Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU

Châu Âu: mục tiêu tài chính ưu tiên của Trung Quốc ?

Đây mới chỉ là những tin đồn hay những tuyên bố bày tỏ ý định thôi nhưng thông tin về việc Trung Quốc sẵn sàng ra tay giúp đỡ khó khăn của châu Âu đã đè nặng lên thị trường tài chính của cựu lục địa. Hôm qua (23/12), Trung Quốc đã khẳng định lại thiện chí muốn giúp đỡ khu vực đồng euro lập lại sự ổn định tài chính.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao TQ Khương Du (Reuters)
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao TQ Khương Du (Reuters)
Quảng cáo

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du tuyên bố rõ : « Chúng tôi sẵn sàng giúp các nước châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính… Trong tương lai, châu Âu sẽ là thị trường chính để Trung Quốc đầu tư dự trữ ngoại tệ ». Theo báo Le Monde, trước đó một hôm, một tờ báo của Trung Quốc đã đưa tin Trung Quốc sẵn sàng mua lại khoản nợ 5 tỷ euros của Bồ Đào Nha.

Những thông tin chính thức như vậy đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các báo Pháp. Báo Le Monde thì nhận thấy đây là một sự « trợ giúp đáng ngại ». Tờ báo phân tích, mối quan tâm của Bắc Kinh đối với châu Âu phục vụ nhiều chiến lược khác nhau. Trước thiện chí sẵn sàng cứu vớt thị trường tài chính châu Âu của Trung Quốc, các nhà quan sát từ bên ngoài nhìn vào có nhắc lại một điều rằng hiếm khi nào người ta thấy Bắc Kinh hành động chỉ vì mục đích chơi đẹp.

Những tham vọng đằng sau đề nghị trợ giúp

Theo phân tích của Le Monde, các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong việc này dùng châu Âu để đối chọi lại với Hoa Kỳ trong một số hồ sơ như tỷ giá đồng nhân dân tệ mà Washington vẫn lớn tiếng tố cáo Bắc Kinh cố tình duy trì ở giá trị thấp. Ngay bản thân Bruxelles cũng kín đáo chỉ trích Trung Quốc trong vụ này. Bên cạnh đó giữa châu Âu và Trung Quốc vẫn tồn tại những tranh chấp chưa giải quyết. Trung Quốc đòi châu Âu gỡ bỏ lệnh cấm vận buôn bán vũ khí và được thừa nhận có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Như vậy có thể nói đây sẽ là hành động có đi có lại cho dù sự trợ giúp của Trung Quốc cho đến giờ vẫn chỉ gói trong các phát biểu mà thôi.

Hiện là nước đang nắm giữ khối lượng dự trữ ngọai tệ lớn nhất thế giới, với gần 2650 tỷ đô la, Trung Quốc đưa tay ra cứu vớt thị trường châu Âu. Động thái này của Bắc Kinh được tờ báo kinh tế Les Echos cho là đang gây hoài nghi cho nhiều người.Theo tờ báo, khủng hoảng là một cơ hội tốt để Trung Quốc đầu tư vào các nước đang gặp khó khăn. Và các nước đó đã giang tay đón nhận những đồng tiền của Trung Quốc, như trường hợp của Hy Lạp và gần đây là của Bồ Đào Nha. 

Les Echos nhận thấy Trung Quốc còn có những tham vọng khác ngoài việc mua lại nợ nần của châu Âu. Chẳng hạn như với 900 tỷ công trái phiếu Mỹ mà họ nắm giữ, Bắc Kinh đang tìm cách cắm chắc chân, tạo thuận lợi cho công việc làm ăn của họ tại châu Âu.

Lấy thí dụ như trường hợp của Hy Lạp. Trung Quốc muốn biến cảng Piré, cảng lớn nhất Hy Lạp, thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của họ vào châu Âu. Còn việc Bắc Kinh giúp Hy Lạp thành lập một quỹ hỗ trợ ngành hàng hải trị giá 5 tỷ đôla thì đó là để Hy Lạp có thể mua tàu đóng tại Trung Quốc. Mỗi một chuyến đi của chủ tịch hay thủ tướng Trung Quốc đều kéo theo những hứa hẹn hợp đồng lên tới hàng tỷ đô la. Các hợp đồng đó chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Trung Quốc tấn công vào thị trường châu Âu.

Tờ báo nhắc lại, vào tháng 10 vừa qua tại Ankara, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bày tỏ mong muốn xây dựng một « con đường tơ lụa mới » bằng đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, Les Echos kết luận : đầu tư vào châu Âu là một cách để cho Trung Quốc tạo cơ sở cho vị thế cường quốc và để bảo đảm an toàn cho việc xuất khẩu của mình đồng thời tiếp tục theo đuổi các cuộc thôn tính khác. 

Bắc Triều Tiên : bóng đen bao phủ sau đe dọa "thánh chiến"

Cuộc tập trận với quy mô lớn chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 1 giờ nhưng ngay sau đó Bắc Triều Tiên đã tung ra lời đe dọa đến lạnh người rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành cuộc « thánh chiến » bằng việc sử dụng lực lượng răn đe hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc, trong khi mà Seoul cũng dọa « phản công không thương tiếc » nếu lãnh thổ của họ lại bị tấn công một lần nữa. 

Tờ báo China Daily, xuất bản bằng anh ngữ tại Trung Quốc hôm nay có bài viết đáng chú ý xung quanh phản ứng mới nhất của Bình Nhưỡng trước cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội Hàn Quốc vừa diễn ra hôm 23/12 cách biên giới hai miền Triều Tiên chưa đầy 30 km.

Thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA trích lời của bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong chun trong một cuộc họp tại Bình Nhưỡng : « Để ngăn chặn mưu đồ của kẻ thù đang đẩy tình hình đến bên bờ vực chiến tranh, lực lượng cách mạng của chúng ta sẵn sàng tiến hành cuộc chiến thần thánh vào bất cứ lúc nào cần thiết dựa trên sức mạnh răn đe hạt nhân ».

Các cuộc tập trận của Hàn Quốc trên biển và trên bộ kể từ sau khi Bắc Triều Tiên Nã dội pháo vào đảo Yeonpyeong đã làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên đang căng lên tột độ. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã nhận định « tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang rất phức tạp và nhạy cảm ». Tờ China Daily cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc là các bên kiềm chế giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa bình.

Ngày hôm qua, Bắc Kinh đã một lần nữa kêu gọi các bên liên quan trở lại bàn đàm phán. Trong khi đó, Mỹ cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên không có lý do gì để phản ứng trước những cuộc tập trận quân sự của quân đội Hàn Quốc. Trong một cuộc họp báo hôm 22/12, phát ngôn viên Nhà trắng Robert Gibbs nói rằng các cuộc tập trận của Hàn Quốc đã được thông báo trước và chỉ mang tính phòng thủ vì thế mà Bình Nhưỡng không thể có phản ứng đáp trả được.

Theo giới quan sát tại Trung Quốc, loạt tập trận của Hàn Quốc chỉ là kết qủa của những sức ép từ bên trong, trong khi bản thân Bắc Triều Tiên cũng hiểu được rằng nếu chiến tranh nổ ra thì sẽ là một thảm họa và theo tính toán của Bình Nhưỡng thì căng thẳng có thể tiếp tục kéo thêm một thời gian nữa nhưng rồi sẽ dịu xuống. 

Một mùa Noel ảm đạm tại Pháp 

Hôm nay là ngày Chúa giáng sinh, nhưng đề tài Noel đã được các báo quan tâm một cách nhạt nhẽo. Một phần là do kinh tế chưa thoát khỏi khủng hỏang và một phần chính mà trong những ngày qua thời tiết ở Pháp trở nên xấu thất thường đã góp phần tạo ra không khí một Noel buồn tẻ. 

Tuyết rơi trắng xóa khắp các vùng của nước Pháp, không chỉ làm tê liệt giao thông đi lại của người dân trong mùa giáng sinh mà còn làm đình trệ cà việc bán hàng trong Noel.Theo trang báo kinh tế Le Figaro thì « các nhà phân phối hàng hóa đang liên tục mở các chiến dịch khuyến mại đến phút chót để mong cứu vãn lại mùa làm ăn đang có nguy cơ thất bại bởi vì « việc bán hàng Noel đang bị tuyết rơi phong tỏa », tựa của tờ báo.

Theo Le Figaro thì từ 10 ngày qua, những siêu thị đang trở thành nạn nhân của hiện tượng thời tiết xấu thất thường. Hàng hóa không báng được và họ đang phải cố gắng chạy đua với thời gian cho đến tối ngày hôm nay 24/12 để mong sao gỡ gạc lại chút ít.

Từ hôm qua đến hôm nay 70% trong tổng số 231 biển hiệu siêu thị đã phải mở cửa ngay từ 8 h 30 sáng và đóng cửa lúc 23 giờ. Tức là muộn hơn một tiếng so với bình thường. Lý do là để tạo điều kiện cho khách hàng mua sắm cho dịp Noel. Nhưng thực chất là các nhà kinh doanh mong để lấy lại doanh thu trong tháng 12 đang bị ảnh hưởng nặng nề vì tình hình thời tiết. Tháng 12 theo thường lệ thì sẽ phải là doanh thu gấp đôi trong các cửa hàng thực phẩm. Nhưng năm nay , tình hình thời tiết xấu đã làm đảo lộn việc cung cấp nguồn hàng và cản trở không ít khách hàng đến siêu thị mua sắm.

Còng trong thế giới đồ chơi, thông thường tháng 12 chiếm từ 50 đến 75% doanh thu của cả năm. Nhưng tuyết lạnh dập tắt cơn nóng trên thị trường đồ chơi. Mùa Noel năm nay khu vực này chỉ đạt 2,5% so với cả năm. Một khó khăn khác không chỉ cho các nhà kinh doanh mà còn cho cả khách hàng, cũng vẫn là ký do thời tiết. Các báo ra hôm nay đều ghi nhận thấy một thực tế, rất khó có thể chuyển quà đến tay người nhận kịp trong lễ Noel.

Báo Les Echos nhận xét : đối với những ông bố bà mẹ đã đặt quà qua mạng internet thì qủa là một stress. Các hàng hóa được đặt mua và đã được chuyển đi từ đầu tuần không bảo đảm đến tay người nhận đúng hẹn. Tờ báo cũng nhắc lại là 6,1 tỷ euros mua bán đã được thực hiện qua mạng trong năm nay tức là tăng 22% so với năm ngoái. Tổng số có 15 triệu người dân Pháp cho biết là đã mua quà tặng Noel trên mạng. 

Bữa ăn ngày Noel đối với dân Pháp không thể thiếu mâm hải sản tươi sống. Thế nhưng năm nay, có thể bữa tiệc Noel của dân Pháp bị kém hấp dẫn hơn bởi vì món hàu tươi (huitre) sẽ trở nên hiếm và sẽ đắt hơn. Tờ Le Figaro viết, cùng với món gan ngỗng, hàu sống là một món ăn không thể thiếu được trong bữa cơm đêm Noel của người Pháp. Nhưng năm nay sản lượng sò ở Pháp đã giảm rất nhiều so với năm ngoái.

Nguyên nhân là vì tỷ lệ sò non bị chết vì nhiễm một lọai virus rất cao khiến lượng sò cung cấp ra thị trường Pháp năm nay bị giảm tới 40%. Chính vì trở nên hiếm nên giá hàu năm nay đã tăng từ 30 đến 50%. Đối với người tiêu dùng thì chỉ là nhất thời, nhưng báo Le Figaro nhìn xa hơn cái thú ẩm thực của người dân đó là tương lai của một ngành kinh tế của Pháp. Lĩnh vực khai thác hàu này có tới 4000 doanh nghiệp với 11 nghìn lao động trực tiếp. Vì thế người ta phải tìm nguyên nhân của tai họa trong ngành sản xuất hàu này. NHiều giải thích đã được đưa ra : nào là ô nhiễm từ các dòng sông, khí hậu ấm lên …v.v nhưng không có một giải thích nào cụ thể. Các nhà sản xuất hy vọng trong đầu năm tới sản lượng hàu sẽ được cải thiện.

Đợt lạnh bất thường do hâm nóng trái đất ? 

Nhân nói đến tác động của thời tiết. Đúng là châu Âu bước vào mùa đông năm nay với những đợt lạnh bất thường. Le Monde đưa ra đánh giá của các nhà khoa học rằng có thể mùa đông sẽ còn lạnh hơn. Hiện tượng biến đổi khí hậu có kéo theo hiện tượng lạnh cục bộ. Chó dù khí hậu tòan cầu đang ấm lên nhưng liệu châu Âu có phải hứng chịu những mùa đông lạnh lẽo hơn hay không ?

Đó là những câu hỏi đã được đặt ra dưới nhiều hình thức khác nhau từ nhiều năm nay. Câu hỏi này lại trở nên thời sự hơn với đợt lạnh khác thường đang đổ xuống châu Âu và Bắc Mỹ. Trong một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Journal of Geophysical Research-Atmosphere thì các nhà nghiên cứu Đức đã dự báo việc các tảng băng ở Nam cực bị tan sẽ làm cho mùa đông ở châu Âu, Bắc Mỹ và Bắc Á trở nên khắc nghiệt hơn . Và như vậy châu Âu trong tương lai sẽ là nơi lạnh lẽo trong một thế giới đang ấm lên chăng ? Các nhà khoa học vẫn tiếp tục đi tìm lời giải đáp cụ thể.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.