Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Rác thải nhựa gây ô nhiễm Địa Trung Hải

Túi nhựa phế thải làm ô nhiễm Địa Trung Hải, đó là đề tài khiến hai tờ báo Le Monde và Le Figaro cùng quan tâm. Một công trình nghiên cứu khoa học thực hiện hồi mùa hè năm 2010 cho thấy, các vi phân tử nhựa ở đại dương này còn nhiều hơn cả ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Các loài chim biển, rùa và cá đã nuốt phải khá nhiều loại rác nhựa trôi trên biển.

DR
Quảng cáo

Le Monde trích lời một chuyên gia cho biết, có 40 mẫu vật đã được thu thập ở phía bắc Địa Trung Hải, tính trung bình có 115.000 rác nhỏ li ti trên một cây số vuông. Tỉ lệ này còn cao hơn ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, vốn đã được khảo sát từ năm 1997. Các loại túi nhựa phế thải thường tập trung tại các vùng biển nước đọng, bị bao vây bởi các dòng hải lưu gọi là vùng xoáy đại dương.

Đây là lần đầu tiên một cuộc nghiên cứu loại này được thực hiện tại Đại Tây Dương, nhờ một hiệp hội đã thuyết phục được nhiều nhà nghiên cứu làm việc tại các phòng thí nghiệm khác nhau tham gia. Họ đã sử dụng loại lưới tiêu chuẩn để thu thập vật mẫu về các động vật nổi được trên nước, có mắt lưới kích cỡ siêu nhỏ, mắc vào phía sau tàu, để thu gom các vật nổi trên bề mặt vài centimet. Các nhà khoa học ước tính có khoảng 250 tỉ rác thải nhỏ li ti ở đại dương này. Cho dù tổng khối lượng chỉ khoảng 500 tấn, nhưng rác thải nhựa có thể gây hại cho các sinh vật đã nuốt phải chúng.

Le Figaro thông tin, theo một nghiên cứu tại Nam Thái Bình Dương, mỗi năm có trên 100.000 hải sinh vật, nhất là loài rùa, đã bị chết vì túi nhựa làm ngộp thở, hay vì nuốt phải rác thải nhựa, trong khi các loại nhựa chiếm đến từ 60 đến 80% lượng rác thải trên biển. Loài chim biển fulmar sống tại vùng bị ô nhiễm nhiều nhất có đến 0,6g rác nhựa trong bao tử, có thể so sánh với một người nuốt đến 60g túi nhựa vào bụng. Người ta lo ngại tác hại của rác nhựa đối với ấu trùng và cá con, hoặc về mặt sinh học, hoặc là nạn tắc ruột, thêm vào đó tế bào cũng có thể bị ô nhiễm, gây hại cho người tiêu thụ.

Các loại rác nhựa cũng có thể là vật chủ giúp tảo sinh sôi thêm. Túi nhựa có thể bị trôi đi hàng ngàn cây số, giúp cho các sinh vật gây hại bám vào đó mà phát triển, nguy hại hơn nữa là chúng tồn tại đến hàng trăm năm, có khi hàng ngàn năm sau mới bị phân hủy. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, một con chim hải âu đã nuốt phải rác thải nhựa từ một chiếc máy bay bị bắn hạ 60 năm trước, cách địa điểm nó sinh sống đến 10.000 cây số.

Theo Le Monde, thì cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn, nhưng từ trước đến nay các công trình tìm hiểu về ô nhiễm rác thải nhựa trên biển chỉ mới do các hiệp hội tiến hành. Và như vậy, các chính quyền châu Âu cần chủ động có những nghiên cứu riêng trên vùng biển của mình, đặc biệt là ở Địa Trung Hải. Còn Le Figaro cho rằng, tuy lượng túi nhựa phế thải trên biển lâu nay không tăng thêm, nhưng việc xử lý số lượng rác tồn đọng lâu nay là không dễ dàng.

Các vấn đề quốc nội

Tựa chính của các báo xuất bản tại Paris hôm nay hầu hết nhắm vào các vấn đề nội bộ của nước Pháp. Nhật báo cánh hữu Le Figaro trích phát biểu của Tổng thống Nicolas Sarkozy :« Chế độ tuần làm việc 35 giờ trên thực tế không còn hiện hữu nữa ». Nhưng nhật báo cộng sản L’Humanité thì công bố kết quả thăm dò ý kiến của tờ báo, cho thấy 56% người Pháp chống lại việc chấm dứt chế độ làm việc 35 giờ một tuần. Nhật báo kinh tế Les Echos loan tin, bốn mươi công ty hàng đầu trên thị trường chứng khoán Paris sẽ chia cổ tức cao kỷ lục trong năm 2011. Cũng trên lãnh vực kinh tế, nhật báo France Soir cho biết theo cuộc thăm dò riêng của tờ báo này, thì có đến 72% người Pháp bác bỏ thẳng thừng việc từ bỏ đồng euro để quay lại với đồng quan Pháp. Còn về mặt xã hội, Le Monde chạy tựa « Cảnh nghèo khó đang rình rập các ông bố bà mẹ đơn thân ». Nhật báo cánh tả Libération điều tra về « Các mạng lưới hỗ trợ ông Gbagbo của Côte d’Ivoire tại Pháp », còn tờ báo công giáo La Croix tỏ vẻ phấn khởi với « Làn gió hy vọng tại nam Soudan », khi sau hàng chục năm nội chiến, vùng đất có đa số dân là người Công giáo này có thể sẽ được độc lập thông qua trưng cầu dân ý.

Máy bay tàng hình J20 : Trung Quốc đang tăng tốc hiện đại hóa quân đội

Nhìn sang châu Á, thông tín viên của Le Monde tại Thượng Hải khi đề cập đến chiếc máy bay tàng hình J20 do Trung Quốc chế tạo có thể cạnh tranh với loại máy bay F22 của Mỹ, đã nhận xét, Bắc Kinh dựa vào sức mạnh kinh tế để cố đẩy mạnh việc hiện đại hóa năng lực quân sự cho đội quân vốn đông đảo nhất thế giới này.

Báo chí Trung Quốc hãnh diện nhấn mạnh đến sự tăng tiến nhanh chóng về kỹ thuật của quân đội, trong khi vẫn lặp lại luận điệu của nhà nước về chủ trương hòa bình của Bắc Kinh. Theo Le Monde, với tầm vóc kinh tế sẵn có và tham vọng lợi ích chiến lược, Trung Quốc đang hiện đại hóa vũ khí và giảm bớt lượng quân nhân. Sau khi chế tạo được loại chiến đấu cơ J10 vào năm 1996 , có thể cạnh tranh với F16 của Mỹ, và đã bán được cho Pakistan, Trung Quốc đang bí mật tự đóng hàng không mẫu hạm, và có lẽ đang triển khai loạn hỏa tiễn đạn đạo tầm xa mang tên Đông Phong 21D, có thể tiến công các mục tiêu di động và bắn chìm hàng không mẫu hạm của địch thủ. Trong triển lãm hàng không Châu Hải vừa qua, các quan sát viên ngoại quốc nhận thấy Bắc Kinh cũng đang lo chế tạo máy bay không người lái.

Năng lực của kiểu phi cơ tàng hình J20 đang gây lo ngại, vì tầm bay hơn hẳn F22 của Mỹ, có thể chở được hỏa tiễn địa không, và có bình nhiên liệu lớn nên bay xa hơn. Các chuyên gia thắc mắc, không biết kỹ thuật của chiếc J20 đã đạt được độ chín muồi chưa. Nhưng báo chí Bắc Kinh cho rằng thời điểm đưa vào sử dụng không quan trọng bằng việc giưof đây Trung Quốc đã nghiễm nhiên nằm trong số các quốc gia hiếm hoi có được máy bay tàng hình, sau Mỹ và Nga.

Bắc Kinh tái chế được uranium

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde chú ý đến sự kiện cường quốc châu Á này đang có những tiến bộ trong lãnh vực nguyên tử. Đài truyền hình quốc gia CCTV hôm thứ tư cho biết Bắc Kinh nay đã có thể tái sử dụng nhiên liệu nguyên tử, trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi nắm được trọn vẹn quy trình khai thác nhiên liệu hạt nhân.

Theo tuyên bố của chủ tịch Tập đoàn Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc CNNC trên truyền hình, thì nhờ việc tái chế này, trữ lượng uranium hiện tại có thể sử dụng đến 3.000 năm, thay vì chỉ 50 đến 70 năm. Như vậy Bắc Kinh đã chọn lựa chiến lược giống như Paris và Tokyo, đó là sử dụng nhiên liệu hạt nhân trong vòng quay khép kín thay vì trữ chất thải. Tuy nhiên kỹ thuật này hết sức phức tạp, ngay cả Nhật Bản cũng chưa nắm vững. Le Monde nhận định, trong thời điểm hiện tại thì việc tái sử dụng uranium chưa phải là vấn đề lớn, vì Trung Quốc chỉ mới có 13 lò phản ứng hạt nhân. Nhưng trong tương lai, công suất các nhà máy điện nguyên tử của nước này từ 10,5 gigawatt hiện nay sẽ tăng đến 70-80 gigawatt vào năm 2020, trong khi nỗ lực mua lại các mỏ uranium và các công ty khai thác mỏ vẫn chưa đạt được bao nhiêu kết quả. Do đó Trung Quốc rất cần đến công nghệ tái chế trên.

Tình báo công nghiệp và chiến tranh kinh tế

Vụ gián điệp kinh tế tại hãng xe hơi Renault tiếp tục là đề tài bàn luận của các báo Pháp. Nếu nhật báo cánh hữu Le Figaro nêu ra giả thuyết gây chấn động, ba nhân viên cao cấp của hãng này có thể đã cung cấp tin tức cho Bắc Kinh, thì một bài viết trên nhật báo công giáo La Croix nhận định, đây là minh họa cụ thể cho một cuộc chiến tranh kinh tế. Theo tác giả bài báo, thì vụ này cho thấy các công ty cần phải bảo vệ tốt hơn kỹ thuật của mình.

Theo La Croix, thì tuy chưa thể đánh giá được tác hại của vụ này, nhưng đã có nhiều tiếng nói kêu gọi các công ty Pháp cần tăng cường tự vệ. Một dân biểu cho rằng cần có chiến lược an ninh kinh tế, và loan báo sẽ đệ trình một dự án luật, để có thể trừng phạt các vụ tiết lộ bí mật kinh doanh. Tờ báo cho biết thêm, thật ra lâu nay Pháp vẫn coi trọng vấn đề tình báo kinh tế, đây là lãnh vực mà phản gián Pháp rất chú ý. Các công ty Pháp cũng đã củng cố việc kiểm soát mạng lưới điện thoại và tin học. Nhưng theo các chuyên gia, thì nếu được tổ chức tốt, thì hoạt động tình báo kinh tế luôn đạt được mục đích.

Một phần ba các phụ huynh đơn thân Pháp sống dưới ngưỡng nghèo khó

Trên lãnh vực xã hội, nhật báo Le Monde cho biết một phần ba các gia đình ông bố, bà mẹ đơn thân đều nghèo khổ. Tình trạng các vụ ly hôn hay ly thân ngày càng nhiều đã làm cho mức sống của những người một mình nuôi con đột ngột giảm sút.

Theo số liệu của cơ quan Thống kê Pháp năm 2008, thì 30% các hộ gia đình đơn thân có mức sống dưới ngưỡng nghèo khó, và hầu hết là các bà mẹ độc thân. Việc tìm được chỗ gởi con, cũng như nhà ở phù hợp với mức thu nhập thấp là các vấn đề hết sức đau đầu của các bà mẹ này.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.