Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÍNH TRỊ

Chính Trường Hoa Kỳ Trong Cục Diện Mới

Hôm nay, 05/01/2011, Quốc hội Hoa Kỳ khoá 112 nhóm họp phiên đầu tiên, một phiên họp báo trước rất nhiều sóng gió cho hai năm sắp tới. Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của tổng thống vào ngày 02/11, đảng Cộng Hoà đã đại thắng tại Hạ viện.

Tổng thống Obama trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng (REUTERS)
Tổng thống Obama trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng (REUTERS)
Quảng cáo

Đảng Cộng Hoà nay kiểm soát 242 ghế trong tổng số 435 Dân biểu và chiếm 42 ghế trong 100 ghế Nghị sĩ của Thượng viện, chấm dứt hai năm áp đảo của đảng Dân Chủ kể từ hai kỳ bầu cử trước vào năm 2006 và 2008. Cho tới 03/01/2013, tổng thống Barack Obama của đảng Dân Chủ sẽ phải sống chung cùng đảng đối lập Cộng Hoà khi mà nạn thất nghiệp, trì trệ kinh tế và mức bội chi ngân sách quá lớn của Hoa Kỳ đang là mối quan tâm hàng đầu của dân chúng.

Kết quả sống chung ấy, trong thế hợp tác hay đối nghịch về các hồ sơ ưu tiên này, sẽ chi phối cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2012, khi dân Mỹ đi bầu lại toàn thể các dân biểu, chừng một phần ba số nghị sĩ, gần ba chục thống đốc tiểu bang và nhất là tổng thống. Như vậy, cục diện chính trị Hoa Kỳ sẽ biến chuyển ra sao trong thời gian tới? Sau đây là nhận định của chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa ở tại Hoa Kỳ về những gì có thể xảy ra.

10:19

Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa - Hoa Kỳ - 20110105

RFI:Xin kính chào chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa anh, Hoa Kỳ đã chính thức có Quốc hội mới và từ hôm nay, 05/01, Quốc hội khóa 112 sẽ họp phiên đầu tiên. Đây là cơ chế tối cao của quyền lực chính trị Hoa Kỳ và sẽ lãnh đạo cho đến tháng Giêng năm 2013. Theo dõi tình hình sinh hoạt tại Hoa Kỳ, anh có cảm nghĩ thế nào về Quốc hội này, khi quyền lực của tổng thống và Thượng viện vẫn thuộc về đảng Dân Chủ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa chuyện đầu tiên, rất lý thú và ý nghĩa, là toàn thể Quốc hội sẽ đồng thanh đọc lại bản Hiến pháp của Hoa Kỳ ! Đây là một sáng kiến của cánh hữu đảng Cộng Hoà khi họ đòi giới dân cử phải nhớ lại rằng mình là đại diện cho ai... Sau đó sẽ là các trận đánh liên tục và đa diện giữa đảng Cộng Hoà và tổng thống Obama cùng đảng Dân Chủ trước sự phán xét của cử tri qua lời tường thuật của truyền thông báo chí.

RFI: Theo như anh thấy thì trận đánh đầu tiên sẽ là về kinh tế và công việc làm cho dân chúng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Dạ thưa chưa đâu, mới chỉ là mấy màn giáo đầu tuồng để hâm nóng tinh thần các đấu thủ thôi, thí dụ như giảm chi 25 triệu đô la trong số bội chi khổng lồ là hơn ngàn tỷ! Hoặc thu hồi lại các khoản chi đã được Quốc hội khoá trước phê chuẩn để giảm chừng 12 tỷ.

Trận đấu sôi nổi là khi tổng thống Barack Obama long trọng đọc bài diễn văn về tình hình Liên bang trước khoáng đại Quốc hội vào cuối tháng này để chính thức thông báo chủ trương hành động trong năm nay. Đó là khi ông ta phải dàn trận và bị phản công. Kế tiếp sẽ là ngày 04/03, kỳ hạn chót để Quốc hội quyết định về ngân sách Liên bang của tài khóa hiện hành, trong đó sẽ chi những gì và cắt những gì để giới hạn bội chi đã quá lớn của ngân sách quốc gia.

Trên đại thể thì trận đánh bền bỉ giữa Lập pháp và Hành pháp Hoa Kỳ sẽ xoay quanh bốn hồ sơ lớn mà chồng chéo lẫn nhau là kinh tế, xã hội, bội chi, và chính trị. Với giải thưởng quan trọng nhất, có tính chất chiến lược cho cả hai phe, là cuộc bầu cử 2012. Vì là trận đánh trường kỳ, nên cách quy định nghị trình thảo luận bốn loại hồ sơ này cũng là một cuộc đấu tranh ngoạn mục. Đó là về bối cảnh chung. Đi vào chi tiết thì đôi bên đều chỉ là... đầy tớ mà thôi và làm gì cũng phải nhớ tới cử tri.

Ta nhớ lại rằng đảng Cộng Hoà thắng cử vì cử tri trừng phạt đảng Dân Chủ sau hai khóa 110-111 quá thiên tả và bao cấp, cho nên phe Cộng Hoà tự coi là có sứ mạng sửa sai, nếu không thì cũng sẽ lại bị cử tri đuổi về. Cánh hữu của đảng này thường xuyên nhắc nhở và gây sức ép ngay trong đảng về chuyện đó. Họ tin là được bầu lên để đảo ngược trào lưu bao cấp và cải tạo xã hội mà ông Obama là đại biểu.

Tổng thống Obama thì cần đạt thành quả về quốc kế dân sinh nếu không thì sẽ thất cử và thất nghiệp sau năm 2012 nên lập mưu hợp tác với đối lập Cộng Hoà mà vẫn cứ sợ bị tấn công từ phe cực tả bên đảng Dân Chủ - là thành phần cử tri trung kiên của ông. Vì vậy, cả hai phe đều ở vào thế kẹt, gọi là ách tắc chính trị, nên cần tạo ra ấn tượng rằng mình ưu lo cho dân. Tạo ra ấn tượng cũng là một nghệ thuật chính trị.

RFI: Như anh vừa trình bày thì chuyện này có vẻ hấp dẫn còn hơn một màn đấu vật. Cụ thể thì hai bên chủ trương những gì, có thể tương nhượng những gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đảng Cộng Hòa thề độc là sẽ đẩy lui làn sóng bao cấp và triệt để giảm chi ngân sách với lý luận là chính các đạo luật bao cấp - điển hình là kế hoạch cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế hay những quy định khắt khe về môi sinh - và kế hoạch tăng chi vô trách nhiệm của hai năm qua mới gây thêm vấn đề kinh tế làm doanh nghiệp khó tạo ra việc làm. Bên đảng Dân Chủ thì tích cực bảo vệ "thành quả cách mạng" mà họ đạt được trong hai năm qua nên không muốn tổng thống nhượng bộ. Và vì nhiều dân biểu nghị sĩ ôn hoà nhất trong đảng này đã thất cử, nên cục diện hai bên là một hiện tượng cực đoan hóa ở hai cực.

Hy vọng lớn nhất của ông Obama nằm ở chỗ ấy, nếu chứng tỏ mình là người ôn hòa và đảng Cộng Hoà cũng biết như vậy nên rất sợ bị mắc bẫy, như đã bị vào tháng 12 vừa rồi khi đòi giảm thuế để kích thích sản xuất mà sau cùng lại tăng chi hơn 800 tỷ, lần thứ ba kể từ năm 2008 và gây thêm bội chi ngàn tỷ! Một cách cụ thể thì phe Cộng Hoà đòi giảm chi và bác bỏ bất cứ khoản chi nào mà không có cắt giảm tương xứng trong một mục chi khác. Nhưng đòi vậy là tự sát về chính trị nếu lại là cắt giảm phúc lợi cho người cao niên chẳng hạn...

RFI: Người ta chú ý nhất đến đạo luật cải tổ y tế mà đảng Cộng Hoà nhất định đòi thu hồi. Họ có hy vọng gì không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tuần tới, Hạ viện Cộng Hoà sẽ biểu diễn võ công để biểu quyết việc đó và có thể thắng mà thành bại vì Thượng viện sẽ biểu quyết lại với đa số vẫn nằm về phe Dân Chủ và tổng thống vẫn còn quyền phủ quyết. Nhưng, họ sẽ đánh theo kiểu khác. Thứ nhất là nhiều tiểu bang trong tay đảng Cộng Hoà sẽ dùng luật Hiến pháp để kiện đạo luật là vi hiến vì xâm phạm vào quyền lực tiểu bang. Thứ hai là vì Hạ viện nắm tay hòm chìa khóa nên đảng Cộng Hoà sẽ cắt ngân sách để các cơ quan hữu trách không thi hành những điều khoản thất nhân tâm nhất của đạo luật. Trận đánh này sẽ dai dẳng rất lâu và chỉ cần hạ khí thế của đảng Dân Chủ là đủ.

Nhưng vấn đề không chỉ có vậy vì phe Cộng Hoà sẽ dựng chiến hào và dàn trận tại bốn ngã tư khác để chứng tỏ là đảng Dân Chủ hết được lòng dân và ở mỗi ngã tư đều có kế hoạch bắn sẻ để tê liệt hoá từng đối thủ cứng cựa bên đảng Dân Chủ.

RFI: Câu hỏi cuối thưa anh, những trận đánh này sẽ là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bốn trận phục kích này : Thứ nhất, đánh bạt xu hướng bảo vệ môi sinh là sở trường của cánh tả bên đảng Dân Chủ. Thứ hai, phản bác việc Hành pháp đề cử các thẩm phán thiên tả để dùng quyền tư pháp làm thay đổi Hiến pháp, một vấn đề rất Mỹ. Thứ ba là họ sẽ nhấn tới để đòi tăng cường kiểm soát di dân bất hợp pháp, là đề mục ăn khách với cử tri nói chung nhưng là chủ điểm tranh thủ thành phần di dân gốc Latino từ Trung Nam Mỹ lên, vốn là quần chúng của đảng Dân Chủ. Và thứ tư là trận đánh về giáo dục, một vết nhục của nước Mỹ khi giáo dục và đào tạo bị xuống cấp vì thế lực quá lớn của các nghiệp đoàn giáo chức và xu hướng mị dân.

Riêng về đề mục thứ tư này, đảng Cộng Hoà có thể tìm ra thế đồng thuận với ông Obama nhưng lại gặp trở ngại từ cánh hữu trong đảng vì thành phần này phản đối thói cũ là chính quyền Liên bang lại quăng tiền vào giáo dục mà chẳng thực sự cải tiến trình độ học vấn của học trò. Họ cho là việc đó thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và phụ huynh hơn là của nhà nước.

Ngoài bốn trận đánh quy mô đó là nhiều màn phục kích lẻ tẻ về điều lệ áp dụng các đạo luật đã từng được đảng Dân Chủ biểu quyết trước đó, trong tinh thần thu hẹp sự can thiệp của nhà nước vào các sinh hoạt thường nhật của người dân. Cho nên tôi thiển nghĩ rằng vấn đề không chỉ thu hẹp vào chuyện kinh tế mà còn là đấu tranh về hình thái xã hội trong tương lai. Đây là ta chưa nói đến một đề mục quan trọng khác là vấn đề đối ngoại mà có khi mình sẽ còn trở lại trong một chương trình khác.

RFI xin chân thành cảm ơn chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.