Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Hungary thông qua đạo luật siết chặt truyền thông

Rạng sáng ngày 21/12, Luật Truyền thông đã được Quốc hội Hungary thông qua với 256 phiếu thuận và 87 phiếu chống đã gây ra phản đối trong công luận và báo chí, đồng thời đặt Hungary vào tâm điểm của sự phê phán quốc tế, ngay trước khi Hungary giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Châu Âu.

Quốc hội Hungary tại thủ đô Budapest bên bờ sông Danube (DR)
Quốc hội Hungary tại thủ đô Budapest bên bờ sông Danube (DR)
Quảng cáo

09:10

TTV Hoàng Nguyễn, Budapest

Đây được coi là bước kết thúc của cái gọi là “Hiến pháp Truyền thông” mà nội các mới của Hungary - Liên minh Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ và Đảng Nhân dân Dân chủ Thiên Chúa giáo KDNP - muốn áp đặt lên ngành truyền thông nước này.

Ỷ vào tỉ lệ áp đảo (hơn hai phần ba số dân biểu trong Quốc hội), tân chính phủ lên nắm quyền từ mùa xuân năm nay đã thực hiện điều này thông qua nhiều bước, mà động thái bị phản đối nhiều nhất vừa diễn ra cách đây chừng 10 ngày.

Một đạo luật đặt nặng vào những cấm đoán, siết chặt

Với tên gọi chính thức là Đạo luật về các dịch vụ truyền thông và truyền thông đại chúng, luật mới được đưa ra để thay thế các đạo luật cũ riêng rẽ về báo chí, phát thanh và truyền hình, cũng như về hoạt động và sự tồn tại của Hãng Thông tấn Quốc gia Hungary MTI.

Đạo luật Truyền thông mới của Hungary có hiệu lực đồng nhất đối với tất cả các cơ quan truyền thông, như báo giấy, báo điện tử và các mạng tin trực tuyến, và nhằm vào tất cả các nhà cung cấp nội dung truyền thông và các sản phẩm báo chí tại Hungary. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, còn có thể áp dụng nó đối với các dịch vụ truyền thông xuất phát từ quốc gia khác, nhưng hướng về Hungary, hoặc được lan truyền, phát tán hay công bố tại nước này.

Căn cứ đạo luật mới, một số điều khoản ngặt nghèo đã được đặt ra. Thay vì có thể bị giải thể như một số ý định trước đây, Hãng Thông tấn Hungary MTI tiếp tục tồn tại và được giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình tin tức công ích.

Hội đồng Truyền thông - được dựng lên thay cho Cơ quan Phát thanh và Truyền hình Quốc gia tồn tại từ nhiều thập niên nay - có thể phạt tiền bất cứ nhà cung cấp dịch vụ truyền thông nào, nếu cơ quan đó bị cho là đã vi phạm Đạo luật truyền thông, hoặc những điều khoản của Hiến pháp Truyền thông đã thông qua từ đầu tháng 11. Mức tiền phạt xê dịch từ 10 triệu đến 200 triệu Ft (tức 1 triệu USD), được coi là có thể khiến “nạn nhân” sạt nghiệp và phải đóng cửa.

Quyền lực vô biên của Hội đồng Truyền thông còn được thể hiện ở chỗ nó có thể cho tạm ngưng hoặc xóa bỏ các dịch vụ truyền thông trong trường hợp có vi phạm nặng. Để làm được điều nó, nó lưu trữ mọi dịch vụ truyền thông, từ các sản phẩm báo giấy, báo điện tử đến mạng tin tức. Nó có quyền đến tận nơi, kiểm tra tại hiện trường mọi hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, dữ liệu liên quan đến các dịch vụ truyền thông, đến việc phát hành sản phẩm báo chí và phát hành chương trình.

Đạo luật mới cũng mang tính quản lý sát sao và chi ly về nội dung truyền thông. Về thời lượng, các kênh truyền hình phải để ra hơn 50% để phát về Châu Âu và trong đó, hơn một phần ba là về Hungary - tỉ lệ nay ở các kênh trung ương là 60% và 50%. Cũng liên quan đến hạn ngạch trong nội dung chương trình, các kênh phát thanh phải phát nhạc Hungary với tỉ lệ tối thiểu là 35% và trong đó, một phần tư số ca khúc phải là nhạc mới trong vòng 5 năm trở lại.

Đối tượng bị chịu sự quản lý ngặt nghèo không chỉ là các kênh phát thanh và truyền hình của nhà nước, mà còn lan sang nhũng cơ quan cung cấp dịch vụ truyền thông bị coi là “có ảnh hưởng đáng kể” đến công luận. Những đài và vô tuyến này - vào buổi sáng và tối - buộc phải có chương trình thời sự hoặc “thông báo tổng quát” với thời lượng tối thiểu theo quy định. Đồng thời, trong các chương trình đó, tỉ lệ tin tức đề tài hình sự - bị coi là “không phục vụ cho việc thông tin cho công luận dân chủ” - không được vượt quá 20% tính theo tỉ lệ hàng năm.

Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông cũng bị quy định rất kỹ càng về nội dung và hình thức. Các quảng cáo không được có âm thanh ầm ĩ hơn chương trình mà nó ngắt quãng và không được quá 12 phút trong 1 tiếng. Không được đưa quảng cáo vào các chương trình thời sự và các chương trình dành cho trẻ em dưới 14 tuổi, có thời lượng dưới 20 phút, hoặc các chương trình tường thuật các buổi đại lễ, hay có nội dung tôn giáo.

Bóp nghẹt tự do ngôn luận

Như đã nói ở trên, theo nhận định của nhiều chuyên gia chính trị học, sự xuất hiện của Đạo luật Truyền thông vừa được thông qua chỉ là một bước trong những nỗ lực nhằm hạn chế sự phê phán, giám sát của xã hội nhằm vào chính quyền, mà nội các mới đã thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn thông qua cái gọi là “Hiến pháp Truyền thông”.

Mục đích của những nỗ lực đó, theo nhóm dân biểu đề xướng, là để thay Luật Báo chí (năm 1986), bị coi là đã lỗi thời và có nhiều điểm lạc hậu. Các đạo luật mới, do đó, có tham vọng tạo ra “lề” cho mọi ký giả có thể tác nghiệp với những nguyên tắc đạo tức, chuẩn mực, quyền lợi, khả năng và bổn phận đồng đều.

Được đề xướng bởi các dân biểu đảng cầm quyền, đề án quản lý truyền thông mới của tân nội các Hungary đã bị công luận và các đảng đối lập phản đối rất dữ dội nên đã phải sửa đổi nhiều lần trước khi được phê chuẩn.

Những người chỉ trích cho rằng, ý đồ của liên minh cầm quyền là muốn nắm chắc bộ máy truyền thông trong tay họ và để làm được điều đó, những yếu tố bất lợi cho tự do báo chí, tự do ngôn luận và cho sự độc lập của truyền thông đã được cài vào luật một cách lộ liễu.

Bước thứ nhất, vào ngày 21-6, điều 61 của Hiến pháp Hungary đã bị sửa đổi: “quyền tự do thể hiện quan điểm” của công dân đã bị xóa bỏ, thay vào đó là “tự do báo chí”. Cho dù, theo cách hiểu từ trước đến nay, khái niệm tự do thể hiện quan điểm vốn được Hiến pháp Hungary diễn giải rộng hơn là tự do báo chí, bởi lẽ nó còn bao hàm tự do hội họp, tự do nghệ thuật, tự do nghiên cứu và nhiều quyền tự do khác.

Sau đó đúng 1 tháng, ngày 22-7, các điều luật về thông tin và truyền thông tiếp tục được sửa đổi, đặt sự quản lý tất cả các phương tiện truyền thông vào tay một “siêu tổ chức” mang tên Hội đồng Truyền thông trực thuộc Cục Truyền thông và Thông tin Quốc gia (NMHH), mà người đứng đầu sẽ được Thủ tướng bổ nhiệm với quyền hạn tối thượng trong truyền thông, và được giữ cương vị này trong khoảng thời gian rất dài là 9 năm.

Với sửa đổi trong kỳ này, trong thực tế, các cơ quan truyền thông lớn nhất của Hungary mất đi sự độc lập và phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt của Hội đồng Truyền thông gồm toàn các thành viên do đảng cầm quyền đề cử. Tiếp đó, đầu tháng 11-2010, đạo luật về tự do báo chí và những nguyên tắc cơ bản của nội dung truyền thông tiếp tục được Quốc hội Hungary thông qua với nhiều điểm bị coi là bất lợi cho báo chí.

Cuối cùng, Đạo luật Truyền thông vừa được thông qua với nhiều điểm mang tính đe dọa và cưỡng chế, khiến Hội đồng Truyền thông có thể thẳng tay phạt những vi phạm được đặt trên cơ sở các quy định không mấy rõ ràng và có thể diễn giải theo nhiều cách, như sự vi phạm thuần phong mỹ tục, hoặc xúc phạm các thiểu số tôn giáo hoặc sắc tộc.

Những người phản đối và phê phán Đạo luật Truyền thông còn nghĩ tới những khả năng cực đoan của luật, như Hội đồng Truyền thông có thể buộc các blogger phải đăng ký, hoặc có thể cử nhân viên xộc vào các tòa soạn báo để kiểm tra, hoặc có thể nhin ngó vào ghi chép của giới ký giả.

Đây cũng là lý do khiến ngày trước ngày Đạo luật Truyền thông được thông qua, tại Budapest, đã có gần 1.500 người tụ tập tại quảng trường Tự do (nơi tọa lạc trụ sở của Đài Truyền hình Hungary) để biểu tình phản đối vì họ cho rằng, các luật mới về truyền thông có nhiều điểm vi phạm Hiến pháp, hạn chế nặng nề quyền tự do ngôn luận và báo chí, đồng thời, cho thấy sự thiếu vắng hoàn toàn những hiểu biết về các mối quan hệ truyền thông thời hiện đại.

Theo những người biểu tình, luật truyền thông mới có thể khiến giới ký giả tự kiểm duyệt vì lo sợ bị phạt tiền và như thế, trong thực tế, người cầm bút đã bị bịt miệng. Đây cũng là quan điểm của nhiều nhân vật trong giới truyền thông Hungary, đã lên tiếng phản đối một cách ngoạn mục trong những ngày sau khi Đạo luật Truyền thông được thông qua.

Nỗi âu lo và phê phán sâu sắc từ nước ngoài

Với những nội dung như thế, dễ hiểu là từ nửa năm nay, việc thông qua từng bước các điều khoản của “Hiến pháp Truyền thông” mới của Hungary đã khiến dư luận thế giới phải lo ngại, nhất là vì từ đầu năm tới, Hungary sẽ giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EU trong vòng nửa năm.

Trong số những phê phán nặng nề nhất, phải kể đến ý kiến của chính phủ và cơ quan ngoại giao Đức, Anh, Luxembourg và Cộng hòa Czech. Bộ Ngoại giao Anh ra thông cáo khẳng định tự do báo chí là yếu tố căn bản của một xã hội tự do và bày tỏ hy vọng “Chính phủ Hungary sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề này một cách thỏa đáng, khiến vụ việc không gây ảnh hưởng bất lợi đến sự thực hiện vai trò Chủ tịch EU của Hungary”.

Bộ trưởng Ngoại giao Czech thì cho rằng, ngay từ thời điểm Hungary bắt đầu giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của EU, Liên hiệp Châu Âu phải lập tức đưa ra quan điểm rõ ràng của mình về Đạo luật Truyền thông của nước này, để khẳng định rằng luật đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của EU.

Đặc biệt, phản ứng của CHLB Đức cho thấy nước này rất lo ngại về động thái của chính phủ Hungary trong vấn đề truyền thông. Ngay sau khi luật được thông qua, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức đã phát biểu với báo chí, cho rằng Đạo luật Truyền thông rất bất lợi với Hungary trên cương vị Chủ tịch EU, vì nó không thể nào phù hợp với tinh thần của Châu Âu, vốn tôn trọng “sự thống nhất trong đa dạng”. Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức còn gọi điện thoại cho người đồng nhiệm Hungary, ông Martonyi János, để đưa ra những lời khuyên về việc làm ao có thể sửa đổi Đạo luật Truyền thông cho phù hợp.

Việc thông qua “Hiến pháp Truyền thông” còn gây nên sự bất bình và phản đối của rất nhiều cơ quan và tổ chức ngôn luận Châu Âu và thế giới, trong đó có Hiệp hội các hãng thông tấn Châu Âu (EANA, quy tụ các hãng thông tấn của 31 quốc gia Châu Âu), cũng như Ủy ban Châu Âu. Phó chủ tịch phụ trách báo chí của Ủy ban Châu Âu đã chính thức gửi thư cho Chính phủ Hungary để tìm hiểu về đạo luật mới và bày tỏ sự lo ngại rằng nó có thể vi phạm các chuẩn mực của EU về tự do báo chí, ngôn luận.

Trước làn sóng phản đối ồ ạt như vậy, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor vẫn tỏ ra cương quyết với ý định quản lý truyền thông theo hướng siết chặt của nội các mới, khi ông tuyên bố trên truyền hình rằng Chính phủ Hungary không hề có ý định sửa đổi các đạo luật vừa thông qua. Ông Orbán khẳng định rằng không có một điều khoản nào của Đạo luật Truyền thông Hungary mà lại không có trong sự quản lý truyền thông của ít nhất một quốc gia thành viên EU.

Đạo luật Truyền thông Hungary, như thế, theo ông Orbán Viktor, là “luật Châu Âu”, và ông cho biết cá nhân ông không mấy quan tâm đến những ý kiến phản bác đến từ nước ngoài. Thủ tướng Hungary cho rằng chỉ quốc gia nào thiếu tự tin mới phải sợ sệt trước những lời phê phán của ngoại quốc, mà “Hungary thì không thế”. Ông cũng nhận xét rằng, việc Phương Tây tỏ ra bất bình với Hungary trong dịp này “không là gì” so với những gì ông đã trải qua khi tạo dựng Đạo luật Truyền thông đầu tiên.

Dù sao đi nữa, uy tín của Hungary đã suy giảm nặng nề trên trường quốc tế bởi sự thực hiện đề án quản lý truyền thông “theo lề phải” này. Gọi thủ tướng Orbán Viktor là “kẻ độc tài” (trong sự so sánh với Thủ tướng Belarus Lukashenko), theo Ngoại trưởng Luxemburg, Ủy ban Châu Âu cần hành động tức khắc để chống lại đạo luật, vì nó “rõ ràng là vi phạm tinh thần và nội dung các hiệp ước của EU”, và ông cũng đặt vấn đề một quốc gai như thế có xứng đáng giữ cương vị Chủ tịch EU hay không.

Việc dư luận quốc tế đồng thanh phản bác và phê phán nặng nề sự quản lý truyền thông theo hướng phản dân chủ tại Hungary cũng cho thấy, những chuẩn mực của thế giới hiện đại không ủng hộ việc Nhà nước kiểm soát, hạn chế tự do ngôn luận, tự do thể hiện quan điểm của truyền thông. Như nhận xét của một dân biểu Nghị viện Châu Âu thuộc Đảng dân chủ Tự do Đức (FDP), với dụng ý muốn những cơ quan truyền thông phê phán chính phủ phải ngậm miệng, Chính phủ Hungary có thể đặt cho mình câu hỏi, phải chăng họ đã coi EU là của mình, đã chia sẻ được những giá trị của EU và có nên nhận chức Chủ tịch Liên hiệp Châu Âu hay không?
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.