Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Thế giới có nguy cơ thiếu dầu hỏa ?

Đăng ngày:

Bước sang đầu 2011, cộng đồng quốc tế lại đứng trước nguy cơ phải đối phó với một cơn sốt dầu hỏa, sau hai năm giá mềm. Đồng euro đang xuống giá, nhu cầu tiêu thụ tại các nước đang phát triển tiếp tục tăng thêm, trong lúc khả năng cung cấp của các nước xuất khẩu chỉ có hạn : Đây là những nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng cao.

Giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển Mỹ
Giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển Mỹ Nasa
Quảng cáo

Ngày 11/01, giá dầu gazole tại các trạm xăng tại Pháp đã tăng lên tới hơn 1,25 euro/lít. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2008 đến nay. Giá xăng lên đến gần 1 đồng rưỡi một lít, chỉ còn thua kỷ lục hồi tháng 7/2008 có vài xu. Cách nay vài hôm, kinh tế trưởng Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế cảnh báo giá dầu hỏa trên thế giới đang bước vào một « vùng nguy hiểm » và có nguy cơ đè nặng lên đà phục hồi kinh tế thế giới.

Theo IEA trong năm 2010 nhu cầu tiêu thụ vàng đen trên thế giới tăng 2,9%. Chưa bao giờ nhân loại cần đến 87,4 triệu thùng dầu một ngày và dự phóng cho năm nay, Cơ quan này lo ngại khả năng hút dầu của thế giới tiếp tục tăng thêm ít nhất là 1,5% so với kỷ lục của năm 2010.

Trong khi đó, hóa đơn năng lượng của các nước dùng đồng tiền chung châu Âu lại tăng giá với tỉ giá euro/đô la lại đang bất lợi cho châu Âu : hiện tại 1 €  đổi lấy 1,3 đô la thay vì 1, 45 đô la như vài tuần lễ trước đây.

Thuế TIPP của Pháp

Riêng đối với người tiêu dùng Pháp, giá xăng dầu trở nên đắt đỏ một phần do thuế của nhà nước đánh vào các sản phẩm xăng dầu nhập từ bên ngoài gọi tắt là thuế TIPP là quá cao. Trả lời trên đài RFI, giám đốc cơ quan năng lượng Capgemini của Pháp bà Colette Lewiner lưu ý :

« Hiện tượng giá dầu tăng cao cùng với đồng euro mất giá so với đô la giải thích phần nào việc người tiêu dùng ở Pháp phải mua xăng, dầu với cái giá đắt hơn. Thời tiết lạnh và ẩm ướt khiến nhu cầu tiêu thụ ở các nước Âu Mỹ tăng thêm. Bên cạnh đó, tiềm năng tiêu thụ dầu hỏa của châu Á vẫn rất cao. Cuối cùng tại Pháp nếu giá 1 lít xăng là 1 euro thì có đến 80 xu là tiền thuế của nhà nước thu vào. Để làm hạ nhiệt giá xăng dầu, chính phủ Pháp có thể giảm bớt thuế. Nhưng trong bối cảnh hiện nay đây là điều không thể xảy ra ».

Ông Christian Roux, chủ tịch Hiệp hội các nhà phân phối xăng dầu tại Pháp tỏ ra thực tế :

« Thuế đánh vào các sản phẩm xăng dầu nhập từ ngoại quốc vào Pháp đem về 20 tỷ euro một năm, cộng thêm với thuế trị giá gia tăng nữa là 24 tỷ. Vậy thì ai có thể tin được là nhà nước Pháp sẽ ''bỏ lỡ'' khoản tiền lớn như vậy ? Theo tôi thuế nhập khẩu TIPP là quá cao, nhưng thành thật mà nói ngân sách của nhà nước cần khoản tiền 24 tỷ đó. Mà khi đã nói là « cần » thì nếu nhà nước không ''lấy'' ở chỗ này thì sẽ họ sẽ ''lấy'' ở chỗ khác. Có điều thuế TIPP không công bằng, vì bất luận giàu nghèo hễ cứ đi đổ xăng là người dân phải nộp thuế cho nhà nước ». 

Barils de pétrole.
Barils de pétrole. Getty Images/Photo 24/Brand X Pictures

Nhìn rộng ra toàn cảnh quốc tế trả lời báo tài chính Financial Times vào tuần trước, kinh tế trưởng Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế IEA, Fatih Birol đưa ra nhận định : giá dầu đang tiến tới ''một khu vực nguy hiểm'', có nguy cơ đe dọa đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu. IEA không loại trừ khả năng giá dầu tăng tới mức 100 đô la/thùng trong năm.

Trong khi đó các thống kê gần đây nhất của cơ quan IEA cho thấy : chi phí năng lượng của 34 quốc gia thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển, OCDE trong năm 2010 tăng thêm 200 tỷ đô la, đánh mất đi đến 0,5% GDP toàn khối.

Cũng chuyên gia Fatih Birol, cách nay một tháng, đã nhấn mạnh : giá dầu thô trên thị trường quốc tế đạt ngưỡng 89 đô la/thùng sẽ bắt đầu gây trở ngại cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong phiên giao dịch hôm nay (11/01) tại thị trường châu Á và New York, giá một thùng dầu thô đã vượt quá ngưỡng nói trên. Tuần trước giá vàng đen trên thế giới leo đến 92 -93 đô la một thùng, cao kỷ lục trong 27 tháng vừa qua. Trước mắt, các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa OPEC chưa ngỏ ý gia tăng tăng sản lượng để làm hạ nhiệt trên thị trường năng lượng.

Trả lời đài RFI ông Emmanuel Painchault, chuyên gia về hồ sơ nguyên vật liệu cơ bản và vàng tại ngân hàng Edmond de Rothschild, Paris, phân tích về hiện tượng tạm gọi là cơn sốt dầu hiện nay và ông Painchault trở lại với những yếu tố cơ bản xác định giá các nguyên liệu :

« Thực ra trong hai năm 2009-2010 thế giới trong tình trạng sản xuất dầu hỏa dư thừa. Thế nhưng đến cuối năm, do nhiều yếu tố, nhu cầu tiêu thụ đã tăng mạnh và vì vậy đã phải sử dụng đến khoản dự trữ tích tụ được trong hai năm vừa qua.

Các hoạt động trên thị trường dầu hỏa trở nên căng thẳng hơn. Theo tôi trong năm nay giá dầu sẽ tăng cao hơn so với 2009 và 2010 bởi vì các nhà sản xuất không có khả năng khai thác và cung cấp dầu hỏa nhiều hơn so với hiện nay trong khi đó nhu cầu của thế giới tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt do Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hút một phần lớn sản lượng dầu hỏa trên thế giới.

Nếu như trong hai năm vừa qua, trung bình giá một thùng dầu dao động từ 70 đến 85 đô la/thùng, thì trong năm nay giá dầu sẽ ở vào mức từ 80 đến 100 đô la/thùng. Và cũng sẽ có những lúc giá dầu vượt quá mức 110 đô la.

Một cách cơ bản mà nói thì giá nguyên liệu tùy thuộc vào những yếu tố như sau : một là cân bằng trong mức cung và cầu, hai là những yếu tố bất thường ngoài ý muốn như trong trường hợp xảy ra bạo động hay chiến tranh … Yếu tố quyết định thứ ba là những dự phóng về tương lai thị trường ; kế tiếp là các hình thức đầu cơ. Riêng với dầu khí thì giá cả còn tùy thuộc vào khả năng lọc dầu và khai thác ».

Châu Á một mắt xích chiến lược

Trước khi nhìn về phía các nhà sản xuất, xin điểm qua về tiềm năng tiêu thụ vàng đen của các nền kinh tế đang trỗi dậy. Khi nói đến nhóm các quốc gia này, mọi chú ý dồn về phía Trung Quốc. Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nguồn tiêu thụ dầu hỏa số 1 thế giới và theo dự phóng của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế, trong năm nay, Trung Quốc tiếp tục hút đến 40% sản lượng dầu của nhân loại.

Bên cạnh xưởng sản xuất của thế giới này còn phải kể đến Ấn Độ và nhiều quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á mà đứng đầu là Malaysia và Thái Lan.

Ấn Độ với một nhịp độ tăng trưởng kinh tế trung bình từ 7 đến 8 % một năm, trong thập niên tới nhu cầu năng lượng ( từ than đá, đến khí đốt dầu hỏa ….) của quốc gia rộng lớn này sẽ tăng thêm 40% so với hiện tại.
Trước đòi hỏi của cỗ xe kinh tế toàn cầu ngày càng lớn, đáng lo ngại hơn hết là kịch bản các nguồn dự trữ dầu hỏa của nhân loại đang cạn dần.

Peak Oil

Tháng 11 năm ngoái, báo cáo của Cơ quan IEA chính thức công nhận : Khả năng sản xuất dầu hỏa của thế giới đã lên cao tới mức tối đa và trước mắt các tập đoàn khai thác chưa tìm ra những nguồn dự trữ tiềm năng mới, để cho phép có thể tiếp tục đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ. Đó là khái niệm IEA gọi là Peak Oil.

Chuyên gia về dầu hỏa Mathieu Auzanneau giải thích cụ thể hơn về Peak Oil : 

"Định nghĩa của Peak Oil là gì ? Đó là điểm khởi đầu khi mức sản xuất bắt đầu lên đến đỉnh điểm và không còn có thể tăng thêm được nữa. Đây cũng là tín hiệu báo trước khối lượng dầu hỏa cung cấp trên thị trường sẽ từng bước giảm dần và trong tương lai thì mức cung không đủ sức để đáp lại với nhu cầu tiêu thụ của nhân loại.

Theo Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế thì mức sản xuất dầu hỏa của thế giới đã lên đến đỉnh điểm từ năm 2006. Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của nhân loại, nhu cầu tiêu thụ dầu còn gia tăng, nhưng mức cung thì theo không kịp. Tình hình trên thị trường dầu hỏa sẽ trở nên căng thẳng từ này đến năm 2035 ".

Nói cách khác, đe dọa thiếu dầu hỏa đang cận kề, chuyên gia Fatih Birol phân tích :

« Mỗi khu vực khai thác dầu hỏa và khí đốt, khối lượng dầu khí được khai thác thoạt đầu tăng rất nhanh, sau đó bị chựng lại và các nguồn năng lượng có thể được khai thác bị cạn dần. Dầu hỏa ngày càng trở nên khan hiếm hơn, rồi cạn hẳn. Điều đáng lo ngại hơn cả là khối lượng dầu cung cấp không còn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Theo cơ quan IEA các nguồn cung cấp chính của thế giới đang bị cạn dầu. Chỉ trong 25 năm nữa thôi chúng ta phải tìm ra các vùng đất khai thác mới có khả năng cung cấp một khối lượng lớn hơn so với khả năng sản xuất của Á Rập Xê Út hiện nay tới bốn lần, để tiếp tục có thể cung ứng đầy đủ cho cộng đồng quốc tế. Cụ thể hơn chúng ta phải tìm ra thêm 45 triệu thùng dầu một ngày »

Báo cáo trong tháng 11 vừa qua của IEA báo động là chỉ trong 10 năm sắp tới 1/3 sản lượng dầu hỏa của thế giới bị cạn, tức là mỗi ngày thị trường thế giới sẽ thiếu hụt đến 20 triệu thùng. Mức thiếu hụt đó cao gấp hai lần so với khả năng cung cấp của Ả Rập Xê Út hiện nay.

Nhà địa chất Roland Vially không hoàn toàn bi quan như chuyên gia cơ quan IEA. Ông cho rằng quan điểm trên đây quá sơ cứng và IEA ít quan tâm đến những vùng đất có nhiều tiềm năng mới luôn được các tập đoàn dầu hỏa tìm ra. Nhưng điều đó không có nghĩa là cộng đồng quốc tế đang đứng trước đe dọa cạn kiệt dầu. Đặc biệt là đối với Châu Âu, khu vực này lệ thuộc đến 95 % vào dầu nhập trong lúc nguồn cung cấp lớn nhất của châu Âu là Bắc hải, thì từ 10 năm nay, mức sản xuất tối đa « đụng đáy »

Lạc quan hơn một chút thì có thể cho rằng, cộng đồng quốc tế nên trông cậy vào các kho tàng năng lượng tiềm ẩn được giấu kín tại châu Phi, và kể cả ở châu Á.

Cơ quan năng lượng của Mỹ ước tính dự trữ dầu lửa của Ấn Độ lên tới khoảng 5,6 tỷ thùng, của Malaysia là khoảng 4 tỷ và theo các nhà quan sát Hoa Kỳ, Malaysia trong một tương lai không xa có thể trở thành địa điểm khai thác dầu ngoài khơi quan trọng hàng thứ tư trên thế giới, sau Vịnh Mêhicô, sau vùng biển gần thành phố Rio de Jeneiro của Brazil và sau châu Âu.

Vấn đề đặt ra như tai nạn giàn khoan dầu Deepwater Horizon tại bang Louisiana hồi mùa xuân 2010 cho thấy, các hoạt động khai thác dầu ngoài khơi trước mắt còn là một thách đố đối với con người. Về mặt kỹ thuật, đặt các giàn khoan với độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng biển không phải là chuyện đơn giản. Chính vì vậy mà trước mắt nhiều tập đoàn dầu hỏa châu Á đang lao vào một cuộc chạy đua quyết liệt tranh giành quyền khai thác. 

Sau Trung Quốc và Úc thì đã đến lượt các tập đoàn của Hàn Quốc và Malaysia nhòm ngó vào các nguồn dự trữ  từ Irak đến Brazil, từ Venezuela đến Canada. Qua đó là cả một bàn cờ năng lượng mới đang được định hình.

Năm ngoái qua SINOPEC, CNOOC hay Petrochina, Trung Quốc tung ra 24 tỷ đô la để tham gia vào ngành khai thác dầu khí của thế giới. Ấn Độ sau nhiều năm thu mình đã vươn ra các nước châu Phi , nhìn sang Việt Nam và kể cả Miến Điện vốn được coi là độc quyền của Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.