Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Cancun thông qua "Qũy xanh vì khí hậu"

Gần 200 quốc gia họp tại hội nghị khí hậu Cancun, Mehico từ 12 ngày qua, hôm nay đã thông qua được thỏa thuận về các phương thức mới nhằm đấu tranh chống lại tình trạng thay đổi khí hậu, trong đó có việc thành lập quỹ xanh, còn việc thương lượng về tương lai của Hiệp ước Kyoto được dời sang năm 2011.

Theo các tổ chức môi trường, hội nghị Cancun chỉ mới cứu vãn tiến trình đàm phán về khí hậu (REUTERS)
Theo các tổ chức môi trường, hội nghị Cancun chỉ mới cứu vãn tiến trình đàm phán về khí hậu (REUTERS)
Quảng cáo

Toàn bộ các đại biểu tham dự đã đứng lên hoan hô, khép lại trang sử buồn sau thất bại của hội nghị Copenhague năm ngoái. Trong số các biện pháp được đề ra, có việc thành lập một « Quỹ xanh vì khí hậu » nhằm giúp đỡ các nước nghèo có thể thích ứng được với hiện tượng khí hậu thay đổi, bảo vệ các khu rừng nhiệt đới và san sẻ các hiểu biết về kỹ thuật sinh thái.

Như vậy thỏa thuận đã tái khẳng định mục tiêu đã đưa ra trong hội nghị Copenhague là sẽ dành 100 tỉ euro mỗi năm, kể từ năm 2020, để hỗ trợ các nước đang phát triển. « Quỹ xanh vì khí hậu » sẽ chiếm một phần quan trọng trong ngân sách trên, và Ngân hàng Thế giới sẽ tạm quản lý trong ba năm, tuy nhiên thỏa thuận vẫn chưa xác định làm thế nào để gây dựng được quỹ này.

Do trước hội nghị Cancun, hy vọng thành công là rất mong manh, nên việc đạt đến một thỏa thuận dù chỉ tương đối, cũng đã được xem là một thắng lợi. Thỏa thuận Cancun có được sự cam kết của gần 200 quốc gia, trong khi thỏa thuận Copenhague chỉ được 140 nước ký kết. Nhiều nước đang phát triển cũng như Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận đã đạt được sau 12 ngày thương lượng căng thẳng.

Bộ trưởng Ngoại giao Mehico đánh giá, « Đây là một kỷ nguyên mới trong hợp tác quốc tế về vấn đề biến đổi khí hậu ». Người phụ trách hồ sơ Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc nhận xét: « Đây là lần đầu tiên các nước đồng thuận được về một tổng thể các biện pháp và công cụ rộng rãi để hỗ trợ cho các nước đang phát triển ».

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ cho rằng điều quan trọng nhất là tiến trình đa phương này tuy mức xuất phát gần như là số không, nhưng đã nhận được sự tiếp sức. Người đồng nhiệm Na Uy thì vui mừng trước việc tái lập được lòng tin nơi Liên Hiệp Quốc. Nhưng các tổ chức phi chính phủ về môi trường tỏ ra dè dặt hơn. Đại diện Greenpeace cho là « Cancun có thể cứu vãn được tiến trình nhưng vẫn chưa cứu được vấn đề khí hậu ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.