẫn hy vọng vào sự cố gắng của Nga trong tương lai. Cũng có thể do nước Anh năm 2012 giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè nên đã ảnh hưởng đến cuộc bầu chọn của FIFA ?

Nga, nước chưa từng một lần có vinh dự được tổ chức Cúp bóng đá thế giới, kể cả thời còn là Liên Xô, đã giành thắng lợi lịch sử. Theo Le Figaro thì có được thành công này là nhờ công sức đầu tư của thủ tướng Nga rất nhiều. Khi lên làm thủ tướng, ông Poutine đã đặt việc giành quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới 2018 là một ưu tiên của chính phủ. Chúng ta còn nhớ, với quyết tâm lớn mà ông Poutine đã làm cho Nga có được quyền đăng cai Thế vận hội Olympic mùa đông 2014 tại Sotchi.

Với Nga thì đây là chiến thắng lịch sử còn với nước Anh thì là kẻ thất bại lớn. Ngày hôm nay báo chí tại Anh Quốc quay sang trút giận lên tổ chức bóng đá thế giới FIFA, khẳng định việc bỏ phiếu đã bị gian lận gây bất lợi cho nước Anh. Tờ báo The Sun chạy tựa trang nhất «Gian lận » mà theo tờ báo thì « Nga đã biết trước kết quả bỏ phiếu ».

Cựu giám đốc điều hành đội tuyển Anh Terry Venables coi đây là cuộc bỏ phiếu đáng « xấu hổ » và ông còn dành những lời trỉ trích nặng nề khác trên báo cho tổ chức bóng đá thế giới. Ông nói : «Một nỗi xấu hổ lớn. Xấu hổ cho nước Anh, cho bóng đá và xấu hổ cho FIFA ». Một tờ báo khác là Daily Mirror cũng với giọng hậm hực với FIFA : « Nga, một nhà nước mafia mục ruỗng đến tận xương tủy vì tham nhũng ; Qatar, vương quốc thời Trung cổ không có tự do ngôn luận,  cả hai nước đang bơi trong tiền bán dầu mỏ mà thôi », đồng thời tờ báo cũng không quên tố cáo FIFA đã bị « mua ».

Trong bài xã luận, tờ Times đã chỉ mặt tố cáo nạn tham nhũng trong lòng FIFA, bài báo đánh giá « hệ thống bầu cử chọn các nước đăng cai Cúp thế giới của FIFA bị tham nhũng trầm trọng, rất dễ thao túng và quá bí ẩn ». Trước những phản ứng như vậy, thủ tướng Nga Vladimir Poutine đánh giá những cáo buộc của báo chí Anh là « không thể chấp nhận được ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.