Vào nội dung chính
ĐỨC

Chính sách cứng rắn của Thủ tướng Đức gây lo ngại

Vào thời điểm hội nghị thượng đỉnh châu Âu sẽ diễn ra tại Bruxelles vào ngày mai, quan điểm không khoan nhượng của Thủ tướng Đức, được mệnh danh là « Madame Non » - tạm dịch Người phụ nữ luôn nói Không, đã ảnh hưởng xấu cho hình ảnh của nước Đức, một quốc gia lâu nay vẫn được xem là gắn bó với châu Âu nhất và hiện đang là đầu tàu của cựu lục địa.

Thủ tướng Angela Merkel đang phát biểu ở Hạ viện Đức tại Berlin ngày 15/12/2010.
Thủ tướng Angela Merkel đang phát biểu ở Hạ viện Đức tại Berlin ngày 15/12/2010. Reuters
Quảng cáo

Đức có còn thích ở lại với Liên hiệp châu Âu hay không ? Đó là tựa lớn trên trang nhất nhật báo công giáo La Croix hôm nay. Tờ báo dành hai trang cho chủ đề này, với bài viết chính mang tựa đề « Bà Angela Merkel làm người Đức mất phương hướng trước châu Âu ».

Thông tín viên của La Croix tại Berlin nhận xét, ở thời điểm hội nghị thượng đỉnh châu Âu sẽ diễn ra tại Bruxelles vào ngày mai, quan điểm không khoan nhượng của Thủ tướng Đức, được mệnh danh là « Madame Non » - tạm dịch Người phụ nữ luôn nói Không, đã ảnh hưởng xấu cho hình ảnh của nước Đức, một quốc gia lâu nay vẫn được xem là gắn bó với châu Âu nhất.

Câu hỏi « Liệu nước Đức có còn gắn bó với đồng euro và châu Âu hay không ? » đang được các đối tác của nền kinh tế mạnh nhất cựu lục địa đặt ra. Các điều kiện khắt khe mà bà Angela Merkel đặt ra để cứu vãn Hy Lạp hồi mùa xuân, và với các nước khác vào mùa thu này, được tờ báo kinh tế của Đức Handelsblatt xem là « một Hiệp ước Versailles không cần chiến tranh ». Bài xã luận của tờ báo nhận định : « Bà Merkel tiếp tục đè bẹp những ai đã xuống tận đất đen rồi ». Theo tờ báo, thì chính sách này đối nghịch với những gì Hoa Kỳ đã đối xử với nước Đức năm 1947, với kế hoạch Marshall đã giúp cho một nước Đức bại trận sau đệ nhị thế chiến có thể gượng dậy.

Ngay cả tại Đức, người ta cũng tự hỏi liệu một chính sách cứng rắn có còn là giải pháp đúng đắn, khi mà việc đóng băng tiền lương và cắt giảm thẳng thừng chi tiêu ngân sách có nguy cơ làm nạn nhân bị nghẹt thở thay vì giúp hồi sinh ? Những người ủng hộ chủ trương nên đưa ra khỏi khu vực đồng euro các nước yếu kém như Hy Lạp hay Ailen, vẫn đang cao giọng tại Berlin. Nhưng phía những người bảo vệ ý tưởng Eurobonds, trái phiếu châu Âu cũng bắt đầu lên tiếng. Bà Angela Merkel cũng bị phe bảo thủ chỉ trích là đã nhượng bộ Bruxelles khi chấp nhận thành lập quỹ cứu vãn đồng euro.

Hans-Olaf Henkel, cựu chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức, trước đây vốn ủng hộ đồng tiền chung châu Âu, nay đã thay đổi ý kiến. Ông vừa xuất bản một cuốn sách, trong đó đề nghị thiết lập « hai đồng euro » - một đồng euro mạnh với Đức và Áo, Hà Lan, còn đồng euro yếu với Pháp và các nước Nam Âu. Tuy sách này bán rất chạy, nhưng một cuộc điều tra mới nhất cho thấy người dân Đức xem chừng đã hoàn toàn xem đồng mác là quá khứ. Chỉ có 36% muốn quay lại với đồng mác cũ, hầu hết là giới bình dân, có đến 60% gắn bó với đồng euro, và tỉ lệ này lên đến 80% trong giới trí thức. Một nhà kinh tế nhận định : « Không ai muốn liên minh tiền tệ tan rã, vì hậu quả sẽ rất tai hại. Chủ nghĩa bảo hộ sẽ quay trở lại, và tất cả đều sẽ bị thiệt thòi ».

Chỉ trong vòng bảy năm qua, nền kinh tế Đức đang đứng vào hàng cuối của châu Âu, nay đã trở thành đầu tàu của cả châu lục. Tất cả các chỉ số đều lạc quan, từ tỉ lệ tăng trưởng, tỉ lệ thất nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu đã tăng đến 29% chỉ trong vòng một năm. Theo một nhà nghiên cứu, thành công vang dội này là kết quả mười năm cải cách của cựu Thủ tướng Gerhard Schroïder : giảm các loại trợ cấp, tăng thuế và giảm chi tiêu nhà nước ; nhưng theo một nhà kinh tế khác thì đây là « mười năm bị buộc phải hy sinh ».

Ý thức rằng nước mình có lợi ích khi tham gia khu vực đồng euro, người dân Đức lo ngại hình ảnh nước Đức sẽ bị xấu đi tại châu Âu. Ấn tượng do chính sách của bà Thủ tướng Angela Merkel mang lại, có vẻ là « một châu Âu theo kiểu Đức » thay vì « một nước Đức vì châu Âu » như cựu Thủ tướng Helmut Kohl muốn xây dựng. Người ta cho rằng bà Angela Merkel với hình ảnh bà « Thủ tướng thép » trong hai năm gần đây tại Bruxelles sẽ không mang lại lợi lộc gì cho nước Đức, và tỉ lệ được ủng hộ của chính phủ Merkel chưa bao giờ xuống thấp như hiện nay.

Hàn Quốc trong tình trạng chuẩn bị chiến tranh

Nhìn sang châu Á, nhật báo La Croix cho biết, ba tuần lễ sau vụ tấn công của Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc đang củng cố quân đội và tỏ ra cứng rắn hơn. Thay vì ưu tiên cho đối thoại, dường như Séoul đang mong đợi sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng.

La Croix thông tin, trong tuần này Hàn Quốc lại tập trận bắn đạn thật trên biển, sau khi tuần rồi đã tập trận với hải quân Hoa Kỳ ở Hoàng Hải. Từ sau vụ Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Hàn Quốc – lần đầu tiên từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1953 – Séoul đã đặt quân đội cũng như thường dân trong tình trạng thường trực chuẩn bị chiến đấu.

Thời gian đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc lẽ ra được giảm xuống còn 18 tháng, nay vẫn được duy trì 21 tháng, còn trong hai binh chủng hải và không quân là hai năm. Bộ Quốc phòng loan báo sẽ nghiêm nhặt hơn trong các cuộc diễn tập thường niên, huy động ba triệu quân dự bị. Ngân sách của bộ này được tăng 2,3%, đạt mức 20,5 tỉ euro vào năm 2011, và năm hòn đảo nằm trong vùng biển tranh chấp với Bắc Triều Tiên sẽ được trang bị các loại vũ khí mới.

Tờ báo cho biết thêm, hôm nay đúng 14g giờ địa phương, toàn dân Hàn Quốc sẽ tham gia diễn tập : sau hồi còi báo động, họ sẽ phải xuống các hầm trú ẩn dưới lòng đất – có đến 25.000 hầm được đào trên khắp nước. Quy mô của việc đánh trả sẽ tương ứng với mức độ tấn công của người láng giềng phương bắc, các đơn vị chiến đấu được quyền đánh trả không cần lệnh của cấp trên.

Một nhà nghiên cứu cho rằng, sự thay đổi thái độ này là tín hiệu báo cho Bắc Triều Tiên biết chủ trương không khoan nhượng của Hàn Quốc. Nhưng người ta cũng lo ngại sự leo thang chiến tranh, vì một sai lầm nhỏ cũng có thể gây ra một cuộc xung đột lớn. Một nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho rằng quyết định cứng rắn của chính phủ là để làm xoa dịu phe bảo thủ, nhưng nhất là cho thấy Séoul không hề có ý định đối thoại với Bình Nhưỡng. Tờ báo nói thêm, các điện mật mà WikiLeaks công bố cho biết Séoul tin rằng chế độ Bình Nhưỡng có thể sụp đổ trong nay mai.

Lần đầu tiên, tuổi thọ người Mỹ bị giảm

Còn tại Hoa Kỳ, thông tín viên của nhật báo Le Monde tại New York chú ý đến một hiện tượng hiếm có, đó là việc tuổi thọ của người Mỹ lần đầu tiên đã bị giảm xuống vào năm 2008.

Theo một bản báo cáo được công bố vào ngày 10/12 mới đây, tuổi thọ trung bình của người Mỹ năm 2008 là 77,8 tuổi, giảm 1,2 tháng so với năm 2007. Tuy không nhiều, nhưng đây là dấu hiệu báo động, vì lần đầu tiên kể từ năm 1993 chỉ số này bị giảm xuống, trong khi từ năm 1970 trở đi, tuổi thọ của người Mỹ vẫn tăng trung bình 2,6 tháng mỗi năm.

Còn theo các thống kê mới nhất, thì trong bảng tổng sắp toàn cầu, Hoa Kỳ đứng đến hàng thứ 51 về tuổi thọ, còn người dân Nhật và Thụy Sĩ có tuổi thọ lần lượt cao nhất, nhì thể giới. Đặc biệt là tuổi thọ trung bình của người Mỹ da trắng đang giảm.

Lý giải hiện tượng trên, người ta cho là do tỉ lệ tử vong vì bệnh Alzheimer, bệnh phổi, thận và cúm, huyết áp tăng lên, nhưng bên cạnh đó còn do khủng hoảng kinh tế. Giới trung lưu đang nghèo đi, và ít được bảo vệ về mặt y tế hơn.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.